Petrolimex Đồng Nai: “Cú đánh lớn” kéo tổng sản lượng cả năm vượt  kế hoạch

“Cú đánh lớn” này không chỉ đủ sức bù cho sản lượng bán lẻ, mà còn kéo tổng sản lượng xuất bán xăng dầu cả năm đạt 108% so với kế hoạch và đạt 11% so với thực hiện năm 2020; góp phần làm cho bức tranh tài chính Petrolimex Đồng Nai thêm tươi sáng.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra, vào Đồng Nai được dựng lên; đường Nguyễn Ái Quốc nối quốc lộ 1K và 1A với 8 làn xe vốn là trục đường có lưu lượng xe lớn nhất Đồng Nai đã vắng xe cộ đi lại; Ngã tư Tân Phong - cửa ngõ tới các khu công nghiệp TP Biên Hòa cũng thưa thớt bóng; 5 chợ lớn nhất TP Biên Hòa gồm chợ Biên Hòa, Tân Phong, Tân Hiệp, Sặt, Tân Mai dừng hoạt động… Đó là những hình ảnh đặc trưng của Đồng Nai, một trong ba tỉnh thành (cùng với TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý III năm 2021 do sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý III tỉnh Đồng Nai giảm 9,37%, là mức giảm sâu nhất kể từ khi công bố IIP tính theo quý đến nay. Theo các chuyên gia, chỉ cần nhìn con số ngành sản xuất phân phối điện của tỉnh giảm 6,18% trong cả năm cũng đủ biết, dịch bệnh tác động thế nào đến sản xuất công nghiệp và thương mại, du lịch trên địa bàn.

Cùng với điện, một loại hình năng lượng khác là xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ nhiều năm nay, Petrolimex Đồng Nai luôn một trong những đơn vị của Tập đoàn có mức tăng trưởng bán lẻ tốt nhất. Thế nhưng thực hiện giãn cách xã hội trong quý III năm nay đã khiến bán lẻ 9 tháng đầu năm không về gần tới đích như cùng kỳ năm trước.

Chúng ta thử so sánh bán lẻ 9 tháng đầu năm của 2021 với 2020 để thấy được mức độ tàn phá của dịch bệnh đến sức tiêu dùng loại năng lượng này. Sản lượng bán lẻ trực tiếp 9 tháng đầu năm nay đạt 67% so Kế hoạch năm; trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng bán lẻ trực tiếp đạt 82% so với Kế hoạch Tập đoàn giao.

Điều này đã được Petrolimex Đồng Nai dự liệu trước, vì kinh nghiệm của năm trước đã chỉ ra rằng, sản lượng bán lẻ của Công ty trong 2 tháng cao điểm giãn cách xã hội là tháng 4 và tháng 8 năm 2020, đều sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, ngay trong Báo cáo Tổng kết năm 2020, nhiệm vụ giải pháp năm 2021, Petrolimex Đồng Nai đã đưa ra nhận định “Dự báo năm 2021, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp” và bước vào năm Petrolimex Đồng Nai đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước hết, trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp, Công ty đã điều chỉnh giảm thời gian bán hàng tại các CHXD nhằm phù hợp với tình hình thực tế diễn biến dịch hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì triển khai đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo sự khác biệt và ngày càng nâng cao hơn uy tín của Petrolimex trên địa bàn như tiên phong triển khai một số CHXD kinh doanh xăng RON 95-V thay thế xăng RON 95-IV theo chủ trương của Tập đoàn; duy trì CHXD kinh doanh D0 0,001S-V song song với kinh doanh D0 0,05S giúp khách hàng có nhiều lựa chọn.

Ngoài ra, Các chính sách hỗ trợ đối với các CHXD như chính sách khuyến khích bán xăng E5, chính sách khuyến khích khách hàng có sản lượng mua lớn, chính sách hỗ trợ chi phí tiếp thị cho CHXD… được Công ty triển khai ngay từ đầu năm và thực hiện xuyên suốt trong năm giúp cho các CHXD chủ động hơn trong công tác bán hàng.

Một điểm nhấn khác là petrolimex Đồng Nai tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền cho các các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt là cửa hàng trưởng. Trong giao khoán, Công ty chỉ “nắm” cửa hàng trưởng, để họ tự phân bổ cho từng người. Cửa hàng trưởng cũng có quyền đề xuất lên Công ty các trường hợp tuyển người mới, điều chuyển người, cho nghỉ việc, hay chấm dứt hợp đồng.

Đồng thời, Ban lãnh đạo đánh giá công tâm, chính xác năng lực của trưởng các bộ phận, nhất là cửa hàng trưởng, sẵn sàng điều chuyển vị trí cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất và tạo điều kiện cho các cửa hàng xăng dầu có nguồn chi phí để hỗ trợ cho khách hàng tiêu dùng, nhất là các khách hàng lớn.

Những nỗ lực đó, dù không giúp Công ty đạt sản lượng bán lẻ theo kế hoạch (bằng 91% kế hoạch năm) nhưng đã giảm thiểu mức giảm, và quan trọng hơn, qua thời gian thực hiện mục tiêu kép, vừa thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh doanh, đã tích lũy những nền tảng căn bản về quản trị, nguồn nhân lực và tâm thế sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, kể từ cuối tháng 06/2021, Giám đốc Công ty đã chỉ đạo các bộ phận tham mưu chủ động xây dựng các kịch bản tổ chức SXKD để ứng phó phù hợp với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19, từ 0h00 ngày 09/07/2021, tỉnh Đồng Nai thực hiện chỉ thị 16 rồi 16*, Giám đốc Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” tại văn phòng Công ty cùng với cơ số lao động tối thiểu tại các phòng Kinh doanh, Kế toán tài chính và Tổ chức hành chính để điều hành và triển khai kinh doanh theo phương án được xây dựng, nhờ đó hoạt động kinh doanh của Công ty luôn thông suốt và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp.  

Cũng do dự liệu trước “tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp” nên Petrolimex Đồng Nai chủ động làm việc với Ban Thương mại Quốc tế và Đảm bảo nguồn Tập đoàn để ổn định nguồn hàng, bám sát, chăm sóc khách hàng hiện có để ổn định sản lượng bán, đồng thời tập trung tiếp thị phát triển thêm khách hàng mới góp phần nâng sản lượng, bù đắp sản lượng sụt giảm của phương thức bán lẻ. Sản lượng xuất bán phương thức tái xuất trong năm vượt 210% so kế hoạch và bằng 215% so cùng kỳ năm 2020.

“Cú đánh lớn” này không chỉ đủ sức bù cho sản lượng bán lẻ, mà còn kéo tổng sản lượng xuất bán xăng dầu cả năm đạt đạt 108% so với kế hoạch và 111% so với thực hiện năm 2020. Góp phần làm cho bức tranh tài chính thêm sắc màu tươi sáng: Tổng doanh thu tăng 32% so với kế hoạch, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu kinh doanh xăng dầu tăng 32% so với kế hoạch, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế thực hiện vượt kế hoạch Tập đoàn giao.

dong nai

Tổng kết hoạt động năm 2021, Petrolimex Đồng Nai được đánh giá đạt hiệu quả kinh doanh tương đối tốt trong điều kiện kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Không những vậy, Công ty còn làm sáng danh, củng cố niềm tin thương hiệu chữ “P” trên địa bàn về trách nhiệm xã hội.

Từ tháng 6/2021 Công ty đã chủ động tham gia hàng loạt chương trình hỗ trợ địa phương. Theo đó, Công ty đã đóng góp vào Quỹ Vaccine Covid-19 tại UBMTTQ tỉnh 900 triệu đồng; ủng hộ Vật phẩm y tế, xăng dầu cho Sở Y tế, UBND phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa và các Lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh với giá trị trên 1 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân, Công ty đã trao 25 tấn gạo (tương đương 500 triệu đồng) thông qua UB MTTQVN tỉnh để phân phối tới các hộ gia đình khó khăn trong dịch bệnh.

Trên cơ sở dự báo năm 2022, tình hình dịch COVID 19 còn diễn biến phức tạp, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, sự gia tăng áp lực lạm phát, giá dầu thô vẫn biến động bất thường, Petrolimex Đồng Nai đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước hết là tổ chức tốt công tác tạo nguồn hàng hoá theo đường vận động tối ưu; bám sát chủ trương, định hướng của Tập đoàn về chính sách kinh doanh sản phẩm chất lượng cao: DO 0,001-V, Xăng 95-V, E5 Ron92 đảm bảo vừa gia tăng sản lượng đồng thời tích lũy được lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác Marketing, nghiên cứu, đánh giá thị trường, linh hoạt trong chính sách điều hành, duy trì những khách hàng hiện có, tập trung phát triển mới những khách hàng lớn, những nhà thầu dự kiến triển khai dự án sân bay Long Thành, nâng cao chất lượng bán hàng, năng suất và sản lượng bán hàng.

Đồng thời, triển khai các giải pháp gia tăng sản lượng bán trên tất cả các phương thức, đặc biệt là kênh bán lẻ, tìm kiếm phương pháp để phát triển hệ thống bán lẻ, gia tăng hiệu quả bán hàng, kiên trì công tác bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Thúy Hà