Tóm tắt:

Nghiên cứu phân tích đánh giá những yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa. Nghiên cứu thực tiễn tại Mũi Né - Bình Thuận, số lượng du khách tiến hành khảo sát gồm 304 người, bằng phương pháp định tính kết hợp định lượng, kết quả cho thấy có 7 nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn của khách nội địa theo thứ tự quan trọng gồm: Điều kiện du lịch và thư giãn, Động lực du lịch, Ẩm thực và mua sắm, Cơ sở hạ tầng, Môi trường cảnh quan, Thông tin điểm đến, và cuối cùng là Môi trường kinh tế.

Từ khóa: Yếu tố tác động, quyết định lựa chọn, điểm đến du lịch, khách nội địa.

1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam, trong những năm gần đây, du lịch Bình Thuận có sự chuyển biến và phát triển tích cực trên nhiều mặt. Du lịch Bình Thuận hiện đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thương hiệu Du lịch Bình Thuận tiếp tục được khẳng định trong nước và quốc tế. Sự phát triển của du lịch Bình Thuận trong những năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Bình Thuận theo hướng tích cực, tạo sinh kế bền vững ở nhiều vùng ven biển - hải đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo. Sự phát triển về du lịch còn góp phần gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.

Khu du lịch Mũi Né - Phan Thiết là một trong những vùng trọng điểm về du lịch của tỉnh Bình Thuận. Từ một làng chài nhỏ bé, địa danh Mũi Né - Phan Thiết đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước của ngành Du lịch Bình Thuận. Gần đây, ngày 24/08/2020 Bộ VHTT&Dl đã có Quyết định số 2354/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mũi Né là khu du lịch quốc gia. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một trong 48 khu du lịch quốc gia của cả nước.

Mũi Né nói chung được biết đến với những tài nguyên du lịch đặc sắc, trong đó phải kể đến có nhiều bãi biển đẹp, đồi cát hoang sơ, nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo thu hút du khách. Mũi Né - Phan Thiết trước đây từng là nơi Vương quốc của một Đế chế Chăm Pa hùng mạnh và phát triển rực rỡ (Panduranga 1471-1832), đã để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá mà những nơi khác không có được.

Bên cạnh đó, đây cũng còn là một vùng đất ven biển gắn liền với quá trình mở đất về phương Nam suốt gần 300 năm của Chúa Nguyễn, quá trình đó giúp quần tụ nhiều cộng đồng cư dân khắp mọi vùng miền của đất nước, những lưu dân đến lập nghiệp đã mang theo nhiều tinh hoa văn hóa của quê hương đến tham góp, tạo cho vùng đất mới những có những di sản độc đáo, đa dạng và phong phú, trong đó phải kể đến gần 150 lễ hội dân gian đặc sắc đang còn lưu giữ gắn liền cuộc sống, sinh hoạt bình dị của ngư dân làng chài ven biển; những giá trị văn hóa ẩm thực dân gian với hương vị khó quên của nước mắm Phan Thiết, các món ăn chế biến từ hải sản tươi ngon tạo cho du khách nhiều trải nghiệm lý thú.

Về tổ chức, khai thác du lịch, Mũi Né -  Phan Thiết nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng và khô, độ ẩm trung bình và số ngày mưa trong năm thấp, bầu trời quanh năm hầu như trong sáng, thoáng mát, vì vậy Mũi Né -  Phan Thiết đủ điều kiện để đón khách quanh năm.

Với tài nguyên du lịch rất phong phú như vậy nhưng việc khai thác và sử dụng hiện nay cho mục tiêu phát triển chưa tương xứng và hiệu quả. Hành vi quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách là một trong những nội dung quan trọng luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm và tiến hành trong lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu hành vi lựa chọn điểm đến của du khách đối với điểm đến Mũi Né - Phan Thiết đã có nhiều nghiên cứu trước đây được đề cập, tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở mức độ báo cáo đánh giá, nhận xét, tổng quan, về hành vi chung mang tính vĩ mô, các nghiên cứu khảo sát chi tiết thiên về định lượng rất ít được đề cập.

Nghiên cứu hành vi lựa chọn điểm đến Mũi Né - Phan Thiết  của du khách cùng với việc đánh giá lại hiện trạng phát triển du lịch của địa phương, nghiên cứu thị hiếu của du khách, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, tiềm năng, hạn chế, thách thức của điểm đến du lịch và các yếu tố liên quan sẽ có vai trò rất quan trọng. Điều này giúp các nhà quản lý du lịch địa phương, các đơn vị du lịch lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ nói chung, tham khảo, sử dụng trong việc định hướng chiến lược marketing điểm đến phù hợp, hiệu quả góp phần tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh sự tăng trưởng lượng du khách đến với Mũi Né quy mô ngày càng lớn hơn.

2. Cơ sở lý luận và tổng quan tài liệu liên quan

Điểm đến du lich:

Tổ chức Du lịch Thế giới (UN-WTO) đã đưa ra quan niệm về điểm đến du lịch (Tourism Destination): “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường”(1)

Động cơ du lịch:

Về bản chất, động cơ là nội lực thúc đẩy con người thực hiện hoạt động theo một mục tiêu nhất định nhằm thỏa mãn những nhu cầu tâm lý, sinh lý của họ. Động cơ du lịch là lý do của hành động đi du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu, mong muốn của khách du lịch. Động cơ du lịch là nhân tố chủ quan khuyến khích mọi người hành động. Động cơ du lịch chỉ nguyên nhân tâm lý khuyến khích người ta thực hiện du lịch, đi du lịch tới nơi nào, thực hiện loại du lịch nào (?).

Hình ảnh điểm đến du lịch:

Theo Crompton (1979), định nghĩa hình ảnh điểm đến là một miêu tả sự hiểu biết, nhận thức thuộc về lĩnh vực tinh thần, những cảm giác hay nhận thức tổng quát về một nơi đến cụ thể của một du khách. Đối với Fakeye & Crompton (1991) cho rằng hình ảnh điểm đến là sự thể hiện của nhiều kiến thức, ấn tượng, định kiến và cảm xúc của một cá nhân hoặc một nhóm người đối với điều kiện của một đối tượng hay nơi chốn cụ thể. Tổng hợp các hướng tiếp cận, Beerli và Martin (2004) đã đưa ra một cách hệ thống các yếu tố cấu thành như là điều kiện tạo thành hình ảnh của một điểm đến.

Các yếu tố được chia thành 9 trụ cột: tài nguyên thiên nhiên; cơ sở hạ tầng tổng thể; cơ sở hạ tầng riêng phục vụ du lịch; hình thức vui chơi giải trí du lịch; môi trường văn hóa lịch sử và nghệ thuật; môi trường kinh tế chính trị; môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và cộng đồng; bầu không khí của điểm đến. Một nghiên cứu khác của Bosque, Mastin (2008) cho thấy có một sự tương quan giữa hình ảnh điểm đến và sự hài lòng của du khách sau khi trải nghiệm và hoàn thành chuyến tham quan du lịch. Cũng với nghiên cứu này, các tác giả cho thấy hình ảnh của điểm đến có tác động trực tiếp và rất quan trọng đến hành vi lựa chọn điểm đến du lịch.

Nhìn chung qua các nghiên cứu, công trình nghiên cứu của hai tác giả Beerli và Martin được công nhận và sử dụng rộng rãi với mô hình gồm 6 nhân tố có tác động chính đến việc quyết định lựa chọn điểm đến của du khách đó là: cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận, điều kiện lịch sử văn hóa điểm đến, điều kiện giải trí và thư giãn, môi trường kinh tế - chính trị, ẩm thực và mua sắm, cuối cùng là môi trường cảnh quan. Các tác giả Mutinda và Makaya (2005) bổ sung thêm yếu tố là thông tin điểm đến cũng có tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến, nghiên cứu định lượng cho thấy nếu cung cấp thông tin tích cực, tác động xảy ra cùng chiều với sự lựa chọn này.

Theo Crompton và Um và Crompton (1990) nghiên cứu xây dựng mô hình lựa chọn điểm đến mang tính phổ quát hơn của khách du lịch căn cứ phân tích các yếu tố tác động bên trong và các yếu tố bên ngoài và từ mối tương tác đồng bộ. Với các nhân tố bên ngoài tác động có thể nhận diện đó là sự tương tác xã hội và hoạt động truyền thông tiếp thị như kinh nghiệm du lịch trong quá khứ, tài liệu quảng cáo, thông tin truyền miệng.

Các nhân tố bên trong: đặc điểm cá nhân, động cơ, giá trị và thái độ của khách du lịch tiềm năng. Trong nghiên cứu của Um và Crompton còn hướng đến mở rộng mô hình của Chapin về hai nhóm nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch, cụ thể nhân tố bên ngoài như thuộc tính về sản phẩm và dịch vụ du lịch: khả năng cung ứng, chất lượng, giá cả tại điểm đến, biểu tượng, nhóm tham khảo thông tin. Các nhân tố bên trong gồm sở thích, động cơ du lịch, thái độ điểm đến,…

Thực hiện nghiên cứu điển hình trong nước về nội dung quyết định lựa chọn điểm đến có Nguyễn Xuân Hiệp (2016) nghiên cứu tại TP.HCM về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có nhiều tương đồng với các nghiên cứu trước đây, các yếu tố tác động chính đến quyết định lựa chọn điểm đến TP.HCM bao gồm: động lực du lịch, hình ảnh điểm đến, thông tin của điểm đến, trong đó thông tin điểm đến có tác động mạnh đến động lực du lịch và động lực du lịch có ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến.

Nghiên cứu mới đây của Hồ Bạch Nhật và Nguyễn Phương Khanh (2018) về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang của khách du lịch, với kết quả ghi nhận có 8 nhân tố với 46 biến quan sát, (không tính 5 biến quan sát của biến phụ thuộc) tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến gồm từ hai phía tác động, phía nội tại gồm 6 nhóm yếu tố bên trong liên quan đến hình ảnh điểm đến: Cơ sở hạ tầng, lịch sử - văn hóa, giải trí thư giãn, môi trường chính trị kinh tế, ẩm thực và mua sắm, cuối cùng là môi trường cảnh quan. Phía bên ngoài gồm 2 nhân tố là động lực du lịch của du khách và thông tin điểm đến du lịch, trong đó cơ sở hạ tầng của điểm đến tác động cùng chiều mạnh nhất đến quyết định lựa chọn điểm đến.

Một nghiên cứu trong nước khác là của Trần Thị Kim Thoa (2016), nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của khách du lịch Tây Âu - Bắc Mỹ, kết quả cuối cùng cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách quốc tế gồm 6 yếu tố chính: động cơ du lịch, thái độ, hình ảnh điển đến, nhóm tham khảo, giá tour du lịch, truyền thông với 29 biến quan sát. Trong đó yếu tố hình ảnh điểm đến có sự tác động cùng chiều mạnh nhất đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách quốc tế.

Dựa trên những lý thuyết đã trình bày, cùng những tham khảo, phân tích đánh giá những nét tương đồng, dị biệt từ các nghiên cứu đã có với bối cảnh nghiên cứu của nhóm tác giả, đồng thời kết hợp phân tích các nội dung đặc thù trong và ngoài của điểm đến du lịch biển Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu và các giả thuyết liên quan như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

hinh 1

Giả thuyết H1: Cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H2:  Điều kiện ẩm thực và mua sắm tại điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H3: Điều kiện giải trí thư giãn tại điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H4: Môi trường kinh tế chính trị tại điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H5: Môi trường cảnh quan du lịch tại điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H6: Điều kiện lịch sử - văn hóa tại điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H7: Động lực du lịch của du khách có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

Giả thuyết H8: Thông tin điểm đến có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa.

3. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp kết hợp giữa định tính và định lượng. Định tính chủ yếu xây dựng, bổ sung thang đo, để đạt tính khoa học và tin cậy cho thang đo, nhóm tác giả sử dụng phương pháp chuyên gia, thảo luận bảng câu hỏi trước khi khảo sát chính thức, đã tiến hành khảo sát thử (n=20 du khách) để bổ sung chỉnh sửa bảng hỏi cho phù hợp. Nghiên cứu định lượng được tiến hành thu thập dữ liệu thông qua phỏng vấn du khách nội địa đã và đang đến các điểm du lịch ở khu vực Mũi Né - Phan Thiết, Bình Thuận. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện, sau đó tiến hành các công đoạn mã hóa, nhập liệu, phân tích kết quả với sự hỗ trợ phần mềm SPSS 26.0 và Eviews 11.0.

Về kích thước mẫu theo Hair và cộng sự (2004), khi dùng phương pháp phân tích nhân tố (EFA) cỡ mẫu tối thiểu chọn ít nhất phải bằng 5 lần số biến quan sát trong bảng hỏi, ở đây có 44 biến quan sát, nên số mẫu tối thiểu phải bằng 220, và trong phân tích hồi quy thường đòi hỏi số mẫu nhỏ hơn khi phân tích EFA. Địa bàn Mũi Né có số du khách đến rất đông (trung bình trên 2 triệu lượt người/năm), do đó để tăng độ tin cậy trong phân tích dữ liệu, nhóm tác giả chọn số mẫu là 320 người, có 16 phiếu không hợp lệ nên cuối cùng có 304 phiếu chính thức trong nghiên cứu.

Bảng 1: Thông tin mẫu nghiên cứu:

Bang 1

4. Kết quả nghiên cứu

Thang đo nghiên cứu các yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của khách nội địa gồm 44 biến quan sát, trong đó có 8 biến độc lập (nhân tố), sử dụng thang đo dạng Likert 5 mức độ qua tính toán hệ số Cronbach Alpha và phân tích nhân tố EFA, kết quả cho thấy hệ số Cronbach chung toàn mô hình đạt 0.888,  và các hệ số Cronbach của các thang đo thành phần đều đạt độ tin cậy theo yêu cầu (0.71<α <0.848).

Chọn lọc biến thỏa mãn với hệ số Cronbach α ta lần lượt loại các biến HT5, HT6, HT7, HT8, HT9,và  LSVH 5, LSVH 6, LSVH 7, ATMS 4 ,TTDL1. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA có 6 nhân tố được rút trích tại điểm Eigenvalue băng 1,012 >1, tổng phương sai trích đạt 62,58% cho biết 6 nhân tố này giải thích được 62,58% biến thiên của bộ dữ liệu. Kết quả kiểm định mối tương quan chung của các biến quan sát với hệ số KMO = 0.808 >0.5, Kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê với mức tin cậy là 5% (sig = 0.00<0.05).

Tuy số biến bị loại khá nhiều (12 biến) nhưng trên thực tế nội dung của nó phù hợp với điều kiện và lựa chọn của du khách nội địa mà các nghiên cứu của Cục Thống Kê tỉnh Bình Thuận đã nghiên cứu trước đây (Nghiên cứu mức chi tiêu và sự hài lòng của du khách, 2016).

Bảng 2. Thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến Mũi Né Bình Thuận của khách du lịch nội địa

Nội dung biến tổng và hệ số Crobach Alpha

Biến quan sát

Phát biểu

Trọng số AEF

Cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận điểm đến α = 0,832

 

 

 

 

 

 

 

HT1

Hệ thống công ty lữ hành, dịch vụ du lịch mở rộng và phát triển

0.852

HT2

Dịch vụ thông tin truyền thông, ngân hàng phát triển đáp ứng nhu cầu

0.814

HT3

Mũi Né có nhiều phương tiện giao thông có thể đến được dễ dàng

0.779

HT4

Chất lượng cơ sở lưu trú và chất lượng nhà hàng, quán ăn đáp ứng yêu cầu

0.764

HT5

Không gian khai thác du lịch đa dạng

0.345

HT6

Không gian mang đậm yếu tố biển và văn hóa Chămpa với nhiều lễ hội và di sản văn hóa đình, chùa, miếu mạo

 

0.321

HT7

Đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm đến nhiệt tình, chuyên nghiệp

0.422

HT8

Hệ thống giao thông hiện đại, rộng khắp và thuận tiện

0.528

HT9

Mũi Né có nhiều chợ, cửa hàng, giúp du khách dễ dàng mua sắm

0.454

Lịch sử và văn hóa

α = 0,841

LSVH1

Mũi né có các cơ sở lưu trú kiến trúc hiện đại, đặc sắc (resort)

0.652

LSVH2

Có các di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, lâu đời

0.633

LSVH3

Điểm đến với nhiều yếu tố lịch sử văn hóa Chăm Pa

0.717

LSVH4

Các lễ hội văn hóa đa dạng,phong phú, hấp dẫn

0.607

LSVH5

Điểm đến sinh thái hấp dẫn

0.585

LSVH6

Điểm đến với các yếu tố tâm linh huyền bí

0.344

LSVH7

Điểm đến giúp du khách thỏa mãn yếu tố tâm linh

0.392

 

Điều kiện giải trí và thư giãn

α = 0,701

 

RELAX1

 

Cuộc sống hoạt động của người dân phong phú, đa dạng và thân thiện

0.923

RELAX2

Mũi Né có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra quanh năm

0.721

RELAX3

Mũi Né có nhiều loại hình thể thao biển có thể tham gia

0.741

RELAX4

Mũi Né có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo có thể khám phá

0.606

Môi trường kinh tế và chính trị

α = 0,780

MTKT1

Mũi Né là khu vực kinh tế phát triển năng động,có mức sống khá cao

0.666

MTKT2

Tình hình an ninh chính trị ổn định

0.561

MTKT3

Ít tệ nạn xã hội và an toàn

0.471

Ẩm thực và mua sắm & = 0,848

ATMS1

Mũi Né có văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương, phong phú đặc sắc

0.691

ATMS2

Nhiều món ăn hải sản tươi ngon độc đáo

0.759

ATSM3

Các mặt hàng lưu niệm phong phú, đặc sắc

0.743

ATMS 4

Có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn

0.412

Môi trường cảnh quan α = 0,770

MTCQ1

Không khí trong lành

0.642

MTCQ2

Cảnh quan thiên nhiên hữu tình

0.766

MTCQ3

Mũi Né có thể đi du lịch 4 mùa

0.792

MTCQ4

Khu dân cư sạch sẽ, vệ sinh ,đường sá thoáng đãng

0.771

Động lực du lịch

α = 0,739

DLDL1

Đi du lịch vì yếu tố bờ biển đẹp, hoang sơ

0.495

DLDL2

Khám phá nét đặc trưng tài nguyên du lịch miền biển của Mũi Né

0.758

DLDL3

Đến Mũi Né tham gia các môn thể thao biển và khám phá

0.766

DLDL4

Để vui chơi, giải trí, thư giãn

0.757

Thông tin điểm đến α = 0,837

TTDD1

Biết đến Mũi Né dựa vào kinh nghiệm trước đây

0.321

TTDD 2

Thông qua bạn bè, đồng nghiệp, người thân

0.758

TTDD3

Biết Mũi Né thông qua hội chợ du lịch

0.716

TTDD4

Thông qua các công ty lữ hành/tiếp thị du lịch

0.861

Quyết định lựa chon điểm đến

α = 0,824

QDLC1

Anh chị hài lòng với quyết định du lịch Mũi Né

0.518

QDLC2

Anh, chị cho rằng quyết định chọn điểm đến Mũi Né là hoàn toàn đúng đắn

0.843

QDLC3

Anh chị giữ nguyên quyết định lựa chọn điểm đến này ngay cả khi có cơ hội thay đổi

0.731

QDLC4

Anh chị sẽ giới thiệu Mũi Né cho người khác

0.922

QDLC5

Anh chị đã cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn đến Mũi Né

0.644

                           (Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên phần mềm SPSS 26.0)

Kết quả phân tích hồi quy:

Kiểm định sự phù hợp của mô hình

Bảng 3. Kết quả hồi quy

bang 3

(Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên Eviews 11.0)

Kết quả hồi quy từ Bảng 3 cho thấy trong 8 biến độc lập có một biến LSVH  (lịch sử văn hóa) bị loại còn 7 biến đều có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%, tiến hành kiểm định sự phù hợp của mô hình: có tham số P-value của F=0.000<0.05 cho kết luận mô hình tổng thể phù hợp, tức là 7 nhân tố: Hạ tầng (HT), ẩm thực và mua sắm (ATMS), Môi trường cảnh quan (MTCQ), Môi trường kinh tế chính trị (MTKT), Giải trí thư giãn (Relax), Thông tin điểm đến (TTDD), và biến động lực du lịch (DLDL) đều có tác động cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách nội địa khi đến du lịch Mũi Né - Bình Thuận. 7 biến này tham gia vào mô hình giải thích được 52,55% sự biến thiên của quyết định lựạ chọn điểm đến của du khách.

Bảng 4.  Hệ số hồi quy chuẩn hóa và VIF:

bang 4

(Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên Eviews 11.0)

Từ Bảng 4, giá trị của các hồi quy chuẩn hóa của các biến cho thấy vị trí quan trọng của các nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến thứ tư là: Du lịch và Thư giãn. (RELAX,0.2576), Động lực du lịch (DLDL, 0.1907), Ẩm thực và mua sắm (ATMS,0.1899), Hạ tầng (HT,0.1877), Môi Trường cảnh quan (MTCQ,0.1630), Thông tin điểm đến (TTDD,0.1479), và cuối cùng là Môi trường kinh tế (MTKT,0.1025).

Các kiểm định kỹ thuật mô hình hồi quy:

* Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: từ Bảng 3 các hệ số VIF đều nhỏ hơn 10 cho ta kết luận trong mô hình không xãy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

* Kiểm định phần dư của  mô hình theo phân phối chuẩn: (Jarque-Bera)

Hình 2: Đồ thị Tần suất phân phối của phần dư mô hình

hinh 2

(Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên Eviews 11.0)

Từ hình 2, ta thấy P-value (Jarque –Bera)= 0.07866 ) >0.05 cho kết luận phần dư  của mô hình tuân theo phân phố chuẩn.

*Kiểm định phần dư của mô hình độc lập (không có tự tương quan): kiểm định Breusch-Godfrey:

bang 3

(Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên Eviews 11.0)

Từ bảng kết quả kiểm định B-G  có P-value = 0.5288>0.05 cho ta kết luận các phần dư của mô hình có tính độc lập (không có tự tương quan).

  • Kiểm định phần dư không có phương sai thay đổi: (kiểm định White)

hinh 2

(Nguồn: Nhóm tác giả phân tích trên Eviews 11.0)

Từ bảng kết quả kiểm định White, ta có P-value = 0.564 >0.05 cho ta kết luận mô hình không xảy ra hiện tượng phương sai phần dư thay đổi.

5. Kết luận và một số hàm ý và quản trị

Qua kết quả nghiên cứu, đối chiếu với tình hình thực tiễn trong hoạt động quản lý du lịch tại Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung cho thấy, các yếu tố tác động đến quyết định chọn lựa điểm đến du lịch của du khách nội địa là phù hợp với thực tế đang diễn ra. Các nghiên cứu định tính trước đây cũng ghi nhận du khách thời gian qua chọn điểm đến Mũi Né do ở đây là vùng biển đẹp, cảnh quan đẹp hoang sơ, ẩm thực độc đáo và có chất lượng.

Thông tin về các tour tuyến du lịch ở Mũi Né được quảng bá khá rộng rãi, cơ sở vật chất lưu trú, giao thông ngày càng được đầu tư tương đối hoàn thiện tạo sự hài lòng cho du khách trong và ngoài nước nên điểm đến này được quan tâm lựa chọn. Những điểm này phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài về các nhân tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách là: Du lịch và Thư giãn, Động lực du lịch, Ẩm thực và mua sắm, Hạ tầng, Môi Trường cảnh quan, Thông tin điểm đến, và cuối cùng là Môi trường kinh tế.

Một số hàm ý quản trị: Căn cứ vào kết quản nghiên cứu nhóm tác giả gợi ý một số hàm ý quản trị như sau:

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các bên tham gia cần phải nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách trong yếu tố ưu tiên là du lịch thư giãn, do đó cần nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các dịch vụ cao cấp như du lịch MICE, honeymoon, golf, thuyền buồm, lặn biển ngắm san hô, câu cá trên biển để tăng tính hấp dẫn đối với kỳ nghỉ cho du khách.

Chú trọng về hoạt động dịch vụ ẩm thực và mua sắm, cần khuyến khích mọi nguồn lực để phát triển sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao với sự đa dạng độc đáo có sự khác biệt, đặc thù riêng có của vùng Bình Thuận. Với thế mạnh là khu vực có vùng ngư trường lớn, sản sinh nhiều loại hải sản tươi ngon, hệ thống nhà hàng khách sạn ở nơi đây cần phát huy thế mạnh của những món ăn đã trở thành thương hiệu của địa phương như mực một nắng, lẩu thả… Các món ăn dân dã truyền thống cũng cần được chú ý nâng tầm trong chế biến và bài trí để đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách như món cá nục kho, bánh canh chả cá, bánh căn, gỏi cá mai… để làm phong phú thực đơn phục vụ du khách, góp phần tạo nên sự hài lòng và thỏa mãn cho du khách. Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư mở rộng các cửa hàng bán đặc sản địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách phương xa.

Nâng cao chất lượng việc quảng bá cung cấp thông tin du lịch vùng Mũi Né cho du khách. Cần có chiến lược quảng bá tiếp thị tốt và hiệu quả về các nội dung của điểm đến để du khách nắm được thông tin chính xác, rõ ràng về giá dịch vụ, phương tiện vận chuyển, nơi ăn nghỉ, điều kiện tiếp cận môi trường du lịch… tiếp thị du lịch và quảng bá cần đa dạng về hình thức và liên tục, sử dụng digital marketing để tạo sự lan tỏa nhanh chóng và ít tốn kém chi phí quảng cáo. Tạo các kênh phân phối online để khách du lịch dễ tiếp cận và tìm hiểu sản phẩm trên các thiết bị di động. Mở rộng việc bán phòng lưu trú và các dịch vụ trên các chuyên trang booking du lịch.

Tài liệu tham khảo:

1- Beerli and Martin   (2004) ,  Factors influencing destination image.

2- Crompton,  J. L.  (1979), Motivations  of pleasure  vacation,  Annals of  Tourism Research,  6, 408–424.

3- Mutinda & Mayaka (2005), Application of Detination Choice Model: Factors influencing domestic Tourism destination choce among residents of Nairobi, Keynia.

4-E. Sirakaya &AG. Woodside (2005)  Building and testing theories decision making by traveler.

5-Scoho Um,J.L Crompton (1990), Attitude determinants in tourism destination choice.

6-Hồ Bạch Nhật, Nguyễn Phương Khanh (2018) Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang. Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, 2018.

7- Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lưa chọn điểm đến của khách du lịch: Trường hợp TP.HCM, Tạp chí Phát triển Kinh tế, 2016.

Analyzing the factors affecting domestic tourists’ decision to visit Mui Ne, Binh Thuan Province

Ph.D Dinh Kiem

Former Dean, Faculty of Human Resource Management

University of Labour and Social Affairs Ho Chi Minh City

Vo Xuan Nghia

Director, Information and Tourism Promotion Center of Binh Thuan Province

Abstract:

Analyzing and evaluating the factors affecting domestic tourists' decision to visit destinations. By using both qualitative and quantitative methods to analyze 304 tourists visiting Mui Ne, Binh Thuan Province, this study finds out 7 factors affecting the tourists’decision. These factors are listed in descending order of importance, namely travel and relaxation conditions, travel motivation, cuisine and shopping, infrastructure, landscape and environment, destination information, and economic environment.

Keywords: Impact factors, decisions, tourist destinations, domestic tourists.