Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết ByteDance đã từ bỏ ý định bán các hoạt động của TikTok ở Mỹ và quyết định theo đuổi quan hệ đối tác với Oracle với hy vọng tránh lệnh cấm của Mỹ. 

Theo thỏa thuận được đề xuất, Oracle sẽ là đối tác công nghệ của ByteDance và sẽ đảm nhận việc quản lý dữ liệu người dùng Mỹ của TikTok. Oracle cũng đang đàm phán về việc mua cổ phần trong tài sản của TikTok tại Mỹ, các nguồn tin cho biết thêm.

Hiện tại, vẫn không rõ liệu Tổng thống Trump có chấp thuận thỏa thuận được đề xuất hay không. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các giao dịch về các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn cũng đang giám sát các cuộc đàm phán giữa ByteDance và Oracle.

Oracle sẽ thâu tóm TikTok tại Mỹ b

Theo lập luận của ByteDance, sự chấp thuận của CFIUS trong 2 năm trước đối với việc Tập đoàn China Oceanwide Holdings mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Genworth Financial của Mỹ đã đưa ra một tiền lệ cho cấu trúc thỏa thuận mà họ đang đề xuất với Oracle, các nguồn tin cho biết.

Trong thỏa thuận đó, China Oceanwide đã đồng ý sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba có trụ sở tại Mỹ để quản lý dữ liệu của các người dùng Genworth tại Mỹ. ByteDance cho rằng, một thỏa thuận tương tự có thể bảo vệ dữ liệu của người dùng TikTok tại Mỹ, các nguồn tin cho biết.

Hiện chưa rõ mô hình hợp tác cụ thể giữa Oracle và ByteDance trong thương vụ này là như thế nào, có bao gồm việc chuyển giao thuật toán lõi của TikTok hay không và đã đảm bảo loại bỏ được những mối quan ngại mà Chính phủ Mỹ đã đưa ra hay chưa. Theo quy định, thương vụ này sẽ còn phải được Nhà Trắng và Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ phê chuẩn.

Oracle sẽ thâu tóm TikTok tại Mỹ

Trong thời gian gần đây, TikTok đã trở thành "tâm bão" căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm các cá nhân, công ty Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, cũng như Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. 

TikTok, ứng dụng tạo và chia sẻ video thuộc công ty ByteDance của Trung Quốc, vào cuối tháng 8/2020 đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ để phản đối quyết định của chính quyền về việc cấm công ty hoạt động tại Mỹ, theo tin từ CNBC.

Hiện TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 quốc gia. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.