Những vấn đề về độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước

T rong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XI, đã đề cập tới vấn đề độc quyền của Nhà nước dẫn đến độc quyền doanh nghiệp. Đây là những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội rất quan tâm

Tình hình độc quyền của doanh nghiệp nhà nước (ĐQ DNNN)
Hiện nay, có một số DNNN “tự nhiên” trở thành độc quyền như các doanh nghiệp thuộc các ngành, Bưu chính viễn thông, Điện lực, Hàng không... Vấn đề độc quyền trong sản xuất kinh doanh của một số DNNN đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận ở tổ. Và ngay tại Hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng chỉ trích sự độc quyền của các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng làm tăng giá đầu vào và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Và các đại biểu QH đã nêu, có những dịch vụ độc quyền giá cao hơn giá trung bình trong khu vực đến 2-3 lần. Chính vì sự độc quyền quá bất hợp lý nên có đại biểu phải thốt lên: “Chỉ có ở Việt Nam, vì độc quyền mà quy định giá bán không theo một quy luật nào. Thí dụ, càng mua nhiều giá càng tăng”. Do độc quyền nên quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ. Thí dụ, ngành Điện có thể “ung dung” cắt điện, làm hỏng các thiết bị điện của người dân, trong đó có nhiều người nghèo mà thiết bị hỏng đó là tài sản lớn, có khi cả đời “ki cóp” mới mua được. Rồi gây thiệt hại trong SXKD của các doanh nghiệp do sự cố điện nhưng chẳng “ai” việc gì. Điện thoại thì nghẽn mạch, làm người dùng bị thiệt hại, nhưng lại không được đền bù... Trong khi đó, giá tiêu dùng lại đắt và bất hợp lý. Nhiều người cũng đã nghĩ đến việc đi kiện 2 ngành trên, nhưng xem ra chưa kiện thì phần thua của người đi kiện đã nắm trong tay.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên, khi trả lời câu hỏi của Tạp chí Công nghiệp “Làm thế nào để giải quyết vấn đề từ độc quyền Nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp?” đã cho rằng: “Nhà nước sinh ra độc quyền thì Nhà nước sẽ biết cách chống độc quyền”. Rất có lý và ngắn ngọn. Nhưng để giải quyết vấn đề ĐQ của DNNN, chúng ta còn phải tốn khá nhiều công sức. Mặt khác, ông cũng đề cập đến vấn đề, nhiều DNNN khi hoạt động kinh doanh không có hiệu quả thì lại “đổ” cho là do có độc quyền của các DNNN, nên giá thành sản phẩm bị “đội” lên. Ông Hoàng Văn Nghiên cho rằng, phải xem xét các DNNN đã chọn cách kinh doanh như thế nào ? Đã bắt nhịp được với cơ chế thị trường chưa ? Đội ngũ lãnh đạo có đủ năng lực không...? Đó là những vấn đề đáng suy nghĩ!
Có đại biểu Quốc hội đã đề cập đến hiện tượng độc quyền của DNNN được nói tới hiện nay là độc quyền tự nhiên. Thật đúng, sự độc quyền mà DNNN có được không phải là sự độc quyền do các DNNN đó tự thân vận động. Nghĩa là nhờ vào sự tháo vát, tài năng của các ông giám đốc, tổng giám đốc biết kinh doanh trong điều kiện SXKD bình đẳng mà có. Sự thật về sự độc quyền này là may mắn nhờ vào Nhà nước trao quyền cho một số ngành kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải thông cảm, trong nhiều lĩnh vực kinh tế, Nhà nước cần phải độc quyền. Nhưng chúng ta cũng phải thấy, nhiều khi sự độc quyền Nhà nước đã bị các DNNN độc quyền lợi dụng quá đáng. Có đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XI là, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền đã đẩy giá đầu vào cao lên, nhằm nhiều mục đích, trong đó có việc thu nhập cho công nhân, viên chức của mình cao hơn nhiều so với các DNNN khác. Thậm chí, là có DNNN độc quyền lại còn qui định “con cái vào thay thế chỗ bố mẹ hoặc ưu tiên tuyển con cháu, người thân vào làm việc trong ngành”. Vấn đề này, hiện tượng là có, còn mức độ như thế nào thì có lẽ chỉ những người trong ngành đó mới rõ.
DNNN độc quyền còn được bao lâu nữa?
Hiện nay, những cán bộ quản lý của các DNNN ĐQ thường né tránh và ít khi công nhận ngành mình đang độc quyền. Họ thường nói “vòng vo Tam quốc” hay viện dẫn các lý do, các kiểu so sánh rất khập khiễng khi đề cập tới vấn đề độc quyền. Gần đây, có lẽ Bộ trưởng mạnh dạn và dũng cảm nhất là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đã công nhận sự độc quyền của ngành mình và thường xuyên tuyên bố xóa bỏ độc quyền. Ông Đỗ Trung Tá có lần đã khẳng định với báo chí: “Dư luận nói viễn thông độc quyền là đúng!”, khi trả lời về việc Vinaphone bị tắc nghẽn gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
“Chấm dứt độc quyền doanh nghiệp, độc quyền dịch vụ”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - Đỗ Trung Tá tại Lễ trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp các dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế cho một loạt các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông (Vietel, ETC, Vishipel, SPT và Hanoi Telecom) diễn ra chiều 29/4/2003, tại trụ sở Bộ Bưu chính Viễn Thông (MPT).
Như chúng ta đã biết, ngày 27/10/2003, Chính phủ đã ban hành Quyết định về giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông. Có thể nói, một cuộc “cách mạng” về giá cước đã chính thức bắt đầu.
Theo quyết định mới này, Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ kiểm soát giá cước một số dịch vụ viễn thông đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (ở đây là VNPT). Các dịch vụ quan trọng khác mà các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế được quyền quyết định giá cước là điện thoại di động, điện thoại đường dài trong nước và quốc tế, điện thoại Internet...
Đáng ra, quyết định cho phép các doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế được tự định giá cước phải được ban hành từ lâu rồi, để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Đây thực sự là bước đầu tiên của một cuộc cách mạng về giá cước. Tuy nhiên, VNPT - công ty thống trị trên thị trường sẽ không mấy vui vẻ với quyết định này. Được biết, một quan chức của Bộ Bưu chính và Viễn thông cho rằng, đây là chính sách để phá vỡ thế độc quyền về viễn thông. ông khẳng định, Bộ sẽ không can thiệt “ngầm” vào giá cước của các doanh nghiệp mới. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông đều khẳng định, với việc tự định giá cước, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng các dịch vụ hiện nay với mức giá cước có lợi hơn. Giá cước điện thoại Internet sẽ giảm. Ngoài ra, giá cước đối với dịch vụ gọi điện thoại VOIP cũng sẽ được xem xét và tính toán lại,
Về khả năng giảm giá đối với dịch vụ điện thoại Internet và cước Internet, nếu được tự quyết định giá cước, FPT có thể giảm giá tới 50% giá cước điện thoại Internet.
Được biết, sắp tới, Vietel cũng sẽ chính thức cung cấp dịch vụ thông tin di động với mạng GSM tương tự như MobiFone và Vinaphone. Trong thời gian đầu, họ có thể cung cấp dịch vụ với giá rẻ hơn của MobiFone và Vinaphone, thậm chí chịu lỗ. Đây là sức ép buộc hai hãng trên phải cân nhắc lại mức giá hiện nay. Những sức ép này sẽ khiến mức cước điện thoại di động giảm xuống và điều này sẽ xảy ra ở cả những dịch vụ khác.
Theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, từ tháng 12 năm 2003, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ chính thức mở cửa cho các công ty Mỹ. Thực tế, một số công ty Mỹ về viễn thông đã hoạt động ở Việt Nam từ nhiều năm nay như US Sprint, Motorola, Qualcomm, chưa kể về công nghệ thông tin đã có Microsoft, Intel, IBM...
Sức mạnh của các công ty Mỹ về viễn thông và công nghệ thông tin ắt hẳn ai cũng biết. Đối với các doanh nghiệp trong nước mà VNPT còn kèn cựa từng tý một, thì trong tương lai, VNPT sẽ cạnh tranh như thế nào với các đại gia từ Mỹ ?
Đối với ngành Điện bao giờ hết độc quyền ? Chủ trương chào giá cạnh tranh (CGCT) giữa các nhà máy điện được coi là một bước ngoặt lớn trong ngành điện, nhằm từng bước bỏ độc quyền trong sản xuất kinh doanh điện, tiến tới hình thành một thị trường điện lực như ở nhiều nước phát triển. Nhưng trên thực tế, ngành Điện tuy có thị trường điện, nhưng thị trường này còn nhỏ bé và cách mua điện của ngành Điện còn chưa hợp lý. Hiện nay, nguồn điện ngoài EVN đã chiếm gần 10% hệ thống điện (dự kiến con số này tới năm 2010 sẽ lên tới trên 30%).
Có ý kiến cho rằng, CGCT là một bước đi, nhằm tiến tới cạnh tranh hoàn hảo trong ngành điện. Hiện nay, định hướng của Nhà nước là chỉ độc quyền trong khâu truyền tải điện, còn các khâu phát điện và phân phối điện sẽ khuyến khích đa dạng hóa đầu tư kinh doanh cho mọi thành phần xã hội, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với khâu phân phối điện, qua tiến hành nghiên cứu CPH và mời nhà đầu tư tham gia kinh doanh, nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được, vì một số điều kiện kinh doanh chưa được thuận lợi. Trong đó có vấn đề lớn nhất là người kinh doanh không tự quyết định được giá bán điện cho khách hàng, đặc biệt là giá bán điện sinh hoạt và khu vực nông thôn còn thấp.
Do vậy, muốn hình thành đầy đủ, hoàn chỉnh thị trường điện lực ở Việt Nam cũng phải cần thời gian dài nữa. Nhưng cũng có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, đến năm 2010, ngành Điện sẽ hết độc quyền.
Nguyên nhân dẫn đến ĐQ DNNN.
Đại hội lần thứ IX của đảng đã khẳng định: “Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện các loại thị trường đi đôi với việc xây dựng khuôn khổ pháp luật và thể chế, để thị trường hoạt động năng động, có hiệu quả, có trật tự, kỷ cương trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh” và “Mọi doanh nghiệp, mọi công dân được đầu tư kinh doanh theo các hình thức do luật định và được pháp luật bảo vệ. Mọi tổ chức kinh doanh theo các hình thức khác nhau hoặc đan xen hỗn hợp, đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Như vậy, đường lối của Đảng ta là đúng đắn để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo nhiều người, nguyên nhân dẫn đến DNNN ĐQ có rất nhiều, trong đó trước hết là do những văn bản pháp quy xuất phát từ duy ý chí. Xin đơn cử một thí dụ về Luật Doanh nghiệp Nhà nước (sửa đổi) được lấy ý kiến và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XI. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi) cần qui định rõ hơn hai vấn đề: thành lập mới doanh nghiệp ở những lĩnh vực độc quyền và trách nhiệm của người đứng đầu DNNN. Điều 6 dự luật qui định, DNNN thành lập mới được đầu tư vào “ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận cao” là không phù hợp với sự phát triển kinh tế, dẫn đến nguy cơ hạn chế quyền kinh doanh của khu vực tư nhân kinh doanh ở những ngành nghề này. Nguy cơ đó bắt nguồn từ việc Nhà nước vừa là người quản lý, vừa là trọng tài - đương nhiên sẽ tạo ra cạnh tranh không bình đẳng giữa khu vực Nhà nước và dân doanh. “Một xu thế khách quan của mọi nền kinh tế phát triển là Nhà nước chỉ làm những việc mà dân chưa làm, không muốn làm, vì không có lãi” - Do đó, nếu khẳng định vai trò chủ đạo của DNNN ở Việt Nam thì cần làm rõ mục đích của độc quyền Nhà nước là gì, có lợi cho ai ? Có người cho rằng, “Nhà nước không trực tiếp kinh doanh, mà tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác hoạt động. Nhà nước chỉ sống bằng thuế”.
Theo chúng tôi, nguyên nhân chính gây ra sự độc quyền của một số DNNN hiện nay là do cơ chế chính sách của chúng ta còn nhiều. Vậy làm gì để hạn chế sự ĐQ của DNNN.
Khi đặt vấn đề: “Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế độc quyền doanh nghiệp thì phải mở rộng cửa cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia trong một lĩnh vực độc quyền Nhà nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã cho rằng: Chống ĐQ DNNN không dễ, vì những DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền sẽ đưa ra nhiều lý do để bảo vệ sự độc quyền tự nhiên do Nhà nước đã ban cho họ. DNNN ĐQ sẽ lấy lý do, nếu cho nhiều thành phần kinh tế tham gia thì thế này... thế khác... thậm chí họ viễn dẫn cả chiến tranh xảy ra sẽ không điều khiển được các thành phần này.v.v... và v.v...
Tuy nhiên, có những việc mà DNNN ĐQ muốn duy trì mãi sự độc quyền cũng không được vì có nhiều sức ép từ cả phía trong và ngoài nước, như lĩnh vực bưu chính viễn thông chẳng hạn.
Vấn đề độc quyền Nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp nhà nước đã được thừa nhận. Sự độc quyền này đã gây khó khăn cho các DNNN và các thành phần kinh tế khác, làm tăng giá đầu vào, làm ảnh hưởng cả đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, khiến cho nhiều sản phẩm của chúng ta đã kém sức cạnh tranh, nay lại càng kém hơn... Nhưng chúng ta có thể khẳng định, những DNNN ĐQ này sẽ không tồn tại lâu, vì quy luật kinh tế sẽ đào thải những gì bất hợp lý.

  • Tags: