Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ. Một số nước thậm chí còn ra luật về Chính phủ điện tử.

Bởi vì, Chính phủ điện tử là một chặng đường dài, liên tục, sau Chính phủ điện tử còn là Chính phủ số, không phải 1-2 năm, không phải 1-2 nhiệm kỳ.

Chính phủ điện tử phải luôn lấy người dân làm trung tâm. Cung cấp dịch vụ công cho người dân nhanh hơn, tiện ích hơn.

Người dân phản ánh, tham gia đóng góp vào hoạt động của chính quyền. Nếu không tập trung vào mục tiêu này thì Chính phủ điện tử có thể không hiệu quả và tốn kém.

Bộ trưởng cho rằng, cần có cơ quan điều phối thống nhất, nhất là khi Chính phủ điện tử được triển khai phân tán ở các bộ ngành và tỉnh thành.

Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh, cả kế hoạch, cả đầu tư, cả thực thi, để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, cần hài hoà giữa tập trung và phân tán. Những gì dùng chung được thì nên đầu tư tập trung, hoặc khuyến nghị dùng chung, trên nền tảng cloud. Các ứng dụng khác biệt thì nên phân tán.

Luôn dùng công nghệ mới nhất. Công nghệ số đang thay thế công nghệ thông tin. Các công nghệ mới của CMCN 4.0 cho phép cho phép chúng ta dùng nền tảng để làm đồng loạt, thay vì làm dần dần. Chính phủ điện tử vì vậy sẽ được đẩy nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.

Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá. Việt Nam là nước đi sau vì vậy phải đi nhanh, đi trước về công nghệ mới, không nhất thiết phải tuần tự.

Công nghệ mới, CMCN mới thì thường tạo ra sự đột phá trong phát triển. Chỉ có mục tiêu cao thì mới cần đến công nghệ mới, cách tiếp cận mới.

Theo Bộ trưởng, có 6 quan điểm cơ bản để phát triển Chính phủ số là:

 Thứ nhất, Chính phủ số là toàn bộ hoạt động của chính phủ an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển KT-XH;

Thứ hai, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ;

Thứ ba, dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.;

Thứ tư, nền tảng là giải pháp đột phá. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng ở mọi nơi.

Thứ năm, các nền tảng quy mô quốc gia phải được làm làm trước, làm tốt và làm tập trung;

Thứ sáu, thị trường trong nước nuôi dưỡng và phát triển các sản phẩm công nghệ số Make In Vietnam, từ đó vươn ra toàn cầu. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.