TÓM TẮT:

Ngân hàng và bảo hiểm là những bộ phận bổ sung của hệ thống tài chính. Bảo hiểm ngân hàng (Bancassurance) là mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, theo đó công ty bảo hiểm sử dụng các kênh bán hàng của ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm. Trong những năm gần đây, tại sao Bancassurance trở thành xu hướng? Đó là vì những tiện lợi, nhanh chóng và sự tin tưởng của khách hàng đối với ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực mà Bancassurance đem lại vẫn còn tiềm ẩn những mặt trái của nó. Bài viết này sẽ phân tích tính hai mặt của Bancassurance tại Việt Nam.

Từ khóa: bancassurance, công ty bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng.

1. Đặt vấn đề

            Từ đầu những năm 1990, công việc truyền thống của các ngân hàng và công ty bảo hiểm (CTBH) trên thị trường tài chính đã thay đổi do nhu cầu mới, sự đa dạng của khách hàng; củng cố và phát triển sự cạnh tranh; giảm chi phí nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh, tính ưu việt và gia tăng lợi nhuận. Phương thức cung cấp sản phẩm bảo hiểm với sự phát triển của công nghệ sẽ phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng, bao hàm việc bán bảo hiểm với dịch vụ tài chính hoàn chỉnh. Điều này hàm ý cần phải đổi mới mạng lưới phân phối bán sản phẩm theo hướng đa dạng hình thức hợp tác giữa CTBH với các tổ chức tài chính ngân hàng. Sự hợp tác giữa các ngân hàng với công ty bảo hiểm như một phương thức khá phổ biến ở Mỹ và châu Âu, gần đây đã phát triển mạnh mẽ ở châu Á.

2. Sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm - Bancassurance

Thuật ngữ “Bảo hiểm ngân hàng” - Bancassurance (Banca + assurance) là một thuật ngữ tiếng Pháp, kết hợp giữa “Ngân hàng” và “ Bảo hiểm”. Bancassurance hay bảo hiểm liên kết ngân hàng là việc các ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của mình. Nói một cách đơn giản đó là việc ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm.

Ý nghĩa của Bancassurance là sự kết hợp khả năng sản xuất và bán sản phẩm của các công ty bảo hiểm với mạng lưới phân phối và cơ sở khách hàng tiếp nhận rộng lớn của các ngân hàng. Đó là tình huống trong đó các sản phẩm bảo hiểm được cung cấp thông qua các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng cùng với một loạt các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng và đầu tư. Bancassurance cố gắng khai thác sự hợp lực giữa cả CTBH và ngân hàng. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm là một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính của một quốc gia.

Khi một CTBH ký kết hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với ngân hàng, ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng hiện hữu của mình để phân phối sản phẩm bảo hiểm cũng như thực hiện một số dịch vụ khác như thanh toán phí bảo hiểm cho công ty đối tác. Song song với điều đó, ngân hàng sẽ nhận lại hoa hồng hoặc các khoản phí khác như thỏa thuận trong hợp đồng. Sự hợp tác này dựa trên thỏa thuận hai bên cùng có lợi, bên mua bảo hiểm sẽ có thêm kênh phân phối uy tín mới, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến nhiều khách hàng hơn còn ngân hàng cũng có thêm nguồn thu từ tiền phí và hoa hồng trên mỗi khách hàng.

Bancassurance bao gồm các sản phẩm bảo hiểm có tính thương mại với hai nhóm sản phẩm cơ bản đó là sản phẩm Bancassurance nhân thọ và sản phẩm Bancassurance phi nhân thọ. Cụ thể:

- Sản phẩm Bancassurance nhân thọ: các sản phẩm bảo hiểm này bảo hiểm tính mạng hoặc tuổi thọ của con người nhằm bù đắp cho người được bảo hiểm một khoản tiền khi hết thời hạn bảo hiểm hoặc khi người được bảo hiểm bị chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Bảo hiểm có thể chia thành nhiều loại như: Bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư…

- Sản phẩm Bancassurance phi nhân thọ: các sản phẩm này bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khách không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Sản phẩm này có thể chia thành nhiều loại như: Bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh…

Bancassurance xuất hiện đầu tiên ở Pháp và Tây Ban Nha vào những năm đầu của thập kỷ thứ VIII, thứ IX, thế kỷ XX. Trên toàn cầu, các thị trường Bancacssurance hàng đầu là Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ý. Tại Bồ Đào Nha có tới 85% tổng số phí bảo hiểm thu được là thông qua các kênh Bancassurance. Các thị trường Bancassurance toàn cầu bị chi phối bởi các đại gia ngân hàng châu Âu như BNP Paribas, Credit Agricole, ING và ABN Amro. Theo nghiên cứu của Finaccord, BNP Paribas Cardif là tập đoàn bảo hiểm nắm giữ nhiều mối quan hệ đối tác Bancassurance nhất trong số 500 nhóm ngân hàng bán lẻ lớn nhất toàn cầu.

Nếu như ban đầu, Bancassurance chỉ việc ngân hàng tiến hành bán bảo hiểm cho các khách hàng ngân hàng qua hệ thống mạng lưới các cơ sở giao dịch của ngân hàng thì cho đến hiện nay, Bancassurance đã trở nên phổ biến ở nhiều nước, được thực hiện thông qua nhiều mô hình kết hợp hoạt động ngân hàng và bảo hiểm. Các mô hình kết hợp hoạt động ngân hàng và bảo hiểm tạo cơ sở cho Bancassurance khá đa dạng, có thể là: thỏa thuận giữa một công ty bảo hiểm và một ngân hàng về việc ngân hàng triển khai bán sản phẩm bảo hiểm như một trung gian phân phối thường dưới dạng liên minh chiến lược; ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm liên doanh lập công ty bảo hiểm mới; ngân hàng bảo hiểm thành lập, mua lại công ty bảo hiểm và toàn quyền kiểm soát công ty bảo hiểm đó; hình thành tập đoàn tài chính kinh doanh đồng thời hoạt động ngân hàng và bảo hiểm; phối hợp trong việc cung cấp loại dịch vụ tài chính kết hợp cả yếu tố tín dụng và bảo hiểm.

Ở châu Á, Bancassurance chỉ thực sự thu hút sự chú ý của ngân hàng Korean sau khi chính phủ cho phép vào năm 2003. Dần dần, bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng cũng đã phát triển ở nhiều nước châu Á khác như Singapore, Malaysia…

Tại Việt Nam, Bancassurance đã manh nha từ những năm 1990, song Bancassurance chỉ thực sự khởi động từ năm 2001. Từ đó đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong hoạt động. Một số trường hợp điển hình tại Việt Nam đang thành công đó là sự hợp tác giữa Techcombank – Manulife, SCB – Manulife, VPBank – AIA, MB Bank – MB Agreas Life, Vietinbank – Aviva Việt Nam… Các DNBH đã cố gắng đáp ứng xu hướng này bằng cách tiếp cận khách hàng thông qua việc mở rộng Bancassurance.

3. Phân tích tính hai mặt của Bancassurance tại Việt Nam

            Lợi ích của Bancassurance

Lý do dẫn đến sự phát triển Bancassurance trên thế giới trong thời gian vừa qua là bởi những lợi ích lớn mà Bancassurance mang lại cho khách hàng, ngân hàng và nhất là công ty bảo hiểm.

- Đối với khách hàng: Bancassurance giúp cho nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn khi họ được tiếp cận tới một tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính. Ngoài tiền gửi, vay và các giao dịch thường xuyên, khách hàng còn được bảo vệ khỏi các rủi ro trong cuộc sống hàng ngày do được tham gia các hợp đồng bảo hiểm với mức phí hợp lý và được cả CTBH và ngân hàng chăm sóc. Bên cạnh đó, Bancassurance còn cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ tài chính (ngân hàng và bảo hiểm) tại một nơi. Do đó, khách hàng có thể tiết kiệm thời gian và nhận được phí bảo hiểm thấp hơn do các công ty bảo hiểm chuyển một phần việc giảm chi phí phân phối cho chủ hợp đồng thông qua việc giảm phí bảo hiểm.

- Đối với ngân hàng: Việc triển khai Bancassurance thành công sẽ có nhiều lợi ích như: tăng thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm, cho thuê điểm bán; đa dạng hóa hoạt động kinh doanh; giảm bớt rủi ro tín dụng; tăng nguồn vốn huy động của ngân hàng từ phía đối tác bảo hiểm; tăng năng suất hoạt động của nhân viên ngân hàng thông qua việc cung cấp thêm các sản phẩm bảo hiểm và chi phí cố định có thể giảm một cách tương đối. Ngoài ra, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm sẽ giúp củng cố lòng trung thành và tăng sự gắn bó của ngân hàng và khách hàng vì các sản phẩm bảo hiểm có kỳ hạn dài hơn các mức gửi tiết kiệm hay các khoản vay ở tại ngân hàng.

- Đối với công ty bảo hiểm (CTBH): Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, đây là một kênh phân phối mang lại nhiều lợi ích đáng kể như: CTBH có thể tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ của các ngân hàng và bán bảo hiểm cho họ thông qua mạng lưới phân phối của ngân hàng mà không cần phát triển hệ thống chi nhánh và nhân viên bảo hiểm; có thể tiếp cận và sử dụng cơ sở dữ liệu về khách hàng của ngân hàng, “mượn” được uy tín, thương hiệu, sự tin cậy của khách hàng đối với ngân hàng (vì một thực tế không thể phủ nhận là đối với đại đa số công chúng hình ảnh, ấn tượng về ngân hàng, về khả năng tài chính của ngân hàng thường rõ nét hơn doanh nghiệp bảo hiểm); gia tăng thị phần, doanh thu và tạo ra giá trị thương hiệu từ việc hợp tác liên kết với các ngân hàng.

Một khía cạnh đáng kể đối với cả ngân hàng và CTBH là Bancassurance cũng có thể góp phần phần giảm bớt sự biến động của lợi nhuận theo thời gian khi khả năng sinh lợi của ngân hàng và ngành bảo hiểm biến động không theo cùng một chu lỳ. Những lợi ích của Bancassurance nói trên đã là những vấn đề lý luận được kiểm nghiệm qua thực thế hoạt động Bancassurance ở nhiều nước trên thế giới. Vậy ở Việt Nam những vấn đề lý luận đó cũng vẫn giữ nguyên giá trị?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) vừa công bố, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho ngân hàng này gần 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19. Nhờ việc sở hữu Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life và Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC), khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm của MBBank liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này. Trong năm 2020, thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank. Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy, lãi thuần hoạt động dịch vụ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) tăng 53,4% so với 2019, đạt 6.608 tỷ đồng. Đáng chú ý, VCB đã ghi nhận gần 1.500-1.800 tỷ đồng phí bancassuarance trả trước trong quý IV/2020 từ thỏa thuận độc quyền ký kết với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam đã tạo ra sự tăng trưởng đột biến này.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong khoản thu từ hoạt động dịch vụ. Trong năm 2020, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mang về khoản thu nhập hơn 2.575 tỷ đồng cho VPB. Mặc dù con số này giảm 11% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của Covid - 19 nhưng đây vẫn là khoản thu nhập ngoài lãi đáng mơ ước của nhiều ngân hàng.

Bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính mảng dịch vụ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) khi đóng góp hơn 41% nguồn thu. Thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB trong năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019. Với việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.

Không chỉ những ngân hàng trên, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán chéo bảo hiểm. Trong báo cáo triển vọng thị trường 2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu tháng 1/2021 cho biết, tỷ trọng phí thu từ kênh bancasssuarance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020 (số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như ở Tây Ban Nha 72%, 70% ở Ý, 60% ở Pháp. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của kênh phân phối bancassuarance vẫn còn rất lớn.

Mặt trái của Bancassurance

Mặc dù, Bancassurance mang lại rất nhiều lợi ích cho cả ngân hàng, khách hàng và CTBH, nhưng trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường ngày nay, bancassurance cũng tồn tại những mặt trái của nó.

            - Rơi vào sự phụ thuộc vào tổ chức mạnh hơn, xung đột lợi ích giữa đối tác, xuất hiện những rủi ro mới, tăng giá và tăng gấp đôi các dịch vụ tài chính mới.

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, sự cạnh tranh khốc liệt đã dẫn đến một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đưa ra mức chi phí lên đến 20% doanh thu để thuyết phục ngân hàng chấp nhận làm đối tác độc quyền của mình. Mức này cao hơn nhiều so với hoa đồng cho đại lý và chiếm hơn 90% định mức chi phí cần thiết cho các phòng kinh doanh khu vực. Điều này đặt ra câu hỏi lớn là với những gì ngân hàng thực sự tham gia vào sự hợp tác này, họ có xứng đáng được hưởng mức chi phí cao như vây? Ngoài ra, việc CTBH thực hiện chính sách chi trả hoa hồng cao đột biến nhằm lôi kéo toàn bộ hệ thống kinh doanh của ngân hàng đang hợp tác với CTBH khác về với mình sẽ gây xáo trộn nhất định tới các hoạt động chăm sóc khách hàng của CTBH hiện hữu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp.

- Các vấn đề về tính toán khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm, khối lượng gia tăng của công việc sẽ dẫn đến việc các đặc vụ làm việc quá sức, thiếu sự kiểm soát của sự giám sát của chính phủ.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng đối với kênh phân phối Bancassurance, vì vậy hoạt động Bancassurance vẫn chỉ là những hoạt động riêng lẻ và tồn tại dưới dạng đại lý tổ chức của công ty bảo hiểm, dẫn đến khó khăn cho hai bên trong quá trình hợp tác kinh daonh. Các luật điều chỉnh hoạt động Bancassurance lại chưa rõ ràng, gây khó khăn cho ngân hàng và công ty bảo hiểm khi áp dụng

- Việc chia sẻ dữ liệu khách hàng giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm trong nhiều trường hợp đã bị hạn chế bởi những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu của khách hàng, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu và thiếu các thủ tục chấp thuận chia sẻ dữ liệu của khách hàng.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng: Bancassurance tại Việt Nam vẫn còn thiếu quy định về bảo mật thông tin, an toàn an ninh mạng trong kết nối chia sẻ thông tin trong kinh doanh đặc biệt với xu thế số hóa hệ thống tài chính

- Có khả năng xảy ra xung đột lợi ích giữa các sản phẩm khác của ngân hàng và chính sách bảo hiểm. Điều này có thể khiến khách hàng nhầm lẫn về nơi họ phải đầu tư.

Theo thỏa thuận giữa CTBH và ngân hàng, mọi đối tượng bảo hiểm liên quan đến dịch vụ của ngân hàng đều thuộc về nhóm Bancassurance. Hàng loạt khách hàng cũ của nhân viên kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm bỗng dưng trở thành khách hàng của gói Bancassurance. Tất cả chi phí mà họ bỏ đã bỏ ra để chăm sóc khách hàng, duy trì mối quan hệ lâu dài chỉ có thể bù đắp bằng định mức ít ỏi ( 2-3% doanh thu) sau khi đã chuyển phần lớn cho ngân hàng, mặc dù ngân hàng không tham gia vào hoạt động chào bán và tư vấn cho những khách hàng này. Điều này dẫn đến xung đột lợi ích giữa các bên.

- Các vấn đề có thể xảy ra trong hình ảnh thị trường của ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm  liên quan đến những thay đổi trong hình ảnh của ngân hàng, dẫn đến ghi nhớ tác động tiêu cực đến công ty bảo hiểm và ngược lại.

Trong trường hợp ngân hàng gặp các điều kiện bất lợi, chẳng hạn có vấn đề về uy tín, giảm lòng tin, khách hàng hủy bỏ các quan hệ tín dụng thì điều đó cũng không thể không chi phối tới khả năng hủy bỏ hợp đồng bảo hiềm mà ngân hàng đó đã đứng ra bán cho khách hàng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bảo hiểm không có được uy tín trong đời sống kinh tế - xã hội, chất lượng dịch vụ bảo hiểm không đảm bảo thì sự không hài lòng về sản phẩm bảo hiểm sẽ ảnh hưởng nhất định tới sự tín nhiệm của khách hàng đối với thương hiệu của ngân hàng.

Đối với kênh Bancassurance, sản phẩm được bán bởi các nhân viên ngân hàng thì các tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm cần được thiết kế đơn giản , dễ hiểu nhưng bản thân hợp đồng bảo hiểm thì không thể bỏ qua được các yêu cầu kỹ thuật, pháp lý phức tạp. Chính điều này có thể khiến các khách hàng không hiểu hết đầy đủ về các quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể trong quan hệ bảo hiểm. Tư vấn khi bán bảo hiểm không đúng đắn có thể khiến khách hàng ngộ nhận về quyền lợi bảo hiểm, dẫn đến có ấn tượng kép không hay cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.

- Khách hàng không được mua theo nhu cầu thực mà họ cần.

Ông Chu Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Best Life - doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức đại lý bảo hiểm tổ chức cũng tỏ ra lo ngại, trong năm tới có thể có nhiều hợp động bị hủy sau khi đã mua bảo hiểm thuộc diện bị ép mua để vay được tiền nên trong năm tới sẽ không muốn tái tục.

Sự lo ngại trên cũng là mối quan tâm chung của nhiều thành viên thị trường đối với các hợp đồng ảo, không được mua theo nhu cầu thực của khách hàng, đây đã từng là vấn nạn của kênh đại lý truyền thống trong nhiều năm qua, gây méo mó thị trường.

Để ngăn chặn tình trạng ngân hàng làm khó khi vay vốn nếu khách hàng từ chối mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng, đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm túc quy định về kinh doanh bảo hiểm theo văn bản 7928. Cơ quan này sẽ xử lý nghiêm những ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

4. Một số giải pháp, kiến nghị để phát triển Bancassurance tại Việt Nam

            Không có mô hình Bancassurance nào thống nhất cho tất cả thị trường và cũng không có mô hình nào là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, cần số một số giải pháp, kiến nghị để phát triển Bancassurace trong thời gian tới như sau:

             - Kiến nghị bổ sung các quy định về việc bảo vệ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về khách hàng, về bảo mật thông tin; các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhân viên ngân hàng trong hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm.

            - Các ngân hàng cần phải xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm Bancassurance trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá xu thế thị trường, phân loại đối tượng khách hàng để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu, sở trường và thói quen của họ, tạo điều kiện thuận lợi, hài lòng nhất cho khách hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm ngân hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm.

            - Ngân hàng và công ty bảo hiểm cần phải phối hợp chặt chẽ hơn bằng cách tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có kết hợp thông tin thu thập bên ngoài, sử dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích nhu cầu khách hàng và tìm kiếm khách hàng phù hợp cho Bancassurnace; thiết kế sản phẩm bảo hiểm gắn với xu hướng cá thể hóa sản phẩm tài chính và cần có bước đi thích hợp để chuyển đổi số, tiến tới số hóa đối với hoạt động Bancassurance.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Anh Tuấn (2020). Hoạt động Bancassurane trong thời đại số hóa ngân hàng. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ, số 6/2020.
  2. Trần Huy Hoàng (2008). Vận dụng mô hình Bancassurance vào thị trường bảo hiểm ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế.
  3. Snezhana Dichevska, Vera Karadjova, Ljube Jolevski. (2018). Advantages and disadvantages of cooperation between banks and insurance companies. Conference Proceedings: 2nd International Scientific Conference ITEMA 2018. Austria: University of Technology.
  4. Nguyễn Hữu Khánh (2020). Phát triển bảo hiểm qua ngân hàng ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2020.
  5. Võ Thị Pha (2012). Bancassurance - Từ lý thuyết đến thực tiễn ở Việt Nam. Học viện Tài chính.
  6. Thu Huong. (2019). Bancassurance on the up in Vietnam. Retrieved from: https://www.vir.com.vn/bancassurance-on-the-up-in-vietnam-71658.html.
  7. Trịnh Ngọc Lan (2020). Tọa đàm khoa học: “Quản lý, phát triển Bancassurance tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ.

 

ANALYZING BENEFITS AND SHORTCOMINGS OF BANCASURANCE

IN VIETNAM

Master. TRAN THI YEN VINH

Faculty of Economics, Da Nang Architecture University

ABSTRACT:

            Banking and insurance are complementary parts of the financial system. Bancassurance is a relationship between a bank and an insurance company that is aimed at offering insurance products or insurance benefits to the bank's customers. Recently, bancassurance has experienced a strong growth in Vietnam thanks to its convenience, speed of service and customer trust. Besides benefits of bancassurance, there are some downsides to this service. This paper is to analyze both benefits and shortcomings of bancasurance in Vietnam.

Keywords: bancassurance, life insurance company, bank.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]