Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Đề tài Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa do ThS. Phạm Đức Anh (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nêu thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới, tăng cường hiệu quả phát triển DNNVV tại địa phương này.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển, giải pháp, kinh doanh, xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển các DNNVV bởi hội tụ đầy đủ các yếu tố như: nguồn lao động, vị trí địa lí, các cơ chế chính sách phát triển DNNVV,… Theo số liệu được thống kê tính đến cuối năm 2021, số DNNVV tại Thanh Hóa chiếm đến trên 90% tổng số doanh nghiệp (DN), đóng góp lớn vào ngân sách và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều khó khăn đang bủa vây DN. Nếu không sớm tìm giải pháp gỡ khó, sẽ ảnh hưởng đến không chỉ “sức khỏe” của DN mà của cả nền kinh tế, cả trong ngắn lẫn dài hạn. Việc khôi phục nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm phát triển các DNNVV đang được coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hàng đầu đối với các cấp chính quyền, địa phương trên cả nước, trong đó có thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

2. Thực trạng phát triển DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn giai đoạn 2020 - 2022

2.1. Thực trạng công tác phát triển DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn

Trong giai đoạn 2020 - 2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã thực hiện nhiều chính sách, hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi để các DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có thể phát triển, cụ thể:

a. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức

Hiện nay, UBND thị xã Nghi Sơn đã hoàn thành việc chuẩn hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, công khai các thủ tục hành chính đã chuẩn hóa trên trang thông tin điện tử của thị xã và tại bộ phận Một cửa; Thường xuyên rà soát thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến DN, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.

b. Thực hiện các giải pháp chuyển đổi số và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 17/12/2020 về việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

c. Thực hiện hỗ trợ về mặt bằng, đất đai cho DNNVV

Bảng 1. Thực trạng hỗ trợ về mặt bằng, đất đai cho DNNVV

tại thị xã Nghi Sơn giai đoạn 2020-2022

STT

Nội dung

ĐVT

Năm

2020

2021

2022

1

Tổng số DNNVV/Dự án

DN/DA

110

123

101

2

Số DNNVV/Dự án được hỗ trợ

DN/DA

78

102

87

3

Tỷ lệ được hỗ trợ

%

77,78

82,92

86,13

Qua thống kê cho thấy, giai đoạn 2020-2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, tăng thuận lợi cho các DNNVV. (Bảng 1)

d. Chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn

Nhằm giúp các DNNVV có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong quá trình hoạt động, UBND thị xã Nghi Sơn đã thực hiện ban hành các quy định có liên quan đến hỗ trợ vốn cho các DN như hỗ trợ lãi suất vốn cho các kế hoạch vay vốn tại các tổ chức tín dụng; thành lập quỹ tín dụng cho DNNVV tại thị xã Nghi Sơn;… (Bảng 2)

Bảng 2. Số DNNVV/dự án trên địa bàn thị xã Nghi Sơn được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản và thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2022

STT

Nội dung

ĐVT

Năm

2020

2021

2022

1

Tổng số DNNVV

DN/DA

110

123

101

2

Số DNNVV được hỗ trợ

DN/DA

78

102

87

3

Tổng số vốn đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư

 

 

 

 

 

Theo kế hoạch

Tỷ đồng

 

 

1.208,388

 

Tỷ lệ giải ngân

Tỷ đồng

 

 

905,000

 

Tỷ lệ được hỗ trợ

%

 

 

74,90

                                                                 Nguồn: UBND thị xã Nghi Sơn

e. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập

Nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh có quy mô lớn, các cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, HĐND thị xã đã ban hành Nghị quyết số 327/NQ-HĐND ngày 24/10/2020 về việc thông qua cơ chế hỗ trợ kinh phí thành lập DN mới trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Theo đó, mỗi DN thành lập mới trên địa bàn thị xã từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2022 được ngân sách thị xã hỗ trợ 1.5 triệu đồng/DN.

2.2. Đánh giá kết quả phát triển doanh DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Hoạt động phát triển DNNVV tại thị xã Nghi Sơn trong giai đoạn 2020 - 2022 đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau: Một là, DNNVV hoạt động tại thị xã Nghi Sơn tăng nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình DN. Mặt khác, các DNNVV thị xã Nghi Sơn đóng góp không nhỏ vào GRDP của cả thị xã, giúp thị xã phát triển nhanh chóng. Hai là, các DNNVV được phân bố rộng khắp thị xã Nghi Sơn, do đó giúp thị xã Nghi Sơn có thể khai thác, tận dụng được triệt để nguồn lực từ mọi thành phần xã hội, thúc đẩy sự phát triển của từng khu vực, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Ba là, việc phát triển của các DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn giúp các DN này nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cũng đảm bảo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bốn là, DNNVV đã góp phần gia tăng thu nhập cho ngân sách khu vực và tạo ra các giá trị liên kết giữa các DNNVV, cũng như giữa các DN lớn với DNNVV tại thị xã Nghi Sơn.

Những hạn chế phát triển DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển DNNVV vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Hoạt động của nhiều DNNVV thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi sự biến động của thị trường; Đa số các DN có quy mô nhỏ, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, tài sản cố định có giá trị nhỏ; Vốn tự có của các DN là rất thấp, kinh doanh dựa trên vốn vay là chính; Một số DN còn để phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; Nhiều DNNVV thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, khiến DN mất nhiều chi phí và khó ổn định sản xuất kinh doanh; Trình độ quản lý, nhận thức về chính sách pháp luật còn hạn chế. Doanh thu, nộp thuế cho nhà nước còn thấp do quy mô và hiệu quả hoạt động không cao, chưa có ý thức xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; Nhiều DN còn hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu, chưa có chiến lược hoạt động lâu dài, ít quan tâm đến xây dựng, củng cố thương hiệu và uy tín của DN. Công tác xúc tiến tìm kiếm thị trường chưa được quan tâm đúng mức; Tình trạng DN thành lập nhưng không hoạt động hoặc bỏ kinh doanh còn chiếm tỷ lệ cao.

3. Các giải pháp phát triển DNNVV trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045   

3.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phát triển DN

Cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến các xã, phường tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển DN thuộc địa phương mình quản lý thông qua việc ban hành các Nghị quyết, quyết định, kế hoạch cụ thể, trong đó phải định hướng hoạt động của DN gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. UBND các xã, phường, thị trấn phải xác định chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển DN hàng năm, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy để tăng cường giải pháp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể về chỉ tiêu phát triển DN cho tổ chức, cá nhân, tập trung công tác tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, những sinh viên mới ra trường đăng ký thành lập DN, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu hàng năm.

3.2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, rõ ràng trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật; công khai, minh bạch thông tin về hồ sơ, thủ tục và tiến độ giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy định hành chính của các phòng, ngành và UBND các xã, thị trấn, nhất là các bộ phận liên quan đến giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho DN; Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính để phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

3.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của DN trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã

Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển DN, tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của thị xã. Xây dựng website về doanh nhân Nghi Sơn, tạo diễn đàn để DN gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; kịp thời khen thưởng, vinh danh những doanh nhân, DN điển hình, có sáng kiến mới, cách làm hay trong sản xuất kinh doanh, chấp hành pháp luật, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của thị xã.

3.4. Nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý DN

Lãnh đạo DN cần thường xuyên nâng cao trình độ quản lý DN, theo dõi nắm bắt diễn biến thị trường, lựa chọn dự án đầu tư khả thi để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng doanh nhân liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, nghiệp vụ hoạt động của DNNVV trên địa bàn thị xã. Trong đó, tập trung vào các kỹ năng quản trị chuyên sâu cho đội ngũ nhân sự làm công tác quản lý DN.

3.5. Tăng cường hỗ trợ tiếp cận đất đai, tín dụng, chính sách thuế

* Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất

UBND thị xã cần tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Luật Đất đai, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh; Tiến hành rà soát các dự án có khó khăn trong thủ tục đất đai, quá trình xin thuê đất có biện pháp tháo gỡ, khắc phục giúp nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án theo kế hoạch.

Tăng cường chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tham gia phối hợp với các xã, phường rà soát quỹ đất thị xã, nghiên cứu, xây dựng đề án bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các khu dịch vụ thương mại, khu chế biến nông, lâm thủy sản tập trung cho DNNVV trên địa bàn thị xã phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; Hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu đất dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn, bảo đảm thực hiện  theo Luật Đất đai, Luật Hỗ trợ DNNVV,…

* Về tiếp cận tín dụng

Nâng cao năng lực tài chính của các DNNVV  

Để có thể tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng, Nhà nước, trước hết các  DNNVV cần thực hiện một cách chủ động về việc nâng cao nhận thức, quản trị DN  chuyên nghiệp, minh bạch để dễ có thể tiếp cận vốn, giảm chi phí vốn và các chi phí  khác. Bên cạnh đó, tiến hành các hoạt động nhằm tái cơ cấu lại DNNVV theo hướng tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với năng lực, tình hình tài chính của DN, giúp tăng khả năng trả nợ khi tiếp cận các nguồn vay, giảm thiểu tình trạng nợ xấu.

Mỗi DNNVV trên địa bàn thị xã cần có sự chủ động trong việc tìm hiểu,  nâng cao khả năng hiểu biết về tài chính, tín dụng, các biện pháp bảo lãnh cùng  các chính sách hỗ trợ có liên quan. Các DNNVV thực hiện nghiêm chỉnh, tuân thủ các quy định của pháp luật về tài chính, minh bạch báo cáo tài chính, nguồn thu - chi của DN; thiện chí hợp tác, cung cấp, phối hợp và đưa ra chủ động trong việc cung cấp thông tin, thanh toán nợ và xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp để nâng cao uy tín của DNNVV đối với các tổ chức tín dụng.

Hỗ trợ tín dụng

Phối hợp với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng trên địa bàn tiếp tục quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện cho DN được vay với số vốn và thời gian vay phù hợp với quy mô, tính khả thi của dự án, xem xét gia hạn thời gian cho vay đối với dự án kéo dài; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp, DN sử dụng nhiều lao động.

* Tuyên truyền và hỗ trợ chính sách, pháp luật về thuế

Chỉ đạo Chi cục thuế thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật thuế, các thủ tục nhằm cải cách hành chính thuế, đặc biệt các chính sách về ưu đãi thuế đối với DNNVV. Chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan hướng dẫn DN đăng ký, phát hành sử dụng hóa đơn điện tử; tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử - VNPT thị xã Nghi Sơn giới thiệu việc khởi tạo, truyền, nhận, lưu trữ, bảo mật, phục hồi thông điệp dữ liệu của hóa đơn điện tử giữa người bán hàng và người mua hàng, theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.

3.6. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và công khai các quy hoạch, cơ chế, chính sách

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và công khai: Quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch khu đô thị, quy hoạch phân khu trên địa bàn; quy hoạch giao thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình rà soát, lập quy hoạch phải chú trọng chất lượng công tác dự báo, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong triển khai lập, trình thẩm định quy hoạch; các quy hoạch sau khi được phê duyệt phải tổ chức công bố công khai tại nơi được quy hoạch, công khai rộng rãi để DN biết, lựa chọn cơ hội đầu tư.

4. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh cho DNNVV nhằm tăng tốc độ phát triển kinh tế ở nước ta là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp và các địa phương. Thị xã Nghi Sơn là một trong các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, để phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, vì vậy, thúc đẩy phát triển DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  2. UBND tỉnh Thanh Hóa (2020). Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  3. UBND thị xã Nghi Sơn (2020). Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 17/12/2020 về việc Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.
  4. UBND thị xã Nghi Sơn (2020). Nghị quyết số 327/NQ-HĐND ngày 24/10/2020 về việc thông qua cơ chế hỗ trợ kinh phí thành lập doanh nghiệp mới trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/12/2018 về Quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn.
  6. UBND thị xã Nghi Sơn (2020, 2021, 2022). Báo cáo tổng kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, 2021, 2022.

The development of small and medium-sized enterprises in Nghi Son town, Thanh Hoa province

Master. Pham Duc Anh

Faculty of Economics – Business Administration, Hong Duc University

Abstract:

This paper outlines the current development of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Nghi Son town, Thanh Hoa province. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to innovate and facilitate the development of SMEs in Nghi Son town.

Keywords: small and medium-sized enterprises, development, solutions, business, Nghi Son town, Thanh Hoa province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương