Những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về vai trò của nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay

Bài viết "Những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về vai trò của nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay" do GS.TS. Võ Khánh Vinh (Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Vai trò, sức mạnh nhân dân trong bối cảnh mới là gì và làm gì để phát huy vai trò, sức mạnh nhân dân để phát triển đất nước? Bài viết này bước đầu luận giải những vấn đề đó, thông qua làm sáng tỏ 3vấn đề chính sau: 1) Về vai trò, sức mạnh và vị trí của nhân dân trong phát triển đất nước; 2) Về phát huy vai trò, sức mạnh, vị trí của nhân dân trong phát triển đất nước; 3) Những vấn đề đặt ra từ nghiên cứu lý luận, thực tiễn về phát huy vai trò, sức mạnh, vị trí của nhân dân trong phát triển đất nước hiện nay.

Từ khóa: sức mạnh nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân.

1. Về vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước

1.1. Về vai trò và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước

Nghiên cứu việc phát huy vai trò của nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân trong phát triển đất nước, trước hết, phải có nhận thức đúng, thống nhất về nhân dân. Trong sách báo đã nói nhiều về nhân dân là ai và đều thống nhất nhận thức rằng, nhân dân là một khái niệm tập hợp, bao gồm mọi người dân (công dân), mọi liên minh của người dân, mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội và nhân dân nói chung. Do vậy, khi nói về vai trò và sức mạnh nhân dân trong phát triển đất nước là nói về vai trò và sức mạnh của mọi người dân, mọi liên minh của người dân, mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội và của nhân dân nói chung trong phát triển đất nước.

- Trước hết, đó là vai trò và sức mạnh của mỗi người dân (công dân) trong phát triển đất nước. Mỗi người dân thể hiện vai trò và sức mạnh của mình thông qua việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình do Hiến pháp và pháp luật quy định. Ở phương diện này, mỗi người dân là mỗi chủ thể quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ, đều có quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để nâng cao năng lực, khả năng của chủ thể quyền và chủ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, từ đó phát huy được vai trò và sức mạnh của mỗi người dân đối với phát triển đất nước. Có thể nói một cách khái quát, đó là quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân đối với phát triển đất nước hay nói cách khác mỗi người dân Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả đối với phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong mối quan hệ này, phát huy vai trò và sức mạnh của mỗi người dân là phát huy việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ để phát triển đất nước. 

- Tiếp đến, đó là vai trò và sức mạnh của mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội trong phát triển đất nước. Mỗi chủ thể nói trên đều có các quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và khi thực hiện các quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ đó, mỗi chủ thể thể hiện vai trò và sức mạnh của mình trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phát triển đất nước. Ở đây thể hiện mối quan hệ tương tác hai chiều: một chiều từ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chiều khác từ các chủ thể nói trên (mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội trong). Vấn đề đặt ra ở đây là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm làm thế nào để phát huy được năng lực, khả năng, vai trò và sức mạnh của các chủ thể đó trong phát triển đất nước. Đó là: vai trò và sức mạnh chủ thể của giai cấp công nhân; vai trò và sức mạnh chủ thể của giai cấp nông dân; vai trò và sức mạnh chủ thể của đội ngũ trí thức; vai trò và sức mạnh chủ thể của đội ngũ doanh nhân; vai trò và sức mạnh chủ thể của thế hệ trẻ; vai trò và sức mạnh chủ thể của phụ nữ; vai trò và sức mạnh chủ thể của cựu chiến binh, vai trò và sức mạnh chủ thể của công an hưu trí; vai trò và sức mạnh chủ thể của người cao tuổi; vai trò và sức mạnh chủ thể của các tộc người (các dân tộc); vai trò và sức mạnh chủ thể của các tôn giáo; vai trò và sức mạnh chủ thể của người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề cơ bản được đặt ra ở đây là vai trò và sức mạnh chủ thể của mỗi chủ thể đó thể hiện ở đâu và làm gì để phát huy vai trò và sức mạnh chủ thể của mỗi chủ thể đó? Chúng tôi cho rằng, vai trò và sức mạnh chủ thể của mỗi chủ thể đó thể hiện trên hai phương diện cơ bản: (1), vai trò và sức mạnh của mỗi chủ thể trong từng lĩnh vực nhất định mà ở đó mỗi chủ thể có vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương ứng để phát triển, phát huy; và (2), vai trò và sức mạnh của nhân dân nói chung trong xây dựng và phát triển đất nước. Để khẳng định và phát huy vai trò và sức mạnh của mỗi chủ thể đó, cần phải có pháp luật và cơ chế pháp lý tương ứng. Do vậy, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp luật để khẳng định và phát huy vai trò và sức mạnh của các chủ thể đó trong xây dựng và phát triển đất nước là trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng hạn, cần phải có cơ chế pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò và sức mạnh của giới tinh hoa, vai trò và sức mạnh của đội ngũ doanh nhân trong phát triển đất nước, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.         

- Vai trò của nhân dân và sức mạnh nhân dân nói chung. Có thể gọi cách khác, vai trò và sức mạnh chủ thể của nhân dân nói chung. Vai trò và sức mạnh (vai trò và sức mạnh chủ thể) của nhân dân thể hiện khái quát nhất ở luận điểm nhân dân là chủ nhân của đất nước, của phát triển đất nước, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ đất nước. Ngoài nhân dân Việt Nam, không một ai có thể là chủ nhân của đất nước Việt Nam, làm chủ đất nước Việt Nam. Nói về vai trò và sức mạnh của nhân dân là nói về vai trò và sức mạnh chủ thể của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong phát triển đất nước.

1.2. Về vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước

Vai trò sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước thể hiện một cách khái quát ở sức mạnh “vai trò chủ thể” của nhân dân trong phát triển đất nước. cụ thể hơn, đó là vai trò chủ thể của mỗi người dân, mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội và của nhân dân nói chung. Mỗi chủ thể đó đều có sức mạnh của mình và sức mạnh của tất cả các chủ thể đó tạo nên sức mạnh của nhân dân nói chung đối với phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân đối với phát triển đất nước.

Sức mạnh nhân dân là “một chuỗi sức mạnh”, được thể hiện từ vai trò của nhân dân trong phát triển đất nước đến việc nhân dân thụ hưởng kết quả của sự phát triển đất nước. Phát huy sức mạnh nhân dân là phát huy chuỗi sức mạnh đó.

Sức mạnh nhân dân là “một phạm trù tích hợp”, bao gồm ít nhất: sức mạnh khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; sức mạnh trí tuệ của nhân dân; sức mạnh sáng tạo của nhân dân; sức mạnh trách nhiệm của nhân dân; sức mạnh hành động của nhân dân; sức mạnh kiểm tra, giám sát; sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sức mạnh nhân dân đóng vai trò là nguồn lực, động lực trong phát triển đất nước. Đó là nguồn lực vô tận, động lực vĩ đại của sự phát triển đất nước. Phát huy sức mạnh nhân dân trong phát triển đất nước là phát huy nguồn lực vô tận, động lực vĩ đại đó để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nguồn lực, động lực phát triển đất nước nằm chính trong nhân dân, ở nhân dân. Nhân dân chính là nguồn lực vô tận, động lực trường tồn của sự phát triển đất nước. Đó là nguồn lực, động lực vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần, nói cách khác, đó là sức mạnh vật chất và tinh thần vô tận, vĩ đại, càng khai thông, phát huy càng gia tăng. Gia tăng sức mạnh nhân dân sẽ đẩy nhanh phát triển đất nước. Nguồn lực, động lực đó thể hiện ở vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước.

Nói đến sức mạnh nhân dân trước hết là nói về vai trò chủ thể của nhân dân. Nhân dân Việt Nam là chủ thể đóng vai trò quan trọng, quyết định trong phát triển đất nước.

Trong nhận thức người ta thường hiểu nhân dân là đối tượng tác động của Nhà nước, của chính sách, của pháp luật của Nhà nước hơn là chủ thể của Nhà nước, của chính sách, của pháp luật. Tư duy đó nói về vai trò thụ động, vai trò bị chi phối, vai trò bị quản lý, bị điều hành của nhân dân trong Nhà nước và trong xã hội, chứ không nói về vai trò là chủ nhân, vai trò quyết định, vai trò chủ động, vai trò tích cực, vai trò chi phối, vai trò sáng tạo của nhân dân trong Nhà nước. Nhân dân, theo tư duy đó, là đối tượng, khách thể tác động của Nhà nước, của chính sách, của pháp luật do Nhà nước ban hành. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải đóng vai trò hoàn toàn khác, xuất phát từ sứ mệnh, vị thế và địa vị của nhân dân Việt Nam trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phát triển đất nước. Nhân dân trước hết và trên hết là chủ thể trực tiếp hình thành nên Nhà nước, các thiết chế Nhà nước, chính sách, pháp luật, rồi đến lượt mình, mới là đối tượng, khách thể chịu sự tác động của Nhà nước, của chính sách, của pháp luật. Đó là sứ mệnh, vị thế và địa vị toàn quyền của nhân dân Việt Nam trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam, trong phát triển đất nước.   

Vai trò chủ thể của nhân dân khẳng định vị thế toàn quyền của nhân dân trong đất nước và trên trường quốc tế. Đã là chủ thể thì có các quyền và trách nhiệm, do vậy, nhân dân có quyền và trách nhiệm đối với sự phát triển đất nước của mình. vai trò chủ thể của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện ít nhất ở các vai trò cụ thể sau đây: 1) Vai trò chủ thể của quyền lực (quyền lực nhân dân, chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước); 2) Vai trò chủ thể của nhân dân trong giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực được ủy quyền (quyền lực nhà nước); 3) Vai trò chủ thể của nhân dân trong phản biện đối với Nhà nước (chính sách, pháp luật và các quyết định khác của Nhà nước). Vai trò chủ thể của nhân dân được thể hiện ở tất cả các cấp quyền lực, hay nói cách khác theo phân công quyền lực theo chiều ngang và theo phân công quyền lực theo chiều dọc.

Vai trò chủ thể của quyền lực là nói về vai trò của nhân dân trong tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước.

Vai trò chủ nhân, vai trò chủ thể hiện trước hết và tập trung nhất ở luận điểm nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực trong đất nước. Tiếp đến, nhân dân là chủ thể duy nhất, thống nhất của toàn bộ quyền lực trên đất nước Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng, nhân dân là chủ thể duy nhất, thống nhất của mọi quyền lực trong đất nước Việt Nam. Vai trò chủ thể của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thể hiện ở luận điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước; Nhân dân thiết lập nên tổ chức và vận hành của quyền lực nhà nước; Nhân dân là chủ thể giám sát quyền lực nhà nước; Nhân dân là chủ thể phản biện đối với mọi chính sách, pháp luật và các quyết định của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra hiện nay là theo tư tưởng tăng cường quyền lực nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đòi hỏi phải tăng cường vai trò chủ thể của nhân dân trong tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước và hoàn thiện các cơ chế pháp lý để nhân dân làm chủ được việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước.

Vai trò chủ thể của nhân dân trong giám sát quyền lực Nhà nước. Nhân dân thực hiện vai trò chủ thể của mình trong lĩnh vực này bằng giám sát trực tiếp của mình hoặc thông qua tổ chức của mình - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhân dân trực tiếp thực hiện giám sát quyền lực nhà nước là việc mỗi người dân thực hiện việc theo dõi, xem xét, đánh giá và kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân thực hiện giám sát quyền lực nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được hiểu là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp thực hiện hoặc do các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc theo dõi, xem xét, đánh giá và kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[1].

Mục đích giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Khoản 2 Điều 25 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, tính xã hội, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa và tính xây dựng[2].

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Khoản 3 Điều 25 quy định hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau đây: 1/ Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều lệ các tổ chức chính trị - xã hội; 2/ Phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 3/ Xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; 4/ Thực hiện dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, mang tính xây dựng; 5/ Không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát[3].

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tăng cường giám sát quyền lực nhà nước, nâng cao chất lượng giám sát, giá trị của giám sát từ phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện của nhân dân. Để giám sát thực chất, có chất lượng, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng giám sát và trách nhiệm trước nhân dân.

Vai trò chủ thể của nhân dân trong phản biện xã hội. Nhân dân thực hiện vai trò chủ thể của mình trong phản biện xã hội thông qua/bằng phản biện xã hội trực tiếp, hoặc thông qua tổ chức của mình - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhân dân thực hiện phản biện xã hội trực tiếp là việc mỗi người dân thực hiện việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân thực hiện phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Khoản 1 Điều 32 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp thực hiện hoặc đề nghị tổ chức thành viện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án (gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan nhà nước.

Mục đích phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều 32 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ; tăng cường đồng thuận xã hội[4]. 

Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phản biện xã hội có tính xã hội, tính khách quan, tính khoa học, tính xây dựng, thể hiện ở việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị của các lực lượng xã hội đối với dự thảo chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án xã  hội liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận, an sinh, phúc lợi xã hội.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại Khoản 3 Điều 32 quy định hoạt động phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau đây: 1/ Bảo đảm phát huy dân chủ trong hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 2/ Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch; 3/ Bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân; 4/ Bảo đảm sự tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc[5].

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để tăng cường phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện của nhân dân đối với Nhà nước (chính sách, pháp luật, các quyết định khác của Nhà nước). Cũng tương tự như giám sát, ở đây cần phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng phản biện xã hội.

1.3. Về vị trí trung tâm của nhân dân trong phát triển đất nước

Nhân dân giữ vị trí trung tâm trong phát triển đất nước. Từ nhận thức về vai trò chủ thể của nhân dân, tất yếu, dẫn đến luận điểm khẳng định vị trí trung tâm của nhân dân trong phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa rằng, nhân dân là chủ thể trung tâm trong phát triển đất nước; Nhân dân là chủ thể trung tâm trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[6]. Đây là luận điểm mới được Đảng ta ghi nhận trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng[7].

Vị trí trung tâm của nhân dân thể hiện trước hết ở chỗ nhân dân là điểm khởi đầu phát triển đất nước, chủ thể xuyên suốt quá trình phát triển đất nước, là mục tiêu cuối cùng mà phát triển đất nước hướng đến, là lực lượng chủ nhân, là nguồn lực không thể thay thế trong xây dựng và bảo vệ đất nước, là nhân tố quyết định sự thành bại của phát triển đất nước.

Vấn đề đặt ra là vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân được thể hiện như thế nào? Chúng tôi cho rằng, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân thể hiện ở các phương diện cụ thể sau đây: 1) Tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam; 2) Thiết lập và tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 3) Tham gia xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; 4) Tham gia xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức;  5) Tham gia phát triển kinh tế; 6) Tham gia quản lý xã hội; 7) Tham gia xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; 8) Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân, thế trận lòng dân; 9) Tham gia xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.

Từ phân tích trên cho thấy vai trò chủ thể trung tâm bao trùm của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn là làm thế nào để phát huy một cách thực chất, hiệu quả, chất lượng vai trò đó của nhân dân. Cần phải có các cơ chế pháp lý tương ứng để nhân dân tham gia thực hiện các quyền của mình trong các lĩnh vực nói trên.

Trên cơ sở đó, Đảng ta chỉ rõ là phải phát huy tối đa tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước, trong xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viện, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân, thế trận lòng dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân[8].  

2 .Về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước

Phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, cốt lõi của phát triển đất nước, cần phải được làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn để cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật để phát triển đất nước. Vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân, phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân gắn liền với vai trò chủ thể của nhân dân, với chủ quyền nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ nhận thức khái quát về vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân, về bản chất của chủ quyền nhân dân, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước, cần luận giải về quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, về thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển đất nước.

Khẳng định vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân, chủ quyền nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân là nhân tố trung tâm, quyết định đối với phát triển đất nước. Để phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước, trước hết, cần phải hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước. Cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh nhân dân bao gồm: cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mỗi người dân; cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội; cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân nói chung. Do đó, hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân, đương nhiên, bao gồm: hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mỗi người dân; hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội; hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân nói chung. Cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân bao gồm: thể chế về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân; thiết chế về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân; phương thức về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân. Do đó, ở phương diện này, hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân là hoàn thiện thể chế, thiết chế, phương thức về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân.  

- Hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mỗi người dân trong phát triển đất nước.

Phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mỗi người dân trong phát triển đất nước, trước hết là phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh chủ thể của mỗi người dân trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để phát triển đất nước.

Mỗi người dân là mỗi chủ thể quyền, do đó, phải hoàn thiện cơ chế, tức là hoàn thiện thể chế, thiết chế và phương thức để mỗi người dân thực hiện tốt nhất các quyền của mình để phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân, cần phải hoàn thiện cơ chế để mỗi người dân thực hiện tốt, chẳng hạn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền bầu cử các cơ quan đại diện quyền lực và các cơ quan đại diện, những người đại diện khác và quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để thực hiện được vai trò chủ thể này của mỗi người dân (công dân), một mặt, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền đó và xây dựng các cơ chế pháp lý tương ứng để người dân thực hiện trên thực tế các quyền của mình, mặt khác, người dân phải nâng cao tính tích cực chính trị - xã hội của mình trong đời sống xã hội và đời sống nhà nước để phát triển đất nước là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Điều này nói lên mối quan hệ giữa cá nhân (công dân, người dân) và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong mối quan hệ này, phải đề cao sức mạnh của người dân với tất cả các khía cạnh vai trò của họ, đặc biệt trên phương diện pháp lý.

- Hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội trong phát triển đất nước.

Mỗi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mỗi thành phần trong xã hội đều có vai trò, vị trí và sức mạnh của mình trong phát triển đất nước. Vai trò, vị trí và sức mạnh đó thể hiện tập trung nhất ở quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với phát triển đất nước. Mỗi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mỗi thành phần trong xã hội thực hiện với trách nhiệm cao nhất các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định là thể hiện tích cực vai trò và sức mạnh của mình đối với phát triển đất nước. Do vậy, để phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của mọi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mọi thành phần trong xã hội trong phát triển đất nước, cần phải hoàn thiện cơ chế, trước hết là hoàn thiện cơ chế pháp lý để mỗi tầng lớp xã hội, giai tầng, giai cấp, mỗi thành phần trong xã hội thực hiện có chất lượng, hiệu quả các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để phát triển đất nước. Đó là: quyền phát triển, quyền đổi mới sáng tạo, quyền huy động và tập hợp lực lượng, quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội, quyền giám sát, phản biện xã hội, phản biện khoa học đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển đất nước, quyền tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến phát triển đất nước,... 

- Hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân nói chung trong phát triển đất nước.

Nhân dân, với tư cách là chủ thể toàn quyền trong đất nước, là sức mạnh tổng hợp trong phát triển đất nước. Trong phát triển đất nước, cá nhân, các liên minh cá nhân, nhân dân nói chung, không chỉ là các khách thể của phát triển đất nước, mà trước hết và trên hết là chủ thể của phát triển đất nước.

Nhân dân là một sức mạnh tổng hợp, sức mạnh vĩ đại nhất, là chủ thể có toàn quyền trong phát triển đất nước. Nhân dân thiết lập nên các cơ quan quyền lực nhà nước, ủy quyền một phần quyền lực của mình cho các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện, “để lại” một phần quyền lực để trực tiếp thực hiện bằng các cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân, sáng kiến nhân dân, sáng kiến kiến cộng đồng dân cư, hội thẩm nhân dân và các hình thức khác dân chủ trực tiếp khác và thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân tức là hoàn thiện cơ chế tập hợp sức mạnh đó.

Vai trò và sức mạnh của nhân dân thể hiện trước hết ở việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp. Đó là sức mạnh trực tiếp của nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy được sức mạnh trực tiếp đó. Về vấn đề này, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới chỉ rõ phải “Tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân; có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử”[9].

Nhân dân thể hiện, phát huy vai trò và sức mạnh của mình trước hết là thông qua các cuộc bầu cử. Điều đó có nghĩa rằng, cần phải tổ chức và tiến hành các cuộc bầu cử làm sao để thiết lập nên hệ thống các cơ quan đại diện thực chất, có năng lực, khả năng thực hiện được tốt nhất các quyền lực được nhân dân giao phó, ủy quyền.

Tiếp đến, nhân dân làm chủ bằng thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm tổng quát, toàn diện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[10]. Do vậy, vấn đề đặt ra là nhân dân có quyền đòi hỏi, yêu cầu và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm thiết lập nên cơ chế pháp lý tương ứng để nhân dân thực hiện trên thực tế phương châm tổng quát đó.

Vai trò và sức mạnh trực tiếp của nhân dân thể hiện ở việc nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước. Về vấn đề này, Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ rõ phải “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước”[11].

Nhân dân thể hiện và thực hiện vai trò và sức mạnh của mình một cách gián tiếp bằng việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng các thiết chế đại diện cho mình. 

Vai trò và sức mạnh của nhân dân thể hiện việc nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thể hiện sự gắn bó mật thiết của Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân, phục vụ nhân dân. Do đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ rõ phải “Hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các quy định cụ thể để tăng cường và bảo đảm Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”[12].

Vai trò và sức mạnh của nhân dân thể hiện ở việc nhân dân làm chủ trong việc lựa chọn cơ quan đại diện và giao phó trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình cho cơ quan đó. Bằng việc ghi nhận trong Hiến pháp, nhân dân khẳng định và giao phó cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[13].

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ[14]. Đây là luận điểm mới, được cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về quyền làm chủ của nhân dân. Vì sao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ? Để làm được nòng cốt để nhân dân làm chủ thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải làm gì để đảm đương được trọng trách đó?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ là vì, như nói ở trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Điều đó thể hiện ở chỗ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Hiến pháp năm 2013, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài[15]. Mặt trận đóng vai trò điều phối, hiệp thương trong quá trình hình thành nên các cơ quan quyền lực nhà nước thông qua các cuộc bầu cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức được nhân dân giao phó làm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay mặt nhân dân thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có khả năng và năng lực tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ và tăng cường dân chủ, đồng thuận xã hội và tăng cường đồng thuận xã hội là giá trị cao quý, sức mạnh mềm tổng hợp của dân tộc Việt Nam. Giá trị và sức mạnh đó dựa trên chủ quyền nhân dân, quyền lực nhân dân, dựa trên các giá trị của dân tộc Việt Nam, xuất phát từ nhân dân và vì nhân dân.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ rõ phải “Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[16].

- Phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân và trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội).

Pháp luật, cơ chế pháp lý để phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân. Phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện, phát huy vai trò, sức mạnh, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải tiến hành nghiên cứu lý luận, đánh giá thực trạng điều chỉnh pháp luật về các cơ chế đó và trên cơ sở đó hoàn thiện các cơ chế tương ứng.

Trên phương diện lý luận và cả trên phương diện thực tiễn khi nói về quyền của ai đó đồng thời cũng có nghĩa hàm ý nói về trách nhiệm tương ứng của ai đó mà chủ thể có quyền có mối quan hệ. Trong mối quan hệ này, đó là trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy trách nhiệm đó thể hiện ở đâu? Trách nhiệm chính trị? Trách nhiệm pháp lý? Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, thiết lập cơ chế pháp lý để nhân dân làm chủ, phát huy vai trò và sức mạnh của mình. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm thực hiện điều đó, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về điều đó, giải trình về điều đó.

Nhà nước pháp quyền có trách nhiệm thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực cụ thể: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác của đời sống nhà nước và đời sống xã hội.

Nhà nước pháp quyền có trách nhiệm xây dựng cơ chế pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ nói chung, làm chủ trong mỗi lĩnh vực cụ thể nói riêng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[17].

Nhà nước cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp ban hành cơ chế để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân thực hiện có hiệu quả, chất lượng vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân bằng cách xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân[18].

3. Những vấn đề đặt ra từ nghiên cứu lý luận, thực tiễn về phát huy vai trò, vị trí và sức mạnh của nhân dân trong phát triển đất nước hiện nay

3.1. Trước hết, cần phải khẳng định “Quan điểm về vai trò chủ thể của nhân dân, vai trò trung tâm của nhân dân” là một trong những quan điểm nền tảng của phát triển đất nước. Trong luận đề: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ có các mối quan hệ của nó, hầu như trong thời gian qua chúng ta mới quan tâm nghiên cứu về Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý mà chưa quan tâm đúng mức về nhân dân làm chủ. Trong lúc đó, trong luận đề nói trên, nhân dân là điểm xuất phát, là nền tảng và đồng thời là mục tiêu cuối cùng cần phải hướng tới. Do vậy, tư duy lý luận chính trị, tư duy pháp lý của chúng ta trong thời gian tới cần phải hướng đến làm sáng tỏ một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, đúng bản chất về thành tố: nhân dân làm chủ trong định đề nói trên. Điều đó nói lên vai trò chủ thể của nhân dân, vai trò trung tâm của nhân dân, vai trò làm chủ của nhân dân cùng với Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước, trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.   

3.2. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự nghiệp, khát vọng của nhân dân Việt Nam. Khẳng định và phát huy vai trò chủ thể, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây không chỉ là sự nghiệp của Đảng và của Nhà nước, mà trước hết và trên hết là sự lựa chọn của nhân dân, sự nghiệp của nhân dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thành công hay không phần lớn do nhân dân quyết định và thực hiện.

3.3. Xây dựng cơ chế, đặc biệt là cơ chế pháp lý để hiện thực hóa, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm tổng quát, toàn diện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

3.4. Tăng cường, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở (các hình thức làm chủ trực tiếp của nhân dân): đổi mới mạnh mẽ tư duy về bầu cử: nhận thức đầy đủ, sâu sắc về bầu cử tự do, về thực hiện quyền bầu cử, về đơn vị bầu cử, về tiêu chuẩn đại biểu dân cử; thực hiện trên thực tế trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng của phát triển đất nước.

3.5. Nâng cao năng lực và phát huy các hình thức dân chủ đại diện (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp); hoàn thiện chế định dân chủ đại diện và các hình thức của dân chủ đại diện theo hướng: nâng cao trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm giải trình của các thiết chế dân chủ đại diện trước cử tri, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế đại diện, xác định rõ các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế đó là sự hài lòng của người dân, mức độ bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

3.6. Nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện theo hướng: dân chủ trực tiếp là quyền lực trực tiếp của nhân dân, chủ quyền của nhân dân, hình thành nên dân chủ đại diện; dân chủ đại diện là dân chủ ủy quyền, xã hội càng phát triển thì càng đề cao dân chủ trực tiếp, dân chủ ở cơ sở; dân chủ trực tiếp thúc đẩy dân chủ đại diện.

3.7. Xây dựng cơ chế, đặc biệt cơ chế pháp lý để phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thể chế hóa về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cụ thể là: tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân tích cực xây dựng, phát triển đất nước; tích cực thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện có trách nhiệm, thực chất, hiệu quả, chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. 

3.8. Tăng cường đối thoại với nhân dân dưới các hình thức phù hợp; thể chế hóa cơ chế đối thoại với nhân dân; quy định trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của cán bộ các cấp trong đối thoại với nhân dân. Đây là hình thức dân chủ trực tiếp mà thông qua đó nhân dân tham gia thực hiện quyền lực của mình, tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện quyền lực được ủy quyền.

3.9. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội do nhân dân sáng lập để tham gia giải quyết những vấn đề phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội.

3.10. Dân chủ phải được thể chế hóa, pháp luật hóa cụ thể, đầy đủ; tăng cường dân chủ bao nhiêu thì càng phải coi trọng pháp luật, pháp quyền bấy nhiêu; tăng cường dân chủ hóa đi đôi với tăng cường pháp luật, tăng cường kỷ luật, tăng cường trật tự, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình.

3.11. Thể chế hóa, pháp lý hóa một cách cụ thể, rõ ràng các hình thức dân chủ (vai trò chủ thể, quyền làm chủ của nhân dân), quá trình dân chủ hóa, các cơ chế pháp lý của việc thực hiện dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

3.12. Nâng cao ý thức là chủ thể, vai trò làm chủ, ý thức dân chủ, tính tích cực chính trị - pháp lý, trình độ và năng lực chủ thể, làm chủ của mỗi người dân (công dân); đẩy mạnh dân chủ cơ sở nhằm góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội. Đây là một sự nghiệp, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Tài liệu trích dẫn:

1 Xem: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015).

2 Xem: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015).

3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015).

4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015).

5 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2015).

6 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

7 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

8 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173-174.

9 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

10 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

11 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

12 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

13 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

14 Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

15 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

16 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

17 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173-173.

18 Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173-174.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
  2. Quốc hội (2013). Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2015). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
  7. Võ Khánh Vinh chủ biên, (2020). Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

Theoretical and practical issues on promoting the role, strength,

and position of the people in the current national development of Vietnam

Prof. Ph.D Vo Khanh Vinh

Former Vice President, Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

What is the role and power of the people in the new context, and what can be done to promote the role and power of the people to develop Vietnam? This article initially explains those issues by clarifying the following three main issues: 1) The role, strength, and position of the people in national development; 2) Promoting the role, strength, and position of the people in national development; and 3) Issues raised from theoretical and practical research on promoting the role, strength, and position of the people in the current national development of Vietnam.

Keywords: the people's power, promoting the people's power.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]