Phân tích chiến lược “Make in Vietnam” của Việt Nam

DAI YONG LIN (Học viên cao học Trường Đại học Ngoại thương, Việt Nam) - TS. Nguyễn Lê Quỳnh Hoa (Trường Đại học Ngoại thương, Việt Nam) - LINH ĐAN - HÀ ANH (Lớp Trung 2, khóa 56, Trường Đại học Ngoại thương, Việt Nam) - TS. SUN JING (Trường Đại học Tế Nam, Trung Quốc) - YANG JIE (Học viện Kỹ thuật nghề Giao thông Quảng Tây, Trung Quốc) - TS. NGUYỄN THỊ NHẬT THU (Trường Đại học Ngoại thương, Việt Nam)

TÓM TẮT:

"Make in Vietnam" là một chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia được đề xuất lần đầu tiên bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam" năm 2019. Trong kỷ nguyên mới của trí tuệ, Việt Nam mong muốn đạt được sự phát triển kinh tế một cách hiệu quả, thông minh và nhanh chóng thông qua các chiến lược phát triển kinh tế. Bài viết phân tích và giải thích các chính sách kinh tế của “Make in Việt Nam”, từ đó chỉ ra tác động của chiến lược này lên ngành công nghiệp chế tạo nội địa, sự thay đổi trong cơ cấu lao động và trong khả năng thích ứng với môi trường công nghiệp của Việt Nam.

Từ khóa: make in Vietnam, chiến lược phát triển kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh nền sản xuất đang chuyển hóa theo hướng sản xuất thông minh dữ liệu lớn, các ngành chế tạo truyền thống của Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với yêu cầu đổi mới nâng cấp. Do đó, vào ngày 9/5/2019, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế "Make in Vietnam 2045", nhằm đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

2. Kế hoạch “Make in Vietnam 2045” là gì?

Việt Nam là một quốc gia có dân số đông và trẻ, đang bước vào thời kỳ “dân số vàng”, sở hữu lực lượng lao động dồi dào nhất trong lịch sử. Đến năm 2020, dân số Việt Nam đạt 97,58 triệu người, tỉ lệ nam nữ là 49,8%: 50,2%. Mỗi năm Việt Nam đều có thêm gần 1 triệu lao động mới, tỉ lệ sản sinh lao động mới tăng gần 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ưu thế cạnh tranh vượt trội của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Để đạt được kỳ vọng trở thành một quốc gia có thu nhập cao, năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã đề ra kế hoạch "Make in Vietnam 2045". Dựa trên tình hình thực tế hiện nay và tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa Việt Nam trở thành một đất nước phát triển”. Do đó, “Make in Vietnam 2045” phải tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ, với kế hoạch cụ thể như sau:

(1) Thiết lập một môi trường kinh tế thị trường hài hòa:

Nhu cầu của thị trường là động lực để doanh nghiệp phát triển công nghệ. Việt Nam cần hoạch định kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. “Make in Vietnam 2018-2030” chủ trương "khuyến khích các công ty tư nhân nâng cao khả năng cạnh tranh, vươn ra ngoài kinh tế thị trường", hình thành một hệ thống kinh tế thị trường mạnh mẽ và hiện đại, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các công ty tư nhân, bao gồm một thị trường vốn tự do, bình đẳng, minh bạch và những chính sách về đất đai. Đồng thời với việc phát triển kinh tế, Việt Nam cũng coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Trước mắt cần xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với chính trị, xã hội và môi trường.

(2) Khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ cốt lõi:

Cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chủ quyền công nghệ trong nước và việc cải thiện hệ thống quản lý. Về lâu dài, Việt Nam không thể chỉ dựa vào việc học hỏi và tiếp nhận các công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, mà cần phải đẩy mạnh phát triển các công nghệ cốt lõi trong nước và nâng cao năng lực sản xuất. Các công nghệ cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế quốc gia. Kế hoạch “Make in Vietnam 2045” cần đề ra những chính sách trọng tâm hướng đến các doanh nghiệp về công nghệ. Từ trước đến nay, mô hình phát triển kinh tế tự nhiên chỉ dựa vào nguồn tài nguyên phong phú không đảm bảo cho Việt Nam một sự phát triển bền vững. Động lực mới thực sự cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam đòi hỏi phải phát huy triệt để tính chủ động và óc sáng tạo của gần 100 triệu người. Do đó, Thủ tướng Việt Nam đưa ra mục tiêu phát triển: "Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần cùng nhau thực hiện đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất sử dụng công nghệ riêng của Việt Nam".

(3) Đạt được một bước đột phá mang tính hệ thống:

“Make in Vietnam 2031-2045” có triển vọng đạt được bước đột phá mang tính hệ thống. Chính phủ Việt Nam xác định được mục tiêu cải cách thể chế kinh tế thị trường để thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển toàn diện và hiện đại, đồng thời, phải cân bằng 3 vấn đề chính trị, xã hội và môi trường; nguyên tắc mà Chính phủ đặt ra phải lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm, lấy việc nâng cao trình độ và quy mô nền kinh tế thị trường làm mục tiêu, và phải đảm bảo cạnh tranh công bằng theo quy định của pháp luật.

3. Môi trường ngành công nghiệp của “Make in Vietnam 2045”

Năm 1987, chính phủ Việt Nam đã thiết lập và thông qua “Luật Đầu tư nước ngoài”. Kể từ đó, kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng từ 341 triệu USD năm 1988 lên 28,53 tỷ USD vào năm 2020. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam vẫn còn tồn đọng một số vấn đề: chất lượng sản phẩm chưa cao, chính quyền các cấp có sự khác biệt trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, cơ chế sàng lọc dự án đầu tư chưa hoàn thiện và phân bổ đầu tư không đồng đều, đầu tư kém hiệu quả vào các công nghệ mới và các ngành công nghiệp mới.

Chiến lược "Make in Vietnam 2045" sẽ có tác động rõ ràng hơn đối với khu vực ngành thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam, còn tác động lên khu vực thứ 1 không đáng kể. Trong tương lai, chiến lược này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, xây dựng, tài chính ngân hàng và thúc đẩy sự đổi mới của các ngành nói trên. Chiến lược "Make in Vietnam 2045" có thể có tác động lâu dài đến việc điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tóm lại, chiến lược sản xuất của Việt Nam "Make in Vietnam 2045" sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, đặc biệt là tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp. Tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà đầu tư ngoại quốc ở các nước khác nhau. Thông qua chiến lược này, Việt Nam có thể đẩy nhanh và cải thiện điều chỉnh cơ cấu công nghiệp trong nước, từ đó thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Từ góc độ ý nghĩa, chiến lược sản xuất "Make in Vietnam 2045" Việt Nam nên: (1) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng một chính sách đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, áp dụng những lối tư duy mới và phương pháp mới, tăng cường phát triển nguồn nhân lực và mở rộng quy mô thị trường,… để nâng cao chất lượng và quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài; (2) Thông qua các chính sách liên quan như hướng dẫn và khuyến khích định hướng đầu tư để hướng dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp có thể thúc đẩy phát triển cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như máy công cụ CNC và robot cao cấp, thiết bị kỹ thuật hàng hải và tàu công nghệ cao, thiết bị vận tải đường sắt tiên tiến, máy móc và trang thiết bị nông nghiệp; (3)  Nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, tăng khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp trong nước, sử dụng tích cực và hiệu quả đầu tư nước ngoài để cải thiện lợi thế nghiên cứu và phát triển (R & D).

Môi trường công nghiệp Việt Nam có nhiều công ty thiếu linh hoạt, khó hội nhập và khó kết hợp được với các công ty khác trong ngành để hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nền tảng công nghiệp của Việt Nam còn yếu và khả năng sản xuất công nghiệp chưa vững mạnh, ảnh hưởng đến các ngành chế tạo cơ bản. Nền tảng ngành công nghiệp của Việt Nam cần được cải thiện ở mức độ lớn. Mặc dù những năm gần đây, các công ty Việt Nam đã chú trọng vào sự phát triển và những đột phá của các ngành công nghệ cao, tuy nhiên, việc thiếu các ngành công nghiệp nền tảng và môi trường công nghiệp còn yếu vẫn sẽ hạn chế việc thực hiện chiến lược "Make in Vietnam 2045" trong trung và dài hạn.

4. Phân tích chiến lược “Make in Vietnam 2045”

“Make in Vietnam 2045” là quá trình chuyển đổi và đổi mới quan trọng nhưng cũng rất phức tạp. Tất cả các chiến lược kinh tế đề ra sẽ làm thay đổi hình thức tạo ra giá trị trong ngành sản xuất trong tương lai và làm cho chuỗi giá trị trở nên linh hoạt hơn. Những chính sách này sẽ tạo nên hệ sinh thái kỹ thuật số trên toàn cầu, xét về hướng phát triển và trọng tâm, cụ thể:

4.1. Nhấn mạnh vào chuyển đổi chủ quyền công nghệ

Nhấn mạnh chủ quyền công nghệ cần­­­ đóng vai trò là mô hình kinh doanh để tất cả những người tham gia thị trường có thể đưa ra những quyết định độc lập và cạnh tranh công bằng. Kể từ khi Việt Nam thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Việt Nam đã thực hiện chính sách "đổi mới và mở cửa", và bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài. Việc thu hút một lượng lớn vốn nước ngoài đã thúc đẩy sự điều chỉnh và chuyển đổi cơ cấu công nghiệp của Việt Nam, thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ của ngành sản xuất của Việt Nam, hiện đại hóa quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Một trong số các mục tiêu mà chính phủ đặt ra trong bối cảnh Công nghiệp 4.0 là kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP. Theo báo cáo nghiên cứu từ Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng đến 14 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data61 (Úc), nếu Việt Nam phát triển kinh tế thành công, GDP Việt Nam sẽ tăng khoảng 162 tỷ USD sau 20 năm. Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nền kinh tế số tại Việt Nam đã liên tục phát triển về cơ sở hạ tầng và thị trường thương mại trong thập kỷ qua. Hiện tại, có khoảng 64 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, trong đó 57% có tài khoản mạng xã hội. Với sự phổ biến ngày càng tăng của Internet, thiết bị di động và mạng xã hội, ngày càng có nhiều người tham gia mạng thương mại điện tử. Có tới 25% tổng dân số tham gia mua sắm trực tuyến qua Facebook hoặc Zalo. Việt Nam đứng thứ 13 trong số 20 quốc gia có mức sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Năm 2018, tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam đạt 8 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Đến cuối năm 2020, con số này đã đạt 11,8 tỷ USD.

Việc kinh tế số đang bùng nổ tại Việt Nam dự kiến sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ đến các thị trường lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trình độ năng lực bình quân của lực lượng lao động Việt Nam không cao, thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN. Điều quan trọng nhất là khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước ASEAN tiếp tục gia tăng. Để giải quyết vấn này, Việt Nam cần đề xuất một kế hoạch cải thiện tương ứng cho thị trường lao động trong kế hoạch "Make in Vietnam 2045", như: cải thiện đào tạo kỹ năng lao động hiệu quả cao và xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong các trường đại học; xem xét và thống nhất các tiêu chuẩn về chứng nhận chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục hợp tác triển khai các dự án hỗ trợ phát triển chính thức trong lĩnh vực đào tạo nghề với Hàn Quốc, chính phủ Đức, Ý và Nhật Bản, hợp tác với ASEAN và các nước trong khu vực để thực hiện đào tạo kỹ năng nghề,…

4.2. Nhấn mạnh vào việc chuyển đổi phát triển xanh

Từ sự phát triển của ngành sản xuất ở các nước phát triển trên thế giới đã cảnh báo chúng ta về các vấn đề môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra. Ô nhiễm môi trường luôn là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong quá trình phát triển sản xuất.

Dù Chính phủ nhấn mạnh việc cân bằng các vấn đề chính trị và môi trường khi phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gây ra bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong bối cảnh chiến lược "Make in Vietnam 2045", chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành giám sát và cải cách các chính sách chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và kiên quyết ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài bị loại bỏ, thiết bị lạc hậu và công nghệ tụt hậu ở nước ngoài vào Việt Nam.

4.3. Nhấn mạnh vào việc xây dựng chuỗi công nghiệp

Để phát triển kinh tế, việc xây dựng chuỗi công nghiệp là xu hướng tất yếu. Việt Nam là một nước nông nghiệp, vì vậy chuỗi công nghiệp vẫn tập trung nhiều hơn vào sản xuất và bán các sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách đáng khích lệ để kích thích hợp tác giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam đã áp dụng thành công công nghệ thông tin, blockchain và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp để tăng thêm giá trị.

Năm 2020, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thương mại mới với châu Âu với nội dung là trong vòng 3 năm, cả hai bên phải đạt được "không thu thuế, không rào cản và không trợ cấp". Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang được tiến hành. Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh về ổn định chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghệ cho công nhân. Trong tương lai, cơ cấu công nghiệp toàn cầu sẽ được thiết lập tốt hơn tại Việt Nam, và nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ.

4.4. Nhấn mạnh vào vai trò của doanh nghiệp

Doanh nghiệp là các tế bào của thị trường và mức độ tự do của thị trường được đánh giá toàn diện dựa trên tỷ lệ của các loại hình doanh nghiệp và tỷ lệ đóng góp của họ. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò là nhân tố chính trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc phát triển và thúc đẩy chiến lược "Make in Vietnam 2045".

Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã dần thực hiện cải cách cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước, phấn đấu thực hiện một "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Việt Nam, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP năm 2019 là 28%, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP chiếm 42%, giải quyết 1,2 triệu việc làm. Mục tiêu chiến lược "Make in Vietnam 2045" của Chính phủ Việt Nam là có ít nhất 1,5 triệu công ty đăng ký vào năm 2025 và hơn 2 triệu công ty đăng ký vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của các công ty tư nhân vượt quá tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Dự tính tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân vào GDP là 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030.

Là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và nghỉ dưỡng, sản xuất ô tô, tài chính và các lĩnh vực khác. Năm 2020, tổng doanh thu tập đoàn này đạt 110 nghìn tỷ đồng.

5. Kết luận

Chiến lược phát triển quốc gia "Make in Viet Nam 2045" với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong công nghệ mới. Việt Nam cần tăng cường sức mạnh cơ bản thông qua cải cách thể chế, nâng cấp công nghệ và cải tiến pháp lý, thu hút nhiều công ty dựa trên công nghệ đầu tư vào Việt Nam, nỗ lực hành động theo theo khẩu hiệu “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, kết hợp công nghệ và vốn nước ngoài để đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng, đột phá công nghệ toàn diện và hòa hợp xã hội, đạt được thịnh vượng ổn định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chen Ying (2019), Giáo dục nghề nghiệp của Đức đáp ứng với ngành công nghiệp 4.0: Cải thiện khả năng kỹ thuật số của người lao động, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục so sánh, 2019(6): 92.
  2. Zhang Jianxin (2016), Nghiên cứu về mô hình phù hợp của giáo dục nghề nghiệp đại học dựa trên phân tích nghề nghiệp, Tạp chí Sự nghiệp và giáo dục, 2016(10), 15-16.
  3. Tổng cục thống kê (2018), Thông cáo báo chí Kết quả chính thức Tổng điều tra Kinh tế năm 2017. Hà Nội.
  4. Báo Tuổi trẻ Việt Nam (2020), “Công bố về tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2019”, bản A ngày 21 tháng 1 năm 2020.
  5. Nguyễn Thị Việt Nga (2020), Phát triển kinh tế tư nhân nhìn từ góc độ cải cách thủ tục hành chính, Trang thông tin điện tử Tạp chí Tài chính.
  6. VinGroup.net (2019), “VinGroup giữ vững vị thế doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam”, ngày 27 tháng 11 năm 2019.

AN ANALYSIS OF MAKE IN VIETNAM STRATEGY

• DAI YONG LIN

Master’s student, Foreign Trade University

Ph.D NGUYEN LE QUYNH HOA

Foreign Trade University

• LINH DAN

• HA ANH

Class of Chinese Language 2, K56, Foreign Trade University

Ph.D SUN JING

University of Jinan (China)

• YANG JIE

Guangxi Traffic Vocational and Technical Institute

Ph.D NGUYEN NHAT THU

Foreign Trade University

ABSTRACT:

"Make in Vietnam", which is a national-level economic development strategy, was proposed by Vietnamese Prime Minister Nguyen Xuan Phuc at Vietnam National Forum on Vietnam Technology Enterprise Development in 2019. In the Digital era, Vietnam wishes to effectively, quickly and intelligently achieve economic goals via new economic development strategies. This paper presents and analyzes the strategy of Make in Vietnam. The paper also points out this strategy’s impacts on the domestic manufacturing sector, changes in the national labor structure and its adaptability to Vietnam’s industrial environment.

Keywords: make in Vietnam, economic development strategy, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]