OPEC+ đạt thoả thuận nâng sản lượng, giá dầu thô tiếp tục lao dốc mạnh

Giá dầu thô Brent tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay ngày 19/7 xuống còn 72,5 USD/thùng sau khi liên minh OPEC+ đạt thoả thuận sẽ nâng sản lượng khai thác trong tháng 8 tới đây.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 19/6 - 19/7/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Vào lúc 10h00 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục lao dốc, giảm hơn 1,4% xuống còn 72,5 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 1,3% còn 70,8 USD/thùng

Trong tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm gần 3% và giá dầu thô WTI giảm gần 4%, xác lập tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp. Đây là mạch giảm giá dài nhất kể từ tháng 4/2020 trên thị trường dầu thô. Thị trường chịu tác động tiêu cực từ việc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út đạt đồng thuận về việc nâng sản lượng khai thác. Giới quan sát nhận định UAE sẽ được nâng sản lượng khai thác như những gì nước này kiên quyết yêu cầu trong phiên họp của liên minh OPEC+ hồi đầu tháng 7/2021. 

Giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng nay tiếp tục chịu áp lực giảm khi các bộ trưởng thuộc liên minh OPEC+ đã đồng ý sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 8/2021 trong phiên họp ngày 18/7. Liên minh OPEC+ cho biết động thái này nhằm hạ nhiệt giá dầu thô. Hồi đầu tháng này, giá dầu thô đã có lúc chạm mức cao nhất trong hơn 30 tháng trở lại đây khi nhiều nền kinh tế lớn mở cửa trở lại, đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô bật tăng mạnh.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Đứng về góc độ tích cực, tập đoàn tài chính RBC Capital Markets (Canada) nhận định việc liên minh OPEC+ đạt thoả thuận tăng sản lượng khai thác sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường dầu mỏ, loại bỏ các lo ngại về sự tan rã của liên minh OPEC+ và các quốc gia thành viên có thể tự nâng sản lượng khai thác bất cứ lúc nào nhằm cạnh tranh thị phần với nhau.

Trước đó, một số nhà phân tích lo ngại việc UAE được nâng sản lượng khai thác có thể khiến các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ như Iraq yêu cầu được nâng sản lượng. Sự kiên quyết của UAE trong việc yêu cầu được nâng sản lượng khai thác phản ánh sự bất đồng trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia sau thời gian dài cắt giảm mạnh sản lượng với việc cân bằng giá dầu thô khi nhu cầu toàn cầu bùng nổ trở lại.

Trong năm ngoái, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đã đồng thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục, lên đến 10 triệu thùng/ngày để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ trước các tác động của đại dịch Covid-19. Hiện nay, liên minh OPEC+ đã dần nâng sản lượng trở lại với mức cắt giảm sản lượng hiện ở khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.

Quang Đặng