Phạm Trung Kiên: “Khi VICASA cần luôn có tôi”

Hơn 20 năm qua, VICASA của anh Kiên ngày đó so với hiện tại đã khác xa nhiều. VICASA bây giờ đã được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho CBCNV.

pham trung kien

Kỹ thuật viên phân xưởng Cán thép của Công ty CP Thép VICASA- VNSTEEL Phạm Trung Kiên sinh năm 1974, là con đẻ của đất thép Thái Nguyên vì cha mẹ anh cũng là công nhân của Gang Thép. Học xong cấp III, Phạm Trung Kiên rời quê xuống Hà Nội học khoa Công nghệ vật liệu Trường Đại học Bách khoa. 5 năm dùi mài tại Thủ đô, tốt nghiệp ra trường, tưởng như anh sẽ quay về quê hương làm việc…

Kỹ thuật viên Phạm Trung Kiên không về Thái Nguyên làm việc, cũng không ở lại Hà Nội công tác, anh đã đi một mạch vào miền Nam, đóng chốt tại VICASA đến nay đã 23 năm.

Ở lại nơi cần mình

Phạm Trung Kiên là một trong những lứa sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội được nhận học bổng của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên đi kèm cam kết sau khi ra trường sẽ về Gang Thép làm việc ít nhất là 5 năm. Thế nhưng, thời điểm ra trường, lứa các anh lại rơi vào giai đoạn khủng hoảng việc làm, Gang Thép buộc phải phá bỏ cam kết, các sinh viên theo đó tùy nghi di tản. Nhận định tình hình ngoài Bắc rất khó khăn, Phạm Trung Kiên được thầy giáo hướng dẫn viết thư tay giới thiệu, thế là anh làm một cuộc Nam tiến, thẳng hướng VICASA cho đến hôm nay.

Anh Kiên vẫn nhớ giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp anh đã có một khoảng thời gian thực tập ở Cán Lưu Xá, Cán Gia Sàng… của Gang Thép Thái Nguyên - khu liên hợp sản xuất gang thép lớn mạnh nhất nước, máy móc dây chuyền hiện đại và hoành tráng. Chính những trải nghiệm thực tế nghề luyện cán thép tại quê hương đã khiến anh đi đến quyết định chọn VICASA làm nơi gắn bó.

Anh kể: “Lúc chuẩn bị vào công tác ở VICASA, tôi cũng đã biết đây là một nhà máy có tuổi đời từ thập niên 60 của thế kỷ trước, sẽ không thể so sánh với các nhà máy hiện đại ở Thái Nguyên lúc đó. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà tôi quyết định ở lại. Bởi VICASA sẽ rất cần những người làm kỹ thuật như tôi”.

VICASA sơ khởi năng lực sản xuất chỉ có 45 ngàn tấn thép, giai đoạn năm 2000 công suất lên được khoảng tầm 80 ngàn. Số lượng công nhân một ca sản xuất lúc đỉnh điểm lên tới hơn sáu mươi người, tức là chỉ sử dụng sức người là chính, máy móc là phụ, lúc đó chỉ số về tiêu hao nhiên liệu còn chưa được tính toán đến. Một kỹ thuật viên mới ra trường với những hoài bão phơi phới đập mặt vào thực tế đó quả không dễ dàng gì. Nhưng đã chọn VICASA là nơi gắn bó, Phạm Trung Kiên quyết định không ngoái nhìn về quá khứ nữa, anh “ra lệnh” cho mình tập trung vào hiện tại, bắt tay vào công việc ở nơi anh đã lựa chọn.

Phạm Trung Kiên có một thời gian khá lâu làm quản lý ca rồi sau đó được chuyển sang làm kỹ thuật viên. Và vì vậy nên anh cảm nhận rất rõ sự vất vả của người lao động, nhất là khi làm việc tại các nhà máy có tuổi đời cao, máy móc cũ kỹ. Nhớ lại những năm tháng đó, anh Phạm Trung Kiên luôn tấm tắc thừa nhận đội ngũ kỹ thuật VICASA là những người rất giỏi.

Các lãnh đạo qua các thời kỳ đều rất có tâm, rất biết cách truyền cảm hứng sáng tạo, vượt khó cho đội ngũ lao động, nhất là những người làm kỹ thuật. Khi đã trở thành một mắt xích của dây chuyền sản xuất ở VICASA, bạn muốn dừng lại là không thể. Tất cả đã trở thành một guồng máy chuyên nghiệp, đã ăn vào nếp nghĩ nếp làm, đoàn kết và cùng nhau khắc phục những khó khăn nội tại, từng bước đi lên.

vicasa
Năm 2021, cổ phiếu VICASA chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) 

Hơn 20 năm qua, VICASA của anh Kiên ngày đó so với hiện tại đã khác xa nhiều. VICASA bây giờ đã được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho CBCNV. Đó là cải tạo đúc liên tục từ 4m lên 5.25m vào năm 2016, cải tạo chuyền cán trung hàng ngang sang hàng dọc vào năm 2017, đầu tư biến thế 25MVA năm 2017.

Tháng 6/2019, VICASA thực hiện cải tạo cán thô hàng ngang sang hàng dọc… Mặc dù vậy, theo nhận định của kỹ sư Phạm Trung Kiên thì áp lực so với các các công ty khác luôn cao hơn. Anh Kiên chia sẻ: “Ở các công ty khác kỹ thuật viên rất nhàn, do mặt bằng sản xuất của họ rất rộng, được đầu tư bài bản ngay từ đầu thành một cái chuỗi dây chuyền rồi. Còn ở VICASA mặt bằng hẹp hơn, máy móc lại không được đồng bộ, do đó kỹ thuật viên phải vất vả hơn, phải tinh nhạy, giỏi thích ứng hơn”.

"Sáng kiến có gì mà lớn lao"

Vất vả vậy nhưng những đóng góp, cống hiến của người lao động đều được lãnh đạo trân trọng ghi nhận và khen thưởng ngay khi có dịp. Chính vì vậy mà đã ở VICASA rồi không ai ra đi. Tất cả đều ở lại đây, bén rễ đâm chồi, gắn bó lâu đời, lấy vợ sinh con. Kỹ thuật viên Phạm Trung Kiên cũng vậy. Anh cùng với người bạn đời đã có với nhau 3 người con và hiện tại đang chung sức để nuôi dạy con cái nên người.

Nói về sáng kiến của mình, kỹ thuật viên Phạm Trung Kiên chia sẻ với tôi: “Cũng không có gì lớn lao cả. Nó chỉ đơn giản là xuất phát từ việc nhìn ra những điều chưa hợp lý, từ đó mình đề xuất được cải tạo, rồi mình bắt tay vào thiết kế, tính toán, cho ra bằng được thành quả thì thôi”. Rồi anh lấy ví dụ từ chính việc anh làm, đó là thiết kế, gia công các hộp dẫn hướng ở giá cán thép.

Bình thường, một dẫn hướng như vậy có giá thành khoảng năm chục triệu đến tám chục triệu. Nhưng mà một giá cán phải có nhiều hộp dẫn, chi phí lúc này sẽ lên mấy trăm triệu, điều này quá lãng phí tiền của trong khi khả năng của kỹ thuật viên có thể tự gia công được, chỉ có điều, sẽ cải tiến nó theo kết cấu hàn thay vì theo kết cấu đúc như nguyên mẫu, và cũng dùng thép nhưng với mác thép cao hơn hay thấp hơn sẽ tùy từng khu vực.

Sau khi mình triển khai xong thì đưa cho công nhân gia công. Lợi thế là ở trong Công ty VICASA có xưởng gia công cơ điện tất tốt, thời gian gần đây được đầu tư máy CNC hiện đại. Như vậy là VICASA đã có thể gia công tất cả hệ thống dẫn hướng đó, không phải mua bên ngoài với giá đắt như xưa. Thay vì phải mất 50 triệu cho 1 hộp thì giờ mình tự sản xuất chỉ mất từ 12- 15 triệu một cái, lợi ích kinh tế rất cao.

Hoặc như một sáng kiến khác của anh Phạm Trung Kiên, đó là máy cắt kẽm đóng bó sản phẩm được anh thiết kế vào năm 2018. Trước đó, khi chưa có thiết kế của anh thì phân xưởng phải bố tri 2 người cắt thủ công, vừa tốn nhân công, lại còn gặp phải tình trạng tiêu hao dây kẽm lớn do không khống chế được đầu cắt. Từ ngày đưa máy vào hoạt động ổn định một năm Công ty tiết kiệm được khoảng 120 triệu đồng.

may cat vicasa
Máy cắt sắt do anh Kiên thiết kế (ảnh chụp từ clip)

Kỹ thuật viên Kiên nói: “Là một người làm công nghệ tôi luôn quy mọi thứ ra năng suất và chất lượng. Cứ sáng kiến nào có đủ hai yếu tố này là tôi sẽ cố gắng thực hiện đến cùng”. Với năng lực chuyên môn tốt, cộng với tinh thần chủ động, trách nhiệm, đam mê sáng tạo, kỹ thuật viên Phạm Trung Kiên đã luôn cho mọi người thấy hình ảnh một người cán bộ vun vén, biết vì lợi ích chúng của Công ty. Trong quá trình làm việc, anh Kiên còn không ngừng học hỏi, tham khảo các bạn bè, đàn em làm cùng lĩnh vực ở các đơn vị khác như Thép Miền Nam – VNSTEEL…

Lứa bạn bè cùng lớp với anh đi làm thép rải rác từ Bắc vào Nam cũng khá đông, cỡ hơn chục người, mỗi khi có dịp họ lại tụ tập cùng nhau để cùng ôn lại kỷ niệm, nói chuyện đời, chuyện nghề, chuyện gia đình, xã hội... Riêng với kỹ thuật viên Phạm Trung Kiên, mỗi nhân dịp đó trong anh lại miên man những ký ức về thời trẻ trung sôi nổi, về quê nhà Thái Nguyên, về Trường Bách khoa Hà Nội, về những con phố mà thời sinh viên anh đã từng gắn bó: Khu Kim Liên – nơi anh đã từng trọ học, con phố Lò Đúc – nơi anh hay lại qua, rồi phố Lê Duẩn, Khâm Thiên…  Anh biết ơn thời thanh xuân đó, nhờ vậy mà anh trở thành một phần của VICASA như hôm nay!

Minh Thủy