Châu Âu vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nhất là ở các nước Liên minh châu Âu (EU). Theo nhận định của các doanh nghiệp, đang có sự thay đổi trong cách tiêu dùng ở châu Âu, phải nắm bắt lại để định hướng sản xuất cho phù hợp.

Quan niệm mới về tiêu dùng
Theo một nghiên cứu của hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, một xu hướng mới trong tiêu dùng đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng ở châu Âu là sử dụng các sản phẩm đáp ứng đời sống tinh thần. Hàng thủ công sử dụng vật liệu hiếm, mẫu mã độc đáo sẽ khiến người mua thấy như sản phẩm được thiết kế riêng cho họ, nên sẽ quên đi mức giá.

Mặt khác, dân châu Âu bắt đầu ưa chuộng đồ nội thất, trang trí mang nét riêng của các nền văn hóa khác nên sản phẩm của các nước châu Á, Trung Đông đang có cơ hội phát triển. Để biết cách sắp xếp sản phẩm cho phù hợp, họ muốn hiểu rõ ý nghĩa hay câu chuyện làm nên sản phẩm. Với một thị trường mà người tiêu dùng không còn ưa thích các sản phẩm đại trà, thay vào đó họ lựa chọn các sản phẩm khác lạ, thì đây sẽ là cơ hội để nhà sản xuất đưa thương hiệu của mình vào thị trường châu Âu. Người dân châu Âu quan tâm không gian sống nhiều hơn, trong đó có việc làm vườn. Một trong những sản phẩm được dùng nhiều là các loại chậu bằng gốm, sứ có khả năng chống nước và chống lại sự ăn mòn của thời tiết.

Hiện nay người tiêu dùng châu Âu đã nhận biết gốm đỏ Vĩnh Long là hàng đặc trưng của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp gốm Vĩnh Long là xuất khẩu bằng chính thiết kế của mình mới chỉ chiếm 10% và chưa chú ý nhiều đến yếu tố đưa giá trị văn hóa Việt Nam vào sản phẩm .

Tiêu dùng sao cho thế giới phát triển bền vững cũng đang được tuyên truyền mạnh mẽ. Người tiêu dùng châu Âu coi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động tới quyết định mua hàng của họ. Ngoài ra, các nhà phân phối và cung cấp cũng ngày càng nhận ra rằng những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh tốt hơn. Chính vì vậy mà sản phẩm khay, giỏ, thùng sản xuất từ giấy báo cũ được các nước châu Âu đặt hàng hợp tác xã Ba Nhất.

Thay đổi cách tiếp cận thị trường
Trong thời gian tới, châu Âu không chỉ đòi hỏi hàng may mặc phải bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, mà còn đòi hỏi về trách nhiệm xã hội và thái độ bảo vệ môi trường trong sản xuất khá khắt khe. Đây sẽ trở thành một yếu tố cạnh tranh giữa các nhà cung cấp các nước. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đầu tư, sản xuất các sản phẩm an toàn cho người mặc và thân thiện với môi trường, như công ty dệt kim Đông Phương có vải làm từ sợi cây tre, công ty may Đồng Nai đưa ra dòng sản phảm áo vô trùng làm từ sợi carbon, áp dụng công nghệ dệt không bám dính, không chứa bụi… Tuy nhiên, chọn lựa thiết kế thế nào để thực sự xuất khẩu hàng Việt Nam chứ không phải hàng gia công.

Đối với rau hoa quả, trong 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu sang châu Âu đạt 33,8 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ 2009, vẫn còn rất khiêm tốn do đây là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, các quy định liên tục thay đổi khiến sản phẩm của Việt Nam không kịp thời đáp ứng. Những điểm quan trọng có thể khai thác để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả là người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn 10% đối với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt, họ đang dùng nhiều rau xanh và trái cây thay thế cho thực phẩm có nhiều chất béo. Một xu hướng khác là họ đang thiên về tiêu dùng các sản phẩm rau quả tiện dụng, chế biến như nước quả ép, rau quả đóng hộp, ngâm giấm, chế biến sẵn.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu từ trước đến nay đều chưa theo một chiến lược thâm nhập thị trường bài bản, nên dễ có tâm lý bỏ cuộc giữa chừng khi thị phần sụt giảm. Vì vậy, nếu xác định thị trường thì doanh nghiệp nên dành 10 – 30% doanh thu cho công tác tiếp thị. Có thể tiếp thị theo các vấn đề đang được quan tâm như việc châu Âu đang chống những hiểm họa của vấn đề môi trường. Mặt khác, sự thay đổi mẫu mã sản phẩm thường xuyên cũng làm cho người tiêu dùng thấy rằng sản phẩm Việt nam luôn được nâng cao chất lượng.

  • Tags: