Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

ThS. LÂM ĐÔNG HỒ - ThS. TRẦN QUÝ HOÀNG (Trường Đại học Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã, là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường  định hướng XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương, người dân vẫn còn loay hoay với phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã. Bài viết tổng quan thực trạng phát triển mô hình kinh tế HTX tại huyện Giồng Riêng, tỉnh Kiên Giang, trình bày quan điểm, mục tiêu của phát triển kinh tế HTX và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế HTX tại địa phương.

Từ khóa: huyện Giồng Riềng, hợp tác xã, kinh tế thị trường, kinh tế tập thể.

1. Đặt vấn đề

Giồng Riềng là một huyện nông thôn của tỉnh Kiên Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Tân Hiệp, Tây Nam giáp huyện Châu Thành, Đông Bắc giáp thành phố Cần Thơ, phía Đông Nam giáp tỉnh Hậu Giang, phía Nam giáp huyện Gò Quao với 19 đơn vị hành chính,... Phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX, được xem là hướng đi mới của huyện Giồng Riêng, nhằm thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Huyện Giồng Riềng đang tích cực đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế HTX nhằm góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của huyện Giồng Riềng nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Chiến lược, định hướng phát triển chung của KTTT là khuyến khích phát triển trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng của huyện, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), HTX tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Giồng Riềng.

2. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế HTX nhằm góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của huyện Giồng Riềng nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU ngày 19/6/2012 của Tỉnh ủy, kế hoạch số 13-KH/HU, ngày 12/07/2012 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, hoạt động của HTX trên địa bàn huyện Giồng Riêng đã có những chuyển biến tích cực. Đến tháng 6 năm 2021 toàn huyện có 120 HTX, 556 tổ hợp tác. Trong đó, nhiều HTX được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động; đã xuất hiện nhiều HTX điển hình, sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp tác của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trong điều kiện của huyện bị ngập lũ muộn và kéo dài; giảm chi phí bơm tát so với cá thể, gieo sạ đồng loạt và xuống giống được sớm bán được giá, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất lúa; góp phần tích cực vào việc hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, KTTT nói chung và kinh tế HTX nói riêng trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác chưa cao, nhiều nơi thành viên tham gia HTX còn mang tính hình thức. Một số HTX yếu kém chậm được củng cố; có nơi HTX quá thời hạn theo Luật HTX quy định nhưng không thay đổi giấy phép kinh doanh, chưa mạnh dạn giải thể các HTX yếu kém, không hoạt động hoặc hoạt động hình thức. Sự liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chưa nhiều, đội ngũ cán bộ của HTX, tổ hợp tác vừa thiếu, vừa yếu, lại chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Là huyện thuần nông nên sản phẩm chủ yếu là lúa, gạo phần lớn vẫn còn gặp khó khăn trong liên kết tiêu thụ; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo phát triển kinh tế HTX ở một số nơi chưa được chú trọng; công tác quản lý nhà nước về KTTT còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đúng mức đến quá trình hoạt động và phát triển của kinh tế HTX.

Từ thực tiễn nêu trên cho thấy phát triển kinh tế HTX trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với củng cố, đổi mới và liên kết tiêu thụ sản phẩm là nhu cầu tất yếu khách quan, cần phải có quan điểm, giải pháp và cơ chế chính sách đồng bộ để khuyến khích phát triển HTX gắn với chương trình OCOP tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế địa phương. Với yêu cầu đó, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Giồng Riềng đã thống nhất ban hành Nghị quyết về phát triển KTTT đi đôi với củng cố, đổi mới và liên kết tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, đó là:

(1) Nhất quán nhận thức KTTT, với nòng cốt là HTX, là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. KTTT không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ CNH, HĐH.

(2) Phát triển KTTT nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế các vùng, khu vực; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển KT-XH của từng địa phương.

(3) Phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ,phù hợp với đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện.Tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX.

(4) Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển KTTT nói chung và kinh tế HTX nói riêng phải dựa trên nội lực của tổ chức là chính. Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện về pháp lý, áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình HTX. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong phát triển kinh tế HTX.

(5) Vận hành HTX dựa trên những quy định của Luật Hợp tác xã hiện hành; dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phương thức quản lý, vận hành và hoạt động các hình thức KTTT, nhất là HTX; tiếp thu kinh nghiệm, ứng dụng linh hoạt các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả trong huyện và cả những mô hình ngoài huyện, ngoài tỉnh.

Nghị quyết cũng xác định mục tiêu chung là: phát triển KTTT theo phương châm bền vững, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động KTTT mà nòng cốt là HTX đúng theo bản chất, các giá trị và nguyên tắc KTTT. Tiếp tục củng cố các HTX nông nghiệp phấn đấu nâng cao tỷ lệ hợp HTX loại khá, hạn chế số lượng HTX trung bình và HTX yếu kém. Hỗ trợ các HTX nông nghiệp hoạt động dịch vụ có hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX tiến tới thành lập được liên hiệp HTX và tạo ra sự liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa của các HTX, từng bước xây dựng HTX kiểu mới góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu đến năm 2025 phát triển mới HTX theo hướng đa dạng dịch vụ. Phấn đấu tỷ lệ HTX đạt loại khá, giỏi chiếm 70%, trung bình chiếm 30%. Tập trung khảo sát, củng cố, sáp nhập các HTX có quy mô diện tích nhỏ ở các xã, thị trấn, giải thể các HTX yếu, kém, không hoạt động hoặc hoạt động hình thức. Mỗi xã, thị trấn có 01 HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm làm điểm nhân rộng và học tập. Phấn đấu thành lập 01 đến 02 liên hiệp HTX trên địa bàn huyện. Hoàn thành các đề án, dự án thực hiện trên địa bàn huyện như: Dự án VnSAT, Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu long, giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 445).

3. Các giải pháp đã được triển khai tại huyện Giồng Riềng để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra

Một là, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT mà trọng tâm là HTX.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới; tránh tình trạng nhận thức không thống nhất, không đầy đủ, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.

Thống nhất nhận thức: phát triển kinh tế HTX là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. HTX chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển kinh tế HTX không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển. Hiệu quả của HTX chính là hiệu quả của hộ gia đình, HTX phát triển thì đời sống hộ thành viên ở nông thôn mới được nâng cao.

Đưa nội dung phát triển KTTT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tham mưu để Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế HTX.

Cụ thể hóa nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về HTX, mở các chuyên trang, chuyên mục về phát triển kinh tế HTX trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của huyện, tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của HTX, xây dựng phóng sự về HTX, phát động phong trào thi đua trong các HTX,...

Tổ chức nhân rộng, kịp thời phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến về kinh tế HTX hoạt động hiệu quả; từng bước khẳng định kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hai là, tập trung chỉ đạo phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

(1) Đối với phát triển và củng cố tổ hợp tác:

Vận động, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác ở những nơi có điều kiện, nhất là trong nông nghiệp, tổ chức hợp tác một số khâu đơn giản như bơm tát, quản lý lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất,… Củng cố các tổ hợp tác hiện có, trước hết là làm tốt khâu đăng ký hoạt động với UBND xã, thị theo quy định tại Điều 3 Luật Dân sự năm 2005 và Nghị định của Chính phủ; hướng dẫn xây dựng các hợp đồng hợp tác với nội dung cụ thể rõ ràng, đúng pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý của các cấp chính quyền và các cơ quan có liên quan; chỉ đạo tổng kết, xây dựng phương án sản xuất từng vụ hàng năm; phát hiện và giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện; vận động đưa những tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả nâng lên thành lập HTX.

Vận động sáp nhập các tổ hợp tác nhỏ lẻ thành tổ hợp tác có quy mô lớn hơn; nơi nào có điều kiện về điện thì huy động đóng góp vốn chuyển đổi sang bơm điện để giảm chi phí sản xuất. Vận động nhân dân trong tổ hợp tác cùng sử dụng 1 đến 2 loại giống chất lượng cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: gieo sạ đồng loạt, đúng lịch, áp dụng 1 phải, 5 giảm để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận và là cơ sở để vận động phát triển mới HTX.

(2) Đối với củng cố và phát triển HTX:

Tập trung vận động phát triển mới ở những nơi đủ điều kiện, có nhu cầu; thực hiện đúng quy trình thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn với xây dựng kế hoạch hoạt động của HTX phù hợp với trình độ của các thành viên. Bầu chọn Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát là những người có tâm huyết, trình độ, năng lực, đạo đức, uy tín. Phải xây dựng được điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, được thành viên chấp nhận. Vận động đóng góp vốn điều lệ đúng theo Luật định để tổ chức được ít nhất một khâu hợp tác và một số dịch vụ cơ bản. Quy mô HTX phải phù hợp, đủ lớn để hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Các HTX khi hết nhiệm kỳ hoạt động phải tiến hành Đại hội, bầu Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát mới và đổi giấy đăng ký kinh doanh lại theo quy định. Tổ chức sơ kết vụ, tổng kết năm và vận động mở rộng các dịch vụ nhằm phát triển quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động, có lãi cao, hạch toán kinh doanh và chia lợi nhuận cho thành viên, trích lập các loại quỹ, trả công thù lao cho Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát theo quy định và có tăng hàng năm. Quan tâm đến công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong HTX.

Phát triển mô hình hợp tác gắn với cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt và gắn với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp trên địa bàn huyện, chú trọng đến khâu tiêu thụ và chế biến nông sản; thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng VietGAP,... Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất như: vận động làm thủy lợi nội đồng, gia cố bờ bao, cống đập, trạm bơm điện, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, cung ứng vật tư, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm,… tăng cường huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ba là, vận dụng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với KTTT, nhất là HTX.

Thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển KTTT theo Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về triển khai thực hiện Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND Tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ưu tiên triển khai thực hiện lồng ghép các dự án đầu tư phát triển KT - XH và các Chương trình mục tiêu quốc gia với việc hỗ trợ đầu tư cho các HTX, tổ hợp tác để nâng cao chất lượng hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên, cụ thể là:

+ Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; vốn Trái phiếu Chính phủ; Vốn Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ,...

+ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp để đầu tư cho vay vốn mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp.

+ Nguồn vốn tỉnh phân cấp cho huyện quản lý để nạo vét các kênh thủy lợi, kết hợp làm bờ bao hợp tác bơm tát và làm đường giao thông nông thôn,...

+ Vốn dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới ACP tài trợ; Chương trình khuyến nông-khuyến ngư; Chương trình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn và một số chương trình dự án khác có điều kiện triển khai trong tổ hợp tác và HTX.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế HTX.

Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế HTX theo hướng tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật của HTX hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX hoạt động. Chính quyền các cấp cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX; làm tốt vai trò định hướng, hướng dẫn cho các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động của HTX theo định kỳ.

Đưa đi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về kinh tếHTX; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành HTX. Tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các HTX. Nơi nào hoạt động kém hiệu quả nhất thiết phải kiện toàn lại tổ chức, nhân sự đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế HTX. Đưa phát triển KTTT là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.

Củng cố và phát triển tổ chức Đảng trong các loại hình KTTT theo quy định của Đảng, trên cơ sở tôn trọng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX.

Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KTTT; gắn các hoạt động của tổ chức hội với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012và các chính sách phát triển kinh tế HTX.

Phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong vận động, giáo dục quần chúng, các thành viên tự nguyện tham gia và thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế HTX; đồng thời, Mặt trận Tổ quốc cần có chương trình, kế hoạch hành động, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc phát triển kinh tế HTX.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh trong việc phát kinh tế HTX.

Sáu là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý HTX.

Tiếp tục rà soát, sàng lọc đội ngũ cán bộ quản lý HTX hiện có; tranh thủ liên kết các doanh nghiệp tham gia thành viên HĐQT, Ban giám đốc, để điều hành hoạt động chung của HTX. Huy động đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp hoặc con em trên địa bàn có trình độ chuyên môn nhưng chưa có việc làm ổn định tham gia điều hành, quản lý HTX.

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Liên minh HTX tỉnhtổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý HTX, tăng cường công tác đào tạo cán bộ đương chức, trước hết là những cán bộ giữ chức danh chủ chốt trong HTX, cán bộ nguồn. Mỗi HTX cần gắn quy hoạch cán bộ với cơ chế bầu cử; xem xét tiêu chuẩn, trình độ, năng lực đối với mỗi chức danh cán bộ chủ chốt HTX; đổi mới nội dung đào tạo cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương.

4. Một số đề xuất về giải pháp chủ đạo nhằm phát triển kinh tế HTX trong thời gian tới

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế HTX;

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách;

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế HTX;

Thứ tư, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của kinh tế HTX;

Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam;

Thứ sáu, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế HTX;

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế HTX;

Thứ tám, xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển kinh tế HTX, như: Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Xây dựng phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án "Hỗ trợ HTX phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021 - 2030",...

5. Kết luận

Phát triển kinh tế HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển KT - XH của huyện Giồng Riềng nói riêng và của tỉnh Kiên Giang nói chung, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Luật số 23/2012/QH13: Luật Hợp tác xã nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2012.
  2. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang (2020). Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030.
  3. Nguyễn Văn Xô (2008). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội: NXB Thanh niên.
  4. Lê Anh (2021). Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030. Hà Nội: NXB Thanh niên.
  5. Trần Văn Thanh (2021) Tạp chí Xây dựng Đảng số 12/2021.

DEVELOPING THE COOPERATIVE ECONOMIC MODEL

- A NEW APPROACH FOR PEOPLE LIVING

IN GIONG RIENG DISTRICT, KIEN GIANG PROVINCE

• Master. LAM DONG HO1

• Master. TRAN QUY HOANG1

1Kien Giang University

ABSTRACT:

As the collective economy, in which cooperatives play the key role, is considered one of the four important economic components in Vietnam’s socialist-oriented market economy, the Prime Minister issued Decision No. 340/QD-TTg approving the strategy of collective and cooperative economic development for the period of 2021 - 2030. This paper introduces an overview of the cooperative economic model, thereby pointing out a new approach for people living in Giong Rieng District, Kien Giang Province. This paper is expected to help Giong Rieng District meet its set socio-economic development goals.

Keywords: Giong Rieng District, cooperatives, market economy, collective economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]