TÓM TẮT:

Ngày nay, việc khai thác môi trường nước có thể tạo ra những thành tựu cho đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời có thể gây ra những tác hại tiêu cực về sức khỏe cho con người, ảnh hưởng đến các động vật khác và làm suy giảm chất lượng môi trường nước. Các thiệt hại này có thể được khắc phục một phần qua chế tài về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. Bài viết này bình luận các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước và thực tiễn áp dụng các nguyên tắc đó tại Việt Nam.

Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, ô nhiễm môi trường nước, nguyên tắc cơ bản của pháp luật, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

1. Đặt vấn đề

Pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước được xây dựng và áp dụng dựa trên các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong các điều ước quốc tế và trong hệ thống pháp luật quốc gia, bao gồm: nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nguyên tắc phòng ngừa, nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp, nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững.

2. Những nguyên tắc cơ bản

2.1. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, được viết tắt là PPP (Polluter pays principle) là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nội hàm của nguyên tắc này đòi hỏi người gây ô nhiễm phải chi trả các chi phí phát sinh do vấn đề ô nhiễm môi trường mà họ gây ra, từ đó sẽ tạo ra động lực kinh tế, điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm, làm giảm vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp nhà nước giảm bớt chi phí cho việc giám sát [2].

Trên cơ sở nội hàm của nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải chi trả các chi phí sau: (i) chi phí của các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm do người gây ô nhiễm thực hiện, (ii) chi phí thiệt hại do vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra. Ngoài hai khoản chi phí nói trên, người gây ô nhiễm có thể phải chi trả khoản chi phí thứ ba là chi phí của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đảo bảo thực thi nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền như chi phí hành chính để thực thi các quy định pháp luật về quản lý môi trường, chi phí xác định mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường, chi phí xác định chủ thể gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại về môi trường [1].

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được đề cập lần đầu tiên vào năm 1972 bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD[1] [3]. Sau đó, OECD tiếp tục xây dựng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền như một nguyên tắc buộc người gây ô nhiễm phải chịu chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục và cải thiện môi trường theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo môi trường trong tình trạng có thể chấp nhận được[4]. Từ sự xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1972 đến nay, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền đã trở nên phổ biến và được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, Nguyên tắc số 16 thuộc Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển năm 1992 khẳng định chính phủ các quốc gia cần nỗ lực thúc đẩy việc nội luật hóa chi phí môi trường và áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền [5]. Ngoài ra, Điều 2 Nghị định thư Kyoto yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải chịu chi phí cho việc giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền [6]. Tại châu Á, Bangladesh đã thể chế hóa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền trong các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 1995. Ấn Độ áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền vào năm 2006, còn Thái Lan trước đó đã đưa nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền vào trong Luật Môi trường của quốc gia này [4].

Tại Việt Nam, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Việc trả tiền theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được thực hiện dưới các hình thức như một khoản phải trả về khai thác tài nguyên (thuế tài nguyên, đấu giá quyền khai thác tài nguyên), thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường (đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản), khoản tiền phải trả cho việc sử dụng dịch vụ (dịch vụ thu gom rác, dịch vụ quản lý các chất thải nguy hại), khoản tiền phải trả cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng (tiền thuê kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp bao gồm cả tiền thuê hệ thống xử lý chất thải tập trung), ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các khoản thu như thuế và phí lần lượt được quy định tại các văn bản luật và các văn bản dưới luật. Trước hết, thuế môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010. Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường xác định thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.[2] Mức thuế suất áp dụng với từng đối tượng chịu thuế là khác nhau.[3] Về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế, căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối.[4] Phương pháp tính thuế là số thuế bảo vệ môi trường phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. [4].

Về phí môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2014 (khoản 1 Điều 148) quy định tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường. Theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, trong các loại hình phí bảo vệ môi trường, phí liên quan tới thẩm định là hình thức áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền, tập trung vào chi phí của cơ quan nhà nước khi thực thi các quy định quản lý môi trường. Đối với môi trường nước được áp dụng phí bảo vệ môi trường với nước thải, mức phí, kê khai, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thực hiện theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP.[5] Cũng liên quan tới nước thải, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được quy định trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải đã xác định một trong những nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải là người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước (Khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP). Ngoài ra, Điều 44 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP cũng cho phép sử dụng một phần tiền thu được để chi trả cho dịch vụ đi thu, đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải xác định hàm lượng COD. Như vậy, phí bảo vệ môi trường với nước thải áp dụng tại Việt Nam buộc người gây ô nhiễm chi trả tất cả các dạng chi phí gồm chi phí ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, chi phí thiệt hại do ô nhiễm và chi phí của cơ quan quản lý nhà nước khi thực thi các quy định quản lý môi trường [10].

2.2. Nguyên tắc phòng ngừa

Nguyên tắc phòng ngừa (principle of preventive action) là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật về bảo vệ môi trường, bởi lẽ có những hậu quả môi trường không khắc phục được mà chỉ có thể phòng ngừa. Phòng ngừa được hiểu là việc chủ động ngăn chặn nhằm loại bỏ những nguyên nhân có thể gây ra những rủi ro gây nguy hại đối với môi trường trước khi những rủi ro đó xảy ra. Mục đích của nguyên tắc phòng ngừa là nhằm ngăn ngừa những rủi ro mà con người có thể gây ra cho môi trường, giảm thiểu chi phí được sử dụng để khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế bền vững. Nguyên tắc phòng ngừa lần đầu tiên được nhắc đến một cách gián tiếp tại Tuyên bố Stockholm về môi trường và con người, sau đó được ghi nhận một cách trực tiếp trong chương 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về môi trường tự nhiên 1982. Nguyên tắc phòng ngừa cũng xuất hiện trong Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển. Theo đó, các quốc gia thành viên phải áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa trong việc bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, nguyên tắc phòng ngừa được đề cập đến ngay trong Hiến pháp 2013 (Điều 63), văn kiện pháp lý cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.[6] Trên cơ sở Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã ghi nhận nguyên tắc phòng ngừa là một trong các nguyên tắc chính của hoạt động bảo vệ môi trường tại Khoản 6 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường, quy định hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2014 có nhiều quy định thể hiện nguyên tắc phòng ngừa như quy định về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.[7] [8].

2.3. Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp

Nguyên tắc đảm bảo hiệu quả về luật pháp được hiểu là sự hiệu quả trong việc điều chỉnh nhóm các quan hệ xã hội của một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật trong pháp luật về môi trường đòi hỏi các quy phạm pháp luật về môi trường phải có tính khả thi và đạt được hiệu quả cao, hạn chế và giảm thiểu hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng như thiệt hại xảy ra do hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và nguyên tắc phòng ngừa. Bởi lẽ, nếu các quy phạm cụ thể hóa nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và nguyên tắc phòng ngừa tạo ra những kết quả tích cực trên thực tế, kiềm chế được hành vi gây ô nhiễm, ngăn chặn được những thiệt hại môi trường có thể xảy ra thì các quy phạm đó đã đáp ứng được nguyên tắc về tính hiệu quả của luật pháp khi được áp dụng và thực thi hợp lý.

Hiệu quả của pháp luật thông qua hoạt động thực thi là một vấn đề lớn tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù khung pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước đã tương đối hoàn thiện với các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Tài nguyên nước 2012, và các văn bản quy phạm pháp luật khác, song thực tế thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trên lại gặp nhiều vấn đề. Người bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước thường là bên yếu thế, còn người thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nước lại là những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính mạnh. Do đó, sức mạnh trong quá trình đàm phán, thương lượng về chi phí bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước thường thuộc về người thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. Thậm chí, người thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường còn cố tình chây ì, kéo dài thời gian tố tụng. Ngoài ra, những tranh chấp liên quan đến đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước không xuất hiện nhiều do người dân còn mang nặng tâm lý e ngại, thay vì đưa tranh chấp ra Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích thì người dân lại chọn cách tự giải quyết. Cuối cùng, vai trò của các thiết chế công quyền như Tòa án hay các cơ quan hành pháp chưa được phát huy đúng mức, một số cơ quan hành pháp chưa thực sự làm tròn trách nhiệm bảo vệ cho lợi ích của người dân khi những tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước xảy ra. Việc đảm bảo hiệu quả của pháp luật thông qua hoạt động thực thi vẫn đang là một nút thắt trong quá trình hướng tới mô hình nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Đồng thời, nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế.

2.4. Nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững

Nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại không gây nguy hại tới khả năng tự đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai [9]. Phát triển bền vững hướng tới việc tập trung những nỗ lực bảo vệ môi trường nhằm cải thiện điều kiện sống của con người[10]. Nguyên tắc phát triển bền vững được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới, được công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, với nội dung như sau: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Nguyên tắc phát triển bền vững sau đó cũng xuất hiện trong Tuyên bố Stockholm về môi trường và con người 1972 với nội dung yêu cầu chính sách môi trường của các quốc gia phải làm tốt hơn và không ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển hiện tại và tương lai của các nước đang phát triển (nguyên tắc số 11). Ngoài ra, nguyên tắc phát triển bền vững cũng được đề cập tại nguyên tắc số 12 của Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển 1992: “Các quốc gia cần hợp tác để phát huy một hệ thống kinh tế toàn cầu và giúp đỡ lẫn nhau trong việc hướng đến sự phát triển kinh tế bền vững ở tất cả các quốc gia”.

Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nguyên tắc phát triển bền vững ngày càng được coi trọng. Khoản 1 Điều 63 Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 ghi nhận nguyên tắc phát triển bền vững bằng cách đưa ra định nghĩa về phát triển bền vững tại khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014.[8] Đối với đảm bảo phát triển bền vững môi trường nước, Luật Tài nguyên nước 2012 quy định tài nguyên nước phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh (khoản 1 Điều 4). Việc lập chiến lược tài nguyên nước phải đáp ứng nhu cầu về sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả tác hại do nước gây ra; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.

3. Kết luận

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã xây dựng và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc cơ bản của pháp luật điều chỉnh bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. Mặc dù vậy, vấn đề hiệu lực thi hành của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp để có thể đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Mục tiêu của việc áp dụng các nguyên tắc này trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng nhằm đạt được sự liên kết hữu hiệu giữa các chính sách về bảo vệ môi trường và chính sách phát triển kinh tế. Các nguyên tắc này được xây dựng và ứng dụng lần đầu tiên tại các quốc gia công nghiệp phát triển nhưng chúng có thể đem lại lợi ích các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trong các khuyến nghị về nguyên tắc hướng dẫn liên quan đến khía cạnh kinh tế quốc tế của chính sách môi trường, OECD cho rằng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được sử dụng để phân bổ chi phí của công tác phòng chống ô nhiễm và chi phí cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm để khuyến khích sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khan hiếm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

[2] Đối tượng chịu thuế bao gồm 8 nhóm hàng hóa: xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluro-carbon (HCFC), túi nilon, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc nhóm đối tượng chịu thuế nói trên.

[3] Ví dụ: thuế suất đối với nhóm đối tượng chịu thuế là than đá thì mức thuế suất cao nhất là 50.000 đồng/tấn và mức thuế suất thấp nhất là 10.000 đồng/tấn, được áp dụng đối với than nâu, than mỡ và các loại than đá khác; thuế suất đối với dung dịch hydro-chloro-fluro-carbon (HCFC) dao động từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.

[4] Số lượng hàng hóa được quy định như sau: đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho; đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối để tính thuế được quy định tại Điều 8 của Luật Thuế Bảo vệ môi trường.

[5] Điểm a khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định một phần tiền phí thu được (khoảng 10% - 25%) được sử dụng để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí.

[6] Điều 63 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đề cập đến vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

[7] Theo đó, các chủ thể thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; lắp đặt, trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ để ứng phó với sự cố môi trường; tuân thủ quy định về an toàn lao động, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên; có trách nhiệm thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường; thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo về nguy cơ, diễn biến của các loại hình thiên tai có thể gây sự cố môi trường; điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại thiên tai có thể xảy ra trong phạm vi cả nước và từng khu vực; quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ mục đích phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại ở những nơi dễ xảy ra sự cố môi trường; xây dựng lực lượng, trang bị, thiết bị dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết, sự cố môi trường.

[8] Theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Zahar. (2018). Implementation of the polluter pays principle in China. Review of European, Comparative & International Environmental Law, 27, 293 - 305.
  2. Võ Trung Tín (2014), “Về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: Kinh nghiệm nước ngoài và những vấn đề pháp lý đặt ra đối với Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6, tr. 26 - 34.
  3. Clare Coffey and Jodi Newcombe. (2010). The polluter pays principle and fisheries: The role of taxes and charges. London: Tên nhà xuất bản.
  4. Võ Trung Tín và Nguyễn Lâm Trâm Anh (2014), “Thuế bảo vệ môi trường - Hình thức thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong pháp luật môi trường”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16, tr. 37-45.
  5. Rio Declaration on Environment and Development 1992. Xem tại https://www.un.org/en/development/desa/population/migration/generalassembly/docs/globalcompact/A_CONF.151_26_Vol.I_Declaration.pdf
  6. Kyoto Protocol to the United Nations Framework Convention on Climate Change 1998. Xem tại: https://unfccc.int/resource/docs/convkp/kpeng.pdf
  7. Nguyễn Công Thành (2020), “Nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Tài nguyên và môi trường, số 5.
  8. Võ Trung Tín (2009), “Các nguyên tắc cơ bản của luật môi trường”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8, tr. 58.
  9. Report of the World Commission on Environment and Development (the Brundtland Report) in 1987.Xem tại: https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf
  10. Max Valverde Soto. (1996). General principles of international environmental law. ILSA Journal of International Environmental Law, 205 - 207.

The legal principles in the compensation for damages caused by water pollution and the practice of these principles in Vietnam

Master. Dao Nguyen Huong Duyen

Lecturer, Faculty of Law, Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Nowadays, the water resource exploitation can create achievements for socio-economic development. However, it can cause adverse effects on human health, animals and deteriorate the quality of water resource. These damages can be partially overcome by applying the compensation for damages caused by water pollution. This article analyzes the legal principles in the compensation for damages caused by water pollution and the practice of applying these principles in Vietnm’s law system.

Keywords: compensation for damages, water pollution, principles of law, polluters pay principle.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]