Phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa

ThS. NGỌ TUYẾT TRINH (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Điều kiện thiên nhiên của Thanh Hóa luôn được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, bờ biển đẹp và những con người chất phác, chân thành. Chính những điều kiện đó đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Bài báo trình bày một số khái niệm, tiềm năng để phát triển du lịch, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.

Từ khóa: du lịch, du lịch tỉnh Thanh Hóa, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Phát triển bền vững du lịch là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia. Phát triển du lịch (PTDL) góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế liên quan, thúc đẩy giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa các nước, các dân tộc. Trong xu thế hội nhập của nước ta hiện nay, nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng, PTDL vừa đáp ứng nhu cầu của khách, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hóa với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, là cửa ngõ kết nối Bắc Bộ và Trung Bộ, với hệ thống tuyến đường Quốc lộ 1 và Đường mòn Hồ Chí Minh, có mạng lưới giao thông thuận lợi, gần với các thị trường du lịch lớn như Hà Nội. Thanh Hóa là một trong những địa phương tập trung phát triển cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, cùng với đó là quy hoạch đến năm 2025 sân bay Nghi Xuân trở thành Cảng Hàng không quốc tế Nghi Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa PTDL, thu hút được lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày một nhiều hơn.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Các khái niệm cơ bản

2.1.1. Khái niệm về du lịch

Tác giả Hunziker cho rằng: Du lịch là tập hợp các mối quan hệ, hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không thành cư trú thường xuyên và không liên quan đến hoạt động kiếm lời [7].

Theo các tác giả Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa đưa ra khái niệm về du lịch: Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, thăm quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước (địa phương) làm du lịch và bản thân doanh nghiệp" [1].

Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. [3].

Như vậy, về cơ bản các khái niệm tuy không trùng khớp nhau, nhưng khá đồng thuận. Du lịch là các hoạt động tổ chức, quản lý và thực hiện của 4 nhóm đối tượng bao gồm: du khách, nhà cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách, dân cư nơi du khách đến và chính quyền nơi đón du khách. Trong đó, du khách là những người thực hiện chuyến đi ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí,… hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

2.1.2. Du lịch bền vững

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hiệp quốc (UNWTO) đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững bao gồm tất cả các loại hình du lịch, cả du lịch quy mô lớn và những loại hình du lịch quy mô nhỏ. Nguyên tắc của sự bền vững trong du lịch là đề cập đến các yếu tố, khía cạnh về môi trường, kinh tế và văn hóa - xã hội của PTDL và sự cân bằng giữa 3 yếu tố này cần được thiết lập nhằm đảm bảo mục tiêu bền vững dài hạn” [5].

Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017: Du lịch bền vững là sự PTDL đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai [3].

Như vậy, du lịch bền vững là thực hiện các hoạt động du lịch, đáp ứng được nhu cầu hiện tại của các bên liên quan đến du lịch mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về PTDL của tương lai.

2.1.3. PTDL bền vững

Đối với PTDL bền vững (Sustainable Tourism) được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) định nghĩa: Sự phát triển bền vững của ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và của địa phương du lịch, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy cơ hội phát triển cho tương lai. Sự quản lý của ngành phải cân bằng và đáp ứng được nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ mà vẫn duy trì được các giá trị của sinh thái, văn hóa và môi sinh [4].

Theo tác giả Phạm Trung Lương: PTDL bền vững là một hoạt động khai thác một cách có quản lí các giá trị tự nhiên và nhân văn, nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến lợi ích kinh tế dài hạn, trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương [2].

Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa: PTDL bền vững là sự PTDL đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Tổng hợp các khái niệm trên,thấy rằng: Phát triển bền vững du lịch là sự PTDL, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia hoạt động du lịch ở hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển về du lịch trong tương lai.

2.2. Tiềm năng để PTDL của tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Thanh Hóa hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hóa với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, trong đó có 851 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Điển hình như như Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, di tích Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích lịch sử Hàm Rồng,... Song hành với các di tích lịch sử, văn hóa, Thanh Hóa còn có một nguồn tài nguyên rất quý giá, đó là vốn văn hóa phi vật thể gồm các điệu hò, các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán,... tồn tại và phát triển ở các địa phương phong phú và đặc sắc.

Thanh Hóa có hơn 100 km bờ biển đẹp và thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng, như: bãi biển Sầm Sơn, khu bờ biển xã Hải Hòa, Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa),... Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như: hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó suối cá thần Cẩm Lương là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”. Cùng với đó, Thanh Hóa còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa không những có giá trị đặc trưng, mà còn phong phú về số lượng và thể loại. 

Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thu hút đầu tư PTDL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, khai thác.

Công tác kiểm soát giá, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được tăng cường; chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực, diện mạo và vị thế du lịch của Thanh Hóa được nâng cao, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2021, ngành Du lịch đón 42,58 triệu lượt khách, vượt 0,7% kế hoạch (khách quốc tế 1,28 triệu lượt người, vượt 1,6% kế hoạch); tổng doanh thu đạt 59.946 tỷ đồng, vượt 0,2% kế hoạch [6].

Nổi bật là năm 2019, ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa đón được 9.655.000 lượt khách, tăng 17,0% so với năm 2018, đạt 101,6% kế hoạch năm 2019. Tổng thu du lịch đạt 14.526 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018; phục vụ 17.905.000 ngày khách, tăng 19,2% so với năm 2018.

Năm 2020, toàn tỉnh đón được 7.341.000 lượt khách (giảm 24% so với năm 2019), đạt 65,5% kế hoạch. Tổng thu đạt 10.394 tỷ đồng (giảm 28% so với năm 2019), đạt 50,7% kế hoạch.

Trong năm 2021, Thanh Hóa đón được 3.422.000 lượt khách (giảm 53,4% so với năm 2020), đạt 28,8% kế hoạch năm 2021. Tổng thu đạt 5.006 tỷ đồng (giảm 51,8% so với năm 2020), đạt 21,9% kế hoạch, trong đó doanh thu lưu trú đạt 892,2 tỷ đồng.

Với những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

2.3. Các giải pháp PTDL bền vững của tỉnh Thanh Hóa

2.3.1. Nhóm giải pháp PTDL bền vững về kinh tế

Thứ nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa cần ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển cho ngành du lịch toàn tỉnh. Cụ thể, cần có cơ chế đặc thù về đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật lớn, công trình du lịch trọng điểm; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng cổ, làng nghề; thu hút đầu tư PTDL từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chú trọng đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động du lịch.

Thứ hai, phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Với tiềm năng sẵn có, Thanh Hóa có thế mạnh trong PTDL biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch sinh thái – cộng đồng,… Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có hệ thống các làng nghề truyền thống nổi tiếng, như: nghề chạm khắc đá ở làng An Hoạch, nghề rèn Tất Tác, nghề dệt gai của người Thổ, nghề làm tương ở Thọ Xuân,… Đây cũng chính là cơ sở cho phát triển loại hình du lịch làng nghề đang ngày càng được ưa chuộng hiện nay. Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, liên kết với các địa phương lân cận cũng là một cách thức để hình thành mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú hơn. Đồng thời, Thanh Hóa cũng cần đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, bởi đây là yếu tố giữ vai trò quyết định đối với việc mở rộng quy mô khách du lịch hằng năm.

Thứ ba, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn bộ cán bộ, nhân viên trong ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, cũng cần có chính sách, kế hoạch đào tạo mới và tuyển dụng đội ngũ cán bộ có năng lực cho công tác quản lý và điều hành hoạt động du lịch dưới hình thức chính quy, trong nước và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu lâu dài của ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Thường xuyên tổ chức, xây dựng các chương trình giáo dục, nâng cao hiểu biết về du lịch, cách ứng xử với du khách và bảo vệ môi trường. Việc tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch.

Thứ tư, tăng cường đầu tư PTDL. Trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chắp vá, không đồng bộ, không đúng mục đích, dẫn đến lãng phí vốn đầu tư và hiệu quả không cao. Đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư, xác định rõ chức năng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, xúc tiến đầu tư.

Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch và mở rộng thị trường.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức linh hoạt, hấp dẫn, hiệu quả, chuyển tải nhiều nhất thông tin về du lịch tỉnh Thanh Hóa đến với thị trường khách trong và ngoài nước.

Phát hành các ấn phẩm có chất lượng và chính xác về khu du lịch để giới thiệu với khách du lịch về con người, cảnh quan, tài nguyên du lịch cũng như các thông tin cần thiết khác cho khách (điểm lưu trú, các nhà hàng, hệ thống vui chơi giải trí, giá cả sinh hoạt, đi lại, ăn uống,,…) và địa chỉ các điểm tư vấn cung cấp thông tin cho khách du lịch.

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh du lịch. Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh khu du lịch, chương trình du lịch qua hệ thống các website. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong quy trình phục vụ khách du lịch, nghiên cứu chiến lược thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, từng bước “hiện đại hóa” ngành Du lịch.

Thứ bảy, phát triển bền vững về tài nguyên - môi trường.

Thực hiện việc nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá một cách có hệ thống để đề xuất một hệ thống quản lý bền vững. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch để đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội, môi trường, thẩm mỹ nhưng vẫn duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm được đa dạng sinh học, các quá trình sinh thái cơ bản trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và PTDL.

2.3.2. Nhóm giải pháp PTDL bền vững về xã hội

Thứ nhất, Xã hội hóa PTDL. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự PTDL luôn nằm trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực các ngành kinh tế khác, vì thế, du lịch đã được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, trong giai đoạn tới, cần xã hội hóa du lịch một cách toàn diện và đúng đắn, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức về ngành Du lịch trong các cấp, các ngành, động viên mọi thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia PTDL.

Thứ hai, Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về PTDL bền vững. Lồng ghép việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về PTDL vào các chương trình dự án như: bảo tồn sinh thái phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các công tác giáo dục pháp luật nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về PTDL bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương; khuyến khích hỗ trợ vật chất đối với công tác nâng cao nhận thức về PTDL bền vững; nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, đầu tư cho chương trình đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về PTDL bền vững.

Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục, hướng dẫn du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa riêng.

Giáo dục du lịch, thu hút cộng đồng vào các hoạt động du lịch là mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và giải pháp thành công PTDL. Du lịch biển thuộc loại du lịch tự nhiên, nhưng ý thức, thái độ cộng đồng về bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này cần được tuyên truyền, giáo dục tốt hơn để người dân địa phương cũng như du khách nâng cao ý thức của mình, góp phần PTDL bền vững của tỉnh Thanh Hóa.

3. Kết luận

Phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa nhằm phát huy được thế mạnh, tăng đóng góp vào GDP của tỉnh, giữ gìn bản sắc dân tộc nét đẹp của người xứ Thanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, đang là yêu cầu cấp thiết và tất yếu khách quan. Để phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa, cần có những nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền cũng như sự quyết tâm của toàn bộ nhân dân trong tỉnh, hy vọng du lịch tỉnh Thanh Hóa sẽ ngày càng phát triển và đạt được mục tiêu đã đề ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hương Giang (2016). Kết nối du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa -Thiên Huế. Truy cập tại: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich.
  2. Phạm Trung Lương (2002). Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Đề tài NCKH cấp Nhà nước, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Hà Nội.
  3. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Du lịch. Luật số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017, Hà Nội.
  4. Dương Văn Sáu (2015). Phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh khủng hoảng tài chính công và suy thoái kinh tế ở châu Âu hiện nay? Truy cập tại: http://huc.edu.vn.
  5. Hoàng Tuấn (2018). Bộ Ngoại giao Mỹ công bố: Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện. Truy cập tại: https://anninhthudo.vn/ https://anninhthudo.vn/bo-ngoai-giao-my-cong-bo-viet-nam-diem-den-an-toan-va-than-thien-post341416.antd.
  6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (2017).Quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
  7. Greg Richards. (2000). Tourism and sustainable community development. In W. Theobald, Global tourism: The next decade, 274-290. Oxford: Butterworth.

 

DEVELOPING THANH HOA PROVINCE’S TOURISM INDUSTRY SUSTAINABLY

   Master. NGO TUYET TRINH 

   Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Thanh Hoa Province is always considered the top travel destination for both domestic and international tourists thanks to its beautiful landscapes, historical and cultural relics and sincere local people. These features have strongly facilitated the development of provincial tourism industry. This paper presents some concepts and potential for tourism development, then proposing sustainable development solutions for Thanh Hoa Province’s tourism industry in the context of Vietnam’s current integration process.

Keywords: tourism, Thanh Hoa Province’s tourism industry, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]