Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Khmer tại Sóc Trăng

ThS. TẠ TƯỜNG VI (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, văn hóa phi vật thể đồng bào Khmer vừa là tài nguyên du lịch quý báu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa thiếu chọn lọc khiến người Khmer đã và đang phai nhạt dần bản sắc khi đứng trước những thách thức lớn lao. Bài viết phân tích mối quan hệ hài hòa giữa phát triển du lịch cộng động gắn kết với việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa phi vật thể của tộc người Khmer tại Sóc Trăng, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp chính quyền quản lý; địa phương và người dân tham gia vào mô hình phát triển du lịch cộng đồng.

Từ khóa: Du lịch cộng đồng, văn hóa phi vật thể, Khmer, Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế du lịch hội nhập toàn cầu, một số quốc gia trên thế giới phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở khai thác và bảo vệ hiện trạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn của quốc gia.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế trọng điểm để nâng cao chất lượng đời sống gắn với việc khai thác, bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch của đất nước. Tuy nhiên, thực trạng khai thác các giá trị văn hóa để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù vẫn còn hạn chế.

Sóc Trăng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng qua sắc thái văn hóa đa dạng của đồng bào: Kinh, Khmer, Hoa. Đặc biệt, người Khmer đã sớm hình thành những giá trị văn hóa bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng và khác biệt trong nền văn minh nhân loại [3]. Vì vậy, bản sắc văn hóa đồng bào Khmer cần được bảo tồn và phát huy để làm giàu bức tranh văn hóa Việt nói chung, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng nói riêng.

2. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại Sóc Trăng

Sóc Trăng là một tỉnh đồng bằng ven biển Tây Nam Bộ, có diện tích trên 3.220km2, dân số trên 1,3 triệu người, với sự giao thoa văn hóa phong phú và độc đáo của 3 tộc người chính, là: Kinh, Hoa, Khmer.

Sóc Trăng được mệnh danh là miền đất chùa tháp bởi những điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh, thu hút khách thập phương hướng đến chiêm bái và ngưỡng vọng, như: chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, chùa La Hán, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Bốn Mặt, chùa Ông Bổn…

Sóc Trăng là nơi lưu dấu của những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc Kinh - Khmer - Hoa như lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Cúng phước Biển, Lễ hội Thak Côn, Lễ hộị Kỳ Yên, Lễ hội Sông nước miệt vườn, Lễ hội Đền thờ Bác Hồ, Tết Chôl - Chnăm - Thmây, lễ Sêl Đônta, Lễ hội Thả đèn nước, Lễ hội Ok - Om - bok. Vì thế, Sóc Trăng được nhìn nhận như một điểm đến có thế mạnh về du lịch văn hóa tâm linh trong những năm qua.

Sóc Trăng còn là nơi lưu giữ những làng nghề thủ công, mỹ nghệ đa dạng và độc đáo như làng nghề; bánh pía Tân Huê Viên; lạp xưởng Quãng Trân; đan lát Phước Quới; dệt chiếu Vĩnh Châu; vẽ tranh trên kiếng Phú Tân; giã cốm dẹp Phước Quới nhằm phát huy các giá trị truyền thống của địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch.

Dọc theo chiều dài 72km bờ biển, Sóc Trăng còn có những bãi biển giàu tiềm năng phát triển du lịch như: Hồ Bể, Mỏ Ó với hệ sinh thái đa dạng đã và đang thu hút các nhà đầu tư du lịch.

Sóc Trăng là một tỉnh ở phía Nam Sông Hậu với chiều dài hơn 50km, có hệ sinh thái miệt vườn đa dạng với những dãy cù lao xanh, những vườn cây trĩu quả, những cánh đồng hoa màu, những rẫy mía, những vườn chim thiên nhiên bên cạnh hệ thống sông ngòi dày đặc luôn tạo nên sự trải nghiệm mới mẻ với du khách. Đó chính là lợi thế phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Sóc Trăng còn có 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 26 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cùng điều kiện tự nhiên ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt [4].

Ngoài ra, Sóc Trăng còn nổi bật với đặc sản ẩm thực đa dạng mang dấu ấn của cộng đồng  Kinh, Hoa, Khmer như:  bánh pía, bánh in, bánh dứa,  lạp xưởng, mè láo, bún nước lèo, bánh cóng Đại Tâm, khô heo Lịch Hội Thượng (Trần Đề), khô trâu Thạnh Trị, nước cốt bần Cù Lao Dung, mắm cá rô không xương Ngã Năm, củ hành tím; xá pấu ngọt; nhãn Vĩnh Châu, canh chua cá ngát nấu bần,  cốm dẹp Châu Thành...

Có thể nhận định, Sóc Trăng hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng song song với hai loại hình du lịch chính đã triển khai tốt là: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh hiện nay.

3. Các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của người Khmer góp phần phát triển du lịch cộng đồng

Tổ chức cộng đồng: Do chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá trị văn hóa tôn trọng sự bình đẳng của Phật giáo, nên trong gia đình cũng như trong cộng đồng, người Khmer quan niệm: bình đẳng, dân chủ. Có thể nói, cùng với triết lý bình đẳng của Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống tinh thần của người Khmer tạo nên một cộng đồng dân tộc chan hòa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau [2].

Người Khmer cư trú theo đơn vị phum, sóc, đứng đầu mỗi phum sóc là mephum (trưởng phum) gắn liền với giồng cát, ven sông, mái chùa. Với hình thái cư trú đặc thù nêu trên, là cơ sở ra đời của các lễ hội, nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp.

Về tín ngưỡng: Văn hóa Phật Giáo chi phối sâu sắc đời sống tâm linh của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. Theo triết lý Phật giáo, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào tập trung ở các chùa và hai salaten nhằm giáo huấn các tín đạo nên sống hướng thiện, bao dung, từ bi trong kiếp nhân sinh. Việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thể hiện qua nhiều hoạt động phong phú và lành mạnh như: giảng đạo, thỉnh pháp, hành lễ, dâng cơm, hoạt động văn hóa - nghệ thuật cùng với các trò chơi dân gian vừa mang tính chất tôn giáo vừa mang tính thế tục. Chính vì thế, những hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với những lễ hội nổi bật như: Tết Chol Chnam Thmây, lễ hội Đôn Ta, lễ hội Ok om bok, đại lễ Dâng y… đã quy tụ nhiều phật tử Khmer về dự lễ cúng dường và tham dự các trò chơi dân gian, giải trí. 

Do đồng bào Khmer sống dựa vào nông nghiệp nên nhiều hình thức tín ngưỡng cổ xưa bắt nguồn từ tục thờ đá của cư dân Nam Á còn chi phối hệ thống thờ tự của người Khmer: tín ngưỡng thờ Neak Tà, Arăk còn phổ biến tại các ngôi chùa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy, Neak Tà chính là vị thần bảo hộ cho cộng đồng Khmer mang đến bình an, thịnh vượng, may mắn, hạnh phúc cho người Khmer. Do quá trình công cư, giao lưu văn hóa cùng tộc người Hoa, Kinh nên hiện nay các ngôi miếu thờ Neak Tà còn có sự hiện diện của các vị thần khác theo người Hoa, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc [1].

Tựu chung lại, tín ngưỡng của đồng bào Khmer là một sinh hoạt lành mạnh, góp phần đáng kể làm đa dạng các hoạt đồng văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Về tôn giáo: Người Khmer chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa của Phật giáo Nam tông, thể hiện trên các phương diện như: tư tưởng, đạo đức, lối sống, ngôn ngữ, văn học, giáo dục, nghệ thuật, lễ hội và sinh hoạt… của cộng đồng dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Mỗi một phum sóc đều xây dựng chùa. Đồng bào Khmer rất sẵn lòng góp công, góp của xây dựng chùa để tích phước, làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc Khmer.

Hiện tại, toàn đồng bằng sông Cửu Long có đến hơn 600 ngôi chùa Khmer. Riêng những ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng phần lớn đều đạt đến trình độ nghệ thuật điêu khắc và tạo hình mang tính thẩm mỹ cao với các phù điêu sắc màu rực rỡ từ các tượng Thần, tích Phật khiến không gian chùa luôn sinh động và huyền bí phù hợp với khách hành hương yêu không gian tĩnh lặng, thoát tục.

Chùa còn là nơi dạy chữ và giáo dục nhân cách cho con em đồng bào dân  tộc  Khmer. Mái chùa với người Khmer còn là nơi lưu giữ các thư tịch cổ, kinh sách, tài liệu phục vụ cho nhu cầu học tập, tra cứu của cộng đồng.

Trong tâm thức của người Khmer, sư tăng được đồng bào Khmer tôn trọng tuyệt đối. Sư tăng chính là người thực hiện sứ mệnh hóa đạo, hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng và định hướng, tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục cho cộng đồng. Chùa Khmer không những là một thiết chế tôn giáo mà còn là biểu tượng của sự kết tinh các giá trị cộng đồng. Hay nói cách khác, chùa của người Khmer không chỉ có chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn có cả chức năng văn hoá, xã hội, giáo dục.

Về phong tục tập quán: Người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, vốn có truyền thống văn hóa từ lâu đời và có nền văn minh phát triển từ khá sớm. Phong tục tập quán và lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể, phản ánh nét đẹp trong văn hóa truyền thống đồng bào Khmer mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc [5].

Theo phong tục  của người Khmer, nam giới khi đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu khoảng 3 - 5 năm, tùy hoàn cảnh gia đình với ý nghĩa trả hiếu, tích phước cho ông bà, cha mẹ. Đồng thời, việc tu hành cũng bày tỏ: lòng thành kính với đức Phật, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với dân tộc, tích đức cho bản thân, hoàn thiện kiến thức xã hội. Chỉ sau nghĩa vụ tu hành, họ hoàn tục và mới có quyền lập gia đình. Tuy nhiên, hiện tượng một số phong tục tập quán và lễ hội mai một theo thời gian đang diễn ra trong quá trình giao thoa văn hóa của đồng bào Kinh, Khmer, Hoa tại Sóc Trăng. 

Nhìn chung, phong tục tập quán của người Khmer đã đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên một bức tranh đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt.

Về lễ hội: Đồng bào Khmer Nam Bộ có nền văn hóa giàu bản sắc, được lưu giữ qua nhiều thế hệ, đặc biệt là qua các lễ hội trong những lúc nông nhàn. Đó chính là sự kết tinh của tinh hoa cộng đồng, hướng về nguồn cội, tỏ lòng thành kính với thần linh của cư dân nông nghiệp với các thiên nhiên.

Cộng đồng người Khmer có những lễ hội khá đa dạng như: Lễ Choi -– Chnam - Thmay, Lễ Ok - Om - Bok, Lễ Sendolta là những lễ hội nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có những lễ hội tôn giáo như: Lễ Dâng y, Lễ Nhập hạ, Lễ Xuất hạ, Lễ Cầu siêu, Lễ Phật Đản, Lễ An vị tượng Phật. Ngoài ra còn có những lễ hội mang tính giao lưu văn hóa với người Kinh, Hoa: lễ khai trương, lễ khánh thành, lễ tân gia… Trong đó, Lễ Ok - om - bok, Hội Đua ghe Ngo là lễ hội cấp quốc gia được công nhận vào năm 2013. Lễ hội quy tụ đông đảo vận động viên và người tham gia cổ vũ, cũng như du khách quốc tế đến Sóc Trăng.

Hiện nay, Tỉnh đang chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua các lễ hội tiêu biểu nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù trong hoạt động phát triển du lịch tại địa phương.

Về nghệ thuật: Về văn học nghệ thuật người Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.

Về nghệ thuật âm nhạc truyền thống của đồng bào Khmer mang nhiều hình thức biểu diễn vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á như: sân khấu dân gian (có nhiều thể loại như ca kịch, Rô băm, Dù kê), diễn xướng dân gian (múa Ram Vong, múa Saravan, múa trống Chay Dam, múa Lâm Lêv kết hợp với một số nhạc cụ hòa tấu đặc trưng: dàn ngũ âm).

Sân khấu Rôbăm - còn gọi là kịch múa hay nghệ thuật múa sân khấu là hình thức sân khấu cổ truyền phổ biến của người Khmer Nam Bộ, được lưu giữ đến ngày nay. Còn Dù kê là loại kịch hát hình thành từ sự tổng hợp của sân khấu Rôbăm với hát Tiều, hát Quảng của người Hoa; hát Bội, hát Cải Lương của người Kinh.

Về nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật điêu khắc và hội họa chủ yếu tập trung vào các chi tiết trang trí mái chùa Khmer như: tượng Phật Thích Ca, các linh thần, linh thú - mang dấu ấn văn hóa của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian. Có thể nhận định, nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá người Khmer. Hay nói cách khác, đồng bào Khmer cần cù, có trình độ nhận thức thẩm mỹ cao với đời sống tinh thần phong phú và sáng tạo.

Chủ đề chung của các sáng tác nghệ thuật thường đề cập đến: tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, yêu thiên nhiên dạt dào và sâu lắng trong đời sống của đồng bào Khmer.

4. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa của người Khmer tại Sóc Trăng

Theo thống kê của Sở Du lịch Sóc Trăng năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng ước đạt gần 1 triệu 200 ngàn lượt, đạt 52% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế gần 45 ngàn lượt, đạt 55% kế hoạch năm, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 510 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, để định hướng phát triển du lịch cộng đồng, Sở Du lịch Tỉnh đã triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020” tỉnh Sóc Trăng với các bước quy hoạch cụ thể như sau:

  • Tiến hành khảo sát, lập dự toán và nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng và tại các cụm phát triển du lịch để tạo điều kiện phát triển du lịch.
  • Đề cử 10 đặc sản của tỉnh cho Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top đặc sản đặc biệt của Việt Nam nhằm xúc tiến quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc.
  • Quy định các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 để thu hút đầu tư du lịch.
  • Tham mưu xây dựng biểu trưng của Tỉnh Sóc Trăng kết nối với Công ty Bưu chính viễn thông nhằm truyền thông quảng bá hình ảnh văn hóa và du lịch Sóc Trăng.
  • Ngoài ra, Sóc Trăng còn đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh điểm đến qua các sự kiện, lễ hội, hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn tỉnh hoặc liên kết với các tỉnh thành khác trong hoặc ngoài khu vực Tây Nam Bộ như:
  • Định hướng khai thác chương trình du lịch “Trải nghiệm du lịch sông nước miền Tây chợ nổi Ngã Năm”, song song với việc kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở lưu trú 2 đến 3 sao trong giai đoạn 2020 - 2025.
  • Tổ chức “Ngày hội Du lịch Sông nước miệt vườn huyện Kế Sách” nhân dịp Tết Đoan Ngọ 2019 tại Khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước.
  • Tổ chức “Hội thi Bánh dân gian huyện Kế Sách năm 2019”, nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Du lịch Sông nước miệt vườn tại Khu Văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước.
  • Tham gia hội chợ, ngày hội du lịch nhằm tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong Tỉnh với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trong cả nước

5. Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa của người Khmer tại Sóc Trăng

Xuất phát từ thực trạng của hoạt động du lịch tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua, nhằm đưa ra những định hướng để khai thác và phát triển du lịch cộng đồng Sóc Trăng gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể Khmer như sau:

- Nâng cao chất lượng điểm đến và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch

- Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch cộng đồng gắn với các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

- Phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn gắn với các loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc Khmer, Hoa, Kinh.

- Tập trung phát triển các cụm, tuyến, chương trình gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer.

- Đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch: văn hóa lễ hội, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, tham quan làng nghề tại Sóc Trăng.

- Phát triển loại hình du lịch sinh thái biển qua việc khai thác lợi thế tiềm năng du lịch Vĩnh Châu - Trần Đề - Long Phú.

- Phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử qua tài nguyên du lịch sinh thái sông nước, cù lao, vườn cây ăn trái tại Cái Côn - Phong Nẫm, Mỹ Phước, Cù lao Dung, Ngã Năm, Mỹ Tú.

- Tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch qua các lớp: tập huấn hướng dẫn viên, thuyết minh viên, quản lý nhà nước về du lịch.

- Tăng cường giáo dục ý thức văn hóa, tinh thần dân tộc nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer.

- Áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm đã và đang triển khai nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế đến Sóc Trăng.

6. Kết luận

Từ những phân tích trên, có thể nhận định, Sóc Trăng đầy đủ lợi thế phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Khmer phi vật thể. Trong tương lai, để hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa du lịch thì việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng Khmer là định hướng tất yếu và chiến lược để quảng bá Sóc Trăng như một điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Huỳnh Công Bá (2019), Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  2. Nguyễn Văn Huy (1997), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Huỳnh Thanh Quang (2011), Giá trị văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  4. Nguyễn Quốc Quân (2015), Vài suy nghĩ về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng ở Sóc Trăng, https://www.dulichsoctrang.org/bai-viet/3833/vai-suy-nghi-ve-van-de-phat-trien-du-lich-cong-dong-o-soc-trang.kvn, truy cập ngày 10/09/2019.
  5. Sở KH&CN Sóc Trăng (2018), Sóc Trăng: Phong tục - lễ hội của đồng bào Khmer, https://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-dia-phuong/20106-soc-trang-phong-tuc-le-hoi-cua-dong-bao-khmer.html, truy cập ngày 10/09/2019.

 

THE DEVELOPMENT OF COMMUNITY  BASED TOURISM

ASSOCIATED WITH THE PRESERVATION AND PROMOTION OF INTANGIBLE CULTURAL TRADITIONS OF THE KHMER ETHNIC GROUP IN SOC TRANG PROVINCE

Master. TA TUONG VI

Van Lang University

ABSTRACT:

In the context of current international economic integration process, the intangible Khmer culture is considered as a valuable tourism resource and also a driving force for socio-economic development of Soc Trang province. However, the influence of non-selective cultural exchange and acculturation process has slowly eroded the identity of Khmer people. This article is to analyze the harmonious relationship between the development of community based tourism and the preservation and promotion of intangible cultural traditions of the Khmer ethnic group in Soc Trang province. It is necessary to have a close connection between levels of authorities and local people in the model of community based tourism development.

Keywords: Community based tourism, intangible culture, Khmer, Soc Trang province.