TÓM TẮT:

Trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành Du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế đất nước. Góp phần vào phát triển du lịch quốc gia, ngành Du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đã có nhiều bước phát triển và có tầm ảnh hưởng trong tổng thể ngành Du lịch và cơ cấu ngành trong cả nước. Bài viết nhằm phân tích phát triển du lịch vùng ĐBSCL trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từ đó có cái nhìn tổng quan, đúng đắn hơn trong việc đề ra chủ trương, chính sách cũng như đề xuất những giải pháp cụ thể phù hợp, khả thi, hiệu quả cho phát triển du lịch ĐBSCL.

Từ khóa: Phát triển du lịch, đồng bằng sông Cửu Long, hội nhập quốc tế.

1. Những thuận lợi cho phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển du lịch.

Hội nhập kinh tế quốc tế giúp gắn kết các quốc gia với nhau, tạo thuận lợi cho các quốc gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau về mọi mặt tài chính, kỹ thuật, công nghệ, con người,… Quá trình toàn cầu hóa tạo điều kiện và kéo theo phát triển ngành Du lịch là một tất yếu khách quan.

Du lịch phát triển tất nhiên tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, du lịch còn làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp, danh lam thắng cảnh, con người được giới thiệu đến khắp nơi trên thế giới, là cầu nối tình hữu nghị, hợp tác thân thiện giữa các quốc gia.

Thứ hai, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển du lịch của vùng.

Quá trình phát triển du lịch nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, thời gian qua, luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ XII khẳng định: “Cần có chính sách phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; “tiến tới hình thành một trung tâm dịch vụ du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế”[1]. Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển du lịch quốc gia đã khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, văn hoá, dân tộc”[2]; và xem “ĐBSCL là một vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng. Định hướng phát triển cho du lịch vùng ĐBSCL là du lịch văn hóa, lễ hội trong đó có 04 Khu du lịch và 07 điểm du lịch rải rác khắp các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL.[3]

Thứ ba, những thuận lợi về yếu tố thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu, thời tiết.

ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu ruộng vườn rộng lớn, có nhiều kênh rạch chằng chịt, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết khí hậu hiền hòa, rất ít giông bão, một năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Vùng ĐBSCL được hình thành từ những trầm tích phù sa, bồi dần qua thời gian và ảnh hưởng bởi sự thay đổi mực nước biển, qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những tiểu vùng đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thích hợp cho các sinh vật sinh trưởng và phát triển. ĐBSCL là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, với những thủy, hải sản phong phú, đất phù sa tạo nên những miệt vườn với những trái cây trĩu cành, vùng lúa phì nhiêu thích hợp cho du lịch sinh thái, miệt vườn,... ĐBSCL là vùng đất “thiên thời, địa lợi” cho sự phát triển nhanh và bền vững ngành Du lịch của vùng.

Thứ tư, thuận lợi về các giá trị văn hóa, con người.

ĐBSCL là vùng an cư, lập nghiệp của nhiều tộc người, trong đó đa số là người Kinh cùng với những dân tộc ít người như người Khơ-me, người Hoa và người Chăm. Điều kiện tự nhiên đã tạo ra tính cách con người vùng sông nước này hào phóng, ôn hòa, thân thiện và nghĩa tình. Sự phóng khoáng ấy thể hiện qua sự hiếu khách, qua ẩm thực và qua cách mà người dân vùng sông nước Cửu Long gửi gắm trong những làn điệu dân ca, vọng cổ, đờn ca tài tử,... khác biệt với các vùng miền trên đất nước Việt Nam.

2. Những khó khăn, thách thức cho quá trình phát triển du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long

Vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, lịch sử, văn hóa, con người. Tuy nhiên, vùng châu thổ này cũng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mang tính sống còn, nước biển dâng đã ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm trở lại đây. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mê Kông là nguy cơ lớn nhất làm ảnh hưởng không nhỏ đến vùng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người đã gây ra nhiều hệ lụy, hiện tượng sụt lún với tốc độ nhanh, sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí, tàn phá rừng ngày càng nặng nề.  Khu vực này còn gặp nhiều khó khăn về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng của vùng, trong khi nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng, nhất là trong bối cảnh vùng đang chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH và khoảng cách phát triển ngày càng xa với thế giới trong làn sóng cách mạng 4.0. Ngoài ra, những khó khăn, thách thức khác tác động đến vùng ĐBSCL đó là:

Một là, các cam kết quốc tế về đảm bảo phát triển bền vững đang đặt ra những thách thức cho phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

  • Thách thức cơ bản hiện nay khi phát triển du lịch có thể phá vỡ những nguyên tắc được cam kết với các tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho vùng Nam Bộ. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường, tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về đồng bằng sông Cửu Long[4].
  • Thách thức tác động từ các hiệp định AEC (Cộng đồng kinh tế Asean) và TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) lên hoạt động du lịch và phát triển du lịch trong thời gian tới. Sự tác động này chủ yếu lên 3 nhóm ngành quan trọng ở ĐBSCL như nông - thủy sản, thương mại dịch vụ và bất động sản; nhưng quan trọng là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, vì các ngành này có liên quan trực tiếp đến thu nhập người dân, đến việc tổ chức triển khai du lịch theo hướng chuyên nghiệp hay vẫn là nông nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch như du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái (du lịch rừng, đầm, câu cá giải trí,…).

Hai là, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tiến trình phát triển du lịch vùng ĐBSCL chưa được đào tạo bài bản và thực chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch vùng ĐBSCL, có hơn 85% lao động trong ngành Du lịch chưa qua đào tạo. Trong số đã qua đào tạo, chưa tới 1% có chứng chỉ, khoảng 1% có bằng nghề, hơn 2% có bằng trung cấp, gần 3% có bằng cao đẳng, đại học và sau đại học[5].

Những số liệu trên cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch vùng ĐBSCL trong bối cảnh hiện nay, do đó cần có những giải pháp căn cơ, phù hợp và đảm bảo cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL thời gian tới.

Ba là, cơ sở hạ tầng cho ngành Du lịch của vùng ĐBSCL chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại về đường bộ, đường thủy.

Hiện nay, mặc dù so với 10 năm trước, hệ thống cầu đường ở toàn khu vực đã được xây dựng tương đối đồng bộ nhưng vẫn chưa đảm bảo tính kết nối vùng như mong đợi. Hiện ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, có tỷ lệ 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã (toàn vùng chỉ có 93% số xã có đường ô tô dẫn đến trung tâm, thấp nhất trong các vùng kinh tế khác của cả nước). Giao thông nông thôn đường bộ chưa theo kịp tốc độ phát triển của vùng, phân bố chưa đều, chưa phủ kín vùng, chưa kết nối liên hoàn từ đường tỉnh, huyện xuống nông thôn, mật độ chênh lệch lớn giữa nông thôn, đô thị... Lưu lượng giao thông tăng trưởng 10 - 14% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng giao thông[6].

Đối với hệ thống giao thông đường thủy, toàn vùng có bờ biển dài hơn 700km, hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28.000km, trong đó có 13.000km có khả năng khai thác vận tải, chiếm đến 70% chiều dài đường sông của cả nước[7].

Như vậy, giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, đường thủy chưa được khai thác tốt đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL trong thời gian tới, cần có các giải pháp phát triển nhanh hơn nữa để đảm bảo là yếu tố tiền đề cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bốn là, biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL đang xảy ra với chiều hướng bất lợi, vượt ngoài tính dự báo của các cơ quan có thẩm quyền và đang là thách thức cho phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua. Do đó, cần tiếp tục triển khai nguồn vốn của Chính phủ đầu tư cho vùng để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu và biến thách thức thành cơ hội cho ĐBSCL phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trong những năm tới

Năm là, các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL chưa được đa dạng hóa bằng nhiều loại hình du lịch, mặc dù đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/11/2015 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Sáu là, du lịch vùng ĐBSCL với các chiến lược xúc tiến, quảng bá thương hiệu nên chưa phát triển xứng tầm. Thời gian tới, cần có các chiến dịch quảng bá ra nước ngoài thông qua các hình thức khác nhau để đảm bảo thu hút đa dạng du khách các nước.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến năm 2030

Thứ nhất, phát triển du lịch đồng thời phải tuân thủ các cam kết quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững.

Quá trình phát triển du lịch Việt Nam trong đó có du lịch ĐBSCL thực hiện các cam kết quốc tế, có những vấn đề liên quan như chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Tham gia vào quá trình phát triển du lịch không chỉ cần sử tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp mà phải tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ngày càng ý thức sâu sắc hơn những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch, trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế và phát triển du lịch, đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu,...

Thứ hai, tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tiến trình phát triển du lịch.

Con người là nhân tố quyết định mọi sự thành công. Để ngành Du lịch vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững cần phải có chủ trương mang tính đột phá với những giải pháp đồng bộ để đào tạo, bồi dưỡng - kể cả đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ công chức và những người làm du lịch nói chung. Chỉ khi có được những con người được đào tạo bài bản, am hiểu chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình,... mới có thể làm tiền đề, nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Thứ ba, đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng cho ngành Du lịch của vùng.

Cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) du lịch là một phần quan trọng góp phần đưa ngành Du lịch của các vùng nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng phát triển. Từ đó, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và thỏa mãn nhu cầu du lịch của du khách. Hiện tại, CSVCKT du lịch ĐBSCL đang ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, do mức độ đầu tư thiết bị và tiện nghi chưa hiện đại, hệ thống dịch vụ bổ sung đơn điệu, nghèo nàn nên chưa đáp ứng nhu cầu du khách có thu nhập cao và khách quốc tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh đầu tư công hoàn thành cao tốc Trung Lương – Cần Thơ vào cuối năm 2021; chuẩn bị các điều kiện thi công cầu Rách Miễu 2; nghiên cứu khả thi đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh Cần Thơ; sớm hình thành mạng lưới giao thông nội vùng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng miền Đông và Tây Nguyên.

Vì vậy, đầu tư cơ sở hạ tầng: Đường xá, nơi lưu trú, dịch vụ công, khu thương mại, phương tiện… là một điều hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch của vùng ĐBSCL.

Thứ tư, nhanh chóng thích ứng với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn như gia tăng dân số, nước biển dâng, xói lở, mặn xâm nhập,… Do đó, bất kỳ một sự thay đổi thất thường nào của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đều dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ của một loạt các vấn đề liên quan, như: Xâm nhập mặn, suy giảm diện tích đất canh tác cũng như ảnh hưởng đến quá trình sinh sống của nhân dân, các hệ sinh thái đặc trưng của vùng và tất nhiên ngành Du lịch của vùng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ,    thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thấp nhất tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, vệ sinh môi trường,... Những giải pháp đồng bộ đó phải được thực hiện từ khâu quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch ngành,... Trong đó, ưu tiên quy hoạch chi tiết phát triển ngành Du lịch của từng địa phương và từng vùng.

Thứ năm, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cội nguồn, du lịch miệt vườn, du lịch tín ngưỡng, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng,… Tiến hành quảng bá thương hiệu để phát triển thị trường du lịch quốc tế, thị trường khách trong nước,… khai thác các thế mạnh của vùng về du lịch, về tổ chức các lễ hội sông nước, đua ghe, chợ nổi, đờn ca tài tử, đấu bò.

Thứ sáu, triển khai Quyết định số 825/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, đảm bảo các hoạt động điều hành, điều phối của Hội đồng vùng, tạo động lực cho các tỉnh, thành phố trong vùng vừa liên kết hợp tác, vừa cạnh trạnh tạo hiệu quả cao trong phát triển du lịch, từng bước hình thành thế mạnh của vùng trong phát triển du lịch.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Chính phủ (2018). Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lẩn thứ XII.

[2] Chính phủ (2011). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết số 2743 /QĐ- TTg ngày 29/12/2011.

[3] Chính phủ (2016). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

[4] Chính phủ Hà Lan đánh giá cao kết quả của Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra vào tháng 12/2013. < http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hop-tac-quoc-te/Ho-i-nghi-ca-p-cao-ve-pho-i-ho-p-ho-tro-pha-t-trie-n-vu-ng-do-ng-ba-ng-song-Cu-u-Long-3176>

[5] Nguyễn Hoàng Phương (2018), Phát triển du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, NXB Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

[6] Dự án Giao thông và Chống lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long

[7] Phương Nguyên (2005). Hệ thống giao thông ĐBSCL: Diện mạo nào trong tương lai.< https://tuoitre.vn/he-thong-giao-thong-dbscl-dien-mao-nao-trong-tuong-lai-67383.htm>

 

DEVELOPING THE TOURISM INDUSTRY IN THE MEKONG DELTA IN THE CONTEXT OF VIETNAM’S GLOBALIZATION AND INTERNATIONAL INTEGRATION PROCESS

Ph.D HA QUANG THANH

Standing Vice Director, National Academy of Public Administration – Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

In the process of deep integration into the world economy, Vietnam’s tourism industry increasingly asserted its position in the national economic development. Contributing to the national tourism growth, the tourism industry of Mekong Delta has achieved progress and influenced the country’s tourism industry. This article analyzes the tourism development in the Mekong Delta in the context of Vietnam’s globalization and international integration process in order to carry out more feasible and effective policies, proposals and solutions for developing the tourism industry in the Mekong Delta.

Keywords: Tourism development, Mekong Delta, international integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 19, tháng 8 năm 2020]