Phân tích nhu cầu sử dụng thông tin kinh tế - xã hội trong ra quyết định quản lý của lãnh đạo cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang

PGS.TS. ĐỖ ANH TÀI - TS. NGUYỄN THỊ LAN ANH - TS. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng và nhu cầu sử dụng thông tin kinh tế - xã hội trong công tác quản lý và ra quyết định quản lý của lãnh đạo cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nghiên cứu còn đánh giá về tầm quan trọng của hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ công tác quản lý và ra quyết định quản lý của lãnh đạo cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để hoạt động quản lý và sử dụng thông tin kinh tế - xã hội cấp huyện và cấp xã đạt hiệu quả tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của công việc trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Từ khóa: thông tin kinh tế, công nghệ thông tin, hệ thống quản lý thông tin, khoa học quản lý, tỉnh Hà Giang.

1. Đặt vấn đề

Chính quyền địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn các cấp bao gồm xã, huyện, và cấp tỉnh. Trong 3 cấp độ chính quyền địa phương, huyện là đơn vị quản lý trung gian giữa tỉnh và xã, chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền địa phương cấp tỉnh và trực tiếp quản lý nhà nước đối với chính quyền địa phương cấp xã. Chính quyền cấp xã là đơn vị quản lý cuối cùng, trực tiếp trong chuỗi quản lý hành chính của tỉnh. Vì vậy, chính quyền địa phương cấp xã chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền địa phương cấp huyện và chịu trách nhiệm cung cấp những thông tin ban đầu, mang tính chất vi mô cho các lãnh đạo cấp huyện.

Chính quyền cấp xã bao gồm: Hội đồng nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã. Đây là cấp chính quyền có số lượng lớn nhất và có đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội đa dạng nhất trong các loại hình đơn vị hành chính, chiếm trên 90% tổng số đơn vị hành chính cấp cơ sở hiện nay (193 xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Chính quyền cấp xã là cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã, đại diện cho Nhà nước, để thực thi quyền lực Nhà nước, triển khai, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở xã. Chính quyền xã giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác quản lý các vấn đề phát triển xã hội ở nông thôn.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hệ thống thông tin nói chung và thông tin kinh tế - xã hội nói riêng trong việc hỗ trợ cho quá trình quản lý và ra quyết định quản lý của lãnh đạo các cấp. Các hệ thống thông tin tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý nhà nước của địa phương. Do vậy, các hệ thống này không chỉ phải đảm bảo tính thống nhất, tập trung của Nhà nước từ trung ương tới địa phương, mà còn phải kết hợp, phát huy được tính năng động, sáng tạo bên cạnh tính tự chủ, truyền thống của từng địa phương trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước quy định. Nội dung thông tin chính xác, có chất lượng cao và kịp thời sẽ làm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc ra quyết định của lãnh đạo các cấp. Ngược lại, không có thông tin và thông tin học, hoặc thông tin không chính xác thì không thể có các chủ trương, đường lối, quyết định lãnh đạo, quản lý chính xác và có hiệu lực trong thực thi. 

Là một tỉnh biên giới ở miền núi phía Bắc Việt Nam, Hà Giang quản lý một địa bàn được chia thành 1 thành phố và 10 huyện, 175 xã với vị trí địa lý tương đối phức tạp do địa hình chia cắt và giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, quản lý thông tin kinh tế - xã hội phục vụ công tác quản lý và ra quyết định quản lý, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của từng huyện đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nhận thức được tầm quan trọng của thông tin trong công tác quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, bài viết này nhằm phân tích thực trạng sử dụng thông tin kinh tế - xã hội đối với cán bộ quản lý cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả kết hợp phương pháp phân tích so sánh với bộ số liệu sơ cấp được nhóm tác giả tiến hành khảo sát theo vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020 tại các đơn vị hành chính cấp xã, huyện của tỉnh Hà Giang, nhằm phân tích các đặc trưng cơ bản và thực trạng hệ thống thông tin cũng như nhu cầu sử dụng thông tin kinh tế - xã hội phục vụ công tác quản lý và ra quyết định quản lý của lãnh đạo cấp xã và cấp huyện rên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Về số liệu nghiên cứu, bài viết sử dụng chủ yếu là số liệu sơ cấp được thu thập từ cuộc điều tra phỏng vấn bằng bảng hỏi đối với lãnh đạo cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Thời gian phỏng vấn từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020. Số lượng các xã được lựa chọn theo phương pháp Slovin dựa vào số đơn vị hành chính cấp xã, huyện của tỉnh. Mỗi xã nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 2 cán bộ; mỗi huyện nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra từ 20-25 cán bộ theo phương pháp thuận tiện tùy theo số lượng cán bộ của từng huyện.

Tổng số cán bộ tham gia khảo sát là 496 người, trong đó có 250 cán bộ cấp huyện và 246 cán bộ cấp xã, được nhóm nghiên cứu lựa chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, thuận tiện, bao phủ trên toàn địa bàn tỉnh Hà Giang. Số xã được khảo sát là 123/175 xã trên địa bàn toàn tỉnh, số cán bộ cấp xã được khảo sát là 246 người, phân bổ theo quy mô xã ở tất cả 10 huyện và thành phố Hà Giang.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đặc điểm chung về đối tượng khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy trong số 250 cán bộ lãnh đạo cấp huyện được khảo sát, nhóm cán bộ lãnh đạo có độ tuổi từ 41-50 chiếm tỷ lệ lớn nhất (92 người, tương ứng với mức tỷ lệ 36,8%). Tiếp theo là nhóm cán bộ lãnh đạo ở độ tuổi 31-40 (chiếm 33,6%) và lãnh đạo lớn tuổi (trên 51 tuổi, chiếm tỷ lệ 18,8%). Không có cán bộ lãnh đạo từ cấp trưởng/phó trưởng phòng trở lên có độ tuổi dưới 30.

Đối với cán bộ cấp xã, đa số những người được khảo sát nằm trong độ tuổi từ 31 - 50 (chiếm 87,56%), số lượng lãnh đạo xã dưới 30 và trên 51 tuổi chỉ chiếm khoảng 11,07%. Theo đó, số năm kinh nghiệm công tác của các cán bộ xã trên địa bàn tỉnh là khá cao (đa số đã có trên 10 năm kinh nghiệm), có thể đảm đương tốt các nhiệm vụ công tác và dễ thích nghi với sự thay đổi để phát triển.

Về trình độ, 100% cán bộ lãnh đạo có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 35,2 cán bộ lãnh đạo có trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Về thâm niên công tác, có 111 lãnh đạo có thâm niên công tác trong ngành từ 11 đến 20 năm, chiếm tỷ lệ 44,4%. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 100% cán bộ quản lý cấp xã của tỉnh Hà Giang đã có bằng đại học, đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ quản lý cấp xã theo quy định, đáp ứng tốt nhu cầu công việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng cán bộ xã có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nên cần có sự đầu tư và tạo điều kiện để nâng cao trình độ của các cán bộ xã, vì đây là lớp cán bộ nguồn cho các công tác quản lý ở các cấp quản lý hành chính cao hơn.

3.2. Thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin tại các xã và huyện trên địa bàn tỉnh

Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý: tất cả lãnh đạo các huyện đều được trang bị đầy đủ máy tính xách tay. Ngoài ra, các thiết bị tin học khác như máy tính để bàn, máy in và máy scan đều được trang bị đầy đủ tại cơ quan làm việc. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 100% máy tính phục vụ công việc ở cấp huyện đều được kết nối Internet với chất lượng đường truyền được đánh giá là tốt và ổn định, góp phần nâng cao tốc độ và hiệu quả giải quyết công việc. Số lượng máy chủ, máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in, máy scan, máy fax của các xã chưa nhiều. Hầu hết các xã chưa có máy chủ và máy fax. Máy tính để bàn được bố trí cho một số cán bộ phục vụ công tác quản lý.

Hiện trạng sử dụng internet của các cán bộ xã: hầu hết các xã đều đã có internet với đường truyền ổn định và được các cán bộ xã sử dụng khá thường xuyên. Mục đích của việc sử dụng internet trong công việc đối với các cán bộ xã chủ yếu là để tìm kiếm, thu thập thông tin và quản lý điều hành công việc. Tuy nhiên, số lượng cán bộ xã sử dụng email chưa được thường xuyên và hầu hết chưa sử dụng trao đổi thông tin qua máy fax, ít sử dụng internet trong việc quản lý, lập kế hoạch, phân tích dữ liệu và chưa được mô hình hóa. Bên cạnh đó, độ bảo mật của thông tin chưa được quan tâm và tần suất sử dụng email chưa thường xuyên.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của cán bộ xã đối với việc ứng dụng các công cụ, phần mềm công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý cho thấy đa số cán bộ xã chỉ đánh giá ở mức 3/5, cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp số liệu, còn ít có sự phân tích, dự báo, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp xã và cấp huyện.

3.3. Thực tế ứng dụng, cung cấp và quản lý thông tin các cấp trên địa bàn tỉnh

Hoạt động cung cấp và quản lý thông tin các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện đang được thực hiện thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc I-Office của VNPT. Điểm tích cực của việc triển khai Hệ thống I-Office liên thông 4 cấp trung ương - tỉnh - huyện - xã là hỗ trợ cho công tác quản lý và điều hành văn bản đến, văn bản đi của lãnh đạo, chuyên viên, văn thư và toàn thể cơ quan.

Kết quả khảo sát cũng nhận được phản hồi tích cực của nhóm cán bộ lãnh đạo về hệ thống quản lý văn bản này. Hệ thống không chỉ hỗ trợ cán bộ lãnh đạo điều hành và quản lý công việc rõ ràng, minh bạch, mọi thời điểm, mà còn giúp nắm bắt đầy đủ thông tin, từ đó ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương cấp huyện là đơn vị trung gian giữa cấp tỉnh và xã nên việc lấy thông tin chữ ký số trong quy trình gửi văn bản triển khai (văn bản đi) còn chưa kịp thời. Một số lãnh đạo và công chức cấp xã còn chưa khai thác tối đa lợi ích của phần mềm, nên hiệu quả triển khai văn bản của cấp huyện còn chưa đạt mức kỳ vọng.

Ngoài ra, cán bộ xã còn sử dụng một số phần mềm khác để tổng hợp dữ liệu, quản lý và lập kế hoạch trong công việc, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và quản lý thông tin theo từng lĩnh vực, cũng như theo dõi sự biến động của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong xã. Tuy nhiên, một số lãnh đạo và công chức cấp xã còn chưa khai thác tối đa lợi ích của phần mềm nên hiệu quả triển khai văn bản của cấp xã còn chưa cao.

Ngoài ra, tùy thuộc từng đơn vị chức năng nên việc cung cấp, thu thập, xử lý thông tin còn được triển khai qua các phần mềm đặc thù riêng, như phần mềm quản lý dịch vụ công, phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức, hoặc triển khai qua email công vụ (miền .gov.vn). Tất cả các ứng dụng hoặc phần mềm công nghệ này đều nhằm mục đích tìm kiếm thông tin; thu thập, tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu.

Đối với những chức năng riêng biệt, đặc trưng của từng lĩnh vực, kết quả khảo sát cũng cho thấy các chức năng chưa được khai thác tối đa trong các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và thu thập thông tin. Chính vì vậy, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp huyện đã bày tỏ mức độ chưa thực sự hài lòng, cũng như chưa đánh giá cao tầm quan trọng của với các chức năng riêng biệt này. Bên cạnh đó,  còn có một số nguyên nhân khác khiến đơn vị chức năng chưa sử dụng nhiều các phần mềm quản lý, như chưa có nhu cầu cấp bách (13,2%), chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì cao (19,2%), thiếu nhân sự vận hành (15,2%), hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa sẵn sàng đáp ứng (10,4%) và một phần cũng do tâm lý ngại thay đổi (8,0%).

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, phân tích và giám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và hoạt động quản lý của cán bộ xã. Thứ nhất là chi phí đầu tư vận hành cao; Thứ hai là thiếu hạ tầng kỹ thuật; Thứ ba là mức độ đáp ứng về mặt kỹ thuật chưa tốt. Đặc biệt, vẫn có tình trạng không nhất quán về dữ liệu giữa các phòng, ban hay các đơn vị khác nhau; mức độ quan tâm của lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp xã đối với việc ứng dụng CNTT trong công việc cũng chỉ ở mức độ trung bình, chưa biết cách chiết xuất báo cáo theo các phần mềm đã sử dụng.

3.4. Tầm quan trọng của hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp huyện và cấp xã

Kết quả khảo sát cho thấy các chỉ tiêu về lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá ở thang đo cao nhất, tương ứng với mức ý nghĩa rất quan trọng. Điều này cho thấy các chỉ tiêu về lĩnh vực nông nghiệp được đội ngũ lãnh đạo các huyện quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó là các chỉ tiêu phản ánh tình hình thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh và số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Các chỉ tiêu phản ánh lĩnh vực lâm nghiệp và phản ánh số lượng các cơ sở kinh tế được đánh giá ở mức độ quan trọng. Duy nhất chỉ có chỉ tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản được đánh giá ở mức ít quan trọng. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi của tỉnh Hà Giang.

Ngoài các chỉ tiêu cấp huyện trên, nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát về tầm quan trọng của hệ thống các chỉ tiêu thống kê được tổng hợp hàng năm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát không đạt kết quả như mong đợi, bởi số lượng phiếu trả lời chi tiết phần này quá ít so với tổng thể. Ngoài nguyên nhân do hệ thống chỉ tiêu khảo sát lớn, một phần nguyên nhân khác là do mỗi cán bộ lãnh đạo phụ trách một mảng công việc nên chưa thực sự bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới các lĩnh vực khác. Chỉ một số ít cán bộ lãnh đạo (như lãnh đạo các khối văn phòng UBND huyện, lãnh đạo ngành thống kê và một số bộ phận khác) thể hiện đánh giá tầm quan trọng của nhóm các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp.

Kết quả đánh giá của các cán bộ quản lý cấp xã về tầm quan trọng của hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã mình cho thấy, các lãnh đạo cấp xã đánh giá năng suất và sản lượng một số cây trồng chủ yếu và số lượng gia súc gia cầm, vật nuôi có vị trí quan trọng nhất, sau đó đến diện tích các cây trồng hàng năm và lâu năm. Số lượng và sản lượng sản phẩm chăn nuôi chủ yếu cũng được đánh giá là quan trọng nhưng tính trung bình thì chỉ đạt 3,5/5 điểm. Các chỉ tiêu liên quan đến diện tích rừng trồng mới, diện tích nuôi trồng thủy sản, số cơ sở và lao động trong các cơ sở kinh tế, sự nghiệp, hành chính được đánh giá là ít quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã trong tỉnh.

Nếu tiến hành so sánh đánh giá của các lãnh đạo các cấp theo từng huyện thì có thể thấy một sự tương đồng khá lớn. Bên cạnh đó, cũng có một số khác biệt do những ưu thế mang tính đặc thù của từng xã trên địa bàn nghiên cứu.

4. Kết luận và khuyến nghị

Bài viết đã phân tích được thực trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý cấp huyện và cấp xã,  vai trò và tầm quan trọng của hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ công tác quản lý và ra quyết định quản lý của lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy hạ tầng công nghệ thông tin đã được trang bị đầy đủ cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện và cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, quá trình khai thác các chức năng đặc thù của công nghệ thông tin còn chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở 2 cấp huyện và xã.

Để hoạt động quản lý và sử dụng thông tin kinh tế - xã hội đạt hiệu quả tốt hơn, phục vụ cho công tác ra quyết định của lãnh đạo quản lý cấp huyện, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức đào tạo và tập huấn các kiến thức chuyên môn sâu hỗ trợ hoạt động thu thập, phân tích, giám sát và dự báo thông tin kinh tế - xã hội. Việc phát triển phần mềm có sự tích hợp giữa công nghệ thông tin với các tính năng phân tích, dự báo, chiết xuất báo cáo đầu ra,… sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho cán bộ lãnh đạo trong công tác điều hành và ra quyết định quản lý phù hợp với tỉnh hình kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, phát triển phần mềm này cũng hoàn toàn phù hợp với hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, phù hợp với mức độ phổ cập Internet và mức độ tiện ích của các thiết bị công nghệ trong xu hướng hiện nay.

Thứ hai, từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ thông tin, chuyên viên kỹ thuật của huyện. Cần lưu ý thực hiện tuyển dụng và có chính sách đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Vận động, thu hút sự đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà khoa học và cá nhân có năng lực vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi trong hỗ trợ và chuyển giao các thiết bị hỗ trợ công tác quản lý và điều hành từ các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư.

Thứ ba, đối với hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mỗi huyện cần chỉ rõ tiềm năng và thế mạnh của mình trong từng lĩnh vực cụ thể. Từ đó, tích hợp các chỉ tiêu phát triển kinh tế theo quy định chung của tỉnh với phần mềm hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo cấp huyện theo dõi, nắm bắt và giám sát quá trình thực hiện các chỉ tiêu này.

Thứ tư, đối với hệ thống quản lý thông tin cấp xã. Nhìn chung, nguồn thu thập và kênh cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo ra và quyết định của các cán bộ cấp xã khá đầy đủ, chi tiết và đã có sự áp dụng của các phần mềm quản lý thông tin. Tuy nhiên, các thông tin còn khá rời rạc, chưa được xây dựng thành một hệ thống thông tin quản lý để hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách kịp thời, hiệu quả. Các cán bộ xã phụ trách các mảng công việc về nội chính, tài chính, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thu chi ngân sách, kinh tế (nông, lâm nghiệp),… cần xây dựng một hệ thống quản lý thông tin một cách hiệu quả với các tài nguyên cơ bản gồm: con người, phần cứng, phần mềm, nguồn dữ liệu và các quy trình hoạt động, các thủ tụ giao tiếp giữa người và máy,… Cần thiết phải thiết kế được bộ cơ sở dữ liệu gồm đầy đủ các thông tin đầu vào và đầu ra, chức năng, giao diện của hệ thống quản lý và các loại báo cáo theo tháng, quý, năm để đưa vào phần mềm giúp việc quản lý được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả n

Ghi chú: Đây là sản phẩm của Tên đề tài: “Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông tin thông minh tỉnh Hà Giang. Đề tài KHCN cấp tỉnh được phê duyệt theo QĐ số 1968/QĐ-UBND ngày 27/10/2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật số 55/2015/QH13: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ban hành ngày 19/6/2015.
  2. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang (2019). Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 07/11/2019 quy định về chế độ báo cáo định kỳ của cơ quan hành chính nhà nước tại tỉnh Hà Giang.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1177/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  4. Tổng cục Thống kê (2018). Phương pháp biên soạn Hệ thống Tài khoản Quốc gia ở Việt Nam. Nhà xuất bản Thống kê.
  5. Nhóm nghiên cứu đối với các cán bộ quản lý cấp xã (2020), Kết quả khảo sát đối với các cán bộ quản lý cấp xã từ tháng 10 đến tháng 12/2020.
  6. Cục Thống kê tỉnh Hà Giang (2018, 2019), Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang năm 2018, 2019.
  7. Chi cục Thống kê các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Thành phố Hà Giang (2019), Niên giám thống kê cấp huyện, thành phố.

ANALYZING THE NEEDS TO USE SOCIO-ECONOMIC

INFORMATION IN THE MANAGEMENT AND DECISION-MAKING

 OF DISTRICT AND COMMUNE-LEVEL LEADERS

IN HA GIANG PROVINCE

• Assoc.Prof. Ph.D DO ANH TAI1

• Ph.D NGUYEN THI LAN ANH1

• Ph.D NGUYEN THI LAN HUONG1

1Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

This study focuses on analyzing the current situation and the need to use socio-economic information in the management and decision-making of district and commune-level leaders in Ha Giang Province. This study also assesses the importance of the socio-economic indicator system which serves the management and decision-making of district and commune-level leaders in Ha Giang Province. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help district and commune-level leaders better use socio-economic information in their management and decision-making process in the context of the Fourth Industrial Revolution.

Keywords: economic information, information technology, information management system, management science, Ha Giang Province.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]