Phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút dòng vốn FDI ở Việt Nam hiện nay

ThS. HUỲNH VĂN KHẢI (Trường Đại học Công nghệ Đông Á)

TÓM TẮT:

Hiện nay, các ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất lắp ráp ôtô,... đang thiếu nguồn nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện trong nước để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta ngày càng gia tăng. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất, cũng như thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn nữa. Bài viết bàn về phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút dòng vốn đầu tư ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, dòng vốn FDI, Việt Nam.

1. Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam

1.1. Kết quả đạt được

Công nghiệp hỗ trợ được định nghĩa tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”. Công nghiệp hỗ trợ giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ và các văn bản chính sách liên quan được ban hành và thực thi đã giúp ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển và lớn mạnh, nhất là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam, như: dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản,...

Số lượng và chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 4.840 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Cụ thể, đối với ngành điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy đạt khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Với sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe tỷ lệ nội địa hóa đạt tỷ lệ tới 55%,...

Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Ngay cả trong 2 năm 2020- 2021, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện đầu vào; chuỗi cung ứng trong nước cũng bị gián đoạn bởi các chính sách, quy định về giãn cách, phòng chống dịch; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, trong khi số lượng đơn hàng lại giảm đáng kể, các quy định về hạn chế di chuyển quốc tế và trong nước cũng làm giảm cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng, khó dự đoán được xu hướng thị trường làm cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể lập kế hoạch dài hạn.

Tuy vậy, theo đánh giá của các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức, như: Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đánh giá năm 2021 vẫn có một số điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó ghi nhận xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nước thứ ba, giúp tăng thêm nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), có khoảng 5 - 10% doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí và khuôn nhựa đang là nhà cung cấp cấp I, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền mới, hoặc mở nhà máy mới trong 2 năm qua. Khảo sát của VASI cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng tốt cơ hội do dịch Covid-19 mang lại và cho rằng trong thời gian tới, họ sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều sẵn sàng nguồn lực và phương án tài chính để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020). Có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.  Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là nơi thu hút dòng vốn FDI, nên rất cần các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài.

1.2. Một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Bên cạnh các kết quả trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thu hút dòng vốn FDI thời gian qua, trong bối cảnh hội nhập và kinh tế toàn cầu đang vượt qua nhiều khó khăn, thách thức phục hồi sau đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp

hỗ trợ còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, như sau:

- Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

- Năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế qua việc tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn đạt mức thấp. Cụ thể: trong ngành Dệt may, hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40% - 45%; ngành Da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68% - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40% - 45%; ngành Điện tử tin học, viễn thông; Điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5%.

- Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước còn đơn giản, khả năng cung ứng còn thấp, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nhiều bất cập. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:

- Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sau khi khi trở thành đối tác cung ứng các chi tiết linh kiện cho doanh nghiệp FDI chủ yếu là mục tiêu lợi nhuận trước mắt, chưa nhìn về mục tiêu lâu dài. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước; liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nên chưa thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành mạng lưới các nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp.

- Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh. Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và thiếu sự chủ động về các vật liệu cơ bản.

- Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như: điện tử; dệt may; da giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô phụ thuộc vào nước ngoài,... nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... các ngành công nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.

- Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhà nước còn chậm triển khai; việc phối hợp thực hiện các chính sách giữa các bộ, ngành và địa phương còn chưa thống nhất, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Năng lực của đội ngũ cán bộ nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo, khả năng phân tích, dự báo, thống kê còn bất cập.

2. Một số giải pháp đề xuất

Để đạt khắc phục các hạn chế, tồn tại nêu trên, Chính phủ, các cơ quan chức năng ở địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Về phía Chính phủ

+ Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển;

+ Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài;

+ Các địa phương cần bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Quan tâm đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

+ Xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

+ Tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

- Về phía cộng đồng doanh nghiệp

+ Hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài;

+ Tuân thủ và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phụ trợ để tạo uy tín, chất lượng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp trong nước.

+ Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc tham gia các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015). Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
  2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
  3. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài các năm 2020, 2021.
  4. Thu Hòa (2021). Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh mới: Thành tựu và thách thức. Truy cập tại http://consosukien.vn/cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-trong-boi-canh-moi-tha-nh-tu-u-va-tha-ch-thu-c.htm
  5. An San (2022). Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt bão Covid, tận dụng hiệu quả làn sóng chuyển dịch sản xuất. Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-vuot-bao-covid-tan-dung-hieu-qua-lan-song-chuyen-dich-san-xuat.html
  6. Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng thu hút vốn FDI (2022). Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/dau-tu-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-de-tang-thu-hut-von-fdi.html
  7. Băng Tâm (2021). Cần trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục hồi sau dịch. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/can-tro-luc-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-phuc-hoi-sau-dich-102305300.htm

DEVELOPING THE SUPPORTING INDUSTRY

TO ATTRACT FDI INTO VIETNAM

Master. HUYNH VAN KHAI

East Asia University of Technology 

ABSTRACT:

Currently, Vietnam's major industries such as electronics, textiles, footwear, automobile manufacturing and assembly, etc. are facing the lack of domestic raw materials, spare parts and components. Therefore, these industries are heavily depending on imported raw materials with high costs. Meanwhile, Vietnam has experienced the rise of foreign direct investment (FDI). This situation requires Vietnam to have synchronous solutions for facilitating the development of supporting industries to serve domestic production and attract more FDI projects. This paper discusses the current development of the supporting industry to attract investment capital flows in Vietnam.

Keywords: supporting industries, FDI inflows, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]