Phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

TS. TRẦN HẢI HÀ - TS. NGUYỄN HỮU SƠN (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, gây tác động không nhỏ đến kinh tế và đời sống của người dân. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thích ứng và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu nơi đây có ý nghĩa quan trọng, mang tầm chiến lược lâu dài trong thời gian tới.

Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, phát triển, biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Là một trong số ít đồng bằng lớn trên thế giới bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, trong đó nổi lên là vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán. Những yếu tố này sẽ tác động đến vấn đề an ninh lương thực không chỉ của toàn vùng mà còn trên phạm vi cả nước. Nếu như trước đây, ĐBSCL có những lợi thế lớn do thiên nhiên ban tặng từ nguồn nước dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch tới nguồn lợi thủy hải sản, thì hiện nay khu vực đang phải đối mặt với hạn hán, sự xâm nhập mặn do nước biển dâng. Trong đường lối phát triển kinh tế chung của Đảng và Nhà nước đối với toàn vùng phía Nam và khu vực ĐBSCL nói riêng, các chủ trương, chính sách đều đặt ra vấn đề cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế nhằm thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Mô hình khả thi nhất hiện nay để phát triển bền vững được đó là kinh tế tuần hoàn.

2. Biến đổi khí hậu và những tác động tới hoạt động kinh tế vùng ĐBSCL

2.1. Biến đổi khí hậu

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ - NASA, Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của thời tiết thông thường, xảy ra ở một nơi nào đó hoặc toàn cầu1. Có nhiều sự biến đổi khác nhau của các yếu tố khí hậu tại nhiều khu vực khác nhau hoặc toàn cầu trong những khoảng thời gian nhất định (thông thường được tính bằng năm) như: sự thay đổi về lượng mưa, sự thay đổi về nhiệt độ, sự thay đổi về dòng chảy ở đại dương, v.v… Điểm đặc biệt của biến đổi khí hậu là diễn ra “thầm lặng” trong khoảng thời gian rất lớn, từ hàng trăm đến hàng triệu năm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên sự biến đối khí hậu. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều có chung nhận định là các hoạt động sống của con người thông qua việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó chủ yếu là các hoạt động phát thải đã tác động lớn đến sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.

Như vậy, biến đổi khí hậu có nguyên nhân từ các hoạt động khác nhau, nhưng chủ yếu và tác động ảnh hưởng lớn đến quá trình biến đổi là những hoạt động sống của con người. Cụ thể là các hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho các hoạt động kinh tế cũng như sự thải hồi các loại chất thải, sản phẩm của hoạt động sống con người. Những hoạt động này dẫn đến hàng loạt những tác động dây chuyền khác của toàn bộ hệ sinh thái, trong đó vấn đề lớn nhất chính là sự nóng dần lên của bầu khí quyển trái đất.

2.2. Tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại ĐBSCL, những năm qua, nhiệt độ trung bình năm của vùng tăng 0,5 độ C, lượng mưa tăng từ 6,9-19,8% (trong giai đoạn 1958-2014), tăng nhiều vào mùa mưa và có mưa trái vụ. Mực nước biển dâng khoảng 95,2 mm (trung bình 3,40 mm/năm trong giai đoạn 1986-2014). Nhiệt độ tăng dẫn đến tình trạng nước biển dâng ngày một gay gắt. Các nghiên cứu quốc tế chỉ rằng, ĐBSCL, đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng Ganges (Bănglađét) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng, trong đó, ĐBSCL sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu mực nước dâng cao 2 m vào cuối thế kỷ XXI, khu vực ĐBSCL sẽ mất gần ½ diện tích đất liền, thậm chí trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL có thể biến mất khỏi bề mặt trái đất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quá trình BĐKH đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu và ảnh hưởng của việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ sông Mê Kông. Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn có diễn biến ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sản xuất, đặc biệt là tới phát triển nông nghiệp của vùng. Chỉ trong 6 năm, ĐBSCL đã trải qua 2 đợt hạn mặn lịch sử trong vòng gần một thế kỷ qua, diễn ra vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 (hay còn gọi là đợt hạn mặn 2015/2016) và xảy ra vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 (hay còn gọi là đợt hạn mặn 2019/2020).

Những tác động từ thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… cũng là mối đe dọa tăng khả năng gây xói lở bờ biển, vùng cửa sông ven biển và suy thoái rừng ngập mặn ven biển tại vùng ĐBSCL. Trong nhiều năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại khu vực này đã diễn ra với xu hướng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. 

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đối với khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Điều này làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là nguồn nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp.

Trước đây, ĐBSCL bị ngập nước hàng năm bởi mùa lũ của sông Mekong đổ về kéo theo phù sa bồi đắp cùng lượng thủy sản dồi dào, thì nay, hạn hán cùng với sự ngăn chặn dòng chảy của các đập thủy điện ở thượng nguồn, sự xâm nhập mặn của nước biển dâng khiến người dân bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất và sản lượng nông sản bị suy giảm, đe dọa nguy cơ an ninh lương thực cũng như hiệu quả kinh tế. Việc chọn tạo và sử dụng các loại giống lúa chịu mặn là khả năng phải nghĩ tới trong hiện tại và tương lai. Mặt khác, nước biển dâng và triều cường đã khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ. Đây là một thách thức đối với quá trình quản lý trật tự xã hội cùng với môi trường của chính quyền các địa phương.

3. Kinh tế tuần hoàn và những đề xuất phát triển trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay

3.1. Kinh tế tuần hoàn

Theo Rabobank (Hà Lan), Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế, trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt mục tiêu giảm xuống mức thấp nhất cho đến loại bỏ tác động tiêu cực tới môi trường và tận dụng kéo dài quá trình sử dụng sản phẩm vật chất. Mô hình này tập trung đến việc tái tạo nguồn tài nguyên theo một chu trình khép kín mà tránh tạo ra sự phế thải sản phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường. Nói cách khác là sự tận dụng một cách triệt để quá trình tái sản xuất để tái sử dụng sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu và mục đích khác nhau của con người.

Như vậy, có thể hiểu nền kinh tế tuần hoàn vận hành như một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế,... Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ việc tạo ra rác thải, do đó mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, thế giới sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên lên gấp 3 lần so với hiện nay vào năm 2030. Khu vực châu Á là nơi có các nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên vượt khả năng các nguồn tài nguyên hiện có thể đáp ứng. Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) đã thảo luận cùng các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do đó, việc vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa to lớn không chỉ với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung, mà còn cần thiết và cấp bách đối với khu vực ĐBSCL nói riêng. Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững của vùng cơ bản là chuyển đổi về mô hình kinh tế sinh thái, mô hình kinh tế xanh, đặc biệt là mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc trưng vùng ĐBSCL; chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nghề dựa trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao và luôn gắn định hướng phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cùng với ứng phó những tác động ngoại biên đến vùng, biến những thách thức thành cơ hội cho phát triển.

3.2. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL là sự vận dụng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 về ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 120)4. Chương trình đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm những nội dung gắn liền với thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội của toàn vùng ĐBSCL gồm:

- Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách.

- Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản.

- Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đầu tư và phát triển hạ tầng.

- Phát triển và huy động nguồn lực.

Đặc biệt, từ sau Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện Nghị quyết số 120, đến nay đã có 9 bộ, 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ban hành kế hoạch hành động thực hiện; rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách để triển khai nghị quyết. Điều này cho thấy những hướng đi đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong thực hiện những chính sách của Chính phủ về phát triển bền vững, đây là một trong những cơ sở ban đầu của việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Song song với việc rà soát và hoàn thiện, bổ sung hệ thống cơ chế chính sách là việc tiến hành hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản, với vai trò quan trọng của Bộ chủ quản về tài nguyên và môi trường nhằm kịp thời cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát của vùng, dữ liệu về tài nguyên nước. Đó là cơ sở cho các cơ quan khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung khảo sát đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển làm cơ sở đề xuất các giải pháp.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính cũng có kế hoạch bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng tiền vốn để triển khai các chương trình, dự án. Đây là bước đột phá mới về tư duy tiếp cận cũng như đổi mới về mô hình kinh tế tuần hoàn của Nghị quyết 120. Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng một số cơ quan, địa phương chưa thực sự đổi mới theo tinh thần này, còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, chưa chủ động tận dụng, huy động các nguồn lực khác nhau trong xã hội, nhất là các nguồn lực từ trong nhân dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để làm bàn đạp cho sự phát triển mới, bền vững của toàn vùng nói chung và của địa phương nói riêng. Qua đó, hình thành một hệ thống, chuỗi quy trình mang tính khép kín của mô hình phát triển kinh tế bền vững- kinh tế tuần hoàn, từ khâu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đến khâu thu hồi, tận dụng và tái chế các nguồn nguyên nhiên, vật liệu, kể các việc biến đó thành các nguồn lực mới cho quá trình tái sản xuất mở rộng.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 với những mặt mạnh và điểm yếu đã được phân tích, đánh giá kỹ, Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành đã đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách, cụ thể, nhất là phải rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới. Thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh tế của vùng nhằm phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu như: rà soát, xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành; triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được xác định và phê duyệt; rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên ngành về ĐBSCL; xây dựng và phê duyệt các đề án tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường và phòng chống thiên tai; nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường đã được gấp rút hoàn thiện, kịp thời đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đây chính là nền tảng để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong tương lai theo hướng chuyển đổi mô hình, nhằm tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực trong một quy trình khép kín cùng với các chuỗi giá trị của sản xuất, tiêu dùng và tái sản xuất mở rộng.

Trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn chính là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại ĐBSCL hiện nay, thực tế đã có một số biểu hiện của kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong việc tái chế, tái sử dụng chưa triệt để, công nghệ cũ và lạc hậu, các khâu chưa được chú ý dẫn đến việc chưa hình thành một vòng đầy đủ của mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế bền vững vùng đã tạo ra những cơ sở thuận lợi và định hướng tốt mục tiêu tiến tới một mô hình hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn. Hiện nay là thời điểm thuận lợi để hệ thống hóa một cách bài bản hơn các vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuẩn bị đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới của Đảng và Nhà nước.

4. Kết luận

Để kinh tế tuần hoàn trở thành quan điểm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, các cơ quan hoạch định đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước cần nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi duy nhất để đảm bảo ổn định, phát triển bền vững đất nước trong dài hạn, giảm thiểu rủi ro liên quan đến thị trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, cũng như thích ứng được với những biến đổi của khí hậu đang ngày càng có những tác động khó lường đến các vùng đất, trong đó ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Từ thực tiễn mô hình kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia phát triển, cần nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ  việc ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt nguyên lý chất thải của các sản phẩm, hàng hóa này trở thành nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, hàng hóa khác. Quá trình này làm giảm thiểu rất lớn đến những tác động môi trường, tác nhân của sự biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặc biệt coi trọng, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời thể hiện quyết tâm tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn, mang lại sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung cũng như khu vực ĐBSCL nói riêng. Kinh tế tuần hoàn chính là sự hướng tới phát triển bền vững với tư cách là sự kiến tạo của chính con người.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]. https://biowish.vn/bien-doi-khi-hau-la-gi/

[2]. Ban Các vấn đề Xã hội và Môi trường - Trung tâm Thông tin kinh tế dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xu hướng trong thời gian tới, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22414

[3]. http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22192

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Tú Tài - Nguyễn Vĩnh Thanh (2016), Sử dụng hiệu quả các nguồn lực vật chất chủ yếu trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. Nguyễn Đức Dũng (2020), Kinh tế tuần hoàn 4.0, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  3. Phạm Thuyên (2019), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (2018), Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Lê Quốc Lý (2016), Tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.

Developing circular economy in the Meking Delta to respond

to climate change

 Ph.D TRAN HAI HA

Ph.D NGUYỄN HỮU SƠN

Lecterer, Hochiminh City Cadre Academy

ABSTRACT:

Vietnam is facing many challenges in terms of resource depletion, environmental pollution and climate change. The Mekong Delta is the most vulnarable region in Vietnam to climate change. To achieve the goals of sustainable development and respond to climate change, Vietnam should promote the development of circular economy. Hence, it is important for the country to research and develop the circular economy model to adapt and respond to climate change.

Keywords: circular economy, development, climate change, the Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]