Phân tích mối quan hệ kinh tế thương mại Việt - Mỹ và những kỳ vọng trong tương lai

ThS. MAI HOÀNG THỊNH (Khoa Quản trị - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Mỹ là đối tác thương mại, đầu tư, du lịch hàng đầu của Việt Nam trong 15 năm qua. Việc Tổng thống Donald J. Trump đắc cử và liên tục đưa ra những chính sách bảo hộ hàng hóa nội địa sẽ ít nhiều có ảnh hưởng đến Việt Nam. Bài viết phân tích mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ trong thời gian qua và kỳ vọng trong thời gian tới.

Từ khóa: Thương mại Việt - Mỹ, chính sách bảo hộ, hàng hóa nội địa.

I. Đặt vấn đề

Ngày nay, xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa là xu thế chung cho cả thế giới. Các nước càng phát triển thì càng phải phụ thuộc vào nhau nhiều hơn trên cơ sở hợp tác bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và hướng tới lợi ích đa phương. Việt Nam kể từ sau cuộc Đổi mới kinh tế năm 1986 đã tích cực hội nhập và phát triển theo phương hướng trên, đạt được rất nhiều thành tựu trong các lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế,… mà đặc biệt là công cuộc phát triển kinh tế - thương mại - tài chính. Việt Nam đã và đang trở thành một nền kinh tế năng động, mạnh mẽ đầy tiềm năng hứa hẹn đối với các đối tác kinh tế lớn, trong đó phải kể đến mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ. Kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ và ký kết Hiệp định thương mại, sự giao thương giữa hai nước phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nước Mỹ đã và đang là một đối tác kinh tế cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam.

II. Quan hệ thương mại Việt - Mỹ những năm gần đây

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được thiết lập năm 1995, theo sau đó là hiệp định thương mại lịch sử được ký kết vào ngày 13/07/2000 (có hiệu lực từ ngày 11/12/2001), mở ra một triển vọng mới về hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Hiệp định này đã mở đường cho hàng hóa Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ - một thị trường rộng lớn với rất nhiều tiềm năng.

Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hợp chủng quốc Hoa Kì về quan hệ thương mại (gọi tắt là Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ) là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì sau 5 năm trải qua tới 11 vòng đàm phán, được kí kết vào ngày 13/07/2000 và được Quốc hội nước ta phê chuẩn vào ngày 28/01/2001. Ngày 10/12/2001, Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Donald Evans đã trao đổi công hàm phê chuẩn và Hiệp định chính thức đi vào hoạt động ngày 10/12/2001. Đây là một văn kiện phức tạp và khá đồng bộ, góp phần thiết lập và phát triển quan hệ kinh tế thương mại bình đẳng cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền giữa hai nước.

1. Quan hệ thương mại Việt - Mỹ năm 2015

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê năm 2015, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đạt 41,43 tỷ USD. Sau hơn 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994), kim ngạch hai chiều đã tăng tới 187 lần. Nếu so sánh với năm 1993 - một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, thì thương mại tăng tới 668 lần. Đây thực sự là con số vô cùng ấn tượng với hai nước và Mỹ trở thành một trong 5 bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Thương mại hai chiều đạt 41,43 tỷ USD, chiếm 12,64% giá trị thương mại của Việt Nam với tất cả các đối tác trên toàn thế giới.

- Về xuất khẩu: Đến năm 2015, sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã xuất sang Mỹ 38 nhóm hàng, với giá trị 33,73 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của nước. Chúng ta có tới 8 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD vào Mỹ. Nổi bật nhất là ngành hàng Dệt may với giá trị xấp xỉ 11,1 tỷ USD. Tiếp đến là giày dép với 4,1 tỷ USD, đồ gỗ 2,7 tỷ USD, máy tính và linh kiện 2,8 tỷ USD, hải sản 1,3 tỷ USD… Việt Nam là một trong 15 nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ trên toàn thế giới.

Biểu đồ 1: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2015

- Về nhập khẩu: Giá trị xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam đạt con số 7,7 tỷ USD trong năm 2015. Nếu so sánh với giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ thì quốc gia này đang nhập siêu của chúng ta tới 26,03 tỷ USD. Việt Nam là một trong 10 nước có xuất siêu lớn nhất vào thị trường này. Mỹ xuất sang Việt Nam 43 nhóm mặt hàng, tuy nhiên chỉ có 2 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện (1,4 tỷ USD) và nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ (1,05 tỷ USD). Trong khi chúng ta chủ yếu xuất sang Mỹ hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và nông sản thì Hoa Kỳ xuất sang chúng ta máy móc thiết bị, phương thiện vận tải, nguyên liệu ngành dệt, da giày, bông nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô và hóa chất…

2. Quan hệ thương mại Việt - Mỹ năm 2016

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Mỹ đã tăng trưởng mạnh và ổn định trong năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau đối tác Trung Quốc). Đây cũng là thị trường mà Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn nhất, cụ thể năm 2015 đạt mức thặng dư 25,67 tỷ USD và năm 2016 lên đến 29,8 tỷ USD.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ năm 2016 đạt 38,5 tỷ USD, chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, tăng 15% so với năm trước. Đặc biệt trong năm qua, có 8 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ thu về trên 1 tỷ USD. Trong đó đứng đầu là dệt - may đem về 11,5 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mặt hàng chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ. Kế tiếp là giầy dép các loại với 4,5 tỷ USD, chiếm 12% và tăng trưởng 10% so với năm 2015. Đứng thứ 3 là điện thoại các loại và linh kiện với 4,3 USD (chiếm 11%). Đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất tới 54% so với năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là gỗ và sản phẩm gỗ (2,7 tỷ USD), máy móc thiết bị (2,1 tỷ USD), hàng thủy sản (1,4 tỷ USD)...

Biểu đồ 2: Các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2016


(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nhìn chung, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng nông - lâm và thủy sản cùng hàng gia công dệt may và linh kiện điện tử, vốn là thế mạnh sản xuất của Việt Nam. Về mặt linh kiện điện tử, nhiều công ty, tập đoàn sản xuất công nghệ toàn cầu như Samsung, Huyndai,... đã đặt nhà máy của họ tại Việt Nam. Về mặt gia công chế tác, hàng thủ công Việt luôn được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

Biểu đồ 3: Hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Mỹ năm 2016

III. Kỳ vọng quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Dự kiến, thương mại Việt - Mỹ sẽ tăng lên đến 57 tỷ USD vào năm 2020. Vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đang có xu hướng tăng, đạt mức 11 tỷ đô đối với vốn FDI năm 2016. Dự báo đến năm 2020, ngay cả không có TPP, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt khoảng 57 tỉ USD và xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê cứ 1 tỉ USD trong xuất khẩu sẽ tạo ra 5.000 việc làm tại Mỹ. Như vậy, quan hệ mậu dịch Việt - Mỹ sẽ tạo ra khoảng từ 35.000 đến 40.000 việc làm với mức lương cao ở Mỹ trong 5 năm tiếp theo trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, phần mềm, thiết bị điện tử.

Có thể thấy, các nỗ lực phát triển liên tục quan hệ kinh tế song phương Việt- Mỹ trong suốt 20 năm với điểm đặc biệt là kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước và sau mỗi giai đoạn phát triển, cả hai bên đều có những cam kết pháp lý chính thức rộng lớn về quy mô, phạm vi và chiều sâu để gia tốc quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, để các cơ hội và tiềm năng kinh tế không bị rơi vào tình trạng không được khai thác có hiệu quả hay bị bỏ lỡ… Lòng tin chiến lược của hai quốc gia về kinh tế được hình thành và phát triển bền vững qua hơn 2 thập kỷ hợp tác phát triển, giảm thiểu những khác biệt, hiểu nhầm và được bảo đảm bằng những hiệp định có mức độ ảnh hưởng rộng và thời gian dài.

Trước những diễn biến tích cực, hoàn toàn có cơ sở kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, cả hai quốc gia có khả năng, ở mức khiếm tốn nhất, tăng gấp đôi tổng giá trị giao dịch hiện nay khoảng 50 tỷ USD, nghĩa là đạt ít nhất 100 tỷ USD, khoảng 6 phần nghìn tổng GDP. Và giá trị của tất cả các giao dịch xuất - nhập khẩu, đầu tư, dịch vụ, hợp tác khoa học - công nghệ đều có khả năng tăng lên gấp 2 lần, hoặc hơn nữa. Để tương lai quan hệ kinh tế lạc quan giữa hai quốc gia nhanh chóng trở thành hiện thực, thậm chí hiện thực hóa cao hơn kỳ vọng, cần sự nỗ lực thực sự và toàn diện của cả hai bên, đặc biệt là cần phải nhanh chóng dỡ bỏ những rào cản phát triển trong quan hệ kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nội dung hiệp định thương mại Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam.

2. "Hiệp định Thương mại Việt Nam: Tổng hợp các quy định quan trọng", theo Báo Reuters, ngày 13/7/2000.

3. Số liệu thống kê thương mại hàng hóa Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2016 của Tổng cục Hải quan.

4. Các số liệu thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015 lấy theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cục Hải quan Hoa Kỳ.

ANALYZING THE CURRENT SITUATION AND THE OUTLOOK OF THE U.S.A – VIETNAM TRADE RELATIONS

MA. MAI HOANG THINH

Faculty of Business Management, University of Economic Technical Industries

ABSTRACT:

The United States of America (U.S.A) has been the most important partner of Vietnam in trade, investment and tourism sectors for 15 years. However, the new elected President Donald Trump of the U.S.A has issued some protectionist policies which could negatively exert impacts on Vietnamese export products. 

Keywords: The U.S.A - Vietnam trade relations, protectionism, domestic goods.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây