Những mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ninh Thuận huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân năng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

ninh thuan

Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn 06 huyện và 01 thành phố, dân số có 144.200 người, chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Chăm chiếm 12,17%, dân tộc Raglai chiếm 10,39%; đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận có truyền thống đoàn kết, yêu nước, có bản sắc văn hóa, tiếng nói riêng của mỗi dân tộc; trong đó dân tộc Chăm và dân tộc Raglai theo chế độ mẫu hệ.

Đồng bào dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Dân tộc Raglai chủ yếu ở miền núi, sinh sống bằng nghề nông nghiệp; Đồng bào dân tộc Chăm chủ yếu theo 03 tôn giáo chính, đạo Bàlamôn, đạo Bà ni và đạo Islam; dân tộc Raglai chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian, một số ít theo đạo Thiên Chúa giáo, Tin Lành và tôn giáo khác...

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ninh Thuận huy động nhiều nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân năng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

mô hình chăn nuôi dê
Mô hình chăn nuôi dê ở huyện Hàm Thuận Nam

Mô hình nuôi bò

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã chủ trì triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số” thực hiện tại 3 xã: Xã An Hải (huyện Ninh Phước), xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và xã Phước Thắng (huyện Bác Ái).

Sau 2 năm triển khai, đến nay đã thực hiện 3 mô hình cho kết quả tích cực. Một là mô hình nuôi bò thuần hướng thịt (bò cái Brahman), quy mô 30 con bò cái giống đã phối có chửa 19/30 bò cái có chửa, số bê sinh ra: 7 con, khối lượng bê sinh ra bình quân đạt 27 kg/con. Hai là mô hình nuôi bò lai hướng thịt (bò cái lai Zebu), quy mô 6 bò đực giống, thụ tinh nhân tạo với các giống tinh Brahman, Angus. Đã phối giống trực tiếp được 126/240 con bò cái có chửa, có 9 bê con được sinh ra với khối lượng bình quân 22,5kg/con. Đã thụ tinh nhân tạo có chửa 224 con/260; tỷ lệ phối có chửa lần 1 đạt 86,1%, số bê sinh ra: 33 con, khối lượng sơ sinh bình quân 26kg/con. Ba là mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, quy mô 6 ha. Cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, đã cắt lứa 4; ủ được 20,5 tấn thức ăn.bNgoài ra, dự án đã đào tạo 06 kỹ thuật viên cơ sở có khả năng thực hiện các nội dung của quy trình công nghệ trong dự án; Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho 150 hộ nông dân tham gia dự án.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng triển khai dự án Ngân hàng bò cho đồng bào Ra Glai ở huyện miền núi Bác Ái, Ninh Thuận. Có 130 hộ nghèo ở hai xã Phước Chính và Phước Trung được hỗ trợ mỗi hộ một con bò cái sinh sản. Từ 130 con bò cái sinh sản ban đầu, đến nay, Dự án Ngân hàng bò đã phát triển tăng thêm hơn 200 con. Nhiều hộ phát triển đàn bò gần chục con, gây dựng vốn liếng hàng trăm triệu đồng, vừa ổn định đời sống vừa có điều kiện đầu tư trồng cỏ để vỗ béo bò, ngày càng sinh lợi nhiều hơn.

Ngoài ra, bà con dân tộc Ra Glai ở hai xã Phước Chiến và Phước Kháng, huyện Thuận Bắc được Tập đoàn Vingroup trao 100 con bò giống sinh sản, với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên, địa phương đã thành lập các nhóm cùng sở thích nuôi bò với 25 thành viên.

Mô hình trồng măng tây xanh

Tuấn Tú là thôn đồng bào dân tộc Chăm có dân số 2.196 người (546 hộ). Với diện tích tự nhiên 458 ha, chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, Tuấn Tú chỉ có 137 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 65 ha ruộng lúa, còn lại là đất rẫy trồng rau màu các loại...

mang tay

Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hải, để thực hiện Dự án trồng MTX Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm, Mặt trận phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã; chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, Ban Quản lý thôn Tuấn Tú và Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú khảo sát, xét chọn được 24 hộ của thôn Tuấn Tú (trong đó có 11 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo) tham gia dự án. Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ nguồn kinh phí giảm nghèo bền vững năm 2019 của Trung ương MTTQ Việt Nam, từ đầu năm 2020, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay không lấy lãi 15 triệu đồng/hộ trong thời hạn 3 năm.

24 hộ gia đình cùng mua chung, bán chung thành chuỗi giá trị, được Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài thu nhập và lợi nhuận mỗi tháng 8 - 9 triệu đồng, các thành viên trong tổ còn được đào tạo nghề ngắn hạn về quy trình, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi, khuyến nông, ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm… Hiện nay, tất cả các hộ tham gia thực hiện mô hình đã phát triển kinh tế ổn định và đã tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững

Để nhân lên kết quả này, từ năm nay trở đi, vốn vay được thu hồi dần theo mức thu tuần tự 50% đối với hộ nghèo, 60% đối với hộ cận nghèo và 75% đối với các hộ khác. Vốn thu hồi sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hải tiếp tục triển khai luân chuyển kinh phí cho vay các hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn khác.

Mô hình hỗ trợ tam nông

Dự án Hỗ trợ Tam nông (Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn) tỉnh được Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ, được triển khai thực hiện tại 27 xã, có ý nghĩa quan trọng trong khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một mô hình điển hình là xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải  có tổng diện tích tự nhiên 12.400 ha với trên 2/3 là đồi núi. Toàn xã có 5 thôn với dân số trên 6.500 người, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai là Cầu Gãy, Đá Hang. Dự án hỗ trợ Tam nông thực hiện thông qua Hội nông dân xã. Hội nông dân xã đã chọn chăn nuôi, một thế mạnh kinh tế nông nghiệp từ lâu của Vĩnh Hải. Hiện tổng đàn gia súc có sừng cả xã gồm: 900 con bò, trên 3.000 con dê và trên 1.000 con cừu.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân được chuyển giao dê giống (mỗi hộ 6 con), cụ thể có 42 con dê giống được hỗ trợ cho 7 hộ. Ngoài ra, còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm nuôi dê ở thôn Thái An làm chuồng nuôi. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật nuôi an toàn, bền vững. Căn cứ vào đặc điểm sản xuất của đồng bào dân tộc Raglai, xã Vĩnh Hải đã xác định 6 chuỗi giá trị sản phẩm (dê, nho, tỏi, lúa, bò và heo đen), song qua thực tế phát triển đã chứng minh dê vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ. Vì vậy, từ kết quả mô hình, người dân trong xã tiếp tục liên kết sản xuất, tạo dựng giá trị kinh tế bền vững và lâu dài nhằm thoát nghèo bền vững.

Kim Bảng và nhóm tác giả