TÓM TẮT:

Bên cạnh những đóng góp của các hợp tác xã nông nghiệp đối với nền kinh tế, trong quá trình hoạt động, các hợp tác xã cũng bộc lộ những hạn chế. Bài viết đánh giá thực trạng của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Cư M’gar, với dung lượng mẫu khảo sát là 30 hợp tác xã nông nghiệp, về số lượng và chất lượng của các hợp tác xã, trên cơ sở đó một số gợi ý chính sách về gia tăng số lượng, gia tăng nguồn lực của các hợp tác xã trong thời gian tới.

Từ khóa: Phát triển, hợp tác xã, nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX). Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ” (Đảng CSVN, 2016). Trong thời gian qua, mặc dù còn khó khăn nhưng nhiều HTX đã hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập cho thành viên, người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 5,6% GDP). Đến nay, kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là HTX đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, với kết quả đánh giá xếp loại HTX nông nghiệp hoạt động trong năm 2017 có trên 46% HTX hoạt động có hiệu quả là tiền đề để phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (Chính phủ, 2018).

Cư M’gar là huyện nằm ở khu vực trung tâm tỉnh Đắk Lắk với diện tích tự nhiên là 82.443 ha, dân số là 178.199 người và có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, phần lớn người dân sống bằng nghề nông. Trong những năm qua huyện Cư M’gar đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn để phát triển HTX trên địa bàn huyện theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Tính đến ngày 31/12/2018 (UBND huyện Cư M’gar, 2018), trên địa bàn huyện có 37 HTX, trong đó có 30 HTX nông nghiệp (HTX NN). Một số HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm theo chứng nhận, đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, một số (HTX NN) có sự liên kết hợp tác với nhau trong từng khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, (HTX NN) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. HTX NN chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm và định hướng ngành nghề phát triển phù hợp với HTX; tiếp cận vốn khó khăn do không có tài sản thế chấp; Quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trình độ quản lý còn hạn chế; ít doanh nghiệp liên kết bảo đảm từ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

Bài viết đã nghiên cứu về thực trạng phát triển HTX NN trên địa bàn huyện đồng thời có những gợi ý về mặt chính sách nhằm phát triển HTX NN trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung trong thời gian tới.

2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

2.1. Nội dung nghiên cứu

- Đánh giá thực trạng về số lượng và chất lượng phát triển HTX NN trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

- Gợi ý về mặt chính sách nhằm phát triển HTX NN trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Đắk trong thời gian tới.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp thu thập thông tin số liệu thứ cấp từ các báo cáo thống kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn, Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, số liệu của Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Cư M’gar; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Cư M’gar, Chi cục Thống kê huyện Cư M’gar, các Tạp chí, các bài báo, các công trình nghiên cứu khoa học và một số thông tin từ nguồn khác. Đồng thời, bài viết thu thập thông tin số liệu sơ cấp thông qua khảo sát trực tiếp 30 HTX NN đang hoạt động trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng các phương pháp khác như xử lý số liệu; Phương pháp thống kê mô tả: Phương pháp thống kê so sánh: Phương pháp chuyên gia.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng phát triển HTX NN trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

  • Số lượng phát triển HTX NN trên địa bàn huyện

Bài viết đã khảo sát 30 HTX NN trên địa bàn huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên qua khảo sát thực tế chỉ có 18 HTX NN là đang hoạt động, còn 12 HTX NN trong tình trạng hoạt đồng cầm chừng, chờ giải thể.

Bảng 1. Quy mô HTX NN trên địa bàn Huyện

quy_mo_htx_nn_tren_dia_ban_huyen

 Quy mô hoạt động của các HTX NN trên địa bàn huyện phần lớn là quy mô liên xã và quy mô xã, trong đó quy mô xã là 10 HTX NN, chiếm 55,56% và quy mô liên xã là 6 HTX NN, chiếm 33,33%.

Về diện tích đất do các HTX quản lý: Các HTX NN trên địa bàn huyện có tổng số đất do HTX quản lý là 13.765,21 ha; đất HTX cung cấp dịch vụ là 13.764,20 ha. Lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của các HTX NN trên địa bàn huyện hiện nay khác đa dạng, ở tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, dệt thổ cẩm, kinh doanh tổng hợp. Sản phẩm sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi của các HTX NN chủ yếu tiêu thụ ở trong tỉnh, bán cho người tiêu dùng, các nhà máy, thương lái (khoảng 90%), một số ít bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh (khoảng 10%).

3.1.2. Chất lượng phát triển HTX NN trên địa bàn huyện

3.1.2.1. Tình hình chất lượng nguồn nhân lực HTX NN trên địa bàn huyện

Tổng số thành viên HTX NN hiện nay là 873 người, trong đó thành viên là cá nhân là 68 thành viên, hộ gia đình là 752 thành viên và pháp nhân là 53 thành viên. Tăng bình quân 13,25%. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX NN hiện nay là 1.564 người tăng 16,64%. Trong đó: Tổng số lao động thường xuyên là 495 người, lao động thường xuyên mới là 283 người, lao động là thành viên HTX NN là 786 người.

Giai đoạn 2014 - 2018, số lượng thành viên có sự chênh lệch khá lớn giữa các HTX NN, có HTX số lượng thành viên tối thiểu là 7 người (HTX NN Xanh HD và MN) nhưng cũng có HTX số lượng thành viên lên đến 141 người (HTX NN & DV Tân Phát). Những HTX NN có số lượng thành viên đông chủ yếu là các HTX cũ chuyển đổi theo Luật HTX NN năm 2012.

3.1.2.2. Trình độ quản lý của cán bộ HTX NN trên địa bàn huyện
Bảng 2. Trình độ quản lý của cán bộ HTX NN năm 2019

trinh_do_quan_ly_cua_can_bo_htx_nn_nam_2019

Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra         

Hiện nay phần lớn cán bộ quản lý HTX NN chưa qua đào tạo, chủ yếu được bồi dưỡng, tập huấn về các quy trình sản xuất nông nghiệp từ các lớp của Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân huyện; Chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm thực tế là chính, kiến thức cơ bản về quản lý, thị trường chưa nhạy bén để phù hợp với tình hình thực tế, các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức còn mang nặng tính lý thuyết, chưa có thực hành cụ thể. Số cán bộ HTX NN đã qua đào tạo có trình độ Cao đẳng, Đại học có 23 người chiếm 26,14%, chủ yếu là làm công tác Kế toán; Trung cấp có 15 người chiếm 17,05%, Sơ cấp 17 người chiếm 19,32 %, chưa qua đào tạo 33 người chiếm 37,50%.

3.1.2.3. Tình hình về nguồn vốn của HTX NN trên địa bàn huyện 

Bảng 3. Vốn hoạt động bình quân của HTX NN trên địa bàn huyện giai đoạn (2014 - 2018)

von_hoat_dong_binh_quan_cua_htx_nn_tren_dia_ban_huyen

Nhìn chung, các HTX NN trên địa bàn huyện có quy mô nguồn vốn không cao do khả năng góp vốn của các thành viên thấp và hạn chế trong việc huy động các tài chính trong quá trình hoạt động. Việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn, do không có tài sản thế chấp, chưa xây dựng được chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh để thuyết phục được các tổ chức tín dụng trong quá trình vay vốn. Do vậy, để tìm kiếm huy động vốn sản xuất kinh doanh, đã có thành viên Ban quản trị một số HTX NN mang giấy tờ nhà đất của cá nhân để đi thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc vay vốn bên ngoài với lãi suất cao dẫn đến gặp phải rủi ro trong quá trình hoạt động.

3.1.2.4. Tình hình về kết quả sản xuất kinh doanh của HTX NN trên địa bàn huyện

 Bảng 4. Kết quả sản xuất kinh doanh của HTX NN trên địa bàn

huyện Cư M’gar giai đoạn 2014 - 2018

ket_qua_san_xuat_kinh_doanh_cua_htx_nn_tren_dia_ban_huyen_cu_mgar

Trong 5 năm qua, kết quả hoạt động của các HTX NN có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế bình quân và thu nhập của lao động của HTX NN tăng dần qua từng năm.

*  Hiệu quả hoạt động của HTX NN trên địa bàn huyện 

Bảng 5. Kết quả phân loại chất lượng HTX NN

ket_qua_phan_loai_chat_luong_htx_nn

Mặc dù trong giai đoạn 2014 - 2018 có nhiều chuyển biến trong phát triển HTX NN của huyện, tuy nhiên hiệu quả sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, số HTX NN xếp loại yếu và trung bình chiếm tỷ lệ cao, có ít HTX NN xếp loại khá, tốt.

3.2Gợi ý chính sách nhằm phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện

3.2.1. Nhóm giải pháp nhằm gia tăng về số lượng HTX NN

- Củng cố, hỗ trợ hoạt động của các tổ hợp tác, trang trại hiện có và khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại mới trong nông nghiệp.

- Vận động người dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún, khép kín của kinh tế hộ và khuyến khích những hộ có khả năng tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý đối với HTX, từ đó rút kinh nghiệm về quản lý đối với các HTX NN yếu kém và nhân rộng mô hình quản lý.

- Củng cố và nâng cao trình độ quản lý của các HTX NN kiểu mới hiện có. Xây dựng mới các HTX NN, tổ hợp tác theo mô hình kinh doanh đa ngành đa nghề, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, mở rộng các dịch vụ đa dạng trong nông nghiệp. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất và cung ứng giống cây trồng, tiêu thụ sản phẩm, chế biến nông sản.

- Đẩy mạnh công tác hướng dẫn sản xuất và khuyến nông trong HTX NN, tiến tới hình thành các câu lạc bộ khuyến nông nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và sản xuất và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo sự gắn bó giữa xã viên và HTX NN.

- Mở rộng các dịch vụ cho xã viên mang lại hiệu quả kinh tế cho HTX NN nhất là dịch vụ vật tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn,…

- Giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể.

3.2.2. Nhóm giải pháp nhằm gia tăng các nguồn lực cho HTX NN

- Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Liên minh HTX tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, hướng dẫn thủ tục vay vốn tại các Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện,... đi kèm với việc hướng dẫn hồ sơ vay vốn, hướng dẫn phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX NN, hỗ trợ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm.

- Hỗ trợ, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX NN có đủ năng lực tham gia các chương trình mục tiêu quốc, các chương trình có mục tiêu và các chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ưu tiên cho các HTX NN trong việc chọn thầu thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương và quản lý các công trình sau khi hoàn thành, tham gia xây dựng các mô hình và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

- Liên minh HTX tỉnh và Chi cục phát triển nông thôn Tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, điều hành HTX NN trên địa bàn huyện bằng kinh phí do ngân sách chi trả, đồng thời kết hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh chọn cử một số cán bộ, thành viên HTX NN đưa đi học lớp đào tạo dài hạn, sau khi tốt nghiệp quay về phục vụ lại HTX.

- Hỗ trợ HTX NN ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin... qua các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Khuyến khích các trường Đại học, Viện Khoa học đóng trên địa bàn liên kết với HTX chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất.

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật về xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ và kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cho thành viên HTX NN. Hướng dẫn HTX NN làm thủ tục để được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

- Đối với các HTX NN trên địa bàn huyện chủ động tìm kiếm các đối tác cung cấp vật tư sản xuất cho HTX theo hình thức HTX làm đại lý để tranh thủ nguồn vốn của đối tác. Đồng thời tận dụng các hoạt động tư vấn giới thiệu sản phẩm của các Công ty để hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên, nâng cao khả năng tiếp thu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho thành viên HTX.

4. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy số lượng các HTX NN đang có xu hướng thu hẹp dần, nhưng đây là dấu hiệu tốt vì những HTX NN không hoạt động là những HTX NN yếu kém. Các HTX NN hoạt động tốt là những HTX đã tìm được hướng đi đúng đắn, có chiến lược phù hợp thích ứng với thực tế.. Bài viết đã đưa ra các nhóm giải pháp là gia tăng số lượng các HTX NN với hoạt động có kèm dịch vụ; giải thể các HTX NN yếu kém, đồng thời gia tăng các nguồn lực cần thiết cho các HTX NN trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vụ HTX (2014), Một số nội dung cơ bản và các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về hợp tác xã, Đại học Quốc gia, Hà Nội,

2.

 Cục Kinh tế HTX và Phát triển nông thôn, Tài liệu tham khảo nội bộ (2014), Hướng dẫn thành lập và tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã đối với Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

3.

 Liên minh HTX Việt Nam, http://vca.org.vn.

4.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cư M’gar (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cư M’gar lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Cư M’gar.

5.

Báo cáo (2010), Báo cáo tổng hợp rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

6.

Báo cáo (2014, 2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo tình hình phát triển KT-XH, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

7.

Chi cục Thống kê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk (2018), Niên giám thống kê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk

8.

Chính phủ (2013), Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013, Hướng dn thi hành một số điều của Luật HTX.

9.

Đảng CSVN (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10.

Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2012), Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13.

 

DEVELOPING AGRICULTURAL COOPERATIVES IN CU M'GAR DISTRICT,

DAK LAK PROVINCE

Ph.D NGUYEN THI HAI YEN

Faculty of Economics, Tay Nguyen University

Master. DUONG MINH NGOC

Faculty of Economics, Tay Nguyen University

Master. DANG DUY CHAU

Postgraduate student QLKT K2017 

ABSTRACT:

Besides the contribution of agricultural cooperatives to the economy, the cooperatives also reveal their limitations. This paper assesses the current situation of agricultural cooperatives in Cu M'gar district in terms of number and quality with the sample size of 30 agricultural cooperatives, on the number and quality of cooperatives, thereby making some policy recommendations on increasing the number and resources for cooperatives in the future.

Keywords: Development, cooperative, agriculture, Dak Lak Province.