Phát triển du lịch huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thời kỳ hậu Covid-19

Phạm Thị Mai Yến (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên)

Tóm tắt:

Khu du lịch Mộc Châu tỉnh Sơn La được đánh giá có tiềm năng trở thành một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng trên hành lang du lịch “Qua miền Tây Bắc”. Giai đoạn 2019- 2021, mặc dù ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng chính quyền địa phương huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung vẫn chú trọng triển khai nhiều hoạt động lớn mang tính đột phá để chuẩn bị thúc đẩy phát triển du lịch cho giai đoạn hậu Covid-19. Bài viết thực hiện đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, góp phần giải quyết những khó khăn cho ngành Du lịch của huyện Mộc Châu trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19 và phát huy tiểm năng của một khu du lịch quốc gia.

Từ khóa: chiến lược, khu du lịch, phát triển bền vững, phát triển du lịch, tiềm năng du lịch, Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

1. Đặt vấn đề

Nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.050m so với mặt nước biển, Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180km về hướng Tây Bắc. Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa, các món ăn các dân tộc đa dạng và đặc sắc, Mộc Châu là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc. Tận dụng lợi thế này, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, đa dạng loại hình dịch vụ, đồng thời nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Giai đoạn 2019-2021, mặc dù ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng chính quyền địa phương vẫn chú trọng triển khai nhiều hoạt động lớn mang tính đột phá để chuẩn bị thúc đẩy phát triển du lịch cho giai đoạn hậu Covid: tiếp tục các dự án phát triển cơ sở hạ tầng (số cơ sở lưu trú tăng từ 182 năm 2018 lên 271 cơ sở năm 2021; hoàn thành thêm 2 dự án khu điểm bản du lịch), đồng thời phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các chương trình quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Mộc Châu, Sơn La.

Bài viết đánh giá thực trạng du lịch của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, từ đó đề xuất các phát triển du lịch huyện Mộc Châu, góp phần giải quyết những khó khăn cho ngành Du lịch của huyện Mộc Châu trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19 và phát huy tiểm năng của một khu du lịch quốc gia.

2. Quy hoạch khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030

Để du lịch Mộc Châu phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành điểm nhấn của du lịch vùng Tây Bắc, ngày 3/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Theo đó, KDLQG Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu, đó là:

- Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu):

Phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch “nông nghiệp”, văn hóa, dịch vụ lưu trú,... Phát triển các khu chức năng phục vụ các loại hình du lịch đa dạng chính trong trung tâm; các khu dân cư dịch vụ; cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Mật độ xây dựng thấp và trung bình; bảo vệ đồi chè, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên.

- Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu thuộc xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu):

 Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như vui chơi giải trí đa dạng, nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú, homestay, khai thác các yếu tố địa hình đồi núi tự nhiên tạo sự đa dạng cảnh quan; cải tạo phát triển các khu dân cư dịch vụ dọc theo tuyến quốc lộ 43. Mật độ xây dựng thấp, bảo vệ, tôn tạo địa hình cảnh quan thiên nhiên.

- Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu thuộc xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu):

Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng núi, các khu phục vụ nghỉ dưỡng. Mật độ xây dựng thấp (nhà vườn), khai thác tối đa địa hình tự nhiên để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

3. Phát triển du lịch tại khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2021

3.1. Cơ sở hạ tầng

Hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại KDLQG Mộc Châu đang ngày càng được xây dựng và nâng cao. Hiện nay, tại KDLQG đã có những tập đoàn lớn đầu tư và xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ trong việc du lịch, những khách sạn và nhà nghỉ xuất hiện ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan.  

Bảng 1. Cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2018 - 2021

du lich moc chau

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo các năm 2018-2020 của UBND huyện Mộc Châu

Đến hết năm 2021, huyện có 271 cơ sở lưu trú, trên 17 khu điểm bản du lịch, 1 khách sạn 4*, 3 khách sạn 3*, 1 resort 3*, 6 khách sạn 1-2*. Nhìn chung, tổng thể hệ thống kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ tại KDLQG Mộc Châu đang bước đầu xây dựng và phát triển, đảm bảo điều kiện lưu trú cho du khách vào mùa cao điểm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều hạn chế, một số khách sạn, nhà nghỉ chưa tuân thủ chặt chẽ yêu cầu xếp hạng sao theo đúng quy định, lợi dụng lòng tin của khách hàng mà cung cấp các dịch vụ chưa xứng đáng, nên cần được khắc phục và quản lý một cách chặt chẽ hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, KDLQG Mộc Châu đã xây dựng những hệ thống cơ sở vật chất khác, như:

+ Hệ thống cơ sở vui chơi giải trí: Hệ thống các khu vui chơi giải trí tại các khu điểm du lịch. Đặc biệt, các loại hình vui chơi giải trí tập trung ở Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu  và Trung tâm Vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu; Công viên chuyên đề tại Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu và Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu; Các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu trung tâm dịch vụ.

+ Hệ thống các cơ sở phục vụ ăn uống: Hệ thống trên 325 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tập trung phát triển tại các khu du lịch, mang đến cho du khách những món ăn đặc sản mà không nơi đâu có. KDLQG Mộc Châu còn có hệ thống các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển ở khu vực Trung tâm dịch vụ du lịch (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu). Du khách có thể đến các chợ văn hóa, được trải nghiệm những nét độc đáo, đời thường của những người dân địa phương. Các nhà hàng chuyên về các món đặc sản của Mộc Châu như thịt bê, thịt ngựa,… đem lại những trải nghiệm mới mẻ về những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

+ Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị, hội thảo: Hệ thống các cơ sở phục vụ hội nghị, hội thảo với tổng quy mô khoảng 5.000 - 10.000 chỗ ngồi tập trung phát triển ở: Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm Vui chơi giải trí Mộc Châu; Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm Dịch vụ thị trấn Mộc Châu; Trung tâm Dịch vụ thị trấn Vân Hồ.

+ Hệ thống cơ sở phục vụ nhu cầu thể thao: Các loại hình thể thao cao cấp phát triển ở Khu du lịch thể thao Thảo nguyên; Các loại hình dịch vụ thể thao khác như sân tennis, sân tập golf, bể bơi… phát triển ở các khu du lịch.

3.2. Thu hút vốn đầu tư

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KDLQG Mộc Châu, huyện Mộc Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến khảo sát, lập và triển khai dự án trên địa bàn. Đến cuối năm 2021, địa bàn huyện có có 17 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng mức đầu tư đạt trên 3.761 tỷ đồng, 5 dự án đầu tư tại KDLQG Mộc Châu với tổng mức đầu tư đạt trên 1.330 tỷ đồng.

Trên địa bàn Mộc Châu đã có hơn 70 công ty, doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư; trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, T&T, Becamex Bình Dương, FLC Thanh Hóa,... Riêng năm 2021, huyện Mộc Châu đã làm việc với 25 nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án trên địa bàn huyện; tham gia ý kiến đối với chủ trương tiếp nhận, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với 15 dự án; 2 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng mức đăng ký đầu tư trên 95 tỷ đồng. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu”, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với Tập đoàn T&T khảo sát, lập báo cáo tiền khả thi dự án “Tuyến đại lộ nội thị du lịch Mộc Châu” theo hình thức đối tác công tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án trên địa bàn huyện,...

Hàng năm, UBND huyện tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn để thông báo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính được quan tâm, đem lại hiệu quả cao, tạo thuận lợi, thông thóang cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt là các tuyến giao thông trọng điểm, hệ thống điện, nước,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Huyện cũng xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên đưa các thông tin về phát triển doanh nghiệp trên website của UBND huyện,...

3.3. Quảng bá điểm đến du lịch

Giai đoạn 2018 - 2021, huyện Mộc Châu đã tích cực, chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch với nhiều hình thức phong phú. Cụ thể:

- Tuyên truyền quảng bá trên kênh thông tin điện tử

Huyện Mộc Châu tuyên truyền, quảng bá du lịch Mộc Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên Đài Truyền thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của huyện, địa chỉ http://www.mocchau.sonla.gov.vn và wesite http://mocchautourism.com, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, Hội Hoa Xuân, Hội Trà cao nguyên Mộc Châu, Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu Mưa, Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La.

- Các hoạt động tổ chức sự kiện được thực hiện hàng năm

Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các hoạt động văn hóa - xã hội, lễ hội truyền thống nhằm thu hút khách du lịch đến Mộc Châu như: Hội hoa xuân Mộc Châu, Hội Trà Cao nguyên Mộc Châu, Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La. Phối hợp chỉ đạo tổ chức thành công Lễ hội Hết Chá, xã Đông Sang, Lễ hội Cầu Mưa, xã Mường Sang; Tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao “Sơn La điểm hẹn” tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh DL Mộc Châu.

- Các ấn phẩm quảng bá du lịch

Quảng bá ấn phẩm “Mộc Châu - Siêu vườn trường” đến tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội; Cấp phát ấn phẩm và tờ rơi “Mộc Châu - Siêu vườn trường” đến các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn.

In 1.000 cuốn ấn phẩm “Mộc Châu trải nghiệm khám phá” và phát hành đến các vận động viên trong và ngoài nước đến tham gia Giải Marathon đường mòn Việt Nam năm 2019.

- Làm việc với các báo đài trung ương và địa phương

Hàng năm, các đơn vị trong Huyện phối hợp làm việc báo đài trung ương, của tỉnh quay phim, ghi hình tuyên truyền quảng bá về vẻ đẹp văn hóa, danh thắng, các món ăn đặc sản của Mộc Châu phát sóng trên các kênh VTV 1, VTV 3, VTV 4, Kênh Truyền hình Quốc hội, kênh VOV, Báo Sơn La, Đài Truyền hình Sơn La,…

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương

Phối hợp với dự án GREAT tuyển chọn 5 chuyên gia tư vấn (trong nước và quốc tế) cho dự án; Ký hợp đồng với 1 chuyên gia làm điều phối viên Dự án làm việc trực tiếp tại huyện Mộc Châu, 1 chuyên gia nước ngoài, 1 chuyên gia Việt Kiều Úc, 1 hỗ trợ viên hỗ trợ chuyên gia nước ngoài thu thập dữ liệu do không thể đến Việt Nam bởi dịch Covid-19.

Ký hợp đồng với Ngân hàng Chính sách huyện lập quỹ hỗ trợ vay vốn của Great mở tại Ngân hàng Chính sách Mộc Châu (dự án Great hỗ trợ: 50% vốn, Ngân hàng Chính sách huyện Mộc Châu đối ứng 50% vốn với lãi suất 0,66%/tháng, bản Tà Số 1,2 là bản đặc biệt khó khăn nên được giảm 50% lãi suất, chỉ còn 0,33%/tháng). Đến ngày 13/12/2020, đã hoàn thành việc giải ngân cho 6 hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền 600.000.000 đồng.

Năm 2020: Phối hợp với tổ chức WISE (Công ty cổ phần Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) tổ chức lớp tập huấn thúc đẩy kinh doanh du lịch trên nền tảng số cho 60 học viên là phụ nữ đang kinh doanh cơ sở lưu trú trên địa bàn Huyện.

Năm 2021: Phối hợp hỗ trợ tổ chức AOP (Action of Poverty) thực hiện khảo sát đánh giá thực trạng thực thi chính sách phát triển Du lịch cộng đồng và đề xuất biện pháp phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững có tính tới yếu tố bình đẳng giới tại Bản Vặt và Bản Lùn, xã Mường Sang và Bản Dọi, xã Tân Lập.

3.4. Kết quả phát triển du lịch

Trong 2 năm (2018 - 2019), lượng khách du lịch đến KDLQG Mộc Châu tăng nhanh (Bảng 2). Theo thống kê từ Ban quản lý KDLQG Mộc Châu, năm 2018, khách du lịch đến với Mộc Châu ước đạt 1.200 nghìn lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 1.090 nghìn lượt, khách quốc tế ước đạt 56 nghìn lượt; năm 2019, khách du lịch đến với Mộc Châu tăng 4,2%, đạt 1.250 nghìn lượt khách, trong đó khách trong nước ước đạt 1.183 ngàn lượt, tăng 8,5%, khách quốc tế ước đạt xấp xỉ 67 ngàn lượt, tăng 19,6%. Doanh thu từ du lịch tăng 5,1% từ 1.070 tỷ đồng năm 2018 lên 1.125 tỷ đồng.

Bảng 2. Lượng khách và doanh thu du lịch giai đoạn 2018 - 2021

du lich moc chau

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo các năm 2018 -2021 của UBND huyện Mộc Châu

Trong 2 năm gần đây, do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch, lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh, trong đó nhóm khách du lịch quốc tế giảm mạnh do chính sách đóng cửa, dừng các chuyến bay thương mại quốc tế ở hầu hết các khoảng thời gian trong năm.

Năm 2020, lượng khách du lịch giảm mạnh ở cả 2 nhóm khách nội địa và quốc tế, tổng lượt khách giảm 44,7% so với năm 2019, chỉ đạt 691 nghìn lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt tỷ đồng 750 tỷ đồng, giảm 33,3% so với năm 2019. Năm 2021, tổng lượt khách chỉ đạt 437 ngàn lượt giảm 36,8% so với năm 2020; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt tỷ đồng 484,8 tỷ đồng, giảm 35,4% so với năm 2020.

Nguồn thu nhập du lịch chủ yếu từ các dịch vụ phục vụ khách du lịch như ăn uống, lưu trú, thăm quan và mua sắm các sản vật địa phương.

Về thị trường khách nội địa, các luồng khách chính của Mộc Châu bao gồm: khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu theo quốc lộ 6 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ từ 60% - 70% tổng số khách. Khách từ Sơn La và các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình,… chủ yếu theo quốc lộ 6 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ từ 15% - 25% tổng số khách. Khách từ Lào Cai qua cửa khẩu Lóng Sập theo quốc lộ 43 đến Mộc Châu. Thị trường này chiếm tỷ lệ nhỏ từ 5% - 10% tổng số khách.

4. Định hướng giải pháp phát triển du lịch tại khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn thời kỳ hậu Covid-19

Phát triển du lịch bền vững ở miền núi đòi hỏi phải giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, đồng thời giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Đại dịch Covid-19 đã mang lại những thay đổi lớn trong lĩnh vực du lịch miền núi và gây thiệt hại đáng kể cho cộng đồng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các điểm đến ngoài trời và ít đông đúc hơn đã tăng lên sau đại dịch và những thay đổi này mở ra cơ hội mới cho các điểm đến miền núi để xây dựng lại một hình thức du lịch xanh và bền vững hơn cũng như suy nghĩ lại về các sản phẩm và dịch vụ của họ.

Chính quyền có vai trò tiên phong trong việc thực hiện hoạt động xây dựng chiến lược phát triển du lịch. Chính quyền địa phương luôn là người để xuất các chính sách xây dựng hình ảnh địa phương gắn với mục tiêu phát triển kinh tế và dân cư và có những chính sách hỗ trợ đắc lực cho truyền thông thương hiệu du lịch địa phương.

Nâng cao ý thức, vai trò của người dân địa phương trong việc xây dựng hình ảnh địa phương. Lòng tự hào đối với với địa phương là thứ mà du khách khám phá nhanh nhất. người dân có kiến thức cơ bản về tính độc đáo của địa phương và họ, một cách vô thức hay ý thức, đóng vai trò như những người tiếp thị địa phương (P.Kotler, 2002).

Thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương - kết nối với doanh nghiệp. Ngoài nguồn đầu tư của Chính phủ, cần thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp để tăng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cần có quy hoạch dài hạn và đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Phát triển sản phẩm địa phương kết hợp với sản phẩm du lịch. Truyền thông thương hiệu địa phương hiệu quả. Phát triển du lịch địa phương không thể tách rời với các sản phẩm địa phương và các gói sản phẩm du lịch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 128/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La (2014). Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. UBND huyện Mộc Châu (2022). Báo cáo Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Thông tin - Truyền thông năm 2021; Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022.
  4. UBND tỉnh Sơn La (2021). Quyết định số 902/QĐ-UBND ngày 15/5/2021 về việc ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.
  5. Phạm Thị Cẩm Vân (2018). Cơ sở khoa học cho phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng huyện miền núi Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Luận án tiến sỹ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TOURISM DEVELOPMENT IN MOC CHAU DISTRICT, SON LA PROVINCE IN THE POST-COVID-19 PERIOD

Pham Thi Mai Yen

Thai Nguyen University of Technology - Thai Nguyen University

Abstract:

Moc Chau district, Son La province has great potential to become one of the important national tourist areas on the "Through the Northwest" tourism corridor. From 2019 to 2021, although the tourism industry was severely affected by the COVID-19 pandemic, the authorities of Moc Chau district and Son La province still implemented many big and breakthrough tourism activities to prepare for the tourism recovery in the post-COVID-19 period. This paper assesses the current situation and proposes solutions to strengthen the state management of tourism, contributing to solving difficulties for the tourism industry of Moc Chau district in the post-Covid 19 period.  

Keywords: strategy, tourist area, sustainable development, tourism development, tourism potential, Moc Chau, Son La province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]