Nửa đầu tháng 3, Việt Nam xuất siêu gần 1 tỷ USD bất chấp Covid-19

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhưng trong nửa đầu tháng 3, chúng ta vẫn thu về hơn 11 tỉ USD giá trị xuất khẩu và xuất siêu lên đến 900 triệu USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt hơn 21,47 tỉ USD.

Trong đó, xuất khẩu đạt 11,2 tỉ USD, nhập khẩu đạt 10,3 tỉ USD. Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta tiếp tục xuất siêu 900 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 97,85 tỉ USD, tăng 4,4%. Trong đó xuất khẩu ghi nhận 50,29 tỉ USD, tăng 6,8%, nhập khẩu đạt 47,55 tỉ USD, tăng gần 2% so với cùng kì năm 2019.

Tính từ đầu năm đến 15/3, nước ta đang xuất siêu 2,74 tỉ USD, cao hơn nhiều so với cùng kì năm 2019 (xuất siêu gần 405 triệu USD).

xuất siêu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa đầu tháng 3 vẫn tăng, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu

Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam vẫn tiếp tục đạt giá trị lớn. Điển hình như: mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 2,66 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,57 tỉ USD; hàng dệt may đạt 1,18 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 804 triệu USD và giày dép các loại đạt 662 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên 1 tỉ USD trong 2,5 tháng vừa qua có hàng thủy sản đạt 1,2 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2 tỉ USD, hàng dệt may đạt 5,8 tỉ USD, giày dép các loại 3,4 tỉ USD, máy vi tính, điện tử và linh kiện 7 tỉ USD, điện thoại linh kiện 10,2 tỉ USD, máy móc, thiết bị, phụ tùng 3,9 tỉ USD và phương tiện vận tải, phụ tùng ô tô 1,7 tỉ USD.

Tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới, do vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc bị gián đoạn do Trung Quốc tạm ngưng trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để đối phó với dịch bệnh.

Trước tình hình này, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối tháng 2/2020, tiến độ thông quan tại một số cửa khẩu chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu thấp hơn nhiều so với trước thời điểm dịch bệnh.

Nhưng từ đầu tháng 3 tới nay, tình hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc có nhiều tín hiệu tích cực, số lượng xe hàng xuất khẩu ngày càng tăng, trong khi đó, lượng xe tồn tại cửa khẩu ngày càng giảm... phần nào giúp các doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Số liệu cập nhật của Bộ Công Thương cho biết, trong ngày 17/3, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã xuất khẩu 1.063 xe và 7 toa hàng; nhập khẩu 1.021 xe hàng hóa, tồn 1.047 xe và 8 toa tàu. Lũy kế từ 5/2 đến 17/3, ghi nhận có 9.346 xe hàng hóa xuất khẩu và 11.127 xe nhập khẩu.

xuất siêu gần 1 tỷ USD
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nguồn cung nguyên liệu phụ liệu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ngay từ những ngày đầu năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã thành công khi khống chế được đại dịch Covid-19, các ca nhiễm bệnh giảm dần, các nhà máy, doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại, cung ứng nguyên phụ liệu cho các đối tác.

Đáng lưu ý, ngày 17/3 vừa qua, nhiều nước châu Âu đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp trong nước lo lắng, ảnh hưởng đến thông quan hàng hóa giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu.

Nhận định tình hình này, Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, động thái trên có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Bởi lẽ, quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.

Tuy nhiên xét trên một số khía cạnh kinh tế, Bộ Công Thương nhận định, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động sản xuất, kinh doanh trong đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.

Hạ An