“Nút thắt” của các nền kinh tế

Số liệu thống kê từ các nền kinh tế lớn cho thấy tốc độ tăng trưởng của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang trong tình trạng “chậm dần đều” hoặc mấp mé bờ vực suy thoái.
kinh te the gioi
Kinh tế thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều rào cản

Giới phân tích cho rằng, kinh tế thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều rào cản, nhưng “nút thắt” nghiêm trọng nhất hiện nay là “dòng chảy” thương mại bị bóp nghẹt bởi các cuộc chiến thuế quan.

Khi các chính phủ đang chuẩn bị “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch kinh tế trong năm 2019, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy họ cần phải nỗ lực rất nhiều. Mảnh ghép từ số liệu thống kê tại các nền kinh tế lớn đang cho thấy một bức tranh tổng thể về kinh tế toàn cầu với gam màu xám là chủ đạo. Văn phòng Nội các Nhật Bản hôm14/11 cho biết, kinh tế nước này trong quý 3/2019 (từ tháng 7 đến tháng 9) đã tăng trưởng quý thứ 4 liên tiếp, song tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến làm dấy lên quan ngại về "sức khỏe" nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới của “Đất nước mặt trời mọc”.

GDP của Nhật Bản trong quý 3 tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của quý 2 cũng như mức dự báo tăng 1% của giới phân tích. Văn phòng Nội các Nhật Bản nhận định rằng, tình trạng xuất khẩu giảm sút, những căng thẳng thương mại tiếp diễn đã làm chậm đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong nước khiến tăng trưởng kinh tế Nhật trì trệ.

kinh te nhat ban
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chậm hơn dư kiến

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, cũng trong tình cảnh báo động về tăng trưởng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng giảm tốc mạnh và chỉ tăng trưởng 6% trong quý 3, so với mức 6,4% trong quý 1 và 6,2% trong quý 2 năm nay. Sự tăng trưởng chậm lại đã làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6% trong tương lai. Trước đó, số liệu thống kê từ các nền kinh tế Mỹ, châu Âu cũng cho thấy những mảnh ghép tối màu trên “bức tranh u ám” của kinh tế thế giới.

Số liệu được Chính phủ Mỹ công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý 3/2019 đã giảm nhẹ xuống còn 1,9% trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã tác động mạnh đến lĩnh vực kinh doanh. Con số trên thấp hơn mức tăng trưởng của quý trước là 2%. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã làm suy yếu lòng tin của doanh nghiệp, khiến đầu tư kinh doanh tại Mỹ giảm hai quý liên tiếp. Chỉ riêng trong quý 3, đầu tư kinh doanh đã bị giảm ở mức 3%, mức giảm sâu nhất trong hơn 3 năm rưỡi. Trong khi đó, tác dụng yếu dần của gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD vào năm ngoái cũng đang gây trở ngại cho đà tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, hiện đã là năm thứ 11, của kinh tế Mỹ.

Mối lo kinh tế suy yếu làm đương kim Tổng thống “mất điểm” với cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới đã dẫn đến phản ứng giận dự của Tổng thống Mỹ D. Trump với các nhà lãnh đạo FED gần đây, khi cơ quan này chỉ giảm lãi suất theo kiểu “nhỏ giọt”. Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% điểm, nhằm tạo ra một “một cú huých” cho nền kinh tế.

tong thong trump

Tổng thống Mỹ Donal Trump đã cáo buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang “gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ”, chứ không phải là Trung Quốc.

Phản ứng trước quyết định nêu trên của FED, “ông chủ Nhà Trắng” D. Trump đã cáo buộc cơ quan này đang “gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ”, chứ không phải là Trung Quốc. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump chỉ trích quyết định của FED và người đứng đầu cơ quan này, Jerome Powell, đã không hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0 hoặc lãi suất âm. Ông đồng thời khẳng định nước Mỹ “đã bị FED đẩy vào thế bất lợi trong cạnh tranh”.

Ở châu Âu, kinh tế Anh đang trở thành mối lo của toàn khu vực. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh (ONS), nền kinh tế của Xứ sở sương mù đã vừa “thoát hiểm trong gang tấc” và tránh được suy thoái nhờ tăng trưởng 0,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng rất thấp và còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước. Thống kê của ONS cho thấy kinh tế Anh tăng 0,3% sau mức giảm 0,2% của quý liền kề trước đó.

Theo định nghĩa kỹ thuật, một nền kinh tế được xác định là suy thoái khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Bởi vậy, mức tăng trưởng 0,3% đã giúp Anh thoát khỏi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế Anh vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Số liệu chính thức vẫn cho thấy số người đang làm việc gần đây giảm; trong khi đó, lòng tin của các doanh nghiệp Anh trong tháng 10, theo các khảo sát do hãng kiểm toán BDO công bố ngày 11/11, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2012. Trong bối cảnh tiến trình Brexit bế tắc và không rõ ràng, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa hạ triển vọng nợ của nước Anh xuống mức "tiêu cực".

Trong khi đó, “đầu tàu” kinh tế châu Âu là Đức cũng trong tình trạng không khả quan. Theo báo cáo của Hội đồng các chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) được công bố tuần đầu tháng 11, kinh tế Đức sẽ chấm dứt xu hướng tăng trưởng và GDP của nước này dự kiến sẽ chỉ tăng 0,5% trong năm nay và tăng 0,9% năm sau, thấp hơn so với mức tăng 1,5% của năm 2018. Theo GCEE, đà suy giảm kinh tế Đức dự báo kéo dài ít nhất là đến năm tới. 

thương chiến mỹ - trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện là “nút thắt lớn nhất” làm suy yếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, Tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) Kinh tế thế giới mới đây, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, kinh tế toàn cầu đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức như: tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, đầu tư suy giảm, hoạt động sản xuất chùng xuống, thương mại suy yếu, các nước nghèo dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.

Ngoài nguy cơ bất ổn địa chính trị toàn cầu như Brexit hay những điểm nóng liên quan đến tình hình Trung Đông, xung đột thương mại là nguyên nhân trực tiếp, quan trọng nhất ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Báo cáo của IMF chỉ ra rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 2 năm trở lại đây đã thấp hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tổng mức trao đổi hàng hóa trong năm 2019 được dự báo chỉ tăng 1,9%. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra sau nhiều thập niên bùng nổ toàn cầu hóa. Nó cho thấy thương mại không còn là động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa là thương mại có liên quan chặt chẽ đến đầu tư và lòng tin doanh nghiệp.Trong bối cảnh cọ xát thương mại gay gắt, giới đầu tư quốc tế có xu hướng trì hoãn, đóng băng các kế hoạch đầu tư do môi trường bất trắc. Trong khi đó, IMF chỉ rõ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện là “nút thắt lớn nhất” làm suy yếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo đó làm trầm trọng thêm xu hướng suy giảm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

fed

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis - James Bullard: Kinh tế thế giới đang đối mặt với tương lai khi “tự do thương mại vấp phải nhiều rào cản và biện pháp thuế quan” hơn so với 8 thập kỷ qua.

Các nhận định nêu trên được đưa ra trong bối cảnh cọ xát thương mại gia tăng; quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ James Bullard trong phát biểu trước báo giới tại bang St Louis mới đây đã bày tỏ quan ngại rằng, kinh tế thế giới đang đối mặt với tương lai mà ở đó “tự do thương mại vấp phải nhiều rào cản và biện pháp thuế quan” hơn so với 8 thập kỷ qua.

Điều đáng lo ngại là các “rào cản thương mại” có thể sẽ có hiệu lực trong thời gian dài. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung lại “tăng nhiệt” từ tháng 8/2019 và ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai “người khổng lồ” này sẽ kéo dài và lan rộng.  Theo ông James Bullard, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leothang hiện nay là một xu hướng hoàn toàn trái ngược với xu thế ủng hộ tự do thương mại đã tồn tại ở Mỹ suốt 75 năm qua.

Trước tình trạng “nút thắt” thương mại đang bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế toàn cầu như trên, James Bullard và nhiều chuyên gia kinh tế gần đây đã khuyến cáo rằng, các bên cần chủ động chuẩn bị đối sách sống chung với rào cản thương mại. Đồng thời, chuẩn bị tâm thế cho một tương lai đối mặt với những mức thuế cao hơn và “nhiều rào cản phi thuế quan” hơn những gì đã từng diễn ra trong lịch sử.

TS. Nguyễn Quốc Trường