giao hang

Có thể nói, từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 lan rộng và ảnh hưởng lớn lên khắp thế giới, thì kênh bán lẻ hiện đại được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Các kênh bán lẻ truyền thống dù vẫn duy trì nhưng không còn sự tăng trưởng. Các gian hàng tạp hóa ngày xưa không còn dư địa phát triển, dù vẫn duy trì.

Trong khi đó kênh bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng ấn tượng, đã phủ sóng khắp các thành thị và lan dần ra cả các vùng nông thôn. Tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại còn được hậu thuẫn bởi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Kèm với đó là nhu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng thay đổi theo xu thế.

Đại dịch Covid-19 cũng khiến người tiêu dùng e dè khi sử dụng kênh phân phối truyền thống, ưa thích lựa chọn xu hướng mới khi ngồi tại nhà vẫn có thể "đi chợ", nhận hàng tại nhà với các sản phẩm yên tâm về chất lượng.

Theo thống kê của Euromonitor – một tập đoàn nghiên cứu thị trường - tỷ lệ bao phủ của kênh bán lẻ hiện đại hiện nay đang ở mức 8%. Cũng theo Euromonitor, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất về hàng tạp hóa hiện đại trong nhóm các quốc gia Đông Nam Á. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 26% cho lĩnh vực này trong 5 năm tới. Ông Danny Le – Tổng giám đốc Masan Group tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn này cho biết hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm 90% thị phần của mảng tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này sẽ sụt giảm nhanh chóng thương lai.

Các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng mô hình bán lẻ hiện đại. Chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của Thế giới di động đang thử nghiệm các mô hình cửa hàng diện tích 500m2 và cung cấp hàng nghìn lựa chọn về hàng hóa. Doanh nghiệp đang đặt mục tiêu có hơn 500 cửa hàng Bách Hóa Xanh diện tích lớn vào cuối năm 2021.

Nielsen: Số người tiêu dùng mua sắm online tại Việt Nam tăng lên 25% kể từ khi dịch bùng phát - Ảnh 1.

Tập đoàn Masan cũng đã thành lập The CrownX – công ty điều hành mảng tiêu dùng (Masan Consumer) và bán lẻ (VinCommerce) để đẩy mạnh thương mại tích hợp từ offline đến online. Masan đặt mục tiêu phục vụ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên cùng một nền tảng. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi phí cho các hàng hóa thiết yếu và giúp các đối tác gia tăng lợi nhuận.

Theo Masan, mô hình tích hợp từ offline đến online của công ty bao gồm các mục tiêu quan trọng là xây dựng mô hình nhu yếu phẩm, mở rộng quy mô bán lẻ bằng việc vận hành 10.000 cửa hàng bán lẻ tự sở hữu và 20.000 cửa hàng bán lẻ nhượng quyền đến năm 2020 thông qua việc hiện đại hóa các kênh thương mại truyền thống. Masan cũng xây dựng kế hoạch chuyển đổi các cửa hàng bán lẻ trở thành các Point of Life bằng cách kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, giải trí số, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Nielsen: Số người tiêu dùng mua sắm online tại Việt Nam tăng lên 25% kể từ khi dịch bùng phát - Ảnh 2.

Một thương hiệu bán lẻ khác – BigC mới đây đã tái định vị thương hiệu thành Go! Tập đoàn Central Retail của Thái Lan cũng đang hướng đến việc phát triển các siêu thị mini Go! Tại các khu vực nông thôn.

Nielsen: Số người tiêu dùng mua sắm online tại Việt Nam tăng lên 25% kể từ khi dịch bùng phát - Ảnh 3.

Lãnh đạo Tập đoàn Masan cho biết, trong năm 2021 công ty sẽ thử nghiệm mô hình nhượng quyền bằng việc kết hợp với các nhà bán lẻ truyền thống  theo mô hình "win-win". "Lợi thế của chúng tôi hiện nay là hàng ngàn nhân viên bán hàng của Masan đã có mối quan hệ tốt với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Chúng tôi có chiến lược về hàng hóa, có quy mô lớn để có thể đàm phán mua được hàng từ nhà cung cấp với giá tốt hơn, có sản phẩm tự sản xuất, có sự tinh gọn trong mô hình bán lẻ" – ông Danny Le cho biết.

Trên thế giới, nhà bán lẻ số 1 tại Mỹ Walmart đã phát triển theo cùng xu hướng. Walmart đã xây dựng vững chắc nền tảng bán hàng offline trước khi tích hợp online để đáp ứng nhu cầu về nhu yếu phẩm cho người tiêu dùng.

Sau khi tích hợp và hoạt động ổn định, Walmart bước sang giai đoạn 2 với mô hình "tất cả trong một" dành cho người tiêu dùng, bao gồm cả hoạt động hỗ trợ bán hàng, quảng cáo, tài chính tới sự tham gia của các fintech cho người không sử dụng ngân hàng...

Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này chỉ đang phục vụ cho các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hằng ngày của người tiêu dùng thì trước tiên cần tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Một khảo sát Nielsen đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020 về “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên người tiêu dùng Việt Nam" cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm online tại Việt Nam tăng lên 25% kể từ khi dịch bùng phát, trong khi con số này chỉ là 7% với hình thức mua bán tại siêu thị. Tỷ lệ sử dụng ví điện tử cũng tăng 28% so với thời kỳ trước đó. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và là cú hích thổi bùng nhu cầu mua sắm online – là cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh khi người dân chọn mua sắm tại nhà.