Petrovietnam sẽ lớn mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới

Với những bước phát triển vượt bậc, Petrovietnam thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (3/

PV: Thưa ông, từ xuất phát điểm là Đoàn dầu lửa 36 đến Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam và hiện nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông có thể điểm qua những dấu ấn quan trọng mà Tập đoàn đã trải qua?

Ông Ngô Thường San: Năm 1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 224/NQ-TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước và thực hiện tư tưởng chiến lược của Nghị quyết trên, ngày 3/9/1975 Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hôm nay).

40 năm qua, tập thể CBCN-LĐ ngành Dầu khí Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước. Nói về chặng đường lịch sử của một ngành lớn mạnh như Dầu khí, tôi cho rằng có 3 mốc son quan trọng, mang tính bước ngoặt sau:

- Tháng 6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.

- Năm 1991, sản lượng dầu đạt mốc 3,96 triệu tấn, đủ cân đối nhập khẩu, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh chính trị, giữ vững thể chế XHCN ở nước ta, trong bối cảnh chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu bị phá vỡ.

- Ngày 17/2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí bắt đầu cho dòng sản phẩm đầu tiên. Đây không chỉ là sản phẩm xăng dầu đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam mà còn là sản phẩm của đường lối đổi mới và phát huy nội lực của Đảng ta, là sự kết tinh của trí tuệ sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này là mốc quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự phát triển toàn diện từ khâu tìm kiếm - thăm dò - khai thác đến lọc hóa dầu.

PV: Xin ông cho biết những thành quả lớn nhất mà ngành Dầu khí đạt được trong chặng đường 40 năm qua?

Ông Ngô Thường San: Đến nay, sau 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn. Tập đoàn tiếp tục khẳng định vị trí là Tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.

Tôi cho rằng, sau 40 năm mặc dù chưa hoàn toàn thỏa mãn nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng tự hào như:

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để ra biển như: Cảng dầu khí, xây lắp công trình biển, chế tạo những giàn khoan trên 100m nước.

- Xây dựng đội ngũ KHKT có tầm khu vực và bắt kịp quốc tế.

- Xây dựng hoàn chỉnh từ khâu cơ sở hạ tầng đến tìm kiếm, khai thác, lọc hóa dầu, vận chuyển khí, chế biến khí. Xây dựng công nghiệp phụ trợ từ khí hoàn thiện ngành công nghiệp khí.

Và cũng muốn nhấn mạnh một sự thật rằng, chính Việt Nam chứ không phải Mỹ đã phát hiện dầu trong móng. Chúng ta phát hiện ra lý thuyết mới về dầu trong móng và nghiên cứu của chúng tôi đã được Đảng và Nhà nước công nhận. Khi Cụm công trình của chúng tôi được Giải thưởng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc phát hiện ra mỏ dầu siêu lớn. Ước tính dầu trong móng khoảng 4,5 tỷ thùng, tương đương 700 triệu tấn.

PV: Một trong ba thành tựu lớn nhất của Dầu khí là xây dựng thành công một lực lượng làm nhiệm vụ KHCN và ông khẳng định chính thành tựu này quyết định sự phát triển của ngành?

Ông Ngô Thường San: Đúng vậy, KHCN giống như công cụ quan trọng để phát triển. Tôi đơn cử một vài ví dụ: Thứ nhất là giàn khoan số 1 tại Liên doanh Việt - Xô, toàn bộ giàn này là nhập khẩu thiết bị và có sự giúp đỡ đến 80% của Liên Xô. Nhưng đến giàn thứ 2, 3 thì lực lượng của Việt Nam đã chủ động trong xây lắp, chế tạo.

Thứ 2 đó là sự ra đời của Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất. Không những vận hành an toàn hơn 600 ngày mà trong công tác bảo dưỡng, lực lượng cán bộ kỹ thuật của chúng ta đã từng bước làm chủ công nghệ. Nếu như bảo dưỡng lần 1 có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài thì đến bảo dưỡng lần 2 là chúng ta tự làm và bây giờ bằng trình độ KHCN chúng ta đã và đang tiến hành nâng cấp mở rộng Nhà máy. Bên cạnh đó là những công trình khoan thăm dò, những công trình cơ khí trên biển mà chúng ta làm tổng thầu EPCI...

PV: Ông cho biết cảm xúc khi Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam"đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh?

Ông Ngô Thường San: Cụm công trình này có ý nghĩa rất lớn không những tạo ra bước ngoặt trong phát triển của Tập đoàn, làm thay đổi hẳn quan điểm về tìm kiếm dầu khí mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa Tập đoàn với các công ty nước ngoài.

Cụm công trình này đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng khai thác dầu đến nay đạt hơn 17 triệu tấn/năm, khai thác khí khoảng 10 tỷ m3/năm. Đặc biệt, công trình này đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam.


PV: Ông có nhận định như thế nào về những thách thức đối với sự phát triển của ngành Dầu khí?

Ông Ngô Thường San: Hiện nay, trong quá trình hội nhập, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có cơ hội để phát triển. Tôi thấy rằng, lực lượng của ngành Dầu khí mạnh nhưng chưa liên kết tốt dẫn đến nguồn lực bị phân tán, chưa tập hợp được sức mạnh tạo sức cạnh tranh khi mở cửa.

Sản phẩm của dầu khí cạnh tranh với nhập khẩu khá gay gắt, vì vậy chúng ta cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Chúng ta cần có những cơ cấu lại làm thế nào tăng hiệu quả và tăng sức cạnh tranh và thương hiệu Petrovietnam

PV: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thành lập Tập đoàn Dầu khí, ông có nhắn nhủ gì với CBCNV và người lao động ngành Dầu khí, thưa ông?

Ông Ngô Thường San: Sự phát triển bền vững, tốc độ phát triển nhanh hay chậm là trách nhiệm của hế hệ trẻ. Chúng tôi, những người đi trước đã đặt nền móng, như vậy thế hệ trẻ hiện nay có điểm xuất phát tốt, chỉ cần các bạn có tình yêu nghề, nhiệt huyết và luôn đam mê với công việc chắc chắn Petrovietnam sẽ lớn mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới.

Chúng tôi mong thế hệ trẻ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho KHKT bởi hơn ai hết, sự phát triển của ngành Dầu khí không thể không dựa trên trình độ KHKT, trình độ công nghệ của chính chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!