Pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Bài viết nghiên cứu về "Pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài" do Nguyễn Thị Mỹ Liên (Học viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong những năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải tạm dừng mọi hoạt động xuất nhập cảnh bế tắc. Việc nhập cảnh cho lao động xuất khẩu Việt Nam đến các thị trường lao động nước ngoài cũng trở nên khó khăn và bị kìm hãm lại trong và sau đại dịch. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật Việt Nam về đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Bài viết phân tích những bất cập, hạn chế qua việc nghiên cứu và làm sâu rộng lý luận pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ khóa: người lao động, làm việc có thời hạn, nước ngoài, xuất khẩu lao động.

1. Đặt vấn đề

Việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) khó khăn gây nên những thiệt hại lớn trong phát triển kinh tế chung của cả nước Việt Nam. Bản thân người lao động (NLĐ) trực tiếp gánh chịu thiệt thòi vì một số lao động phải vay một khoản tiền để nộp phí học ngoại ngữ, học nghề và chi phí cho các thủ tục pháp lý khác nhưng chưa được xuất cảnh để làm việc.

Vài năm trước đây, tham gia xuất khẩu lao động được cho là “cứu cánh” đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đây không chỉ là biện pháp thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ lao động, tác phong làm việc... mà còn là cơ hội tốt để cải thiện cuộc sống của khá nhiều người. Điều không thể phủ nhận là XKLĐ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu lao động đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. NLĐ có thể ra nước ngoài làm việc dễ dàng khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ lên kế hoạch thu hút lao động Việt Nam.

Đáng chú ý, nguồn lao động từ các Trung tâm Giới thiệu việc làm cũng gặp nhiều khó khăn, đó là rào cản từ lãnh đạo địa phương với nguồn lao động tuyển dụng nhỏ giọt, mỗi một lao động khi gửi đến doanh nghiệp dịch vụ hầu như đều bị thu “phí ngoài”. Ngoài ra, sau khi giới thiệu lao động cho doanh nghiệp dịch vụ, người của Trung tâm Giới thiệu việc làm tự ý di chuyển lao động đã tiến cử từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, đây là những hành động, hành vi trục lợi, bất chính, vô trách nhiệm.

Chính vì vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật Việt Nam về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, khắc phục những bất cập, hạn chế thông qua việc nghiên cứu và làm sâu rộng lý luận pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

2. Một số cơ sở lý luận về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

2.1.  Khái quát về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo ước tính toàn cầu của ILO trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng NLĐ di cư ra nước ngoài đã tăng từ 164 triệu lên 169 triệu người. Điều này cho thấy, trong năm 2019, lao động di cư ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu, khiến họ trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế thế giới.[i]

   Riêng tại Việt Nam, trước năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 người ra nước ngoài làm việc, chiếm từ 7 đến 10% tổng số việc làm giải quyết hàng năm cho NLĐ Việt Nam.

2.2. Khái niệm người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Các văn bản pháp luật quốc tế không sử dụng thuật ngữ “lao động nước ngoài” mà chỉ sử dụng thuật ngữ pháp lý tương đương là “lao động di trú”. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khái niệm lao động di trú là, một người di trú từ một nước này sang một nước khác với mục đích làm việc. Dấu hiệu nhận biết lao động di trú ở đây dựa trên những khác biệt về lãnh thổ, biên giới quốc gia, là việc di chuyển của NLĐ từ quốc gia mà họ mang quốc tịch, sang quốc gia họ không mang quốc tịch.[ii]

Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những NLĐ di trú và các thành viên gia đình họ, năm 1990 (ICRMW) được coi là công ước quốc tế toàn diện nhất về quyền của người lao động di trú. ICRMW đã xác định thuật ngữ: “Lao động di trú” để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân.[iii]

2.3. Đặc điểm hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong và kỷ luật làm việc tiên tiến cho NLĐ, qua các hình thức NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Điều 5 Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020. Hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về hoạt động:

- Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong làm việc tiên tiến cho NLĐ.

- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tham gia vào việc mở thị trường, tìm đối tác, hợp đồng để tạo điều kiện cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.[iv]

Thứ hai, hình thức:

Hợp đồng đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

3. Pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trong văn bản pháp luật Việt Nam, thuật ngữ: NLĐ đi làm việc ở nước ngoài” được sử dụng chính thức lần đầu tiên trong Nghị định số 370/HĐBT ngày 09/11/1991, ban hành quy chế về đưa NLĐ Việt Nam (NLĐVN) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đây cũng là văn bản pháp luật quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi cơ chế điều chỉnh bằng pháp luật trong lĩnh vực này. Sau đó, Bộ luật Lao động năm 1994 được ban hành đã sử dụng thuật ngữ: “NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” và được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật nước ta từ những năm 1990. Theo đó, XKLĐ là nhu cầu tìm việc làm chính đáng của NLĐ tại nước ngoài nhằm giúp cải thiện việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống cá nhân cũng như gia đình.

4. Tình hình người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Từ năm 2016 - 2020, Việt Nam đã đưa trên 600 nghìn lao động đi làm việc ờ nước ngoài theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia khác nhau, khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ lao động phổ thông đến lao động kỹ thuật và chuyên gia.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động nước ngoài và số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện pháp luật về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc nước ngoài có thay đổi lớn sau đại dịch Covid-19 cụ thể như sau: năm 2021, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45 nghìn lao động, đạt 57,3% so với năm 2020. Đầu năm 2022, tuy dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với xu hướng mở cửa và phục hồi kinh tế toàn cầu, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022 là 51.677 người. Trong đó, thị trường Nhật Bản tiếp nhận (32.053), Đài Loan (15.633), Hàn Quốc (1.209).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm năm 2022.[v]

5. Một số kết quả đạt được trong việc tổ chức lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Về công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, đáng chú ý, từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013 lên 82.700 thực tập sinh năm 2019 (trước Covid-19), tăng hơn 8 lần. Riêng năm 2022, có gần 68.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Cùng với những kết quả đạt được, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ, quản lý nhà nước còn phân tán, chồng chéo, một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ.[vi]

Bên cạnh đó, công tác quản lý và bảo hộ đối với lao động Việt Nam tại các nước còn nhiều bất cập, năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và cạnh tranh không lành mạnh[vii]. Vẫn còn tình trạng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước.

Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, doanh nghiệp được hạch toán khoản đóng góp này vào chi phí hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp và NLĐ cũng phải đóng góp vào quỹ này trước khi xuất cảnh, nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với NLĐ và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và NLĐ.[viii]

6. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc tổ chức cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế.

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng chiến lược, kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài, không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với người nước ngoài để giảm chi phí cho lao động, trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành quyết định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Chưa chấn chỉnh công tác điều hành Quỹ Hỗ trợ việc làm nước ngoài, trong thời gian dài không kiện toàn bộ máy quản lý Quỹ, chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ.

Cục Cục Quản lý lao động nước ngoài không tổ chức thực hiện quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số, không tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết hàng năm về hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tham mưu Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép, đổi Giấy phép hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép, hoạt động không hiệu quả trong việc đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức bộ máy, nhân sự không đáp ứng yêu cầu, chưa có quy trình thẩm định hồ sơ, cơ chế giám sát thủ tục cấp giấy phép, thời gian cấp phép kéo dài ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Ngoài ra còn để xảy ra hiện tượng NLĐ tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả... sang một số nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, các nước Đông Âu làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp.[ix]

7. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Thứ nhất, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, chính sách của nước tiếp nhận; thực hiện tuyên truyền và giáo dục chuyên biệt hơn về ý thức thực hiện pháp luật lao động, đồng thời, tập trung vào quyền và nghĩa vụ của NLĐ.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, NLĐ và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng, chính sách, pháp luật của công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW.

Thứ ba, tăng cường phối hợp tuyên truyền với các doanh nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề cho NLĐ chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ, chính xác, thống nhất từ cấp xã đến trung ương, liên kết cơ sở dữ liệu giữa các ngành liên quan. Cập nhật thông tin về số lao động di cư hàng năm, thời gian di chuyển trong suốt quá trình làm việc ở nước ngoài. Theo dõi danh sách những cá nhân vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, bỏ trốn. Gắn đào tạo nghề nghiệp với văn hóa, phong tục, tập quán của các nước mà NLĐ Việt Nam đến làm việc nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nước tiếp nhận. Xây dựng chiến lược tái sử dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi trở về nước.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan đến hoạt động NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát NLĐ làm việc ở nước ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật.”

Thứ sáu, tăng cường cơ chế phối hợp với quốc gia tiếp nhận về việc bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế về hợp tác lao động.

8. Kết luận

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo bối cảnh quốc tế tiếp tục biến động khó lường, nảy sinh nhiều vấn đề mới, tạo ra cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức. Do vậy, việc phát triển kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa có vai trò quan trọng, là một trong những trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, cần phải được quán triệt sâu sắc cả về nhận thức và hành động. Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn chồng chéo. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật về Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng đến mối liên hệ mật thiết trong pháp luật, như: thỏa thuận hợp tác song phương về lao động giữa Việt Nam và các nước, hoàn thiện hiệp định, Việt Nam cần gia nhập một số công ước đa phương và lao động trong khuôn khổ ILO, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường năng lực cho các thiết chế bảo hộ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động di cư.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[i]  Khánh Linh  (2019). Châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/chau-au-tiep-nhan-so-luong-nguoi-di-cu-lon-nhat- 535562.html.

[ii] Hội Luật gia Việt Nam (2008). Những điều cần biết về người lao động di trú. Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

[iii] Khoản 1 Điều 2 Công ước quốc tế năm 1990. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-bao-ve-quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-tru-va-gia-dinh-ho-1990-275806.aspx

[iv] Quy định tại Điều 1 Nghị định số 141/2005/NĐ-CP. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-141-2005-ND-CP-quan-ly-lao-dong-Viet-Nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-5460.aspx

[v]  Tổ chức lao động quốc tế (2022). Khoảng trống về số liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2023/01/Data-gaps-report-vie-14h-30.12-web.pdf

[vi] Nhật Dương (2023). Kết quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/ket-qua-cac-chuong-trinh-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai.htm

[vii] Vân Anh (2020). Tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Truy cập tại: https://ttbc-hcm.gov.vn/tang-cuong-quan-ly-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-11995.html

[viii] Minh Anh (2022). Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ho-cong-dan-viet-nam-o-nuoc-ngoai-603194.html

[ix] Thanh tra Chính phủ (2021). Thông báo Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Truy cập tại: https://thanhtra.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/Content/thong-bao-ket-luan-thanh-tra-ve-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-linh-vuc-ua-nguoi-lao-ong-viet-nam-i-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-ong?6372082

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Minh Anh (2022). Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ho-cong-dan-viet-nam-o-nuoc-ngoai-603194.html
  2. Hội Luật gia Việt Nam (2008). Những điều cần biết về người lao động di trú. Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Khoản 1 Điều 2 Công ước quốc tế năm 1990. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-bao-ve-quyen-cua-nguoi-lao-dong-di-tru-va-gia-dinh-ho-1990-275806.aspx
  4. Thanh tra Chính phủ (2021). Thông báo Kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Truy cập tại: https://thanhtra.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/Content/thong-bao-ket-luan-thanh-tra-ve-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-linh-vuc-ua-nguoi-lao-ong-viet-nam-i-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-ong?6372082
  5. Nhật Dương (2023). Kết quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/ket-qua-cac-chuong-trinh-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai.htm.
  6. Vân Anh (2020). Tăng cường quản lý công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Truy cập tại: https://ttbc-hcm.gov.vn/tang-cuong-quan-ly-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-11995.html
  7. Tổ chức Lao động quốc tế (2022). Khoảng trống về số liệu trong thống kê lao động di cư quốc tế ở Việt Nam. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2023/01/Data-gaps-report-vie-14h-30.12-web.pdf
  8. Chính phủ (2005). Điều 1 Nghị định số 141/2005/NĐ-CP. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-141-2005-ND-CP-quan-ly-lao-dong-Viet-Nam-lam-viec-o-nuoc-ngoai-5460.aspx
  9. Khánh Linh (2019). Châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/chau-au-tiep-nhan-so-luong-nguoi-di-cu-lon-nhat- 535562.html.

 

Vietnamese regulations on sending workers abroad

to work under limited-term employment

Nguyen Thi My Lien

University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

The complicated development of the COVID-19 pandemic in the last two years had forced most countries to suspend immigration processes. Many migrant Vietnamese workers were not able to enter other countries due to restricted movement requirements during and after the pandemic. Such a situation has raised a need for improving the Vietnamese legal system for sending employees abroad under fixed-term labor contracts. This paper analyzed the shortcomings and limitations of Vietnamese regulations on labor exports to support Vietnam’s economic growth sustainably after the COVID-19 pandemic.

Keywords: employee, limited-term employment, abroad, labor export.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2023]