PCI 2017: Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu

Quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 là Quảng Ninh, một tỉnh thành liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước kể từ 2013.

Sáng nay 22/3/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017.

Trong bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP HCM (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Bỏ qua Đà Nẵng, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh…

Lý giải về việc Quảng Ninh vươn lên dẫn dầu trong chỉ số PCI năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, “Quảng Ninh là tỉnh áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo, điều hành từ các ngành, các cấp trong tỉnh. Đó là việc triển khai xây dựng và công bố thường niên Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành (DDCI) từ 2015”.

Đáng chú ý, năm 2017 Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng Facebook. Sáng kiến này giúp tỉnh sớm nắm bắt và giải quyết kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng.

“Việc Quảng Ninh soán ngôi đầu của Đà Nẵng trong bảng xếp hạng PCI năm 2017 cũng không quá bất ngờ, khi ở bảng xếp hạng năm 2016 Quảng Ninh đã đứng thứ hai với 65,60 điểm, ở trong nhóm điều hành rất tốt”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

Được thực hiện trong 13 năm liên tiếp, báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Điều tra PCI năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam - ông Daniel Kritenbrink Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết

Cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố của Việt

PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành ấn tượng của chính quyền địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, điều tra PCI năm 2017 cho thấy tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh, ông Daniel Kritenbrink – Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định.

Cụ thể, theo số liệu điều tra PCI năm 2017 thì có tới 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ mức 8%. Có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam

Điều tra PCI năm 2017 cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn, thời gian cần thiết để hoàn tất cả các thủ tục cấp phép đã đầu tư đã cải thiện đáng kể.

“Trong năm 2017, chỉ 30% doanh nghiệp cho biết phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật. Bên cạnh đó 72% doanh nghiệp đánh giá các cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả, 52% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản, và 92% cho biết phí, lệ phí được công khai. Đây là những con số cao kỷ lục từ trước đến nay” Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vui mừng thông báo.

Hoàng Hòa