Phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt, nhu cầu vốn giai đoạn khởi động 50.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ngày 09/10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển như: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, nông, lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, cảng cá, cảng biển, dịch vụ cảng biển, vận tải biển (nhất là sau khi có cảng Trần Đề); có tiềm năng phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…) đồng thời tỉnh Sóc Trăng là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh kết quả đạt được, mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng thời gian qua Sóc Trăng vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Trong khi đó, mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh là đến năm 2030, phấn đấu đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương trình phê duyệt các quy hoạch để kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, lưu ý cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

cảng Trần Đề
Phối cảnh Dự án bến cảng ngoài khơi - Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: tư liệu)

Nhu cầu vốn giai đoạn khởi động là 50.000 tỷ đồng

Thông tin tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề do Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức ngày 07/8/2023 cho biết, cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch Khu bến cảng Trần Đề là 5.400ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi là 1.400ha với cầu vượt biển dài 18km; bên cạnh đó là khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ… Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Dự kiến đến năm 2028 hoàn thành đầu tư 2 bến cảng tổng hợp, container và 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao). Năm 2030 hoàn thành đầu tư 4 bến cảng tổng hợp, container và 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao). Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30-35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm.

Sóc Trăng
Các chuyên gia đóng góp ý kiến về đầu tư cảng biển Trần Đề. (Ảnh: soctrang.gov.vn)

Tại Hội thảo trên, các chuyên gia cho rằng, cảng biển Trần Đề có nhiều lợi thế hơn so với các cảng khác trong khu vực. Cùng với hệ thống đường cao tốc, cảng biển Trần Đề sẽ thúc đẩy công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Tại khu vực ngoài khơi cảng biển Trần Đề, theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng Trần Đề là 8 tỉnh phía nam sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong, sẽ thu hút hàng khu vực Đông Nam Á trung chuyển từ Campuchia.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện để làm rõ 2 vấn đề cốt yếu là kết nối và nguồn hàng ổn định cho Dự án phát triển cảng Trần Đề. Phát triển các nền tảng số và phù hợp với các yêu cầu của hãng tàu. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển chuỗi các mặt hàng là điểm mạnh của khu vực…

Thanh Hà