Phân tích thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tự do

ThS. NGUYỄN THỊ THÚY (Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất sâu sắc, giúp đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già cho người lao động. Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện (2008-2017), thực tế cho thấy chính sách này chưa thực sự thu hút được sự tham gia của người dân, số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn khiêm tốn. Bài viết phân tích những nguyên nhân làm cho người lao động chưa mặn mà với loại bảo hiểm này và sự cần thiết của các giải pháp nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do.

1. Đặt vấn đề

Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta là một trong những chính sách lớn trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) có hiệu lực từ ngày 01/01/2008, mở ra cơ hội cho những người lao động tự do tham gia đóng BHXH. Tham gia BHXHTN, lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định, sẽ được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già. Trên thực tế sau một thời gian triển khai vẫn còn rất ít người lao động thực sự quan tâm và tham gia loại hình bảo hiểm này. Điều này về lâu dài sẽ gây nên gánh nặng lớn cho các chính sách an sinh xã hội, bởi hàng trăm nghìn người lao động đến tuổi về hưu mà không có lương hưu. Do đó, việc đánh giá tình hình triển khai BHXHTN để khắc phục những điểm còn yếu, phát huy những yếu tố có lợi, đồng thời đề ra những biện pháp nhằm cải thiện tình hình, thu hút được người lao động tham gia là cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nước ta.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.

2.1. Đối tượng tham gia

Là công dân Việt Nam, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc, bao gồm: Người từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ. Người đã đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, đã có 15 năm đóng BHXH trở lên có nhu cầu đóng BHXHTN cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí và tuất.

2.2. Mức đóng

Người lao động hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXHTN. Hiện nay, căn cứ Điều 14, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXHTN áp dụng thực hiện từ ngày 01/01/2018 thì mức hỗ trợ như sau:

- Bằng 30% đối với người tham gia BHXHTN thuộc hộ nghèo;

- Bằng 25% đối với người tham gia BHXHTN thuộc hộ cận nghèo;

- Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

- Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXHTN thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

2.3. Mức đóng

Người lao động được chọn linh hoạt các phương thức đóng: Hàng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; đặc biệt người lao động được đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm một lần) hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng tham gia BHXH).

2.4. Phương thức đóng

Người tham gia BHXHTN được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần khi có đủ điều kiện về tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Quy định trước đây điều kiện hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXHTN là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và phải có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định (>=20 năm) thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, theo quy định của luật BHXH hiện hành thì trường hợp người tham BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm, có nguyện vọng tiếp tục đóng BHXHTN để hưởng lương hưu, thì được đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu và thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Ngoài ra, còn một chính sách rộng mở hơn nữa dành cho người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, có nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí thì được lựa chọn đóng tiếp theo một trong các phương thức hàng tháng; 03 tháng/một lần; 06 tháng/một lần; 12 tháng/một lần; hoặc không quá 5 năm/một lần cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định nêu trên.

3. Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động tự do

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có vai trò quan trọng trong việc cân bằng quỹ BHXH trong tương lai, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Những người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định khi tham gia BHXHTN sẽ được hưởng lương hưu, điều này giúp người lao động chủ động và ổn định đời sống ở thời điểm khi đã qua tuổi lao động. Đây là một chính sách hết sức nhân văn. Hình thức bảo hiểm này có tính an toàn cao vì được Nhà nước bảo trợ.

3.1. Các kết quả đạt được

Kết quả thực hiện chính sách BHXHTN từ năm 2008 đến đầu năm 2017 cho thấy, mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng số lao động tham gia BHXHTN chiếm tỷ lệ thấp so với số đối tượng thuộc diện tham gia, và việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm.

Trên thực tế, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,5% số đối tượng thuộc diện tham gia. Tính đến hết tháng 3/2017, cả nước mới có 235.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 9.000 người so với cùng kỳ năm 2016. Số này chủ yếu là nhóm đang đóng BHXH bắt buộc nghỉ việc tham gia tiếp BHXHTN, còn tỷ lệ mua BHXHTN ngay từ đầu là rất thấp. So với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, thì số tham gia BHXH tự nguyện quá khiêm tốn. Trong khi đó, cả nước còn khoảng 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân... thuộc diện tham gia BHXHTN nhưng chưa tham gia.

BHXHTN khi được liên thông với chính sách BHXH bắt buộc đã giúp gần 30.000 người đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, trước đó, họ thuộc nhóm không có cơ hội hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, tốc độ phát triển đối tượng BHXHTN còn chậm.

3.2. Những bất cập của chính sách và công tác thực hiện triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện

Một là, người lao động tự do có ít thời gian và điều kiện để tiếp cận văn bản pháp luật. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXHTN hiện nay chưa được chú trọng, chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân, còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành. Theo khảo sát của Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), có tới 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ Luật Lao động và 91,45% chưa biết đến BHXH. Vì vậy, số lượng người lao động đóng BHXHTN vẫn còn hết sức ít ỏi.

Hai là, tâm lý của người dân chưa yên tâm khi tham gia loại hình BHXH này. Người lao động còn so sánh giữa việc tham gia BHXHTN với người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Về tỷ lệ đóng, người tham gia BHXHTN phải đóng tương đối cao (22%), còn người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc đóng 26% nhưng trong đó người lao động chỉ đóng 8%. Khi tham gia BHXHTN, chế độ chỉ thực hiện với hưu trí và tử tuất; về BHYT, người dân sẽ tham gia theo hưởng BHYT hộ gia đình. Họ không có quyền lợi y tế gắn với BHXHTN. Trong khi người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng các chế độ bao gồm cả ốm đau, thai sản, dưỡng sức, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tử tuất…

Ba là, điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, trong khi BHXHTN yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ. Rất nhiều lao động tự do mong muốn khi về già được nhận một khoản lương hưu để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, với khoản thu nhập không mấy dư dả khiến đa phần không dám nghĩ đến việc tham gia BHXHTN.

Bốn là mạng lưới đại lý thu BHXHTN còn ít nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia, có người dân biết thông tin về BHXHTN lại không biết đến đâu đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao... khi thấy thủ tục đóng - hưởng phức tạp, họ ngại làm giấy tờ tham gia. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXHTN. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXHTN của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên.

4. Những khuyến nghị về chính sách để bảo hiểm xã hội tự nguyện đi vào cuộc sống của người dân

Thứ nhất, cần mở rộng chế độ BHXHTN để người lao động có thể tham gia loại hình bảo hiểm này được bình đẳng về quyền lợi như những người tham gia BHXH bắt buộc. Trước mắt, có thể bổ sung chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp để thu hút lao động nữ tham gia.

Thứ hai, theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trên 3.400 lao động tại 10 địa phương trên cả nước cho thấy, hơn 40% người được hỏi sẵn sàng tham gia BHXHTN. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền chính sách đến người lao động, giúp họ biết được chính sách, hiểu được lợi ích từ việc tham gia loại hình bảo hiểm này; Tăng cường thông tin về BHXHTN bằng phương pháp phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc của lao động tự do; Sử dụng các công cụ như tin nhắn điện thoại, mạng xã hội để người lao động di cư có thể tiếp cận được; Cần kêu gọi các tổ chức đoàn thể vào cuộc hỗ trợ truyền thông tích cực phổ biến những điểm ưu việt của BHXHTN.

Thứ ba, trong thời gian tới, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXHTN, cần đề xuất mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXHTN, trình tự tham gia BHXHTN cần được thiết kế và thực hiện phù hợp, đơn giản, thuận tiện để người lao động dễ dàng tham gia, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền vào quỹ... để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia BHXHTN.

Thứ tư, việc tham gia BHXHTN phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập của người lao động. Với mức đóng phí BHXH tự nguyện hiện nay theo quy định bằng 22% mức tiền lương tối thiểu chung là khá cao so với người lao động thu nhập thấp, công việc bấp bênh, không ổn định. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXHTN cho nhóm lao động này là rất cần thiết để họ có thể tham gia BHXHTN.

5. Kết luận

BHXHTN là một chính sách an sinh xã hội hết sức có ý nghĩa của Nhà nước nhằm trợ giúp người lao động ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên từ thực tế cho thấy số lượng người tham gia BHXHTN hiện nay chưa nhiều, chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có tại địa bàn. Cơ quan BHXH cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động về vai trò của BHXHTN, hoàn thiện hệ thống tổ chức và cơ chế chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXHTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. https://baohiemxahoi.gov.vn

2. Cafef.vn

3. http://www.molisa.gov.vn

4. http://nld.com.vn/

Analyzing the status of voluntary social insurance of freelancer

MA. NGUYEN THI THUY

Ho Chi Minh City Industry and Trade College

ABSTRACT:

Voluntary social insurance is one of the most meaningful social security policies that help to ensure a stable life for the elderly. However, over the nine years of implementation (2008-2017), the fact that this policy has not really attracted the participation of people, the number of employees participating voluntary social insurance is still dismal. The paper analyzes the reasons for the lack of willingness of employees to cover this type of insurance and the need for more voluntary social insurance schemes.

Keywords: Social insurance, voluntary social insurance, self-employed.