Một quốc gia sở hữu vị trí địa lý tiếp giáp với biển là một quà tặng Trời cho vì đây chính là tuyến đường giao thông quan trọng mở cánh cửa ra thế giới, tạo đà thuận lợi cho các hoạt động kinh tế-thương mại với quốc tế, phục vụ các chiến lược kinh tế, chính trị, quốc phòng.

Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh lợi thế từ vị trí địa lý giáp biển đã giúp Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... có thể vươn lên trở thành các nền kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới.

Vai trò quan trọng

Các nhà chiến lược đánh giá thế kỷ XXI là "Thế kỷ của đại dương", vì cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền, sẽ bị cạn kiệt sau vài thập niên tới. Kinh tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào biển và đại dương. Khoảng 70% tiềm năng công nghiệp của thế giới ở khu vực rộng trải 500km tính từ bờ biển. Những nguồn lợi về khoáng sản, sinh học và năng lượng của biển và đại dương có một ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Hệ sinh thái biển đa dạng là nguồn lợi quan trọng nhất với hàng trăm nghìn loại động vật, thực vật và vi sinh vật. Biển và đại dương là nguồn cung cấp đa dạng và dồi dào các loại thủy hải sản, hóa chất, muối, dầu khí, quặng... Năng lượng sạch từ biển và đại dương, khai thác từ gió, nước biển, các dòng hải lưu và thủy triều đang được khai thác phục vụ vận tải, năng lượng và vô số lợi ích khác của con người. Mặt biển và thềm lục địa là đường giao thông thủy có thể phát triển các hoạt động du lịch, tham quan, giải trí.

Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy những bước đột phá phát triển mang tầm thế giới cho đến nay hầu như đều bắt nguồn từ những quốc gia có biển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Các quốc gia này đều không sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào song lại có nền kinh tế biển rất phát triển nhờ vào vị trí địa lý giáp biển. Hàng năm, các cảng biển của Mỹ thu được hàng trăm tỷ USD từ dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa và tạo ra nhiều triệu việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc cho hay quy mô nền kinh tế biển của nước này phát triển khá nhanh, dự kiến đóng góp 10% GDP trong năm 2015 và đến năm 2020 có thể tăng gấp đôi so với con số 3.840 tỷ nhân dân tệ của năm 2010. Đáng chú ý là công nghệ đại dương có thể chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế biển Trung Quốc trong năm 2015.

Riêng đối với Nga, biển có vai trò cực kỳ quan trọng với chiều dài hàng chục nghìn km với tiềm năng khoáng sản lớn. Với trữ lượng khoảng 13,7 tỷ tấn dầu và 52.300 tỷ m3 khí đốt, Nga có nguồn thu nhập ngân sách dồi dào phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và củng cố vị thế trên trường quốc tế.

Trước đó, các bộ trưởng kinh tế biển châu Âu từng kêu gọi tăng cường tận dụng các cơ hội của các vùng biển châu Âu như một biện pháp để các quốc gia hàng đầu châu Âu vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho biết tổng số lao động trong các hoạt động kinh tế biển của châu Âu dự kiến tăng từ 5,4 triệu người hiện tại lên 7 triệu người vào năm 2020, trong đó hoạt động du lịch tàu biển tăng 60%.

Kinh nghiệm quý báu

Các nước có vị trí địa lý giáp biển đều mong muốn hướng ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác tiềm năng của biển. Riêng trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, thiên hướng hiện nay là bảo tồn tài nguyên trên đất liền và vùng biển, vươn tầm ảnh hưởng ra xa hơn để khai thác tài nguyên trên đại dương. Vì vậy, các nhà nghiên cứu dự báo rằng đại dương là một lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với các hoạt động kinh tế.

Với đường bờ biển dài và hàng nghìn hòn đảo, Nhật Bản sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của chiến lược biển quốc gia. Theo phó giáo sư Miki Yoshizumi của khoa nghiên cứu môi trường toàn cầu, Đại học Kyoto, sau năm 1945, Chính phủ Nhật Bản thành lập kế hoạch phát triển tổng thể lần thứ nhất, với vác vùng công nghiệp trọng điểm tập trung ở các vùng bờ biển. Nhiều biện pháp cải tạo đã được đưa ra để lấy đất xây dựng cảng và phát triển công nghiệp.

Chương trình phát triển biển của một quốc gia mạnh về kinh tế biển khác là Nga cũng xác định ba nhiệm vụ chủ yếu là giúp nước này trở nên năng động hơn trên biển gắn với các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quốc gia; định hướng các hoạt động trong đại dương nhằm vào những kết quả cụ thể có tính khả thi; tạo điều kiện tối đa cho sự hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động của tất cả các cấp.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ban hành một loạt đạo luật về quản lý và khai thác biển, đã xây dựng khung phí, thuế sử dụng tài nguyên biển. Xác định quan điểm phát triển khoa học, xuất phát từ nhu cầu chiến lược quốc gia, thích ứng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội vào năm 2020, Trung Quốc xoay quanh bốn trọng điểm gồm hiện đại hóa sản nghiệp biển; xây dựng quy hoạch khai thác biển; đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái biển; khai thác, phát triển biển toàn diện hài hòa.

Về phần mình, Mỹ cho rằng trong tương lai, các đại dương, bờ biển và vùng hồ lớn phải sạch, an toàn, thịnh vượng và được quản lý một cách bền vững, sử dụng tốt hơn, hạn chế tác động của thời tiết xấu và các thảm họa thiên nhiên, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh việc triển khai một chương trình khám phá những vùng chưa biết đến của đại dương nhằm thu hút sự tham gia của tất cả thành phần trong xã hội, các cơ quan quản lý Mỹ cũng tích cực trao đổi khoa học, công nghệ và chính sách về kinh tế biển với các quốc gia khác, nhất là các nước phát triển, nhằm phát huy vai trò của kinh tế biển trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội./.