Những năng lực cần thiết cho sự phát triển và hội nhập của các trường đại học tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo sát từ giảng viên

NCS. ThS. MẠCH TRẦN HUY [Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) - Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF)]

TÓM TẮT:

Nghiên cứu xác định những năng lực nào cần có và tác động đến sự phát triển của các trường đại học tư thục (ĐHTT) tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu này kết hợp sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng để kiểm định mô hình nghiên cứu. Thang đo được đánh giá sơ bộ thông qua kỹ thuật kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả sau đánh giá sơ bộ là nền tảng chính thức cho việc thiết kế lại bảng câu hỏi, phục vụ hoạt động nghiên cứu chính thức sau này.

Từ khoá: năng lực, phát triển hội nhập, trường đại học tư thục, giáo dục đại học, thành phố Hồ chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Theo Parajuli và cộng sự (2020), vai trò thực tiễn của giáo dục đại học (GDĐH) trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia được tích cực ghi nhận. Cụ thể, GDĐH có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo thông qua thực hiện sứ mệnh đào tạo lực lượng lao động có trình độ và khả năng thích ứng cao, tạo ra kiến thức mới thông qua nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, thúc đẩy đổi mới thông qua ứng dụng kiến thức và công nghệ mới (Salmi, 2017). Sự tiến bộ của các nền kinh tế Đông Á trong những năm gần đây cho thấy mối quan hệ cộng sinh mạnh mẽ giữa GDĐH, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng thông qua đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (World Bank, 2012).

Nhìn ở góc độ khách quan, hệ thống trường ĐHTT và cao đẳng tư thục (CĐTT) tại Việt Nam có những đóng góp đáng kể cho xã hội liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước và giải quyết công việc làm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục. Cụ thể, theo niên học 2015 - 2016, hệ thống ĐHTT và CĐTT đã đào tạo gần 290.000 sinh viên chiếm khoảng 13% tổng sinh viên cả nước. Theo thống kê, số lượng sinh viên tham gia học tập tại các trường ĐHTT tăng 2% so với niên học 2014 - 2015. Bên cạnh những đóng góp này, các trường ĐHTT còn nhiều hạn chế mang tính cấp thiết, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tồn tại và phát triển của các cơ sở GDĐH tư thục như sau:

Về cơ sở vật chất: Đa số các trường ĐHTT có cơ sở đào tạo phân tán, quy mô nhỏ, hơn nữa nhiều cơ sở không có quyền sở hữu đất và phải thuê 100% cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, điều kiện thư viện kém, thiếu tài liệu học tập và thiếu các dịch vụ hỗ trợ học tập, căng tin chưa đảm bảo, khu vệ sinh chưa sạch sẽ, thông thoáng,… tất cả những hạn chế này có ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động của trường bằng nhiều cách (Vo và cộng sự, 2019).

Về tài chính: Trên thực tế, cơ cấu thu chi của các trường ĐHTT khá tương đồng, trong đó, nguồn thu chủ yếu là từ học phí, chiếm khoảng hơn 60% tổng thu, trong khi đó, các khoảng chi phí chính cho các hoạt động thường xuyên như lương, điện, nước và bảo trì thiết bị chiếm khoảng gần 60%, chưa kể đến phần cổ tức cho cổ đông. Hơn nữa, các cơ sở GDĐH tư thục phải tự chủ về tài chính mọi mặt, đa phần do các cá nhân, các doanh nghiệp, hoặc các tổ chức xã hội đầu tư vào và vận hành như là một “doanh nghiệp kinh doanh giáo dục”. Với định hướng này, nhiều cơ sở GDĐH tư thục chú trọng kết quả hoạt động tài chính hơn những chỉ số kết quả khác nên đa số ít đầu tư vào “những hoạt động khác ngoài hoạt động đào tạo” (Fry, 2009). Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng của ĐHTT ở Việt Nam so với nhiều nước. Ở các nước phát triển, các trường ĐHTT hầu hết là phi lợi nhuận (Vo và cộng sự, 2019).

Về nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực trong hệ thống GDĐH tư thục còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Đa số các trường ĐHTT vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vị trí quản lý và giảng viên. Trong khi đó, các trường ĐHCL có ưu thế hơn các trường ĐHTT trong việc thu hút nguồn nhân lực có học hàm, học vị cao. Bên cạnh đó, biên chế chuyên trách có sự phân hóa, cán bộ có học hàm, học vị thường là người cao tuổi, trong khi hầu hết các giảng viên trẻ có trình độ cử nhân. Do đó, vẫn còn tồn tại những bất đồng giữa giáo viên lớn tuổi và giáo viên trẻ về quan điểm, lối tư duy, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá (Vo và cộng sự, 2019).

Về nghiên cứu khoa học: Do áp lực về nguồn tài chính và quan điểm “doanh nghiệp kinh doanh giáo dục” nên hầu hết các trường ĐHTT chưa chú trọng “đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học”. Hơn nữa, vai trò của hội đồng khoa học ở đa số các trường ĐHTT khá mờ nhạt, ảnh hưởng đến sự phát triển nghiên cứu khoa học theo chiều sâu (Vo và cộng sự, 2019).

2. Phương pháp định tính

         Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước về năng lực tổ chức, năng lực cơ sở GDĐH và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của các cơ sở GDĐH tư thục, tác giả xác định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu năng lực (NCNL) của trường ĐHTT tại TP. Hồ Chí Minh, tiến hành xây dựng thang đo sơ bộ và lập bảng câu hỏi khảo sát ban đầu. Sau đó, tác giả tiến hành thảo luận nhóm, phỏng vấn chuyên gia nhằm xác định thang đo phù hợp, đồng thời đảm bảo các câu hỏi khảo sát phải rõ nghĩa và phù hợp với thang đo. Sau bước này, một cuộc khảo sát thử được thực hiện nhằm để đánh giá lại sự phù hợp của bảng câu hỏi để chắc chắn rằng nội dung các câu hỏi khảo sát được hiểu đúng nghĩa. Trên cơ sở những phản hồi qua cuộc khảo sát thử, theo đó, tác giả tiến hành điều chỉnh để hoàn thiện bảng câu hỏi, chuẩn bị cho cuộc khảo sát chính thức.

3. Phương pháp định lượng

Về mặt khái niệm, nghiên cứu định lượng là một cuộc điều tra có hệ thống về các hiện tượng bằng cách thu thập dữ liệu định lượng và thực hiện các kỹ thuật thống kê, toán học hoặc tính toán. Phương pháp này được thực hiện nhằm khẳng định các nhân tố, đưa ra các giá trị độ tin cậy và mức độ phù hợp của các thang đo đã được xác định. Kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu, xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến NCNL của các trường ĐHTT tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh nền GDĐH của Việt Nam và thế giới hiện nay.

Phương pháp lấy mẫu được áp dụng là phương pháp lấy mẫu phi xác xuất và thuận tiện. Dữ liệu chính phục vụ cho nghiên cứu này được thu thập thông qua cuộc khảo sát chính thức được thực hiện từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021. Cuộc khảo sát chính thức được thực hiện thông qua hình thức gửi bảng câu hỏi trực tiếp bằng đường bưu điện đến các giảng viên của các trường ĐHTT tại TP. Hồ Chí Minh. Số lượng mẫu khảo sát ban đầu là 485. Số lượng bảng câu hỏi nhận lại được sau cuộc khảo sát là 478, chiếm 98.56% tỷ lệ trả lời. Sau khi sàng lọc để loại ra những bảng câu hỏi có phần trả lời chưa hoàn chỉnh, số còn lại là 465, chiếm 95.88 % tỷ lệ trả lời. Dữ liệu thu thập được sau khi được sàng lọc được phân tích bằng kỹ thuật mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Đây là một phương pháp phù hợp cho các nghiên cứu có mô hình cấu trúc phức tạp (có nhiều cấu trúc và nhiều chỉ số), theo Ringle và cộng sự (2013). Kết quả thống kê cho phép đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích nhân tố khẳng định (CFA) để đánh giá độ tương thích với dữ liệu, tính nguyên đơn, giá trị phân biệt, giá trị hội tụ để kiểm định mô hình nghiên cứu. Cuối cùng, các giả thuyết nghiên cứu được kiểm định bằng phân tích kết quả bootstrap thông qua các chỉ số quan trọng như hệ số đường dẫn, “p-values”, các khoảng tin cậy, để rút ra kết luận liên quan đến NCNL của các trường ĐHTT tại TP. Hồ Chí Minh.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Kiểm định Cronbach’s Alpha

     Kiểm định Cronbach’s Alpha được thực hiện để đánh giá độ tin cậy của thang đo trước khi thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA). Đánh giá độ tin cậy của thang đo là bước quan trọng để xem các biến quan sát trong cùng một thang đo có nhất quán hay không. Trong nghiên cứu này, bước kiểm định Cronbach’s Alpha được thực hiện để kiểm tra độ tin cậy của 7 thang đo, bao gồm: (1) “Cơ sở vật chất” (CSVC), (2) “Nguồn vốn (NV), (3) “Đội ngũ quản lý, giảng viên” (GV); (4) “Đào tạo và nghiên cứu khoa học” (NCKH), (5) “Ứng dụng khoa học công nghệ” (KH), (6) “Chất lượng sinh viên và số lượng sinh viên” (SV), (7) “Năng lực” (NL). Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha này được trình bày cụ thể như sau:

4.1.1. Thang đo “Cơ sở vật chất”

     Thang đo “Cơ sở vật chất” (Ký hiệu: CSVC) có Cronbach’s Alpha = 0,827 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng, thang đo CSVC đạt độ tin cậy, do đó tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.1.2. Thang đo “Nguồn vốn”

Thang đo “Nguồn vốn” (Ký hiệu: NV) có Cronbach’s Alpha = 0,758 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của các biến quan sát (ngoại trừ NV2) đều lớn hơn 0,3. Kết quả phân tích cho thấy NV2 có hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh = 0,118 < 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha khi xóa biến NV2 là 0,837, lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của NV (0,758). Do đó, NV2 sẽ bị loại ra khỏi thang đo NV. Theo đó, tác giả thực hiện phân tích Cronbach’s Alpha lần 2 cho thang đo NV với 4 biến quan sát được xác định hợp lệ, sau khi loại biến NV2.

Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha lần 2 của thang đo NV có Cronbach’s Alpha = 0,837 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng, thang đo NV đạt độ tin cậy, do đó tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.1.3. Thang đo “Đội ngũ quản lý, giảng viên”

     Thang đo “Đội ngũ quản lý, giảng viên” (Ký hiệu: GV) có Cronbach’s Alpha = 0,828 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng thang đo GV đạt độ tin cậy, do đó, tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.1.4. Thang đo “Đào tạo và nghiên cứu khoa học”

     Thang đo “Đào tạo và nghiên cứu khoa học” (Ký hiệu: NCKH) có Cronbach’s Alpha = 0,814 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng, thang đo NCKH đạt độ tin cậy, do đó, tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.1.5. Thang đo “Ứng dụng khoa học công nghệ”

     Thang đo “Ứng dụng khoa học công nghệ” (Ký hiệu: KH) có Cronbach’s Alpha = 0,827 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng, thang đo KH đạt độ tin cậy, do đó, tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.1.6. Thang đo “Chất lượng sinh viên và số lượng sinh viên”

     Thang đo “Chất lượng sinh viên và số lượng sinh viên” (Ký hiệu: SV) có Cronbach’s Alpha = 0,813 > 0,7 và hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh của tất cả các biến quan sát đều lớn hơn 0,3. Kết quả này xác định rằng, thang đo SV đạt độ tin cậy, do đó, tất cả các biến này đều được giữ lại để sử dụng để phân tích EFA ở phần tiếp theo.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA

     Phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để khám phá cấu trúc nhân tố cơ bản của một tập hợp các biến được đo lường và kiểm tra độ tin cậy bên trong của nó. Bước này được thực hiện sau bước kiểm định Cronbach’s Alpha để chắc chắn rằng độ tin cậy được thiết lập trước khi đưa vào phân tích nhân tố khám phá. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA được trình bày cụ thể như sau:

     Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha xác định rằng có 6 thang đo, bao gồm: “Cơ sở vật chất” (CSVC) có 4 biến quan sát; thang đo “Đội ngũ quản lý, giảng viên” (GV) có 5 biến quan sát; thang đo “Đào tạo và nghiên cứu khoa học” (NCKH) có 4 biến quan sát; thang đo “Ứng dụng khoa học công nghệ” (KH) có 4 biến quan sát; thang đo “Chất lượng sinh viên và số lượng sinh viên” (SV) có 4 biến quan sát; và thang đo “Năng lực trường ĐHTT” (NL) có 4 biến quan sát, đều có Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7 và hệ số  tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh lớn hơn 0,3. Do đó, tất cả các thang đo này đều thỏa độ tin cậy. Riêng thang đo “Nguồn vốn” (NV) có 5 biến quan sát, kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy rằng, biến quan sát ký hiệu (NV2) có Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7 nhưng có hệ số tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh nhỏ hơn 0,3, do đó, NV2 bị loại. Sau đó, kiểm định Cronbach’s Alpha được thực hiện lại cho thang đo NV sau khi đã loại NV2, kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha lần 2 xác định thang đo NV đạt tin cậy (Cronbach’s Alpha > 0,7 và hệ số  tương quan Biến - Tổng hiệu chỉnh lớn hơn 0,3). Do đó, thang đo mới của NV được thiết lập gồm 4 biến quan sát. Tổng kết lại, tác giả đã đưa tất cả 29 biến quan sát vào mô hình nghiên cứu để thực hiện phân tích EFA.

     Kết quả kiểm định KMO và Bartlett’s trong phân tích nhân tố cho thấy giá trị sig = 0,000 chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể và hệ số KMO rất cao so với ngưỡng chấp nhận lần lượt là 0,846 > 0,5 và 0,804 > 0,5, do đó, phân tích nhân tố là phù hợp.

Kết quả phân tích EFA cho thấy rằng tất cả hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5, do đó, các biến quan sát có ý nghĩa thống kê tốt (Hair và cộng sự, 2014).

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo CSVC cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm CSVC1, CSVC2, CSVC3, CSVC4.

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo NV cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm NV1, NV3, NV4, NV5.

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo GV cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm GV1, GV2, GV3, GV4, GV5.

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo NCKH cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm NCKH1, NCKH2, NCKH3, NCKH4.

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo SV cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm SV1, SV2, SV3, SV4.

     Kết quả phân tích EFA đối với thang đo NL cho thấy, với phương pháp trích nhân tố trích được 1 nhân tố và phương sai trích được bao gồm NL1, NL2, NL3, NL4.

4.3. Phân tích nhân tố khẳng định CFA

     Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA thể hiện các chỉ số bao gồm: GFI = 0,942 > 0,9; TLI = 0,982 > 0,9; CFI = 0,985 > 0,9; RMSEA = 0,022 < 0,08; PCLOSE = 1,000 > 0,05; Chi-square/df = 1,228 < 3. Kết quả này khẳng định mô hình phù hợp với dữ liệu (Hair và cộng sự, 2019; Hu & Bentler, 1999). Ngoài ra, kết quả phân tích cho giá trị p-value đều nhỏ hơn 0,05. Như vậy, tất cả các biến quan sát đều có ý nghĩa trong mô hình (Mohanty và cộng sự, 2015).

5. Kiểm định mô hình lý thuyết

5.1. Kiểm định giả thuyết bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM)

     Sau khi kiểm định CFA cho mô hình tới hạn ở phần 4, các thang đo trong mô hình lý thuyết đã được đánh giá và cho kết quả phù hợp. Mục này sẽ tiến hành kiểm định mô hình lý thuyết cùng với những giả thuyết cho các khái niệm bằng phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) sử dụng phần mềm AMOS.

     Kết quả kiểm định mô hình SEM xác định mô hình lý thuyết đề xuất được thiết lập. Kết luận này được xác thực thông qua các chỉ số kết quả bao gồm: GFI = 0,942 > 0,9; TLI = 0,982 > 0,9; CFI = 0,985 > 0,9; RMSEA = 0,022 < 0,08; PCLOSE = 1,000 > 0,05; Chi-square/df = 1,228 < 3.

     Bên cạnh đó, các mối tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu được chứng minh qua kiểm định mô hình SEM thể hiện qua hệ số hồi quy chuẩn hóa và mức ý nghĩa p-value. Kết quả này xác định rằng, tất cả các biến đều có ý nghĩa trong mô hình do p-value < 0,05 và các thang đo lường của các khái niệm trong mô hình nghiên cứu đạt giá trị liên hệ lý thuyết. Đồng thời, kết quả này xác định rằng các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 được chấp nhận với độ tin cậy 95%.

5.2. Phân tích Bootstrap

     Kết quả thực hiện Bootstrap với 1000 lần cho thấy các giá trị tuyệt đối C.R ở tất cả các mối liên hệ nhỏ hơn 1,96, như vậy độ chệch bằng 0 có ý nghĩa thống kê ở mức tin cậy 95%, do đó, mô hình ước lượng đạt đô tin cậy và đề xuất được chấp nhận, cụ thể như sau:

- Giả thuyết 1 (H1): “Cơ sở vật chất tác động tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,255; S.E. = 0,044; C.R. = 4,389; p = 0,000.

- Giả thuyết 2 (H2): “Nguồn vốn tác động tích cực tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,187; S.E. = 0,040; C.R. = 3,309; p = 0,000.

- Giả thuyết 3 (H3): “Đội ngũ quản lý, giảng viên tác động tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,172; S.E. = 0,029; C.R. = 3,881; p = 0,000.

- Giả thuyết 4 (H4): “Đào tạo, nghiên cứu khoa học tác động tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,200; S.E. = 0,041; C.R. = 3,706; p = 0,000.

- Giả thuyết 5 (H5): “Ứng dụng khoa học công nghệ tác động tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,140; S.E. = 0,044; C.R. = 2,578; p = 0,010.

- Giả thuyết 6 (H6): “Chất lượng sinh viên, số lượng sinh viên tác động tích cực đến nâng cao năng lực của trường ĐHTT” và mối quan hệ này có ý nghĩa. Kết luận này được chứng minh thông qua kết quả thống kê như β = + 0,319; S.E. = 0,045; C.R. = 5,622; p = 0,000.

6. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, để phát triển hội nhập của các trường đại học tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh, cần 6 biến độc lập, bao gồm: “Cơ sở vật chất”; “Nguồn vốn”; “Đội ngũ quản lý, giảng viên”; “Đào tạo và nghiên cứu khoa học”; “Ứng dụng khoa học công nghệ”; “Chất lượng sinh viên và số lượng sinh viên”; và 1 biến phụ thuộc là “Nâng cao năng lực trường ĐHTT”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abidin, Muhammad & Lubis, Abdul & Darsono, Nurdasila & Djalil, Muslim. (2021). Role of Lecturers Engangement To Improving Aceh Private University Performance During Covid-19. 10.2991/assehr.k.210125.023.
  2. (2012). Private higher education across Asia: expanding access, searching for quality. Mandaluyong City: Asian Development Bank.
  3. (2011). Panel Discussion on Key Policy Issues in the Growth of Private Higher Education. International Forum: The Changing Face of Higher Education in Asia, July 26-27, at Asian Development Bank, Manila, Philippines.
  4. Akhmetshin, E. M., Larionova, G. N., Lukiyanchina, E. V., Savitskaya, Y. P., Aleshko, R. A., & Aleynikova, O. S. (2019). The influence of educational environment on the development of entrepreneurial skills and competencies in students. Journal of Entrepreneurship Education, 22, 1-13.
  5. Kumari, N. (2019). Using SPSS to find the factors affecting the quality of education in private universities in Haryana. I-Manager's Journal of Educational Technology, 15(4), 31-39.

 

COMPETENCIES WHICH ARE NEEDED FOR THE INTEGRATION DEVELOPMENT OF PRIVATE UNIVERSITIES IN HO CHI MINH CITY: SURVEY RESULTS FROM LECTURERS

Ph.D’s student, Master. Mach TRAN HUY 1,2

1 Lac Hong University

2 Ho Chi Minh City University of Economics and Finance

ABSTRACT:

This study identified competencies which are needed for private universities in Ho Chi Minh City and their impacts on the development of private universities. Qualitative research methods and quantitative research methods were used in this study to test the research model. Meanwhile, the study scale was preliminarily evaluated by using Cronbach's Alpha and exploratory factor analysis. The results which were obtained after the preliminary assessment were officially used for the re-design of questionnaire and these results could be used for further researches in the future.

Keywords: capacity, integration development, private university, higher education, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 17, tháng 6 năm 2021]