Phân tích biến động hóa đơn tiền điện của hộ gia đình trong biểu giá điện bậc thang đề xuất

PGS.TS. TRẦN VĂN BÌNH  (Viện Kinh tế và Quản lý -  Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh giá bán điện tại Việt Nam đang được xã hội quan tâm hiện nay, bài viết này phân tích biến động hóa đơn tiền điện của hộ gia đình trong biểu giá điện bậc thang đề xuất đã được Bộ Công Thương đưa ra xin ý kiến để xây dựng biểu giá bán điện mới áp dụng trong thời gian tới.

Từ khóa: Biểu giá điện bậc thang, biến động hóa đơn tiền điện, hộ gia đình.

1. Biến động hóa đơn tiền điện của hộ gia đình trong biểu giá điện bậc thang

Ngày 11/8/2020, Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dự thảo biểu giá bán điện mới. Khác với những lần trước, lần này, Bộ đưa ra 3 phương án giá điện, trong đó có 2 phương án lựa chọn giữa biểu giá điện bậc thang và biểu một giá 2A và 2B. Sau một tuần lắng nghe ý kiến dư luận, đến ngày 18/8, Bộ quyết định rút các phương án 2A và 2B, chỉ tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 là biểu giá bậc thang có điều chỉnh so với biểu giá hiện hành.

Bảng 1. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành

 

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Mức tiêu thụ (kWh)

0 – 50

51- 100

101 – 200

201 - 300

301 – 400

401 - 700

So với giá bán điện bình quân

90%

93%

108%

136%

152%

157%

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.678

1.734

2.014

2.536

2.834

2.927

Giá mua điện bình quân (đ/kWh)

1.678

1.706

1.860

2.085

2.273

2.533

So với biểu giá điện hiện hành (Bảng 1), phương án đề xuất về giá điện bậc thang có một số thay đổi:

Số bậc thang giảm từ 6 xuống còn 5 bậc. Bậc 1 gộp với bậc 2 và bậc 4 gộp với bậc 5 của biểu giá hiện hành thành bậc 1 và bậc 3 tương ứng, bậc 3 cũ thành bậc 2, bậc 6 thành bậc 4 trong các biểu giá bậc thang đề xuất. Bậc 5 dành cho các hộ có mức tiêu thụ trong tháng trên 700 kWh. Tỷ lệ của mỗi bậc so với mức giá bán điện bình quân cho đến kWh tiêu thụ thứ 200 không thay đổi so với giá bán hiện hành nhưng các mức sau đều tăng.

Bảng 2. Phương án biểu giá điện đề xuất

 

Bậc 1

(0 – 100 kWh)

Bậc 2

(101-200 kWh)

Bậc 3

(201-400 kWh)

Bậc 4

(401-700 kWh)

Bậc 5

Trên 700 kWh

Phương án 1

90%

108%

141%

160%

168%

Tỷ lệ của các bậc là % so với mức giá bán điện bình quân là 1864.44 đ/kWh.

Từ số liệu của các Bảng 1 và 2, chúng ta tiến hành tính toán biểu giá điện bán lẻ cho từng bậc thang của phương án hiện hành và phương án đề xuất mới. Trong đó, biểu giá điện hiện hành 6 bậc được quy về tương đương 5 bậc để tiện so sánh. Kết quả tính toán được thể hiện trong Bảng 3.

Bảng 3. Biểu giá điện bán lẻ và giá mua điện bình quân

của các phương án

 

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Mức tiêu thụ (kWh/tháng)

0 – 100

101 - 200

201 - 400

401 – 700

Trên 700

Biểu giá hiện hành quy đổi

92%

108%

144%

157%

157%

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.706

2.014

2.685

2.927

2.927

Giá mua điện bình quân (đ/kWh)

1.706

1.860

2.272

2.553

 

Phương án đề xuất

90%

108%

141%

160%

168%

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.678

2.014

2.629

2.983

3.132

Giá mua điện bình quân (đ/kWh)

1.678

1.846

2.237

2.557

 

So sánh phương án đề xuất với biểu giá bậc thang hiện hành chúng ta thấy cho đến mức tiêu thụ 700 kWh/tháng (Bậc 4) thì giá bán lẻ và mua điện bình quân của các hộ hầu như không thay đổi. Chỉ với mức trên 700 kWh giá bán lẻ của phương án đề xuất tăng 205 đồng/kWh. Bảng 4 cho ta kết quả so sánh tiền điện mà các hộ phải trả trong tháng nếu các mốc tiêu thụ là 100, 200, 400, 700 và 800 kWh.

Bảng 4. So sánh mức tiền điện phải trả của 2 phương án

Mức tiêu thụ (kWh)

100

200

400

700

800

Biểu giá hiện hành quy đổi

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.706

2.014

2.685

2.927

2.927

Tiền điện phải trả (đ)

170.600

372.000

909.000

1.787.100

2.079.800

Phương án đề xuất

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.678

2.014

2.629

2.983

3.132

Tiền điện phải trả (đ)

167.800

369.200

895.000

1.789.900

2.103.100

Chênh lêch của phương án đề xuất so với hiện hành

-2.800

-2.800

-14.000

2.800

23.300

Nhìn vào kết quả Bảng 4, chúng ta thấy 3 mức tiêu thụ đầu đều giảm, trong đó mức 400 kWh giảm nhiều nhất 14.000 đồng. Theo số liệu của Bộ Công Thương thì có 23.789.000 hộ gia định hưởng lợi từ biểu giá mới. Mức 700 kWh tăng nhẹ 2.800 đồng, còn mức 800 kWh tăng đến 23.300 đồng.

Bảng 5 cho kết quả phân tích chi tiết biến động hóa đơn tiền điện của hộ gia đình có mức sử dụng 800 kWh/tháng giữa phương án đề xuất so với biểu giá hiện hành. Chúng ta thấy, do giá bán lẻ ở bậc 4 và 5 tăng làm cho chi phí tăng 37.300 đồng nhưng nhờ giá bán lẻ ở các bậc 1 và 3 giảm nên chi phí cho 400 kWh đầu của hộ này giảm 14.000 đồng. Tổng cộng hóa đơn của hộ tiêu thụ này chỉ tăng 23.300 đồng.

Bảng 5. Phân tích biến động chi tiết hóa đơn tiền điện của

hộ gia đình có mức tiêu thụ 800 kWh/tháng

Biểu giá

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Tổng tiền điện (đ)

Biểu giá hiện hành quy đổi

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.706

2.014

2.685

2.927

2.927

 

Tiền điện phải trả (đ)

170.600

201.400

537.000

878.100

292.700

2.079.800

Phương án đề xuất

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1.678

2.014

2.629

2.983

3.132

 

Tiền điện phải trả (đ)

167.800

201.400

525.800

894.900

313.200

2.103.100

Chênh lệch so với biểu giá hiện hành (đ)

-2.800

0

-11.200

16.800

20.500

23.300

Để so sánh biến động của tổng doanh thu bán điện riêng khu vực sinh hoạt của phương án đề xuất so với biểu giá hiện hành đến ngành Điện, chúng tôi sử dụng số liệu sản lượng điện thương phẩm năm 2018 tương ứng với từng bậc thang biểu giá do Bộ Công Thương cung cấp (Bảng 6).

Bảng 6. Cơ cấu sản lượng điện thương phẩm khu vực

sinh hoạt năm 2018

Mức tiêu thụ

0 - 100

101 - 200

201 - 400

401 - 700

Trên 700

Tổng

Sản lượng điện TP (kWh))

25.881.865.186

13.816.641.320

8.345.666.049

3.061.620.493

2.523.511.494

53.629.304.542

Tỷ lệ %

48.26%

25.76%

15.56%

5.71%

4.71%

100.00%

Nguồn: Bộ Công Thương (05/08/2020): Dự thảo quyết định của TTg-CP và các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Bảng 7 thể hiện kết quả biến động doanh thu tiền điện phân tích theo từng bậc thang giữa 2 phương án. Điều này có nghĩa rằng, nếu mức tiêu thụ điện thương phẩm khu vực sinh hoạt như năm 2018 thì việc áp dụng biểu giá điện đề xuất sẽ làm cho tổng doanh thu ngành Điện giảm trên 503 tỷ đồng. Trong đó, do giá bán của các mức từ 401 - 700 và mức trên 700 kWh/tháng tăng làm cho tổng doanh thu tăng  gần 689 tỷ đồng, nhưng việc giảm giá bán lẻ cho các mức tiêu thụ đến 300 kWh/tháng đã làm giảm doanh thu đến 1.192 tỷ đồng.

Bảng 7. Biến động doanh thu bán điện của khu vực sinh hoạt

phân tích theo bậc thang biểu giá

Mức tiêu thụ (kWh)

0 - 100

101 - 200

201 - 400

401 - 700

Trên 700

Sản lượng điện TP 2018

106 kWh

25881.87

13816.64

8345.67

3061.62

2523.51

Tỷ lệ (%)

48.26%

25.76%

15.56%

5.71%

4.71%

Biểu giá hiện hành quy đổi

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1706

2014

2685

2927

2927

Doanh thu (109 đ)

44154.46

27826.72

22408.11

8961.36

7386.32

Tỷ lệ doanh thu (%)

39.87%

25.13%

20.24%

8.09%

6.67%

Phương án đề xuất

Giá bán lẻ (đ/kWh)

1678

2014

2629

2983

3132

Doanh thu (109 đ)

43429.77

27826.72

21940.76

9132.81

7903.64

Tỷ lệ doanh thu (%)

39.40%

25.24%

19.90%

8.28%

7.17%

Chênh lệch doanh thu (109 đ)

-724.69

0

-467.36

171.45

517.32

Đánh giá chung, nếu áp biểu giá điện mới, tuyệt đại đa số các hộ tiêu thụ (khoảng 90%[1])sẽ hưởng lợi nhờ giá tiền điện giảm so với phương án hiện hành. Các hộ sử dụng trên 700 kWh/tháng sẽ có hóa đơn tăng. Doanh thu của ngành Điện từ khu vực sinh hoạt giảm nhẹ.

2. Biểu giá bậc thang hay điện một giá liệu có giải quyết được vấn đề?

Sau 2 mùa hè (2019 và 2020) nắng nóng kỷ lục, ý kiến phản đối biểu giá điện bậc thang lên cao và có nhiều ý kiến đề xuất quay trở lại áp dụng cơ chế điện một giá.

Biểu giá điện bậc thang được áp dụng tại nước ta từ năm 2014. Quyết định 28 của Chính phủ[2] quy định biểu giá gồm 6 bậc thang sản lượng và mức giá của mỗi bậc theo % của mức giá bán lẻ bình quân. Đến tháng 3/2019, biểu giá được điều chỉnh vẫn giữ 6 bậc, nhưng tỷ lệ của mỗi bậc và giá bán điện bình quân được thay đổi như các số liệu ở Bảng 1.

Biểu giá này được áp dụng với các lý do:

Thứ nhất là, các hộ sinh hoạt do sử dụng điện chủ yếu vào giờ cao điểm. Trong khi nguồn phát của chúng ta chưa đủ đáp ứng nhu cầu vào giờ cao điểm, mặc dù đã huy động đến những nguồn có giá thành sản xuất rất cao[3]. Trong điều độ, người ta muốn hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, khuyến khích các hộ sử dụng tiết kiệm điện thông qua biểu giá bán cao.  

Thứ hai là, mức sống của một bộ phận các hộ nghèo còn thấp. Nhà nước muốn áp dụng chính sách hỗ trợ bằng cách lấy giá điện ở bậc cao bù cho mức giá ở bậc thấp. Hiện nay, giá bán ở bậc 1 chỉ bằng 90% giá bán điện bình quân. Chính sách này dẫn đến nghịch lý là hộ dùng ít được hưởng giá thấp, hộ dùng nhiều phải mua điện với giá cao.

Không riêng gì Việt Nam, một số nước như Thái Lan, Malayxia hay một số bang của Australia đều có áp dụng biểu giá điện bán lẻ cho sinh hoạt theo kiểu bậc thang lũy tiến. Nhược điểm lớn nhất của biểu giá điện này tiền điện tăng lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ. Một hộ gia đình vào những tháng thời tiết bình thường có mức tiêu thụ 200 kWh/tháng với hóa đơn phải trả 372.000 đồng mỗi tháng nhưng bước vào mùa nóng nhà có 1 điều hòa nhiệt độ sản lượng tiêu thụ tăng gấp 2 lần, lên 400 kWh/tháng, nhưng vì phải áp giá lũy tiến nên hóa đơn đến 909.000 đồng (gấp 2,44 lần). Nếu có 2 điều hòa sản lượng tiêu thụ ở mức 600 kWh/tháng (gấp 3 lần sản lượng) thì tiền điện lúc này phải trả là 14.94.400 đồng (gấp 4 lần).

Phương án giá điện bậc thang mới được xây dựng trên cơ sở đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bậc thang[4]”. Báo cáo tổng kết đề án có đưa ra kiến nghị cải tiến đưa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc về 5 bậc. Giá bán điện bình quân cho từng bậc được xác định trên cơ sở tỷ lệ tham gia của phụ tải sinh hoạt vào biểu đồ phụ tải của hệ thống, cân đối doanh thu trên  phạm vi toàn hệ thống. Tuy nhiên, vẫn là biểu giá bậc thang lũy tiến theo sản lượng điện tiêu thụ, nên càng tiêu thụ nhiều, giá mua bình quân càng cao.

Với phương án điện một giá lại càng không phù hợp với sản phẩm điện năng. Chúng ta có thể hiểu thông qua một ví dụ đơn giản sau:

Có 2 hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện nhưng với mức công suất và thời gian sử dụng khác nhau. Hộ thứ nhất yêu cầu mức công suất 1 kW với thời gian sử dụng là 24 giờ/ngày, hộ thứ 2 yêu cầu công suất 24 kW nhưng chỉ sử dụng 1 giờ/ngày. Cả 2 hộ chỉ dùng mỗi ngày một sản lượng điện giống nhau là 24 kWh nhưng đối với hộ thứ 2 ngành Điện phải tăng năng lực sản xuất của mình cao hơn so với yêu cầu của hộ thứ nhất đến 24 lần. Mỗi ngày chỉ hoạt động 1 giờ còn 23 giờ ngừng. Hệ số sử dụng thiết bị sản xuất rất thấp. Nói một cách khác, hai hộ tiêu thụ này gây ra cho hệ thống những chi phí rất khác nhau, cho nên nếu bán điện cho 2 hộ cùng một mức giá thì hoàn toàn bất hợp lý. Đặc biệt, đề xuất giá bán lẻ bằng giá bán điện bình quân lại càng không ổn. Vì giá bán điện bình quân là tính cho toàn hệ thống gồm cả các hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ lẫn hành chính sự nghiệp. Các hộ này có biểu giá bán riêng. Giá bán có phân biệt theo cấp điện áp đấu nói, theo thời điểm sử dụng (cao - thấp điểm).

3. Bộ Công Thương cần tìm một giải pháp căn cơ cho vấn đề giá điện

Thực tế, điện năng là một sản phẩm đặc biệt, vừa là một sản phẩm tiêu dùng, vừa là yếu tố đầu vào của các quá trình sản xuất. Quá trình sản xuất và tiêu thụ đòi hỏi đảm bảo một sự cân bằng gần như tuyệt đối giữa cung và cầu. Điều đó có nghĩa rằng người ta không thể sản xuất điện rồi đem trữ vào kho khi cần mới đem ra sử dụng như các sản phẩm khác. Các hộ tiêu thụ có tiêu dùng thì các nhà máy mới sản xuất, còn không phải dừng thậm chí phải chạy không tải.

Công nghệ sản xuất điện năng rất đa dạng được phân biệt theo dạng nhiên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất ra điện. Mỗi dạng nhà máy có các đặc trưng kinh tế - kỹ thuật, giá thành sản xuất khác nhau. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện lại luôn biến đổi theo thời gian có mức chênh lệch lớn giữa các thời điểm khác nhau trong ngày cũng như giữa các mùa trong năm. Hiện tại vào giờ thấp điểm, nhu cầu của hệ thống chỉ bằng khoảng 40% nhu cầu vào giờ cao điểm. Điều này có nghĩa rằng vào giờ thấp điểm có đến 60% các nhà máy điện ngừng phát điện, trong số đó có nhiều nhà máy vận hành ở chế độ không tải để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của hệ thống.

Đa phần nguồn nhiên liệu dùng trong sản xuất điện hiện nay đều có nguồn gốc từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch không tái tạo. Các nguồn này ngày càng bị cạn kiệt. Không những thế, đây là các nguồn phát thải chủ yếu các chất ô nhiễm gây hiệu ứng tiêu cực cho môi trường sống của con người. Sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả đang được triển khai ở quy mô toàn cầu và giá bán là một trong những công cụ điều tiết hữu hiệu.

Chặng đường xây dựng biểu giá này không đơn giản, nhưng nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ thì sẽ khócó thể đến đích nhanh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Bộ Công Thương (05/08/2020): Dự thảo quyết định của TTg-CP và các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

[2] Văn phòng Chính phủ: Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. https://www. Vanban.chinhphu.vn     

[3] Thông thương vào giờ cao điểm hê thống phải huy động những nguồn Diesel có giá thành từ 4000 - 5000 đ/kWh.

[4] Bùi Xuân Hồi (2019): Báo cáo khoa học đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bậc thang”

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Xuân Hồi (2019), Nghiên cứu cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện, Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức. 

2. Kỳ Duyên (2020), Các nước đang tính giá điện như thế nào?

https://vnexpress.net/ (19/8/2020)

3. Bộ Công Thương (2020), Dự thảo “”Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”. https://www.moit.gov.vn/ (12/8/2020)

4. Bộ Công Thương (2019), Quyết định số 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và quy định giá bán điện ngày 20/3/2019.

5. Văn phòng Chính phủ (2014), Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. https:// Vanban.chinhphu.vn

Analyzing the fluctuation in household electricity bills according

to the proposed ladder electricity tariff   

Assoc.Prof.Ph.D Tran Van Binh

School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

 ABSTRACT:

The selling prices of electricity is a concerned issue of Vietnamese people. This paper analyzes the fluctuation in household electricity bills according to the Ministry of Industry and Trade’s proposed ladder electricity tariff.

Keywords: Ladder electricity tariff, fluctuation in electricity bill, household.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]