Những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Quản trị kinh doanh

VÕ VƯƠNG BÁCH - NGUYỄN THANH PHI VÂN (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu khám phá những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đang theo học tại Khoa Quản trị kinh doanh (QTKD), Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Kết quả cho thấy các yếu tố: nhân tố giảng viên, chính sách NCKH, nhận thức về NCKH, lợi ích về NCKH có ảnh hưởng trực tiếp đến ý định tham gia NCKH của sinh viên ngành QTKD. Yếu tố cơ sở vật chất được phát hiện không có tác động đến ý định tham gia NCKH của sinh viên ngành.

Từ khóa: quyết định tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên, giảng viên.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, các trường đại học Việt Nam đã và đang đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để hội nhập với sự phát triển chung toàn cầu. Điều này dẫn đến hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ càng đóng vai trò quan trọng hơn. NCKH là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn (Quốc hội, 2013; Đào Minh Quang, 2014). NCKH là quá trình tìm hiểu, khám phá sáng tạo những quy luật và ứng dụng những quy luật đó và giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục đại học là cung cấp những kiến thức cơ bản giúp sinh viên phát huy năng lực và phẩm chất.

Cho nên, sinh viên cần trải nghiệm các hoạt động NCKH để rèn luyện phương pháp tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế (Lee, 2008). Hoạt động NCKH đã góp phần đào tạo một số lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ và năng lực đang làm việc trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đổi mới sáng tạo (Bozeman, 2011).

Tuy nhiên, nhiều sinh viên không cảm thấy muốn tham gia nhiều vào các hoạt động này khi học đại học. Do đó, thách thức đối mặt với các nhà quản lý giáo dục đại học là phải làm thế nào đó để có thể tạo ra không chỉ NCKH trong sinh viên, để họ có thể có được các kỹ năng, năng lực và sự thành thạo theo chuyên ngành của họ thông qua nghiên cứu tìm kiếm độc lập để có được kiến thức mới và làm chủ kiến thức thực tế của mình nhằm giải quyết các các vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả.

Nhận thức được điều này, hằng năm Khoa QTKD, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phát động nhiều chương trình NCKH dành cho sinh viên dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng kết quả thu về vẫn còn hạn chế. Vì lý do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra các yếu tố then chốt quyết định NCKH của sinh viên.

2. Mô hình nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết:

Theo lý thuyết Hành vi hoạch định (TPB - Theory of Planned Behavior) của Azjen (1991) thì một hành vi có thể được dự báo hoặc giải thích bởi các ý định (động cơ) để thực hiện hành vi đó. Các ý định này được giả định như là các nhân tố, động cơ ảnh hưởng đến hành vi, hay là mức độ nỗ lực mà con người cố gắng để thực hiện hành vi đó. Vì vậy, các dự định dẫn đến hành vi sẽ được dự báo bởi các yếu tố: nhận thức đối với hành vi, chuẩn chủ quan và cảm nhận về kiểm soát hành vi cá nhân. Trên cơ sở này, nghiên cứu sẽ sử dụng lý thuyết TPB để giải thích hành vi dự định tham gia NCKH của sinh viên.

Nhận thức đối với hành vi thực hiện NCKH là các quan điểm, các nhìn nhận của sinh viên đối với việc thực hiện NCKH. Nghiên cứu của Chen và cộng, 2006 phát hiện ra rằng, khi một cá nhân đánh giá cao việc thực hiện nghiên cứu là một hành vi tốt, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, cá nhân đó sẽ có nhiều động lực để thực hiện NCKH. Ngược lại, nếu một cá nhân nghĩ rằng việc thực hiện NCKH là việc làm không quan trọng, không cần thiết đối với bản thân, các cá nhân đó sẽ có ít động lực, thậm chí không có ý định thực hiện nghiên cứu. Nghiên cứu này xem xét yếu tố lợi ích của NCKH và nhận thức của SV đối với việc NCKH.

Chuẩn chủ quan đối với hành vi thực hiện NCKH là nhóm những yếu tố ngoài tầm kiểm soát (sự mong đợi được cảm nhận từ những người khác có ảnh hưởng đến người thực hiện hành vi): kinh phí được chu cấp thực hiện NCKH (Jacob & Lefgren, 2011). Nghiên cứu này xem xét yếu tố chính sách của nhà trường về NCKH.

Trong khi đó, cảm nhận về kiểm soát hành vi trong NCKH được hiểu đó là nhóm các yếu tố thuộc cá nhân được dùng để đánh giá khả năng thành công của bản thân khi thực hiện hành vi: năng lực tự thân (Azad & Setyed, 2007), (Blackburn & Lawrence, 1995). Nghiên cứu này xem xét yếu tố sự quan tâm của giảng viên hướng dẫn, cơ sở vật chất.

Mô hình nghiên cứu:

Qua lược khảo những lý thuyết được sử dụng từ các nghiên cứu trước có liên quan, những khái niệm nghiên cứu và thang đo đánh giá trước đây, nhóm tác giả tiến hành thực hiện phương pháp nghiên cứu thực nghiệm khám phá, đánh giá các yếu tố tác động đến hành vi dự định tham gia NCKH tại Khoa QTKD của sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu lý thuyết

Mô hình nghiên cứu lý thuyết

3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu thực nghiệm khám phá. Để thực hiện phân tích nghiên cứu, đối tượng thu thập dữ liệu là những sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đang học tại Khoa QTKD của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Việc chọn mẫu theo phương pháp hạn mức. Bảng câu hỏi được soạn trước và gửi cho sinh viên thông qua hình thức google form. Bảng trả lời thu vể với 250 sinh viên năm 1 - 2 đang theo học tại Khoa QTKD, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Bảng hỏi thu được 250 bảng, số bảng đủ tiêu chuẩn để ghi nhận là 226 (99 nam 127 nữ), sinh viên năm thứ hai là 151 và sinh viên năm thứ nhất là 75.

Dữ liệu khảo sát thu thập được sẽ được làm sạch và phân tích bằng phần mềm SPSS 20. Sau đó, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích hồi quy bội để xác định mức độ các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia NCKH của sinh viên.

Thang đo lường khái niệm nghiên cứu được kế thừa từ nghiên cứu trước. Biến độc lập: Giảng viên hướng dẫn (6 biến quan sát) của Bass & Avolio (2004), Chính sách của nhà trường (5 biến quan sát) của Iqbal và Mahmood (2011), Cơ sở vật chất (4 biến quan sát) của Iqbal và Mahmood (2011), Nhận thức của sinh viên về NCKH (6 biến quan sát) của Azad và Seyyed (2007), Lợi ích của NCKH đối với sinh viên (4 biến quan sát) của Azad và Seyyed (2007), Biến phụ thuộc: hành vi dự định tham gia NCKH (4 biến quan sát) của Azjen (1991).

3.2. Kết quả phân tích

Bảng 1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Bảng 1 cho thấy yếu tố giảng viên được sinh viên đánh giá cao nhất khi đạt điểm trung bình 3.411. Trong khi đó, yếu tố nhận thức của sinh viên về nghiên cứu khoa học được ghi nhận có mức đánh giá thấp nhất (2.597). Độ tin cậy thang đo của tất cả các biến trong mô hình đều đạt mực độ tin cậy cao (Cronbach’s Alpha > 0.8) và hệ số tải trong phân tích nhân tố đều lớn hơn 0.5. Các chỉ số khác như KMO = 0.931, R2 = 77.188.

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Kết quả phân tích hồi quy tại Bảng 2 cho thấy, ngoại trừ biến cơ sở vật chất không có ý nghĩa thống kê (P = 0.587 > 0.05), tất cả các biến còn lại đều có ý nghĩa thống kê khi đạt mức 90% độ tin cậy.

Kết quả nghiên cứu được tóm tắt trong phương trình hồi quy:

Ý định tham gia NCKH = 0.18 Giảng viên + 0.164 Chính sách
+ 0.136 Nhận thức + 0.684 Lợi ích + 6.127

4. Thảo luận

Dựa trên kết quả nghiên cứu, cảm nhận về lợi ích của sinh viên về NCKH đã trở thành một nhân tố quan trọng tác động đến ý định tham gia NCKH của sinh viên (b = 0.684, P = 0.000). Nhân tố quan trọng thứ hai khi khuyến khích sinh viên tham gia NCKH là nhân tố giảng viên, khi họ là người trực tiếp khuyến khích và hướng dẫn sinh viên NCKH (b = 0.180, P = 0.008). Ngoài ra, nhân tố chính sách về NCKH sinh viên của trường đại học (b = 0.164, P = 0.058) và nhận thức của sinh viên về NCKH (b = 0.136, P = 0.072) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp ảnh hưởng đến ý định tham gia NCKH của sinh viên ngành QTKD. Tuy nhiên, 2 nhân tố này có ý nghĩa thống kê ở khoảng tin cậy 90%. Cuối cùng, với sinh viên ngành QTKD, cơ sở vật chất không có nhiều ý nghĩa khi khuyến khích sinh viên khối ngành này tham gia NCKH.

5. Kết luận và kiến nghị

Nghiên cứu phỏng vấn 15 sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đang theo học tại Khoa QTKD, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Nghiên cứu tìm thấy 5 nhân tố: giảng viên, chính sách nhà trường, nhận thức của sinh viên và lợi ích khi tham gia NCKH tác động tích cực đến hành vi dự định tham gia NCKH của họ. Trong đó, lợi ích của NCKH đối với sinh viên là thành phần có tác động mạnh nhất đến hành vi dự định tham gia NCKH của sinh viên. Thêm vào đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, để sinh viên quyết định tham gia NCKH, yếu tố cơ sở vật chất hầu như không quan trọng, vì lĩnh vực nghiên cứu là khoa học xã hội nên yếu tố này không có ý nghĩa thống kê và cả trong thực tiễn. Chính vì vậy, trường đại học cần quan tâm cải thiện quyết định tham gia NCKH của sinh thông qua những nhân tố tác động.

Nghiên cứu đã bổ sung thêm vào hệ thống mô hình hóa những yếu ảnh hưởng quyết định tham gia NCKH của sinh viên thông qua góc nhìn của sinh viên năm thứ nhất và thứ hai. Đối với những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đại học, nghiên cứu được xem là mô hình tham khảo cho những nghiên cứu tiếp theo. Đối với nhà quản lý khoa học, hay cao hơn là ban giám hiệu, kết quả nghiên cứu này góp phần thúc đẩy sự quan tâm của họ trong việc thiết kế nhiều hơn nữa những chương trình NCKH khác nhau, nhằm gia tăng năng lực cá nhân của sinh viên, góp phần nâng cao năng lực nghề cho sinh viên đạt được năng lực nghề xã hội yêu cầu. Bên cạnh đó là những chính sách đặc biệt dành NCKH. Đối với giảng viên tham gia hướng dẫn, cần có những thái độ quan tâm hơn đối với sinh viên tham gia NCKH.

Cùng với những kết quả đóng góp tích cực, bài nghiên cứu vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là đối tượng khảo sát chỉ là sinh viên năm thứ nhất và thứ hai đang theo học tại Khoa QTKD và số mẫu còn khiêm tốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). Theory of Planned Behaviour. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  2. Azad, A.N. and Seyyed, F.J. (2007). Factor influence faculty research productivity: Evidence from AACSB accredited schools in the GCC countries. Journal of International Business Research, 6(1), 91-102.
  3. Bass, B.M & Avolio, B.J. (2004). Multifactor leadership questionnaire: third edition manual and sampler set. Menlo Park, CA: Mind Garden, Inc.
  4. Blackburn, R. T. and J. H. Lawrence. (1995). Faculty at work: Motivation, expectation, satisfaction. Baltimore: The Johns Hopkins University Press.
  5. Bozeman, B. (2011). Scientists collaboration strategies: implications for scientific and technical human capital. Research Policy, 33(4), 599-616.
  6. Chen, Gupta & Hoshower. (2006). Factors that motivate Business Faculty to conduct research: An expectancy Theory Analysis. Journal of Education for Business, 81(4), 179-189.
  7. Đào Minh Quang (2014), Kết quả khảo sát về tình hình nghiên cứu khoa học trong sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 3, 46-50.
  8. Lee, S. (2008). The impact of research collaboration on scientific productivity. Social Studies of Science, 35(5), 673 - 702.
  9. Muhammad Zafar Iqbal and Azhar Mahmood. (2011). Factors Related to Low Research Productivity at Higher Education Level. Asian Social Science, 7(2), 188-193.
  10. Jacob, B. A., & Lefgren, L. (2011). The impact of research grant funding on scientific productivity. Journal of public economics, 95(9), 168-1177.
  11. Quốc hội (2013). Luật số 29/2013/QH13: Luật Khoa học và Công nghệ.

FACTORS AFFECTING THE DECISION OF THE FACULTY

OF BUSINESS ADMINISTRATIONS STUDENTS

TO PARTICIPATE IN SCIENTIFIC RESEARCHES

• VO VUONG BACH1

• NGUYEN THANH PHI VAN1

1Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study investigates the factors affecting the decision of the first- and second-year students studying at the Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University to participate in scientific researches. This study finds out that the factors of lecturers, scientific research policies, awareness of scientific research, interests perceived of scientific research have direct impacts on the intention to participate in scientific researches of students. Meanwhile, the factor of facilities has no impact on the intention of students to participate in scientific researches.

Keywords: intention to participate in scientific researches, lecturers, students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]