Nikkei: Doanh nghiệp dệt may tại Trung Quốc dịch chuyển mạnh mẽ sang Việt Nam và Bangladesh

Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 ước tính đạt kỷ lục mới – 36 tỷ USD khi xu thế dịch chuyển này ngày một dâng cao.

Đối đầu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang mang đến những thay đổi quan trọng trong ngành dệt may tại nhiều nước ví như Bangladesh hay Việt Nam, bởi ngày một nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang hai nước trên nhằm né các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.

Trung Quốc là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu trong năm ngoái đạt 158,4 tỷ USD, tương đương hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu.

Thế nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể nếu so với tỷ lệ 40% ở thời điểm đầu thập kỷ này, nguyên nhân là bởi các công ty dệt may đang dần chuyển sang những nước láng giềng có chi phí lao động thấp hơn.

Bangladesh được coi như một trong những lựa chọn thay thế. Bangladesh đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may với 6,4% thị phần. Việt Nam đứng thứ 3 với 5,8% thị phần. Mức lương người lao động tại Việt Nam chỉ bằng chưa đến nửa so với mức lương người lao động tại nhiều thành phố như Thượng Hải hay Quảng Châu. Mức lương người lao động tại Bangladesh trong khi đó vẫn còn thấp.

Nhiều công ty may mặc Mỹ đang đa dạng hóa nhà cung cấp ra khỏi nhóm các nhà cung cấp Trung Quốc. Xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Mỹ trong khoảng thời gian 1 năm tính đến cuối quý 3/2018 tăng 14%. Còn theo hiệp hội dệt may Việt Nam, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 ước tính đạt kỷ lục mới – 36 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may chiếm khoảng hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam thời gian gần đây tăng chủ yếu từ những nhà máy đang hoạt động. Xu thế này sẽ còn dâng cao hơn nữa khi mà các công ty Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện tại chưa tăng thuế với hàng dệt may, nhưng kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra bởi chính quyền Mỹ đã phát đi tín hiệu này.

Đại diện một công ty vận tải tại Việt Nam nói: “Ngay cả những công ty trước đây từng ngại ngần nay cũng đang tính chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc”.

Lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ khiến cho xu thế này ngày một tồi tệ hơn. Mỹ sẽ cấm các cơ quan chính phủ có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với doanh nghiệp sử dụng thiết bị từ 5 công ty Trung Quốc, trong đó phải kể đến Huawei Technologies và ZTE từ tháng 8/2020.

Một nhà máy dệt may sử dụng thiết bị từ những công ty trên sẽ không được phép cung cấp đồng phục hoặc bất kỳ sản phẩm nào cho cơ quan chính phủ Mỹ. Và nếu một công ty bị phát hiện có nhiều tuyên bố sai về loại thiết bị mà công ty sử dụng, Mỹ sẽ có thể chặn tất cả các giao dịch bằng đồng USD trên phạm vi toàn cầu của công ty đó.

Xét đến việc nhiều sản phẩm thuộc các công ty trong danh sách đen được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, việc chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc là cách an toàn nhất để tránh rắc rối.