Phát hiện và xử phạt một số cây xăng mini hoạt động không phép

theo quy định, các hành vi bán xăng, dầu qua các cột bơm mi ni, trụ bơm lắc tay, can, chai, hay bán qua các trụ bơm xăng dầu tự động, cột bơm di động (gọi tắt là cây xăng mi ni) không được thẩm quyền cấp phép, đều bị xử phạt và tịch thu tang vật vi phạm.

Để ngăn ngừa các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép trên địa bàn, UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tự phát, đặc biệt là các cây xăng mi ni, qua đó xử lý nghiêm các hộ kinh doanh này.

Cụ thể, sau một thời gian rà soát, đoàn kiểm tra liên ngành, đứng đầu là Đội Quản lý thị trường số 24 - Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội), đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc, với các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá là xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán xăng dầu qua trụ bơm xăng dầu tự động, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không có kiểm định đo lường chất lượng.

Tại đây các hộ kinh doanh khai nhận, mở bán để kiếm thêm thu nhập nên đều không có hiểu biết về việc kinh doanh cây xăng mi ni chưa đảm bảo các quy định, không được cấp phép là sai quy định của Nhà nước, gây nguy hiểm cháy, nổ cao, đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền là 34 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, đồng thời tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật về kinh doanh xăng, dầu với người dân trên địa bàn, để người dân nắm bắt được thông tin và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Qua đó, khuyến cáo người dân chỉ nên mua xăng, dầu ở những đại lý bán lẻ đã được cấp giấy phép.

Như được biết, theo quy định, các hành vi bán xăng, dầu qua các cột bơm mi ni, trụ bơm lắc tay, can, chai, hay bán qua các trụ bơm xăng dầu tự động, cột bơm di động
(gọi tắt là cây xăng mi ni) không được thẩm quyền cấp phép, đều bị xử phạt và tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm này. Quy định xử phạt của hành vi này được quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

PT