Phân tích tiềm năng phát triển thị trường các bon ở Việt Nam

TS. NGUYỄN HOÀNG LAN (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)- THS. NGUYỄN THỊ NHƯ VÂN (Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Thị trường các-bon vẫn được coi là một công cụ quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Thị trường các-bon là cơ hội để các bên tham gia có hỗ trợ về tài chính cũng như về mặt công nghệ các-bon thấp để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia vào thị trường các-bon với tư cách là nhà cung cấp giấy chứng nhận giảm phát thải và đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Những phân tích về thị trường các bon hiện tại và cơ hội phát triển trong tương lai khi có những thỏa thuận quốc tế mới liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ chỉ ra khả năng phát triển thị trường các bon tại Việt Nam. Bài viết phân tích tiềm năng phát triển thị trường các bon ở Việt Nam.

Từ khóa: thị trường các bon, Việt Nam, tiềm năng, CDM, JCM, NAMAs.

1. Phân tích thị trường các bon hiện tại

Việt Nam đã tham gia vào thị trường các bon thông qua việ triển khai Cơ chế phát triển sạch - CDM, Hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) và cơ chế tín dụng chung Nhật Bản - JCM.

Cơ chế phát triển sạch - CDM (Clean Development Mechanism)

Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm với dự án CDM khi tham gia Nghị định thư Kyoto. Việt Nam là nước đứng thứ 4 về các dự án CDM trên toàn thế giới (251 dự án vào tháng 4 năm 2014) và đứng thứ 7 về các chứng chỉ CER (Certified Emission Reduction) được phát hành vào cuối năm 2013. Mặc dù CER từ các dự án đã được trao đổi trên thị trường các-bon, giá của CER giảm xuống mức rất thấp, dưới 1 USD/tấn, khiến giá trị giao dịch trên thị trường các-bon giảm và các dự án CDM không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam nữa.

Thông qua việc thiết lập và triển khai các dự án CDM, Việt Nam đã có được kinh nghiệm về: xác định đường cơ sở, tính bổ sung; thủ tục đăng ký CER; thủ tục chuyển CER cho người mua.

Hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs - Nationally Appropriate Mitigation Actions)

Khái niệm NAMA được giới thiệu lần đầu tiên trong Kế hoạch hành động Bali năm 2007 và sau đó trở thành một phần của Hiệp định Copenhagen “Các hành động giảm thiểu thích hợp trên toàn quốc tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế sẽ được ghi lại trong sổ đăng ký cùng với hỗ trợ về công nghệ, tài chính và xây dựng năng lực liên quan” (CCES, 2018).

Tại Việt Nam, NAMA được phát triển trong các lĩnh vực chất thải rắn, thép, phân bón hóa học, xi măng, năng lượng gió và khí sinh học cho khu vực nông thôn. Các chính sách tạo điều kiện phát triển NAMA được đặc biệt chú ý (Lương Quang Huy, 2014).

NAMA tại Việt Nam đã được phát triển với sự hỗ trợ của 2 dự án khung (có tài trợ quốc tế) để giúp xây dựng năng lực MRV trong nước, bao gồm: Hỗ trợ lập kế hoạch và triển khai NAMA theo cách MRV (SPI-NAMAs), 2015-2018 do chính phủ Nhật Bản tài trợ; và tạo khung chung cho NAMA và MRV tại Việt Nam, 2015-2018 do chính phủ Đức tài trợ.

Cơ chế Tín chỉ chung (-JCM - Joint Crediting Mechanism)

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia tích cực vào cơ chế JCM. Cuộc họp Ủy ban đầu tiên vào tháng 9 năm 2013 đã ghi nhận sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trên cơ sở cơ chế JCM. Sự hợp tác trong khuôn khổ JCM mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển các công nghệ sạch. Năm 2014, tại cuộc họp thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý thông qua Quy định và Hướng dẫn JCM; nội dung hợp tác và hỗ trợ theo cơ chế; tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức về JCM không chỉ của ASEAN, mà còn của các doanh nghiệp. Thủ tướng Việt Nam đã chính thức cấp giấy phép kỹ thuật cho việc thực hiện JCM dựa trên hướng dẫn kỹ thuật. Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thực hiện Cơ chế JCM, một Ủy ban chung, bao gồm đại diện của Việt Nam và Nhật Bản, được thành lập để lãnh đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện theo JCM theo Bản ghi nhớ về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại Việt Nam, các thành viên của Ủy ban chung là đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện các bộ liên quan. Ban thư ký, được thành lập để hỗ trợ Ủy ban chung, bao gồm một số nhân viên của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ban thư ký thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án JCM.

Dự án JCM là dự án được triển khai tại Việt Nam nhằm giảm phát thải KNK hoặc tăng hấp thụ KNK nhằm hỗ trợ Nhật Bản thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Dự án được công nhận là dự án JCM khi được Ủy ban chung phê duyệt. Một số dự án đã được phê duyệt và đang triển khai (Lương Quang Huy, 2014).

Qua thực tế, để xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam, cần phải xem xét các vấn đề như sau:

- Pháp luật: Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được 10 năm, tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn rất nhiều khó khăn, liên quan đến các chế tài xử phạt và năng lực thực thi.

- Sắp xếp thể chế: Sự chồng chéo về quy định và chính sách giữa các cơ quan chính phủ và các bên liên quan, năng lực của các tổ chức thực hiện bị hạn chế đáng kể.

- Tài chính và năng lực thực hiện: Hạn chế về nguồn tài chính trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng, hạn chế về năng lực thực hiện.

- Đặc điểm thị trường: Ngành công nghiệp và năng lượng do các doanh nghiệp nhà nước chi phối.

2. Phân tích cơ hội thị trường các bon tại Việt Nam

Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm khi tham gia cơ chế phát triển sạch, thỏa thuận Paris, và gia nhập JCM

Việt Nam đã tích lũy một số kinh nghiệm có thể được sử dụng để phát triển thị trường các-bon trong điều kiện hiện nay. Việt Nam có kinh nghiệm trên thị trường thế giới về giao dịch CER theo cơ chế phát triển sạch CDM của Nghị định thư Kyoto. Mặc dù giá CERs đang giảm, đây vẫn là thị trường chính thức và vẫn đang hoạt động. Hạn chế của CDM là các dự án CDM phải đến từ các quốc gia không thuộc Phụ lục 1 của Nghị định thư Kyoto. Do đó, có phát thải giảm tự nguyện (VERs - Voluntary Emission Reduction) theo Tiêu chuẩn Vàng. Tiêu chuẩn vàng được WWF và các tổ chức phi chính phủ khác thành lập năm 2003 nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, quy định hiệu quả và quản trị mạnh mẽ trên thị trường các-bon và rộng hơn là xác định, thể hiện và thúc đẩy thực hiện tốt nhất trong thị trường các-bon tuân thủ theo quy định quốc tế.

Đây là tiêu chuẩn có “cấp độ tuân thủ” duy nhất hoạt động trong thị trường tự nguyện và được cấu trúc để hoạt động như một cơ quan quản lý thay ở thị trường này. Tiêu chuẩn vàng hiện cung cấp 2 cơ chế chứng nhận chính cho các dự án các-bon: Cơ chế đầu tiên hoạt động song song với cơ chế phát triển sạch và thực hiện chung của UNFCCC, cơ chế thứ 2 hoạt động độc lập để giảm phát thải được xác minh trong thị trường các-bon tự nguyện. Các cơ chế này đảm bảo rằng tất cả các nhãn Tiêu chuẩn Vàng (CDM/JI) và Tín chỉ (VERs) được ban hành thể hiện mức độ toàn vẹn môi trường cao nhất, cũng như đảm bảo các biện pháp bảo vệ phù hợp và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng dự án (Gold Standard, 2013).

Việt Nam gia nhập JCM với tư cách là đối tác của Nhật Bản. Đây không phải là một thị trường giao dịch các-bon thuần túy. JCM hoạt động theo cơ chế bù đắp các-bon. Theo cơ chế này, tín chỉ các-bon từ các dự án của Việt Nam đã được chuyển cho các đối tác Nhật Bản theo thỏa thuận của dự án. Nếu một công ty muốn xác minh một dự án theo JCM, họ phải tuân theo các hướng dẫn của JCM và được Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam chấp nhận. Trong trường hợp này, quyền tự quyết trong đàm phán của các công ty sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, trao đổi tín dụng các-bon hiện không được xem xét trong cơ chế này.

Thỏa thuận Paris mở ra một cơ hội mới của thị trường các-bon. Trên thị trường này có thể giao dịch giảm phát thải khí nhà kính (CER), chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và một số loại chứng chỉ hiệu quả năng lượng. Hiện tại, việc phát triển của loại thị trường như vậy là có tiềm năng nhưng cần nhiều nỗ lực từ các bên để xây dựng các thể chế chính sách giúp vận hành thị trường.

Quy mô thị trường các bon nội địa nhiều tiềm năng

Việt Nam có tiềm năng giảm phát thải tương đối cao trong giai đoạn 2015 - 2030 (MONRE, 2015). Trong ngành năng lượng, mức giảm phát thải là khoảng 600 triệu TCO2e. Chi phí giảm phát thải được thay đổi từ -436US $/TCO2e đến 160US $/TCO2e. Trong sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), giảm phát thải khoảng 40 triệu TCO2 e. Chi phí giảm phát thải là từ 0,44US $/TCO2e đến 1,34US $/TCO2e. Trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành Xử lý chất thải, tiềm năng giảm phát thải lần lượt là khoảng 50 triệu TCO2 e và 120 triệu TCO2e.

Sự khác biệt về giá của các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực khác nhau làm tăng cơ hội kinh doanh các bon để tìm giải pháp với chi phí thấp nhất cho việc đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.

Trong lĩnh vực năng lượng, các kịch bản giảm phát thải KNK đã được xây dựng để xác định đường cong chi phí giảm phát thải. Có 17 lựa chọn giảm thiểu bao gồm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực dân dụng; tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo trong công nghiệp, trong vận tải, dịch vụ thương mại; và tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện. (Bảng 1)

Bảng  1. Tiềm năng giảm phát thải KNK và chi phí cho các lựa chọn giảm phát thải trong ngành Năng lượng

Lựa chọn

Tiềm năng giảm phát thải trong cả thời kì (MtCO2e)

Chi phí gia tăng (Milion USD)

Chi phí giảm phát thải

(US$/tCO2e)

E1. Điều hòa không khí hiệu suất cao (khu vực dân dụng)

12.41

-11.80

-4.3

E2. Tủ lạnh hiệu suất cao (khu vực dân dụng)

12.4

18.20

5.8

E3. Thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao (khu vực dân dụng)

38.3

452.70

-43.6

E4. Bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời

16.6

7.70

1.9

E5. Cải thiện công nghệ sản xuất xi măng

16.6

-162.70

-40.7

E6. Cải thiện công nghệ sản xuất gạch

19

-180.40

-33.4

E7. Sử dụng Ethanol thay cho xăng trong giao thông vận tải

14.2

162.50

40.3

E8. Chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng trong giao thông vận tải

9.9

-928.90

-342.6

E9. Vận tải hàng hóa - Chuyển đổi hình thức vận tải thay thế cho vận tải đường bộ

26.7

-2077.50

-295.5

E10. Điều hòa hiệu suất cao trong lĩnh vực thương mại dịch vụ

11.1

-50.10

-15.5

E11. Nhà máy điện sinh khối

50.3

46.20

3.9

E12. Thủy điện nhỏ

83.7

-70.20

-3.3

E13. Điện gió (đầu tư trong nước)

2.7

43.20

49.1

E14. Điện gió (hỗ trợ của quốc tế)

71.8

817.90

50.4

E15. Nhà máy điện Biogas

4.4

2.90

2.9

E16. Nhà máy nhiệt điện than siêu tới hạn

79.8

530.40

32.1

E17. Pin mặt trời

12.3

409.70

160.1

 Nguồn (MONRE, 2015)

Có khả năng liên kết với các thị trường trên thế giới

Liên kết trong các thị trường các-bon (Hyungna Oh và Il-Young Oh, 2017) nhằm xử lý vấn đề giá các-bon khác nhau, tính thanh khoản thấp, ít cạnh tranh và ít ưu đãi hơn trong thị trường đơn lẻ. Do đó, liên kết với các thị trường trao đổi phát thải (ETS - Emissions Trading System) mang lại một số lợi ích như: giảm chi phí xử lý, tăng cơ hội cho các công ty lựa chọn các cách khác nhau để giảm phát thải, giảm rò rỉ các-bon và tăng tính thanh khoản.

Liên kết trực tiếp cho phép người tham gia thị trường giao dịch trực tiếp các đơn vị (quyền phát thải hoặc tín chỉ) giữa các hệ thống và các thực thể bắt buộc sử dụng các đơn vị có thể giao dịch để đáp ứng quy định trong một hoặc cả hai hệ thống. Liên kết trực tiếp có thể được chia ra là đơn phương hoặc song phương. Liên kết đơn phương cũng có thể xảy ra giữa ETS và hệ thống tín chỉ, ví dụ như giảm phát thải được chứng nhận được tạo ra theo CDM. Liên kết song phương xảy ra khi những người tham gia trong hai hệ thống có thể mua các đơn vị (quyền phát thải hoặc tín chỉ) từ nhau. Một liên kết song phương hoặc đa phương sẽ yêu cầu cả thỏa thuận liên kết giữa các bên và các điều khoản cho một liên kết đối ứng trong các điều luật về mua bán phát thải của thị trường nội địa. Thị trường được phát triển từ thị trường thí điểm đến thị trường quốc gia (nội địa) và sau đó là liên kết theo vùng và thế giới (ADB, 2015).

Việt Nam là nước đang phát triển, mức phát thải các-bon thấp (cường độ các-bon thấp), tiềm năng năng lượng tái tạo cao. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng tính sẵn sàng của thị trường để thành lập ETS. Việc xem xét mối liên kết với các thị trường khác là rất quan trọng để tránh chi phí tăng thêm trong tương lai. Việt Nam đã thay đổi để kết nối thị trường của mình với thị trường gần đó có giao dịch hàng hóa trong quá khứ như khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Tiềm năng liên kết rất lớn, vì nhiều ETS đã được phát triển và đang được phát triển ở khu vực này. Chi phí giảm phát thải cao của một số quốc gia sẽ là cơ hội để Việt Nam thiết lập liên kết song phương. Tuy nhiên, có một số rào cản khi chuẩn bị kết nối với thị trường khác như tình trạng thị trường khác nhau, vấn đề pháp lý, quy mô thị trường. Các biện pháp kiểm soát giá và năng lực thực hiện MRV (Đo lường - Báo cáo - Xác minh).

3. Các yêu cầu kỹ thuật của thị trường các bon tại Việt Nam

Tính sẵn sàng để tiến tới thị trường các bon ở Việt Nam

Một khu vực được coi là có tính sẵn sàng thị trường là khi hệ thống điều tiết và thị trường của nó đảm bảo tính toàn vẹn và hiệu quả của môi trường. Toàn vẹn môi trường trong trường hợp này có thể hiểu là đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Hiệu quả có nghĩa là tìm giải pháp chi phí tối thiểu để giảm phát thải (Vivide economics, 2017). Để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng của thị trường, cần có sự sẵn sàng về quy định và sẵn sàng kinh doanh. Hiện tại, sự sẵn sàng ở thị trường Việt Nam còn thấp.

Hệ thống Đo lường - Báo cáo - Xác minh (MRV) theo ngành và quốc gia

Mục tiêu MRV là tập hợp các quy tắc đơn giản, nhất quán và minh bạch để đo lường, giám sát và báo cáo phát thải chính xác (tốt nhất là được số hóa và bao gồm cả việc truy cập công khai vào dữ liệu phát thải); thực hành kiểm toán hợp lý để đảm bảo rằng phát thải được báo cáo chính xác, giảm thiểu chi phí giao dịch cho các đơn vị tham gia và cho cơ quan quản lý chương trình; thực thi nhất quán với các hình phạt thực sự cho việc không tuân thủ và báo cáo không chính xác (Janet Peace, 2012).

Đo lường: Có nhiều kỹ thuật đo lường như upstream và downstream, cân bằng vật liệu hoặc phương pháp theo dõi phát thải; tất cả khả thi và được sử dụng. Cơ quan có thẩm quyền chỉ định các phương pháp/yêu cầu đo lường. Các đơn vị tham gia có thể tạo và nộp kế hoạch giám sát phát thải của họ bằng phương pháp cần thiết (các đơn vị có thể cài đặt, chứng nhận và bảo trì thiết bị đo; đảm bảo chất lượng dữ liệu và kiểm tra đo lường).

Báo cáo: Từ dữ liệu phát thải, cơ quan có thẩm quyền cung cấp hoặc ủy quyền bên thứ ba về hệ thống theo dõi báo cáo và tuân thủ phát thải. Tất cả dữ liệu hoạt động, dữ liệu phát thải được tính toán theo phương pháp cần thiết, các công cụ tuân thủ sẽ được mô tả trên báo cáo, tuân theo các yêu cầu báo cáo được chuẩn hóa chung. Phát thải KNK được báo cáo hàng năm.

Xác minh - Phân tích và xem xét dữ liệu báo cáo: Báo cáo phát thải sẽ được duyệt bởi bên thứ ba hoặc cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính chính xác và rõ ràng về phương pháp và dữ liệu.

Hệ thống MRV ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cho quốc gia và cho ngành.

4. Kết luận

Hình thành thị trường các bon theo các cơ chế và thỏa thuận mới mà gần đây nhất là Thỏa thuận Paris sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia thị trường để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính chung của quốc gia cũng như các mục tiêu riêng của các đơn vị tham gia thị trường. Các phân tích cho thấy, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường các bon nội địa, cũng như cơ hội để liên kết với các thị trường khác trong khu vực và thế giới. Việt Nam cũng cần nâng cao tính sẵn sang, đồng thời xây dựng hệ thống MRV để đảm bảo xây dựng và vận hành thị trường các bon thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Asian Development Bank ADB. (2015). Emissions trading schemes and their linking: Challenges and opportunities Asia and the Pacific. Mandaluyong City: ADB.
  2. Center for Climate and Energy Solutions CCES (2018), Copenhagen Accord.
  3. German Emissions Trading Authority (DEHSt) at the German Environment Agency (2017). Germany’s carbon market cooperation with Viet Nam: Prospects for engaging with Article 6 of the Paris Agreement,
  4. Gold Standard (2013). The Gold Standard principles, Geneva Cointrin.
  5. Hyungna Oh and Il-Young Oh. (2017). Possible future linkage among emissions trading systems in East Asia. Research Workshop Sponsored by the Harvard Project on Climate Agreements, Harvard Kennedy School, ngày 27/9/2017.
  6. Japan - Global Environment Centre Foundation. (2018). Joint Crediting Mechanism Overview, Retrieved from http://gec.jp/jcm/about/ on January 15, 2021.
  7. Janet Peace (2012). Role of MRV in Effective Emissions Trading Programs, US-China Workshop: Domestic MRV of Climate Efforts. Washington DC ngày 4 - 5/6/2012, Center for Climate and Energy Solutions CCES, 92 - 98.
  8. Luong Quang Huy (2014). Development of Carbon Market Readiness in Vietnam, Hội thảo: Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 25-26/6/2014.
  9. Ministry of Resources and Environment (2015). Vietnam’s Intended Nationally Determined Contribution.
  10. Vivide Economics (2017). Moving to “market ready” in developing countries (ETS conference 2017). The networked carbon market initiative strategy Workshop, World Bank, ngày 26/5/2017.

Analyzing the potential of carbon market in Vietnam

Ph.D Nguyen Hoang Lan

Master. Nguyen Thi Nhu Van

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

Faculty of Industrial and Energy Management, Electric Power University

ABSTRACT:

The carbon market is still considered the most important tool to reduce greenhouse gas emissions for developing countries like Vietnam. The carbon market is an opportunity for stakeholders to provide financial aids and supports of low-carbon technology to ensure the goal of reducing greenhouse gas emissions. In recent years, Vietnam has entered the carbon market as a provider of certified emission reduction and has made remarkable progress. This paper analyzes the current carbon market and future development opportunities for Vietnam when new international climate change agreements enter into force.

Keywords: carbon market, Vietnam, potential, CDM, JCM, NAMAs.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]