Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam hiện đứng đầu về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh (raw frozen) cho thị trường Nhật Bản. Tháng 8, Nhật Bản nhập khẩu trên 20.400 tấn tôm nguyên liệu đông lạnh các loại, trị giá khoảng 202 triệu USD. Giá trung bình đạt 9,88USSD/kg. Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm đông lạnh các loại của Nhật Bản đạt trên 125.400 tấn, trị giá khoảng 1,135 tỷ USD. Giá trung bình đạt khoảng 9,05 USD/kg.

Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng tôm cho thị trường Nhật Bản với khối lượng đạt 25.199 tấn, tiếp sau là Indonessia, Thái Lan và Ấn Độ. Mặc dù tôm Việt Nam đang chiếm được ưu thế tại thị trường Nhật Bản nhưng trong tuần thứ hai của tháng 9.2010, lần đầu tiên một lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm dư lượng trifluralin vượt mức cho phép trên hệ thống cảnh báo nhập khẩu của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Trifluralin là haotj chất nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ) – đang có trong thành phần của nhiều sản phẩm thuốc sử dụng trong nuôi trồng thủy sản Việt Nam dùng để diệt nấm, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh.

Ngay sau khi phát hiện chất trifluralin, phía Nhật Bản đã ra cảnh báo và nâng mức kiểm tra các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam lên 30%. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng mức kiểm soát này sẽ tăng lên 100% nếu phía Nhật phát hiện có lô tôm thứ 2 nhập khẩu từ Việt Nam có chứa chất trifluralin.

Vào đầu năm 2010, việc cảnh báo tương tự đã được phía Nhật dành cho mặt hàng cá tra. Cách đây hơn 10 năm, khi các loại tôm biển của Việt nam đang xuất khẩu rất thuận lợi sang thị trường châu Âu và Nhật Bản, cũng đã xảy ra một chuyện tương tự. Điều này đã làm điêu đứng mặt hàng tôm biển nước ta, ngành thủy sản phải mất nhiều thời gian và chi phí rất tốt kém để khắc phục. Đó là việc tôm biển xuất khẩu bị nhiễm một loại thuốc kháng sinh bị cấm có tên chloramphenicol. Các chủ tàu đánh bắt tôm ngoài khơi đã sử dụng loại thuốc kháng sinh này để bảo quản tôm được tươi lâu hơn. Sau khi bị phát hiện, tôm xuất khẩu của Việt Nam bị kiểm tra nghiêm ngặt, nhiều lô hàng nhiễm kháng sinh trị giá hàng triệu USD bị buộc phải tiêu hủy ở nước ngoài hoặc trả ngược về Việt Nam. Để tránh rủi ro thiệt hại, lần lượt các nhà máy sản xuất tôm đều phải đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị phòng thí nghiệm nhằm phát hiện, loại trừ tôm nguyên liệu bị nhiễm chloramphenicol ngay từ đầu vào.

Để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, ngày 17/9/2010 VASEP đã gửi Công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo và đề nghị Bộ xem xét và sớm có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và người nuôi trong kiểm soát dư lượng trifluralin trong sản phẩm tôm nuôi nói riêng và thủy sản nuôi nói chung.

Ngày 07/10/2010, VASEP gửi công văn lần 2 (Công văn số 146/CV-VASEP) tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Bộ trưởng có văn bản chỉ đạo các cấp tăng cường kiểm tra việc mua bán và sử dụng chất này như là biện pháp cần thiết và cũng là chứng cứ mạnh mẽ cho các bạn hàng Nhật Bản thấy được nỗ lực, cam kết của Chính phủ và ngành thủy sản Việt Nam trong việc kiểm soát trifluralin và vấn đề an toàn thực phẩm thủy sản nói chung.

Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác thương mại thủy sản lớn của Việt Nam bởi riêng sản phẩm tôm, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 190.000 – 200.000 tấn, và Việt Nam đã và đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này (39.000 – 43.000 tấn/năm, chiếm khoảng 21% tổng lượng tôm Nhật Bản nhập khẩu). Bởi vậy khi phía Nhật Bản cảnh báo tôm Việt Nam bị nhiễm trifluralin, nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời, kiên quyết, một khi “thảm họa trifluralin” xảy ra, hậu quả sẽ lớn hơn so với thiệt hại do chloramphenicol gây ra, bởi hiện nay hàng thủy sản Việt Nam đã có vị trí trên thị trường thế giới tốt hơn nhiều so với hơn 10 năm trước.

  • Tags: