Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN trong kênh kinh tế

Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN như thế nào trong kênh kinh tế? Kết quả đạt được cho đến nay?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại  Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26

 

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế phức tạp cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần của năm Chủ tịch Asean 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Với vai trò chủ trì trong kênh kinh tế, Bộ Công Thương ngay từ đầu năm đã đặt ra và thực hiện các mục tiêu vừa duy trì các chương trình nghị sự đã có, vừa đưa ra các sáng kiến để đối phó với các thách thức mới.

Thứ nhất, để xác định phương hướng hợp tác kinh tế lâu dài trong ASEAN, Việt Nam đã đề ra mục tiêu và thúc đẩy các nước ASEAN cùng nhau thực hiện sớm việc đánh giá toàn diện giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Trong đó, các lĩnh vực Việt Nam đề nghị các nước ưu tiên tập trung rà soát như các biện pháp phi thuế, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư v.v… đều nhận được sự ủng hộ cao của tất cả các nước ASEAN.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam cũng tích cực đưa ra các đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách trong ASEAN ngay từ khi đại dịch bùng phát.

Tiếp theo việc thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19 do Việt Nam đề xuất vào tháng 3/2020 tại Đà Nẵng, các nước ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày 4 tháng 6 năm 2020.

Tiếp tục phát huy vai trò chủ động trên, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc thông qua các sáng kiến khu vực khác như trong khuôn khổ ASEAN Cộng Ba (cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như giữa ASEAN với từng đối tác này.

Ngay tại chuỗi Hội nghị AEM 52 lần này, “Kế hoạch hành động ASEAN Cộng Ba về giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch Covid-19” và “Sáng kiến chung của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19” cũng được Bộ trưởng Kinh tế các nước thông qua.

Đây là các đối tác có quan hệ thương mại – đầu tư vô cùng chặt chẽ và có mối gắn kết trong chuỗi cung ứng khu vực.

Các sáng kiến này được Việt Nam thúc đẩy đưa ra rất kịp thời nhằm duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thứ ba, riêng trong hợp tác kinh tế, doanh nghiệp luôn đóng vai trò trọng tâm trong các chương trình hợp tác.

Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy các cam kết duy trì mở cửa thị trường, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các sáng kiến này đều đưa ra các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cụ thể như việc Việt Nam sớm áp dụng việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử từ cuối năm 2019 đã giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy các chương trình thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN với kết quả cụ thể là phần lớn các nước ASEAN đã chấp nhận chứng nhận xuất xứ của nhau khi dịch COVID-19 xảy ra.

Hay việc Việt Nam sớm tham gia thực hiện thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN cũng chính là tiền đề cho cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong toàn bộ khối ASEAN được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 20 tháng 9 năm 2020.

Ngoài ra, để thúc đẩy cơ chế trao đổi công tư trong bối cảnh dịch Covid-19, tại Hội nghị tham vấn trực tuyến giữa Bộ trưởng kinh tế ASEAN với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN bên lề Hội nghị AEM 52 tổ chức tháng 8 năm 2020, Việt Nam đã đề nghị các nước ASEAN cùng xem xét và thảo luận về một cơ chế trao đổi công – tư để khu vực tư nhân có thể trực tiếp tham vấn, đưa ra khuyến nghị về các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch.

Thứ tư, một trong các nội dung ta thúc đẩy là hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành. Ví dụ như ưu tiên được Việt Nam đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 về việc thúc đẩy thương mại điện tử thông qua việc  “Xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN” đã sớm được các nước ASEAN thông qua, mở đường cho nhiều chương trình hợp tác để cùng phát triển trong tương lai.

Chỉ số này sẽ giúp các nước ASEAN theo dõi và nâng cao hiệu quả của công tác hội nhập số trong ASEAN từ đó thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong khu vực.

Cuối cùng, đối với các chương trình hợp tác ngoại khối, ta cũng thúc đẩy để ASEAN có tiếng nói mạnh hơn đối với các vẫn đề phát sinh trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Chúng ta đã cũng các đối tác như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc cùng thảo luận về tương lai của hệ thống thương mại đa biên; cùng Vương Quốc Anh thảo luận về khuôn khổ hợp tác sau khi Anh rời EU, kết quả là Hiệp định UKVFTA đã được ký kết và có hiệu lực từ 31/12/2020.

Đông Triều