Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng (bên trái) và Giám đốc PC Đắk Lắk Trần Văn Thuận (bên phải) khảo sát thực tế dự án điện mặt trời mái nhà tại trang trại nông nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng (bên trái) và Giám đốc PC Đắk Lắk Trần Văn Thuận (bên phải) khảo sát thực tế dự án điện mặt trời mái nhà tại trang trại nông nghiệp

Gần 3.000 dự án trong 10 tháng đầu năm

Báo cáo đoàn công tác Bộ Công Thương tại buổi làm việc ngày 28/10/2020, đại diện Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) cho biết, từ đầu năm đến 26/10/2020, trên địa bàn tỉnh có 2.764 dự án điện mặt trời mái nhà đi vào hoạt động, với công suất lắp đặt là 186,465 MWp.

Lũy kế đến nay, Đắk Lắk đã có 3.261 dự án điện mặt trời mái nhà đi vào hoạt động với công suất lắp đặt là 213,136 MWp, trong đó 86 dự án điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt gần 1 MWp đấu nối vào lưới trung áp; sản lượng điện mặt trời mái nhà đã phát lên lưới điện là 92,393 triệu kWh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.313 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 285,914 MWp đã được thỏa thuận đấu nối (chưa vận hành) và 23 dự án đang thực hiện thỏa thuận đấu nối với tổng công suất lắp đặt là 19,75MWp.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát triển 5.574 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 518,8 MWp, bao gồm dự án đã đi vào hoạt động, đã thỏa thuận đấu nối đang triển khai xây dựng và đang tiến hành thỏa thuận đấu nối.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương tại Đắk Lắk
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương tại Đắk Lắk

Số lượng khách hàng điện mặt trời mái nhà đã ký hợp đồng mua bán điện hệ thống điện mặt trời mái nhà là 3.032 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 143,257 kWp. Tổng số tiền mua điện mặt trời mái nhà đã thanh toán đạt 120.514,318 triệu đồng.

Hiện tại, PC Đắk Lắk đang tiếp tục triển khai ký hợp đồng mua bán điện hệ thống điện mặt trời mái nhà với 229 khách hàng với tổng công suất lắp đặt là 69.878,79 kWp, sản lượng điện mặt trời mái nhà đã phát lên lưới điện chưa được thanh toán tiền điện là 22,435 triệu kWh.

Với sự phát triển nhanh chóng này, Đắk Lắk hiện là địa phương dẫn đầu 13 tỉnh, thành thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) về số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chiếm khoảng 22% lượng khách hàng điện mặt trời mái nhà toàn Tổng Công ty.

PC Đắk Lắk cho biết, từ nay tới cuối năm, dự kiến Công ty sẽ cần thêm khoảng 1.500 công tơ 3 pha để lắp đặt mới cho các dự án điện mặt trời mái nhà, hy vọng EVNCPC có sự luân chuyển, bổ sung trong hệ thống để kịp thời phục vụ khách hàng.

Hình ảnh hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể dễ dàng tìm thấy trên các mái nhà tại tỉnh Đắk Lắk

Hình ảnh hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể dễ dàng tìm thấy trên các mái nhà tại tỉnh Đắk Lắk
Hình ảnh hệ thống pin năng lượng mặt trời có thể dễ dàng tìm thấy trên các mái nhà tại tỉnh Đắk Lắk

Tính toán phương án giải tỏa công suất

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Đắk Lắk còn rất lớn, trong khi bài toán giải tỏa công suất vẫn là nỗi lo. Đặc biệt, cơ chế giá FIT 2 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay càng khiến các chủ đầu tư “sốt sắng” hơn bởi mong muốn hưởng mức giá ưu đãi.

PC Đắk Lắk cho biết có tới 30 khách hàng đăng ký đầu tư nhưng phải từ chối thỏa thuận đấu nối do không đáp ứng được vấn đề giải tỏa, với tổng công suất là 30,1 MWp.

Hầu hết các trạm biến áp 110kV, 220kV và 35kV và lưới điện hạ áp trên địa bàn tỉnh đều đã hết tải, không còn khả năng giải tỏa công suất.

Do đó, PC Đắk Lắk đề nghị EVNCPC đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới đường dây và trạm biến áp đã có quy hoạch để sớm đưa vào vận hành trong năm 2020-2021 như đường dây và trạm 110kV Krông Năng; TBA 110kV Hòa Bình 2; đường dây 110kV Hòa Thuận - Hòa Bình 2; đường dây 110kV Krông Pắc - Krông Ana; TBA 220kV Krông Ana;…

Vấn đề được quan tâm hiện nay là giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời mái nhà tại Đắk Lắk
Vấn đề được quan tâm hiện nay là giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời mái nhà tại Đắk Lắk

Dù vậy, đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương lưu ý, hiện nay tổng công suất có thể giải tỏa mà PC Đắk Lắk đang dự tính đã bao gồm trường hợp các dự án lưới điện trên hoàn thành đúng tiến độ và đi vào vận hành theo kế hoạch. Song, nên tính đến tình huống các dự án có thể không đóng điện đúng thời gian này, sẽ dẫn đến quá tải hệ thống. Do đó, tổng công suất có thể giải tỏa chỉ nên tính toán ở mức 90% kế hoạch.

Ngoài ra, với việc phát triển nhanh điện mặt trời mái nhà sẽ dẫn đến trào lưu công suất lưới điện thay đổi liên tục gây khó khăn trong việc xây dựng phương thức vận hành, ngoài ra việc phát triển khối lượng quá lớn điện mặt trời mái nhà thay sẽ ảnh hưởng đến điện áp lưới điện trung hạ áp, gây khó khăn trong việc kiểm soát và điều khiển điện áp đúng theo tiêu chuẩn quy định. Đây là vấn đề phát sinh cần phải tính trong giai đoạn phát triển điện mặt trời mái nhà tiếp theo.

Đoàn công tác Bộ Công Thương cũng nêu rõ, tại Công văn 6948/EVN-KD của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành ngày 19/10/2020 hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, đã nhấn mạnh các hệ thống điện mặt trời đảm bảo đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên lưới điện hạ áp, trung áp và 110kV hiện hữu.

Trường hợp lưới điện hiện hữu không đảm bảo khả năng tiếp nhận công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà, Công ty Điện lực hoặc Điện lực cần đề nghị chủ đầu tư giảm quy mô lắp đặt hệ thống để có phương án phù hợp hoặc có văn bản thông báo cho chủ đầu tư về việc lưới điện bị quá tải và kế hoạch, tiến độ thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện (nếu có).

Bộ Công Thương kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời tại Đắk Lắk

Bám sát Quyết định 13 và các văn bản hướng dẫn

Tại buổi làm việc, đại diện một số chủ đầu tư cũng như PC Đắk Lắk đều chia sẻ những thắc mắc xung quanh hồ sơ thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà, đặc biệt liên quan đến quy trình, thủ tục giấy tờ xác nhận trang trại nông nghiệp, giấy phép xây dựng hay đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của công trình.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản số 7926/UBND-CN về việc phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh, trong đó giao trách nhiệm cho từng Sở, ngành địa phương, yêu cầu hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký đấu nối.

Đại diện các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Đắk Lắk chia sẻ một số kiến nghị tại buổi làm việc
Đại diện các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Đắk Lắk chia sẻ một số ý kiến tại buổi làm việc

Tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương và đoàn công tác Bộ Công Thương đều nêu rõ, cần bám sát những nội dung trong Quyết định của Chính phủ và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương cũng như EVN. Theo đó, đảm bảo thực hiện đúng quy định của các Bộ, ngành liên quan đã đưa ra, bao gồm cả các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, phòng cháy chữa cháy, an toàn môi trường,…

Các chủ đầu tư cần có cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo các quy định đó khi đăng ký thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà. Công ty Điện lực căn cứ vào cam kết của khách hàng để thực hiện thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện.

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo

Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng lưu ý thêm, Sở Công Thương và PC Đắk Lắk cũng như EVNCPC cần tiếp tục công khai thông tin các trạm biến áp, đường dây còn/không còn khả năng đấu nối điện mặt trời mái nhà để khách hàng biết chủ trương đầu tư dựa trên vấn đề giải tỏa công suất của lưới điện.

Đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến, phản ánh của Điện lực và khách hàng trong thực tiễn triển khai Quyết định 13 để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng giai đoạn tiếp theo.