Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/02/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Trong đó chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (HTTM), các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk và các đô thị có cảng cửa ngõ, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các trung tâm vùng khác; tập trung đầu tư phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các thành phố tỉnh lỵ.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 13-NQ/TW, đồng thời rà soát, ban hành các quy hoạch phát triển vùng, phối hợp với các địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển thương mại hoặc HTTM, làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển HTTM nói chung, trong đó bao gồm các loại hình HTTM hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm; đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển HTTM.

Các chính sách, quy định của pháp luật và quy hoạch về phát triển kết cấu HTTM được hoàn thiện với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, trong đó ưu tiên các công trình quan trọng trong chính sách kết nối các trung tâm kinh tế, các công trình có tính lan tỏa, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội nhằm đổi mới đầu tư phát triển HTTM, huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho đất nước.

Những năm qua, HTTM đã được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập. Đầu tư phát triển HTTM bước đầu đạt kết quả tích cực qua sự phát triển các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực tập trung sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo ngành hàng nông sản. Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn.

Hệ thống HTTM đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại).

Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống HTTM nói chung gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các cơ sở kinh doanh (siêu thị, trung tâm thương mại…) cũng đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.

Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm từ 35-40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22-25%) và tổng số chợ cả nước hiện có là 8.500 chợ trong quy hoạch. Về chợ đầu mối, cả nước có 61 chợ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các vùng tiêu thụ tập trung, có phạm vi lan tỏa rộng liên vùng. Các chợ đầu mối đã thể hiện và khẳng định chức năng của mình trên thị trường, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng, vừa góp phần khuyến khích sản xuất vừa góp phần kích thích, điều tiết và gắn kết thị trường.

Hiện nay, cả nước có 1084 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố và 240 trung tâm thương mại tại 57/63 tỉnh thành. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ chiếm đa số so với cả nước. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.

Hệ thống trung tâm logistcs đang được hình thành và phát triển. Cả nước có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên,  Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ). Việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với kết cấu hạ tầng logistics trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Hệ thống hạ tầng giao thông có những bước phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giữa các vùng miền, các loại hình giao thông, góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn kết chặt chẽ kết cấu hạng tầng với kết cấu hạ tầng logistics.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển mạnh mẽ HTTM theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối); trung tâm logistics..., sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các loại hình HTTM có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Quan tâm đầu tư kết cấu HTTM thiết yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho phát triển HTTM nói chung, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới như hạ tầng logistics, chợ đầu mối, cụ thể:

Thứ nhất là sửa đổi và hoàn thiện các văn bản liên quan đến phát triển các loại hình hạ tầng thương mại, trước mắt là sửa đổi Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển quản lý chợ.

Thứ hai là phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại. Phối hợp hoàn thiện, các chính sách về đầu tư công theo hướng tạo điều kiện để ngân sách nhà nước đặc biệt là ngân sách địa phương đầu tư, cải tạo nâng cấp các chợ hiện có đã xuống cấp.

Thứ ba là tập trung thu hút, khuyến khích phát triển đối với một số loại hình HTTM có tính lan tỏa, tác động lớn đến sản xuất lưu thông như đối với phát triển Trung tâm logistic (phục vụ cho bán buôn, bán lẻ, đồng bộ, hiện đại áp dụng công nghệ cao), chợ đầu mối…. Trước mắt, cần có sự thống nhất về quan điểm phát triển từ Trung ương tới địa phương để rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm ưu tiên khuyến khích thu hút đầu tư phát triển cho phù hợp với thực tiễn và mang tính đột phá.