Phân tích về lĩnh vực du lịch - Ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp hiện nay

NCS. ThS. MAI ANH VŨ và ThS. LÊ THỊ THANH LOAN (Trường Đại học Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa)

TÓM TẮT:

Bài viết bàn về vấn đề du lịch, là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp hiện nay. Trong những năm gần đây, du lịch ngày càng trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, khi đời sống người dân dần được cải thiện, nhu cầu đi du lịch cũng tăng lên, nó trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Du lịch chính là chiếc cầu nối góp phần thúc đẩy nền kinh tế, là bộ mặt của một đất nước. Để có một sản phẩm du lịch hoàn hảo, hấp dẫn và thu hút được khách du lịch là điều không hề đơn giản, bởi du lịch có mối quan hệ sâu sắc với các ngành kinh tế phụ trợ khác, như: Y tế, thương mại, tài chính, an ninh, hải quan, giao thông vận tải... Muốn phát triển du lịch một cách hiệu quả, ta phải xem xét mối quan hệ giữa ngành Du lịch với các ngành kinh tế phụ trợ và phối hợp nhịp nhàng các ngành đó để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Do vậy, có thể nói rằng, Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nó mang tính liên ngành, liên vùng và phức tạp.

 Từ khóa: Du lịch, kinh tế du lịch, dịch vụ, tổng hợp, liên ngành, phát triển.

1. Khái niệm về kinh tế dịch vụ

1.1. Kinh tế là gì?

Ngày nay trên các phương tiện truyền thông ta thấy hai từ “kinh tế” được sử dụng rất thường xuyên, và dường như ý nghĩa của từ này rất rộng. Nói đến kinh tế ta thường nghĩ đến “chứng khoán”, “đầu tư”, “tín dụng” v.v… Vậy đâu mới là bản chất ý nghĩa của từ này?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế, có thể nói có bao nhiêu nhà nghiên cứu về kinh tế học thì có bấy nhiêu định nghĩa về kinh tế. Về định nghĩa từ kinh tế, xét theo bản chất, làm kinh tế là con người cố gắng thực hiện những công việc để sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có của mình như: tiền, sức khỏe, tài năng thiên bẩm và nhiều tài nguyên khác, để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu nhân loại. Từ đó tạo ra của cải vật chất cho chính mình. Hoạt động kinh tế là bất kì hoạt động nào mà sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mình để tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, đem trao đổi và thu được một giá trị lớn hơn cái mà mình đã bỏ ra. Như vậy, định nghĩa “kinh tế” vào thời mới khai sinh của môn khoa học này đơn giản là: “nghiên cứu về sự giàu có”.

Hay một khái niệm khác: Kinh tế là cách phân bổ các nguồn lực có hạn một cách tối ưu nhất. Nguồn lực ở đây có thể là tiền, thời gian, chất xám…, và những thứ này không phải là vô hạn. Do đó ta cần biết sử dụng chúng một cách hợp lý, làm sao có lợi nhất cho mình. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường “làm kinh tế”, chỉ có điều chúng ta không để ý. Chẳng hạn khi đi chợ, ta chợt thấy trong ví chỉ còn hơn 10 đồng, vậy ta nên ăn gì tối nay? Lượng tiền là có hạn, và ta muốn sử dụng số tiền đó để có một bữa ăn ngon miệng nhất.

Khái niệm kinh tế vẫn chưa có một cách nhìn thống nhất, hay là một chuẩn mực nhất định. Có thể hiểu một cách cơ bản rằng, kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có hạn. Khái niệm kinh tế đề cập đến các hoạt động của con người có liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Nói cách khác, kinh tế có nghĩa là: “Dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và hạn hẹp, con người và xã hội loài người tìm cách trả lời 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?”.

1.2. Kinh tế dịch vụ

Để có thể nhận định đúng về kinh tế dịch vụ ta cần tìm hiểu khái niệm về “ dịch vụ”. Cũng có rất nhiều quan điểm về dịch vụ, Adam Smith từng định nghĩa rằng, "dịch vụ là những nghề hoang phí nhất trong tất cả các nghề như cha đạo, luật sư, nhạc công, ca sĩ ôpêra, vũ công... Công việc của tất cả bọn họ tàn lụi đúng lúc nó được sản xuất ra". Từ định nghĩa này, ta có thể nhận thấy rằng Adam Smith có lẽ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh "không tồn trữ được" của sản phẩm dịch vụ, tức là được sản xuất và tiêu thụ đồng thời.

Mác cho rằng: "Dịch vụ là con đẻ của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, khi mà kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đòi hỏi một sự lưu thông thông suốt, trôi chảy, liên tục để thỏa mãn nhu cần ngày càng cao đó của con người thì dịch vụ ngày càng phát triển. "Như vậy, với định nghĩa trên, C. Mác đã chỉ ra nguồn gốc ra đời và sự phát triển của dịch vụ, kinh tế hàng hóa càng phát triển thì dịch vụ càng phát triển mạnh.

Từ những năm 1950, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một sự chuyển đổi cơ cấu. Với sự thay đổi này, nhà kinh tế học người Mỹ Victor R. Fuchs gọi nó là “nền kinh tế dịch vụ” vào năm 1968. Ông tin rằng Hoa Kỳ đã dẫn đầu trong việc thâm nhập nền kinh tế dịch vụ và xã hội ở các nước phương Tây. Tuyên bố này báo trước sự xuất hiện của một nền kinh tế dịch vụ bắt đầu ở Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu. 

Đến ngày nay có thể hiểu, kinh tế dịch vụ là việc cung ứng những thứ tương tự như hàng hoá nhưng phi vật chất, đáp ứng nhu cầu của xã hội và mang lại lợi nhuận.

2. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp

            Du lịch là một hiện tượng đa diện liên quan đến sự di chuyển và lưu lại ở các nơi đến du lịch bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của du khách. Du lịch là một ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt nhưng chỉ có thể phát triển khi kinh tế - xã hội của con người đạt mức nhất định. Tại nơi đến, sự tập trung của khách cùng với các tiện nghi và dịch vụ cần thiết sẽ gây ra những ảnh hưởng và tác động nhiều chiều trong đó biểu hiện rõ nhất là những thay đổi trong hoạt động kinh tế của địa phương.

            Theo cách tiếp cận về mặt kinh tế thì rõ ràng du lịch nằm trong khu vực III (tức là khu kinh tế dịch vụ) cùng với các ngành khác như giao thông vận tải, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn... Nhưng tại sao lại có thể nói “Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp”, bởi lẽ du lịch tác động qua lại với rất nhiều ngành trong nhóm ngành kinh tế dịch vụ và có mối liên hệ chặt chẽ. Một khách du lịch khi bắt đầu một chuyến đi sẽ sử dụng vô vàn các dịch vụ như: Viễn thông, vận tải, tài chính, thương mại, dịch vụ giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,... Như vậy chỉ cần làm rõ mối quan hệ giữa du lịch và một số ngành dịch vụ khác ta có thể chứng minh được du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.

a, Du lịch và các dịch vụ thương mại

Điểm xuất phát để hình thành và phát triển thương mại là trao đổi và lưu thông hàng hóa. Trao đổi hàng hóa (giản đơn) là trao đổi trực tiếp giữa những người sản xuất hàng hóa với nhau dưới hình thức hàng đổi hàng (H-H). Còn lưu thông hàng hóa là hình thức phát triển của trao đổi hàng hóa giản đơn, khi đó xuất hiện đơn vị tiền tệ làm trung gian và tiến hành theo hình thức chung (H-T-H), theo công thức này hành vi H-T là hành vi mua, còn hành vi T-H là hành vi bán.

Hoạt động thương mại là hình thức phát triển cao của trao đổi hàng hóa và lưu thông hàng hóa, nó xuất hiện khi lưu thông hàng hóa trở thành một chức năng độc lập tách khỏi sản xuất. Có thể tóm tắt hoạt động thương mại bằng công thức sau: (T-H-T') tiền tệ đóng vai trò phương tiện để tổ chức quá trình lưu thông hàng hóa xã hội. Đứng về góc độ này xem xét thì thương mại trở thành một ngành kinh tế lớn trong nền kinh tế quốc dân, hoạt động kinh doanh của nó nhằm mục đích lợi nhuận.

Ngoài nhu cầu lưu trú, ăn uống, giải trí, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hóa thiết yếu hàng ngày và hàng lưu niệm trở thành một nhu cầu không thể thiếu được của khách du lịch. Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh thương mại (như siêu thị, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ kể cả bán thuốc đông y…) đã trở thành những điểm tham quan du lịch đồng thời đáp ứng nhu cầu về mua sắm của khách du lịch.

Kinh doanh thương mại không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho khách du lịch có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển nền kinh tế nói chung và phát triển ngành Du lịch nói riêng, thực hiện chiến lược xuất khẩu tại chỗ hàng hóa thu ngoại tệ với hiệu quả cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất phát triển, đặc biệt là khôi phục được các ngành, nghề truyền thống.

b, Du lịch và các dịch vụ vận tải

   Nói đến du lịch là sự di chuyển của con người ra khỏi nơi cư trú và làm việc thường xuyên nhằm thỏa mãn nhu cầu thăm quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định. Vì vậy, khâu hoạt động đầu tiên của ngành du lịch là vận chuyển đưa đón khách du lịch. Hoạt động vận chuyển du lịch giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch, hệ thống giao thông vận tải càng phát triển, chất lượng các phương tiện vận tải càng tốt, thì ngành du lịch càng phát triển.

Để phục vụ khách tốt nhất và an toàn tuyệt đối, các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo các yêu cầu: tốc độ nhanh, an toàn tuyệt đối, tiện nghi phục vụ khách trên các phương tiện đầy đủ sang trọng và hợp vệ sinh, nhân viên lái xe và phục vụ xe có chuyên môn cao, khỏe mạnh, giao tiếp và ứng xử với khách có văn hóa.

Các nhà kinh tế du lịch đã khẳng định, để phát triển du lịch tại một khu du lịch, một địa phương, một đất nước thì nơi đó phải có ít nhất ba trong năm loại phương tiện vận chuyển khách du lịch tới, đó là: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường cáp.

c, Du lịch và các dịch vụ lưu trú

Các cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu về ở trọ của con người khi rời xa nơi cư trú thường xuyên của mình. Căn cứ và nhu cầu và khả năng thanh toán của con người nhiều loại hình cơ sở lưu trú xuất hiện như: khách sạn các hạng loại, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, khu du lịch, biệt thự, bungalows, bãi cắm trại..v.v. Tất cả các cơ sở có chung bản chất kinh doanh dịch vụ lưu trú (cho thuê buồng để ở trọ ) được gọi ngành khách sạn, đối tượng cho thuê là những người cần nơi ở trọ trong đó chỉ một phần là khách du lịch. Ngành Khách sạn có tính độc lập tương đối với ngành Du lịch, muốn phát triển du lịch thì cần phải có ngành khách sạn, nhưng ngược lại khi du lịch chưa phát triển, nhưng xã hội vẫn cần đến ngành khách sạn để phục vụ nhu cầu ở trọ của con người.

Các khách sạn được xây dựng ở các thành phố, khu trung tâm thương mại, các điểm du lịch và khu du lịch. Nó phục vụ đầy đủ các nhu cầu của khách du lịch, như: lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí với chất lượng cao. Ngày nay ở các nước có nền du lịch phát triển hệ thống khách sạn phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong ngành du lịch, doanh thu từ khách sạn có thể chiếm tới 60-70% tổng doanh thu ngành Du lịch.

d, Du lịch và các dịch vụ phục vụ ăn uống

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất của con người để tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế, với đời sống nhân dân tăng lên, nhu cầu về các dịch vụ phục vụ ăn, uống tăng nhanh nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phát triển mạnh mẽ và đa dạng( nhà hàng, quán ăn nhanh, bar...) và trở thành một ngành kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao trong nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng.

Ăn uống không chỉ thỏa mãn nhu cầu sinh lý của con người tồn tại, mà còn thể hiện nền văn hóa mỗi dân tộc, nên được gọi là “văn hóa ẩm thực”. Một trong những nhu cầu quan trọng của khách du lịch là tìm hiểu và thưởng thức các món ăn đặc trưng của mỗi dân tộc, nền văn hóa dân tộc thông qua các món ăn dân tộc.

Do đời sống ngày một nâng cao và ngành du lịch phát triển, nhu cầu ăn uống tăng lên rất nhanh. Từ đó các loại hình kinh doanh ăn uống hình thành và phát triển song hành nhằm đáp ứng, thu hút khách du lịch. Các loại hình kinh doanh ăn uống rất độc lập ở đường phố và ở tất cả các khách sạn, kinh doanh ăn uống trên các phương tiện vận chuyển (trên máy bay, tàu hỏa, tàu biển....); các cơ sở kinh doanh ăn sáng, ăn tiệc, ăn uống đặc sản, ăn uống phổ thông.... các loại hình này vừa phục vụ nhu cầu của cư dân địa phương vừa phục vụ khách du lịch.

e, Du lịch và các dịch vụ lữ hành

Lữ hành là thực hiện chuyến đi du lịch theo kế hoạch lộ trình và chương trình đã qui định trước. Nhu cầu các sản phẩm du lịch khách du lịch và các nhà cung cấp các sản phẩm này có khoảng cách về không gian, vì vậy các nhà cung cấp các sản phẩm trực tiếp cho khách du lịch mà thường thông qua tổ chức trung gian, đó là các tổ chức lữ hành.

Các tổ chức du lịch lữ hành được gọi là các hãng lữu hành và công ty lữ hành làm đầu mối trung gian để thiết lập mối quan hệ giữa các nhà cung ứng các sản phẩm dịch vụ với khách du lịch. Các tổ chức du lịch lữ hành giữ vị trí quan trọng để phát triển du lịch.

f, Du lịch và các dịch vụ nghỉ dưỡng và chữa bệnh

Mục đích của con người khi đi du lịch nhằm phục hồi sức khỏe sau một khoảng thời gian lao động căng thẳng. Có những người đi du lịch để chữa các bệnh của thời đại, như: stress, mỡ trong máu, áp huyết, tiểu đường..v.v. Các cơ sở kinh doanh du lịch dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có tổ chức các dịch vụ nghỉ dưỡng và chữa bệnh, như: Massge, spa, chữa bệnh bằng nước khoáng, chữa bệnh bằng ngâm bùn, chữa bệnh bằng thuốc dân tộc, bằng chế độ ăn, uống... nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đây là một xu hướng kinh doanh có rất nhiều triển vọng trong tương lai.

g, Du lịch và các dịch vụ giải trí

Hoạt động giải trí cho con người trong xã hội nói chung và cho khách du lịch nói riêng ở các nước phát triển đã trở thành ngành công nghiệp giải trí. Đối với hoạt động du lịch, nó là một bộ phận cấu thành quan trọng để phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống văn hóa lịch sử, nghệ thuật, những phong tục tập quán, nền văn hóa dân gian đặc sắc.

h, Du lịch và các dịch vụ khác

Ngoài các dịch vụ cơ bản trên tham gia vào việc hỗ trợ hoạt động du lịch thì khách du lịch ngày nay còn sử dụng rất nhiều các dịch vụ khác, như: Ngân hàng, Bưu chính, Viễn thông, các dịnh vụ số,... bởi nhu cầu và sự hiệu quả của các dịch vụ trên là rất cao trong thời gian khách tham gia hoạt động du lịch.

3. Kết luận

Du lịch là hoạt động kinh tế cần nhiều sự hỗ trợ liên ngành. Cũng có thể nói phát triển du lịch là sự kéo theo một số ngành dịch vụ khác phát triển. Mối quan hệ này tác động qua lại với nhau, cùng đem lại lợi ích cho các ngành. Từ đó có thể kết luận: “Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp”. Mỗi quốc gia, mỗi vùng có định hướng phát triển du lịch cần có sự đầu tư, nghiên cứu một cách tổng thể các ngành nhằm đón đầu cũng như nâng cao hiệu quả của các ngành dịch vụ bởi các ngành này nằm trong chuỗi các dịch vụ tổng hợp đáp ứng nhu cầu của hoạt động du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. TS. Nguyễn Bá Lâm & TS. Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.
  2. TS. Nguyễn Bá Lâm (2007), Tổng quan về du lịch & phát triển du lịch bền vững, Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.
  3. GS.TS. Nguyễn Văn Đính & PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn & TS. Nguyễn Mạnh Hùng, “Xu hướng phát triển ngành dịch vụ trên thế giới hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của ngành dịch vụ Việt Nam”, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh.
  5. ThS. Cao Minh Nghĩa, Tổng quan lý thuyết về ngành kinh tế dịch vụ, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh.

 

ANALYZING THE TOURISM INDUSTRY – THE GENERAL ECONOMIC SERVICE INDUSTRY

Ph.D’s student, Master. MAI ANH VU

Master. LE THI THANH LOAN

University of Culture, Sports and Tourism – Thanh Hoa Province

ABSTRACT:

The article focuses on the tourism industry which is a general economic service industry today. In recent years, tourism has become a popular socio-economic phenomenon. When the quality of life is gradually being improved, the demand for tourism products has also increased. The growth of tourism reflects the living standard and the qualify of life of people. Toursim is considered as a bridge which contributes to the economic development and promte the image of a country. It is difficult to produce a perfect and attractive tourism product because tourism has a deep relationship with other supporting fields, such as healthcare, trade, finance, security, customs and transportation. In order to develop the tourism industry effectively and gain highest economic benefits, it is necessary to consider the relationship and the coordination between the tourism industry and supporting industries. Hence, it can be said that the tourism industry is a general economic sector which is interdisciplinary, inter-regional and complex.

Keywords: Tourism, tourism economics, services, general, interdisciplinary, development.