Phân tích lợi ích thiệt hại và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang hồ tiêu của nông hộ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk

NGUYỄN VĂN CƯỜNG, PHAN THỊ THU HƯỜNG, NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN, LÊ KIM LIÊN, TÔN ANH HẢI (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm phân tích lợi ích thiệt hại và các yếu tố ảnh hưởng việc chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang hồ tiêu của nông hộ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Dữ liệu được thu thập qua khảo sát 120 hộ, trong đó gồm 60 hộ không chuyển đổi và 60 hộ chuyển đổi. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả để phân tích thực trạng, hiệu quả kinh tế và sử dụng mô hình hồi quy Binary Logit nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi cây trồng của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy canh tác cà phê và hồ tiêu đều khả thi và mang lại lợi nhuận. Sản xuất hồ tiêu mang lại doanh thu gấp 2,65 lần và lợi nhuận gấp 12,9 lần so với cà phê trên cùng 1.000m2. Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu có rủi ro lớn từ lãi suất, giá bán và vòng đời khai thác. Lợi ích từ chuyển đổi là lợi nhuận thu được của hồ tiêu và khoản thu từ thanh lý vườn cà phê. Trong khi đó, thiệt hại khi chuyển đổi gồm chi phí chặt bỏ vườn cà phê, chi phí đầu tư mới cho vườn hồ tiêu và lợi nhuận mất đi từ diện tích cà phê chặt bỏ. Các yếu tố ảnh hưởng quyết định chuyển đổi là có tham gia tổ chức xã hội, kì vọng giá hồ tiêu, kì vọng giá cà phê, tuổi vườn cà phê.

Từ khóa: Nông hộ Đắk Lắk, cà phê, hồ tiêu, chuyển đổi cây trồng.

I. Đặt vấn đề

Cà phê và hồ tiêu là hai loại mặt hàng nông sản chủ lực, mang giá trị xuất khẩu cao của nước ta. Với điều kiện khí hậu ưu đãi, thổ nhưỡng phù hợp nên tỉnh Đắk Lắk được xem như thủ phủ cà phê và hồ tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều yếu tố ảnh hưởng nên diện tích trồng và sản lượng cà phê, hồ tiêu đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Tính đến năm 2015, diện tích cà phê tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk là 21.132 ha, giảm 131 ha so với năm 2011. Trong khi đó, diện tích hồ tiêu lại có sự gia tăng rõ rệt, diện tích hồ tiêu tăng gấp 6 lần và sản lượng tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (Theo thống kê tỉnh Đắk Lắk). Những nông hộ tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện chuyển đổi từ cà phê sang hồ tiêu, nhưng còn mang tính chuyển đổi ồ ạt. Việc chuyển đổi đã dẫn đến nhiều tác động trong đó có cả lợi ích và thiệt hại cho người nông dân, khi người dân hi vọng sự chuyển đổi sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực cho bản thân họ. Vậy việc chuyển đổi của họ trong giai đoạn này thực sự có phải là đúng đắn? Và yếu tố nào tác động đến các hộ dân chuyển đổi? Nắm bắt được điều đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện quan sát, tìm hiểu và điều tra nhằm làm rõ các giá trị lợi ích thiệt hại và yếu tố ảnh hưởng trong việc chuyển đổi từ cây cà phê sang cây hồ tiêu của người dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, để từ đó có thể đưa ra cách nhìn đúng đắn hơn cho các nông hộ trước quyết định chuyển đổi cây trồng.

II. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Nguồn số liệu

Nghiên cứu tiến hành điều tra phỏng vấn theo bảng câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, sử dụng phương pháp nghiên cứu chọn mẫu phi ngẫu nhiên 120 nông hộ tại 3 xã, các xã được chọn là nơi có tỷ lệ diện tích sản xuất cà phê và hồ tiêu cao trong tỉnh và thực trạng chuyển đổi ở mức tương đối cao so với các vùng còn lại của huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, nghiên cứu cũng thu thập các thông tin thứ cấp từ nhiều nguồn, bao gồm các tài liệu, báo cáo và các nghiên cứu liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

2.2. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Phương pháp thống kê mô tả được dùng để tính toán các đặc trưng đo lường hiệu quả kinh tế ngắn ngày và dài ngày. Đồng thời xem xét độ nhạy khi có sự thay đổi của các yếu tố đầu vào, giá cả đến lợi nhuận sản xuất và hiện giá thuần NPV của 2 loại cây trồng.

Phương pháp hồi quy bằng mô hình logit nhị thức (Binary logit) để kiểm tra tác động của các nhân tố ảnh hưởng quyết định chuyển đổi của hộ.

Mô hình có dạng:

Ln[P(Y=0)/P(Y=1)]= β01X12X2+ … + βnXn.

Trong đó, Y là biến phụ thuộc, biến nhị phân chỉ nhận 1 trong 2 giá trị. Y là 1 nếu nông hộ trồng cà phê chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và Y là 0 nếu nông hộ trồng cà phê không chuyển đổi. Xi là biến độc lập, gồm 14 biến ứng với 14 nhân tố ảnh hưởng quyết định chuyển đổi cây trồng của nông hộ: 1) trình độ; 2) giới tính; 3) dân tộc; 4) tuổi chủ hộ; 5) kinh nghiệm sản xuất cà phê; 6) diện tích cà phê; 7) tuổi vườn cà phê; 8) chi phí cơ hội chuyển đổi từ cà phê sang hồ tiêu; 9) chi phí đầu tư hồ tiêu; 10) kỳ vọng giá hồ tiêu; 11) kỳ vọng giá cà phê; 12) tỷ trọng thu nhập từ cà phê; 13) số tiền vay ngân hàng; 14) có tham gia tổ chức xã hội.

Công thức tính xác suất chuyển đổi khi các yếu tố thay đổi.

III. Kết quả và thảo luận

3.1. So sánh hiệu quả sản xuất của cà phê và hồ tiêu

Giai đoạn kiến thiết của cà phê và hồ tiêu đều có thời gian là 3 năm. Với quy mô trên 1000m2, ta thấy chi phí đầu tư TKCB của hồ tiêu cao gấp 6,38 lần so với cà phê. Vì trong giai đoạn TKCB thì hồ tiêu phải mất chi phí trụ trồng chiếm giá trị lớn. Bên cạnh đó, giống hồ tiêu có giá trị trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/cây, còn cà phê chỉ có giá trị trung bình từ 2.000 - 5.000 đồng/cây (chi phí giống hồ tiêu cao gần gấp 6 lần so với cà phê). Do đó, dẫn đến tình trạng chênh lệch lớn về chi phí đầu tư trong TKCB giữa hồ tiêu và cà phê.

Chi phí ở năm kinh doanh của hồ tiêu cũng cao hơn so với cà phê. Do đặc trưng của cây tiêu khá mẫn cảm với điều kiện thời tiết nên dễ bị sâu bệnh tấn công đòi hỏi người nông dân phải có biện pháp phòng trừ, chủ yếu bằng thuốc hóa học; ngoài ra để đảm bảo năng suất cho cây hồ tiêu thì việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình sinh trưởng và giai đoạn cho trái là yếu tố tất yếu. Chi phí thuốc BVTV của cây hồ tiêu là 1.323.000 đồng, trong khi đó chi phí thuốc BVTV của cây cà phê là 446.000 đồng. Còn về chi phí phân bón, chi phí lao động giữa cà phê và hồ tiêu không chênh lệch nhiều.

Với quy mô sản xuất 1.000 m2 ở thời kỳ kinh doanh thì cây hồ tiêu cho lợi nhuận là 15.411.000 đồng, còn cà phê mang lại chỉ có 1.195.000 đồng. Lợi nhuận hồ tiêu cao gấp 12,9 lần so với cà phê. Trong khi đó, chênh lệch về tổng chi phí giữa hai cây trồng chỉ có 1,38 lần, chủ yếu do sự chênh lệch doanh thu. Nguyên nhân là do giá hồ tiêu cao gấp 4,57 lần giá cà phê, với giá bán trung bình của hồ tiêu lên đến 160.000 đồng/kg còn cà phê chỉ 35.000 đồng/kg. Do đó, chênh lệch hiệu quả giữa hồ tiêu và cà phê khá lớn.

Qua bảng 4 ta thấy rõ sự chênh lệch về chỉ tiêu dài ngày như hiện giá thuần NPV, suất sinh lợi IRR và thời gian hoàn vốn của cây cà phê và cây hồ tiêu. Hiện giá thuần của hồ tiêu cao gấp 9,2 lần cà phê; suất sinh lợi cây hồ tiêu cũng cao hơn cây cà phê gấp 1,7 lần và số năm hoàn vốn chỉ bằng 0,6 lần so với cà phê. Từ kết quả cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng từ cây cà phê sang hồ tiêu có tính khả thi cao với điều kiện mức giá là 160.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá hồ tiêu hiện nay giảm còn 80.000 đồng/kg, nông hộ cần phải xem xét kỹ trước khi chuyển đổi.

3.2. Rủi ro trong sản xuất cà phê và hồ tiêu

Kết quả phân tích độ nhạy cho thấy, với lãi suất từ 8 - 16% nếu giá bán cà phê trên 32.000 đồng thì NPV đều dương, tức dự án trồng cà phê khả thi. Nhưng nếu lãi suất là 16% và giá giảm còn 29.000 đồng/kg thì NPV âm, đồng nghĩa dự án trồng cà phê không khả thi. Điều này khó xảy ra khi sản xuất nông nghiệp thường được Nhà nước hỗ trợ, do đó lãi suất chiết khấu thấp (từ 8 - 14%).

Trong khi đó, đối với sản xuất hồ tiêu nếu mức giá trên 80.000 đồng/kg và lãi suất từ 8-16% đều cho NPV dương. Tuy nhiên, ở mức giá 62.000 đồng/kg, nếu lãi suất lớn hơn 10% thì NPV âm, như vậy dự án không khả thi. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi tại thời điểm tháng 6/2017 giá hồ tiêu chỉ còn 72.000 đồng, cùng với thời điểm chuyển đổi lãi suất cao. Như vậy, sản xuất hồ tiêu có rủi ro hơn so với sản xuất cà phê.

Ứng với các mức giá và sản lượng của cà phê và hồ tiêu điều tra thực tế trên địa bàn. Kết quả phân tích độ nhạy cho thấy, khi năng suất cà phê là 228kg/1.000m2 để trồng cà phê có lợi nhuận dương thì giá bán phải đạt 46.000 đ/kg, nhưng nếu ở mức giá này mà năng suất đạt 400 kg/1.000m2 thì lợi nhuận thu được lên đến 8.779.949 đồng, đây là mức lợi nhuận khá cao cho người dân trồng cà phê. Dự án trồng cà phê khả thi khi mức giá ổn định trên 35.000 đồng, kết hợp sản lượng cao tương đương trên 309 kg/1.000m2. Đối với hồ tiêu, để có lợi nhuận dương ứng với năng suất khảo sát thực tế 179kg/1.000m2 năm 2015 thì giá bán phải lớn hơn hoặc bằng 80.000 đồng/kg. Như vậy, thời điểm khảo sát 2015 cho thấy lợi nhuận của cà phê là 1.194.949 đồng/1.000m2, trong khi hồ tiêu là 15.411.000 đồng/1.000m2; nếu tiếp tục giữ được mức giá hoặc sản lượng như vậy, lợi nhuận thu được từ hồ tiêu vẫn là con số hấp dẫn đối với nông hộ mặc dù có nhiều rủi ro về sản xuất.

Bảng 7 cho thấy với độ tuổi vườn tiêu là 3 năm, nếu cây bị chết không thể thu hoạch, người dân sẽ mất trắng tiền đầu tư. Ở độ tuổi năm vườn cây là 5 năm (2 năm thu hoạch) thì mức giá tối thiểu để dự án trồng cà phê có hiệu quả (NPV >0) phải lớn hơn 160.000 đồng/kg (NPV = 3.740.059 đồng). Nếu ở mức giá 80.000 đồng/kg, khi duy trì được vườn hồ tiêu đến năm thứ 7 sẽ cho lợi nhuận ổn định và lợi nhuận vườn hồ tiêu suốt vòng đời 15 năm mang lại trên 1.000m2 là 30.368.791 đồng hiện giá. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi giá hồ tiêu xuống thấp chỉ còn 80.000 đồng/kg dẫn đến hiệu quả mang lại từ sản xuất hồ tiêu giảm mạnh, đặc biệt là khi vấn đề sản xuất hồ tiêu gặp rủi ro về dịch bệnh hay hiện tượng chết cây hàng loạt.

3.3. Các nhân tố ảnh hưởng quyết định chuyển đổi cây trồng

Mô hình hồi quy ban đầu gồm 14 biến, tương ứng 14 yếu tố ảnh hưởng quyết định chuyển đổi cây trồng của nông hộ. Tuy nhiên sau quá trình phân tích, mô hình hồi quy cho thấy rằng có 7 yếu tố là có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chuyển đổi, bao gồm 1) diện tích cà phê, 2) tuổi vườn cà phê, 3) chi phí cơ hội chuyển đổi, 4) chi phí đầu tư hồ tiêu, 5) kỳ vọng giá tiêu, 6) vay ngân hàng và 7) tham gia TCXH. Dấu các hệ số phù hợp với kỳ vọng ban đầu của nhóm nghiên cứu.

Mức kỳ vọng chuyển đổi trung bình của mô hình:

Ln (Odds)= -10,268+1,121*1,5 + 0,194*24,51

– 0,013*127,27 – 0,022*168,80 + 1,962*2,61

+ 0,035*53,95 + 3,143*0,55 = -0,46195

=> eLn(odds) = 0,63001

Kết quả cho biết, khả năng hộ chuyển đổi từ cà phê sang hồ tiêu ở mức trung bình là 38,65%.

Nếu xác suất chấp nhận chuyển đổi ban đầu của hộ được khảo sát là P0=10%, cùng với Bi tương ứng của từng yếu tố, áp dụng vào công thức tính xác suất chuyển đổi Pi, ta thu được xác suất khả năng chuyển đổi của nông hộ.

Kết quả cho thấy biến tham gia tổ chức xã hội có tác động mạnh nhất bởi nếu hộ có tham gia tổ chức xã hội thì xác suất chấp nhận chuyển đổi lên đến 72% (tăng 62% so với xác suất ban đầu). Tiếp đến là kỳ vọng giá hồ tiêu, khi các yếu tố khác không đổi, hộ có kì vọng giá tiêu tăng 1 bậc trong thang bậc 5 (tương ứng từ giá giảm mạnh (1) đến giá tăng mạnh (5)) thì xác suất tham gia vào việc chuyển đổi là 44,2% (tăng 34,2% so với xác suất ban đầu). Đối với 2 yếu tố là chi phí cơ hội của việc chuyển đổi và chi phí đầu tư cho vườn hồ tiêu, khi chi phí chuyển đổi hay đầu tư cao thêm 1 triệu thì xác suất chấp nhận chuyển đổi giảm tương ứng 0,1% và 0,2%. Với chi phí chuyển đổi hồ tiêu là rất lớn, người dân sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chặt bỏ diện tích cà phê đang cho thu hoạch cũng như rủi ro khi đầu tư cho vườn hồ tiêu mới bởi loại cây trồng này rất dễ nhiễm bệnh, khả năng khiến nông hộ trắng tay khi chưa kịp thu hồi vốn. Như vậy, cho thấy người dân khi tham gia tổ chức xã hội sẽ có xu thế chuyển đổi cao hơn, điều này cho thấy họ bị tác động bởi thời điểm giá hồ tiêu tăng, giá cà phê giảm và tâm lý đám đông.

3.4. Lợi ích và thiệt hại trong sự chuyển đổi

Tổng thiệt hại hữu hình khi chuyển đổi là 36.606.000 đồng/1.000m2, trong đó chi phí trung bình phải bỏ ra để chặt bỏ vườn cà phê để chuyển đổi trồng hồ tiêu là 1.304.000 đồng/1.000m2 và chi phí đầu tư mới cho giai đoạn KTCB của vườn hồ tiêu là 42.990.000 đồng/1.000m2. Lợi ích hữu hình là phần lợi nhuận tài chính thu được của hồ tiêu, mặc dù tại thời điểm chuyển đổi, giá trị lợi nhuận bằng 0 nhưng tính cho 12 năm sau thời kỳ KTCB thu được lợi nhuận cho cả vòng đời chuyển đổi qua hồ tiêu là 441.764.000 đồng/1.000m2 (tính theo dòng ngân lưu); và một số nông hộ còn thu được khoản thu từ thanh lý vườn cà phê với giá trị trung bình là 417.000 đồng/1.000 m2. Do đó, khoản thu hữu hình từ chuyển đổi cà phê sang hồ tiêu của các nông hộ tại thời điểm chuyển đổi mặc dù mang lại là âm (-36.189 đồng/1.000m2) nhưng tính cả vòng đời để chuyển đổi sang cây hồ tiêu thì đem lại dòng tiền lợi nhuận là 397.887.000 đồng/1.000 m2.

Ngoài những thiệt hại và lợi ích hữu hình có thể thấy rõ được phân tích như trên, bảng 11 còn cho thấy việc chuyển đổi từ cà phê sang hồ tiêu mang lại những thiệt hại và lợi ích vô hình mà phần lớn những nông hộ không tính đến khi chuyển đổi trồng hồ tiêu.

Cụ thể thiệt hại vô hình bao gồm lợi nhuận mất đi từ diện tích cà phê bị chặt bỏ và chi phí cơ hội đầu tư cho hồ tiêu. Ở thời điểm chuyển đổi thì mất đi lợi nhuận từ cà phê là 1.195.000 đồng và chi chi phí đầu tư hồ tiêu năm đầu tiên là 2.118.000 đồng. Còn nếu xét theo nguyên vòng đời thì thiệt hại từ việc bỏ cà phê lên đến 17.924.000 đồng và chi phí cơ hội cho đầu tư hồ tiêu là 43.514.000 đồng.

Lợi ích vô hình mà nghiên cứu chỉ ra là khi chuyển đổi từ cà phê sang hồ tiêu sẽ tiết kiệm được phần công lao động cà phê. Khi chuyển đổi qua hồ tiêu sẽ tiết kiệm được chi phí công lao động của cà phê tại năm chuyển đổi là 1.319.000 đồng/1.000m2. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo thì số công lao động tiết kiệm được giảm đi, vì tính chất sản xuất đòi hỏi lao động ngày càng tăng theo vòng đời hồ tiêu. Ở 3 năm KTCB, tổng giá trị lao động tiết kiệm được chỉ là 365.000 đồng/1.000m2. Còn nếu tính cho cả vòng đời thì sản xuất hồ tiêu không còn tiết kiệm được lao động so với cà phê. Cho thấy, sản xuất hồ tiêu càng về sau tốn nhiều công lao động hơn cà phê. Từ những yếu tố trên, dẫn đến khoản thu vô hình khi chuyển đổi có giá trị là -1.994.000 đồng/1.000m2 và khoản thu vô hình cho cả vòng đời chuyển đổi là -63.722.000 đồng/1.000m2. Như vậy, khi chuyển đổi sang trồng hồ tiêu thì thiệt hại vô hình khá lớn.

IV. Kết luận

Thực trạng chuyển đổi hồ tiêu ở huyện Krông Búk các năm 2014-2015 diễn ra ồ ạt và đã được Bộ Nông nghiệp Việt Nam báo động. Xét trên cùng, diện tích là 1.000m2 trong thời kì cơ bản chi phí đầu tư cho vườn hồ tiêu cao hơn rất nhiều so với cà phê. Quá trình chăm sóc thời kì kinh doanh ở hồ tiêu cũng đòi hỏi chi phí và sự chăm sóc kĩ càng hơn do hồ tiêu rất nhạy cảm với thời tiết và dịch bệnh. Lợi nhuận hồ tiêu lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá hồ tiêu, suất chiết khấu, năng suất và tuổi vườn hồ tiêu. Trong điều kiện thuận lợi, các tác động ổn định và tích cực như cây trồng sinh trưởng tốt mang lại năng suất cao, giá cả đầu ra ổn định dao động từ 100 - 120.000 đồng/kg sẽ đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn cho người trồng tiêu. Song các nông hộ cần chú ý về những rủi ro do các tác động đó mang lại, đặc biệt trong bối cảnh giá cả thất thường và dịch bệnh như hiện nay. Ngoài ra, các nông hộ cũng cần cân nhắc và xem xét những lợi ích, thiệt hại hữu hình và vô hình của quá trình chuyển đổi để có quyết định đúng đắn, đem lại lợi nhuận đảm bảo cho cuộc sống.

Việc chuyển đổi cây trồng cần được nghiên cứu, rà soát và quy hoạch hợp lý, đảm bảo đáp ứng cung cầu thị trường, tránh chạy theo tâm lý đám đông. Muốn như vậy, nông hộ cần cân nhắc quyết định và thường xuyên cập nhập thông tin thị trường, có biện pháp tái canh hoặc chuyển đổi phù hợp thực tế sản xuất hay tích cực học hỏi quy trình kỹ thuật, phương pháp chăm sóc để phòng ngừa dịch bệnh cho vườn hồ tiêu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huyền, V. T. K. (2015). Đánh giá hiệu quả kinh tế và tiềm năng phát triển của mô hình chuyển đổi từ lúa sang ớt ở địa bàn xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang. Luận văn tốt nghiệp Đại học, ngành Kinh tế nông lâm, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

2. Nam. T.D. (2015). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chuyển đổi cơ cấu từ hoa cúc sang hoa ly tại làng hoa Thái Phiên, thành phố Đà Lạt. Luận văn thạc sĩ khoa học kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

3. Thy, C.L.H. (2015). Phân tích hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng từ trồng dừa lấy dầu sang trồng bưởi da xanh của nông hộ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Luận văn Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

4. Tuấn, N.A. (2012). Xác định hiệu quả kinh tế của cây cao su tiểu điền và cây bưởi tại xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Luận văn tốt nghiệp Đại học, ngành Kinh tế nông lâm, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

5. Tổng quan kỹ thuật chăm sóc, chế biến và vòng đời cây cà phê, hồ tiêu. Truy xuất từ cơ sở dữ liệu: http://giongcaytrongeakmat.com/

6. Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê. Truy xuất từ cơ sở dữ liệu: http://kalix.com.vn/vi/kien-thuc/tu-van-ky-thuat/quy-trinh-ky-thuat-trong-cham-soc-va-thu-hoach-ca-phe

7. Quy trình kỹ thuật trồng hồ tiêu ở Chư sê - Phần 1. Truy xuất từ cơ sở dữ liệu: http://www.giatieu.com/phan-i-qui-trinh-ky-thuat-trong-ho-tieu-o-chu-se/424/

ANALYZING THE COST-BENEFIT AND FACTORS INFLUENCING THE FARMERS DECISION TO CONVERT COFFEE TO PEPPER CROPS IN KRONGBUK DISTRICT, DAK LAK PROVINCE

NGUYEN VAN CUONG, PHAN THI THU HUONG,

NGUYEN THI THUY LIEN, LE KIM LIEN, TON ANH HAI

Faculty of Economics - Nong Lam University, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The study aimed to analyze the cost-benefit and factors affecting the conversion from coffee crops to pepper crops of farmer households in Krong Buk district, Dak Lak Province. Data is collected through a survey of 120 households, including 60 non-converted crop and 60 converted crop households. The study used the descriptive method to analyze the current situation and economic efficiency and used the Binary Logit regression model to determine the factors influencing the decision of crop conversion of the household. Research results showed that coffee and pepper cultivation are both viable and profitable. Pepper production generated 2.65 times more revenue and 12.9 times more profit than coffee in the same 1,000m2. However, the pepper production has high risks deriving from interest rates, selling prices and life cycle. The benefit from the conversion is the profitability of the pepper and the income from the liquidation of the coffee plantation. At the same time, the damage to the conversion includes the cost of cutting off the coffee plantation, the new investment in the pepper garden, and the loss of profit from the coffee area. Factors influencing the decision to change are the participation in social organization, expectations of pepper prices, coffee price expectations, coffee gardens age.

Keywords: Farmer households in Dak Lak Province, coffee, pepper, crop conversion.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.