TÓM TẮT:

Dân chủ ngày nay đã trở thành khẩu ngữ hàng ngày trong đời sống chính trị - xã hội trên toàn thế giới. Bài viết nhằm nghiên cứu lý luận về dân chủ có ý nghĩa to lớn trong việc vạch ra con đường hướng tới tương lai tươi sáng hơn của cả loài người và góp phần vào cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và thiết lập trật tự, bình đẳng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Từ khóa: dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa, văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

1. Đặt vấn đề

Kể từ khi chính thức phát động đổi mới, đất nước ta đã trải qua một bước tiến dài, thu được những thành tựu phát triển hết sức rực rỡ, tạo được vị thế mới trên trường quốc tế, trong đó bao hàm cả những bước tiến quan trọng về dân chủ. Những thành tựu đó được mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ghi nhận và cả thế giới công nhận, đánh giá cao.

2. Quan niệm về dân chủ xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Bàn về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng đó là vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các chính đảng của giai cấp vô sản có nhiệm vụ đưa vào phong trào công nhân tự phát những tư tưởng xã hội chủ nghĩa, những lý tưởng này phải đạt tới trình độ khoa học hiện đại, gắn phong trào đó với cuộc đấu tranh chính trị có hệ thống cho nền dân chủ, coi đó là phương tiện để thực hiện chủ nghĩa xã hội. Các quyền tự do dân chủ trong điều kiện dân chủ tư sản chưa giải phóng được công nhân và lao động khỏi cảnh bần cùng, nhưng nó đem lại cho họ thứ vũ khí để đấu tranh chống lại cảnh bần cùng. Cách mạng dân chủ càng được thực hiện đầy đủ bao nhiêu thì cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản càng diễn ra sớm, rộng lớn, rõ rệt và kiên quyết bấy nhiêu. Đấu tranh cho dân chủ ở những mức độ và tính chất nào cũng nằm trong mục tiêu chung của tiến trình giải phóng giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản khỏi chế độ áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản chính là quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. “Bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”[1]. Giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị có nghĩa là giai cấp vô sản trở thành giai cấp làm chủ xã hội, thực hiện quyền làm chủ của đa số dân cư trong xã hội. Theo C.Mác và Ph. Ăngghen, dân chủ là một hình thức nhà nước và hơn thế nữa còn là một chế độ xã hội. Không thể có một chế độ dân chủ chung chung mà chỉ có chế độ dân chủ có tính giai cấp, cũng như nhà nước luôn có tính giai cấp. Thích ứng với chế độ dân chủ là một kiểu nhà nước dân chủ và ngược lại. Khi giai cấp và nhà nước thay đổi thì tính chất của dân chủ cũng thay đổi, khi giai cấp và nhà nước không còn dân chủ với tính cách là một hình thức nhà nước cũng không còn.

Lênin, người kế thừa Mác và Ăngghen, cho rằng: “Không có con đường nào khác dẫn đến chủ nghĩa xã hội, ngoài cách kinh qua chế độ dân chủ, qua tự do chính trị”[2]. Đấu tranh cho dân chủ trở thành bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cho chủ nghĩa xã hội. “Không có chế độ dân chủ thì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được theo hai ý nghĩa sau đây: 1) Giai cấp vô sản không thể hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nếu họ không được chuẩn bị cho cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho chế độ dân chủ; 2) Chủ nghĩa xã hội chính thắng sẽ không giữ được thắng lợi của mình và sẽ không dẫn được nhân loại đi đến chỗ thủ tiêu nhà nước, nếu không thực hiện được đầy đủ chế độ dân chủ”[3].

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề dân chủ. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người đã xác định đấu tranh cho dân chủ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa dân là chủ, dân làm chủ. “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân,... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[4]. Dân chủ và thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu và động lực của cách mạng, mà còn là phương thức, phương pháp và là chìa khóa giải quyết hết thảy mọi vấn đề. Để có dân chủ, trước hết “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”[5], còn ngoài xã hội thì “việc gì cũng hỏi dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc”, “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”[6]. Dân chủ là dựa vào lực lượng của quần chúng, là đúng đường lối của quần chúng. Theo Người, dân chủ là “của báu”, không phải là tự nhiên mà có, mà phải là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhân dân mới giành được. Chỉ có dân chủ mới tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân phát huy sáng kiến, mới giải phóng được những tiềm năng sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực cho sự phát triển và tiến bộ của đất nước. Dân chủ là của quý nhất của nhân dân, còn chuyên chính là cái khóa, cái cửa là để phòng kẻ phá hoại, lấy đi của quý nhất ấy.

Kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã có những bước phát triển về phương diện nhận thức, đó là sự phát triển được ghi nhận trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước. Điều này được thể hiện rất rõ vào thời điểm cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Các nước này bước vào giai đoạn chuyển đổi chế độ. Về mặt chính trị, các nước này đều thực hiện xây dựng nền dân chủ theo kiểu phương Tây: thay đổi hiến pháp, thừa nhận đa nguyên, đa đảng, từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng nhà nước theo mô hình Nghị viện hoặc Tổng thống với nguyên tắc ta, quyền phân lập, kiềm chế đối trọng,... Đứng trước bối cảnh đó, Đảng ta vẫn kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lênin, một lần nữa Đảng ta khẳng định: Không có dân chủ chung chung mà cần phân biệt dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ cho đông đảo nhân dân, trước hết là giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đội tiền phong của giai cấp công nhân. Do vậy, mở rộng dân chủ phải là đưa dân chủ đến cho từng người dân, là người dân phải thực hiện được những quyền làm chủ của mình.

3. Thực hành phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; tư duy lý luận của Đảng ta, vấn đề không dừng lại ở quan niệm về dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà điều quan trọng hơn là tiếp tục thực hành, phát huy dân chủ, nghĩa là phải tạo được bước chuyển căn bản từ nhận thức đến hành động. Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội thực sự dân chủ, Đại hội XII xác định rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”[7]. Phương thức, cơ chế thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, mà trọng tâm là “thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, như văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra. Dưới nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân dân là chủ thể của quyền lực, là người thực hiện quyền lực; đa số nhân dân lao động có quyền và được bảo đảm các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Trong việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải bảo đảm cho nhân dân tham gia đông đảo vào việc tổ chức, lập ra bộ máy nhà nước, vào việc quản lý các công việc của Nhà nước, quyết định các công việc trọng đại của đất nước; đồng thời, có cơ chế bảo đảm cho nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức và cá nhân khác được trao những quyền hạn nhất định để quản lý một số công việc của Nhà nước. Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người.

Cương lĩnh năm 2011 khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được luật pháp bảo đảm” [8]. Đây là những quan điểm được tổng kết, có tính khái quát cao về dân chủ, khẳng định bản chất của chế độ xã hội ta là “dân chủ” và “nhân dân làm chủ”, trở thành một trong tám đặc trưng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Kế thừa những tư tưởng dân chủ đó, trải qua các kỳ Đại hội, quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước được quan tâm. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục phát triển nhận thức về dân chủ với tầm cao hơn, toàn diện hơn, đi vào thực chất hơn. Xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để tiến đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thực chất là để đạt tới mục tiêu xây dựng nước dân chủ. Chỉ khi nào giành được độc lập, xây dựng và phát triển đầy đủ chế độ dân chủ thì người dân mới thực sự ở vào vị thế người chủ và làm chủ, được hưởng quyền tự do dân chủ để phát triển toàn diện nhân cách. Dân chủ, với ý nghĩa tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ và làm chủ Nhà nước và xã hội, chính là mục tiêu của sự phát triển.

Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới, vấn đề này lại một lần nữa được Đại hội XIII bổ sung và làm rõ hơn, như:

- Bổ sung nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, như thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Làm tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

- Xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” để thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ. Bộ máy phải được tổ chức gọn nhẹ, rõ về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận, dễ đối thoại, dễ kiểm tra, giám sát; huy động được tài năng, trí tuệ, sáng tạo của người dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính quyền, lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Mở rộng đối thoại giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, tăng cường trách nhiệm giải trình và lắng nghe nhân dân. Tăng cường dân chủ ở cơ sở, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc của Nhà nước một cách thiết thực, phù hợp. Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của mình trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phát huy dân chủ; vừa vận động, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên của mình thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, vừa tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Động viên đội ngũ nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Tập hợp kịp thời các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên, của cử tri để phản ánh cho Đảng, Nhà nước xem xét lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Tham gia việc phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài, thật sự xứng đáng làm đại biểu nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường chức năng giám sát có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong tình hình hiện nay cần tăng cường giám sát việc lãnh đạo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với chính quyền các cấp. Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức với nhân dân.

Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[9] và đường lối, chủ trương của Đảng, chính trị, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước tiến mở rộng dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, đưa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào cuộc sống ở cơ sở. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên; không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức; góp phần đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân.

Phản biện xã hội mang lại kết quả tích cực, phát huy và mở rộng dân chủ, là phương thức quan trọng để đạt đồng thuận xã hội. Tạo dựng thói quen thảo luận và bảo đảm quyền tự do ngôn luận để khích lệ cá nhân, các tổ chức tham gia thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân bao hàm hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần tiếp tục hoàn thiện hơn các quy định về quyền giám sát của nhân dân, cơ chế pháp lý bảo đảm cho nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước.

Có thể nói, từ việc xác định đúng đắn tầm quan trọng của dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự tiếp tục khẳng định những bước tiến trong nhận thức lý luận và thực hành dân chủ ở Việt Nam. Bảo đảm dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong Đảng. Đó cũng là cách để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập (1995). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.626.

[2] V.I.Lênin: Toàn tập (1979).  Nxb Tiến bộ, Mátxcova, t.12, tr. 52.

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.30, tr.167.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2009).  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.698.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 497.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 294,297.

[7]  Văn phòng Trung ương, Hà Nội (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 217

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.164.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.173.

 

PROMOTING THE SOCIALIST DEMOCRACY IN LIGHT

OF THE 13TH PARTY CONGRESS

Dr. TRAN THI HONG THUY

Faculty of Political Theory, Hanoi Law University

ABSTRACT:

Democracy has become a daily slogan in socio-political life around the world. This paper studies the theory of democracy which plays a great significance in orienting the way towards a brighter future of the whole human race, contributing to the successful struggle for peace, national independence, and national sovereignty, and establishing the order and equality in international relations, especially in the current context of globalization and international integration.

Keywords: democracy, socialist democracy, documents of the 13th Party Congress.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 11, tháng 5 năm 2022]