Phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

THS. NGUYỄN THỊ THU HOÀI (Khoa Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). CMCN 4.0 xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều nước đã quan tâm và cụ thể hóa các ưu tiên phát triển kinh tế số. Việt Nam hiện cũng đang phải đối diện với những thách thức mà xu thế số hóa đem lại, trước nguy cơ cạnh tranh về con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp hiện nay. Bài viết này phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số hiện nay.

Từ khóa: phát triển nguồn nhân lực, kinh tế số, doanh nghiệp.

1. Khái quát về nền kinh tế số

Thế giới đang bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet vạn vật. Vì vậy, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế - công nghệ quan trọng nhất hiện nay. Nền kinh tế số là một nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số, ở đó các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính. Sử dụng mạng internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động, lấy dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) là nòng cốt và động lực chính để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nền kinh tế. Hiểu một cách đơn giản là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để tạo ra những mô hình kinh doanh mới và giá trị thặng dư siêu ngạch cho nền kinh tế.

Kinh tế số là một quá trình phát triển lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia ở những mức độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân và Chính phủ đều có thể sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc của mình, thậm chí có sự đột phá để đem lại năng suất và hiệu quả vượt bậc.

Theo nghiên cứu của nhóm cộng tác kinh tế số Oxford thì kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...) mà công nghệ số được áp dụng.

Kinh tế số với những đặc trưng như: i) Được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: xử lý vật liệu, xử lý năng lượng và xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. ii) Tính kết nối/siêu kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Cho nên, có thể hiểu nguồn nhân lực số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức - tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và nền kinh tế số đang và sẽ cần để huy động vào quá trình lao động, sáng tạo.

Nếu như bản chất của nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng tri thức, ở đó vai trò của tri thức được coi là tài nguyên cho sự phát triển của nền kinh tế thì đòi hỏi nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế.

2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong nền kinh tế số

Theo khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện trong thời gian vừa qua, kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ Covid-19 đó là ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Có thể nhận thấy, cùng với quá trình chuyển đổi số của các nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi dưới “lực đẩy” của dịch bệnh, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang trở thành yếu tố được các doanh nghiệp chú trọng hàng đầu.

Đặc biệt với Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có lực lượng dân số trẻ, ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion, Phú Thái Group cho rằng, Việt Nam đang mở cửa hội nhập, việc liên doanh với công ty nước ngoài tạo ra cơ hội cho người trẻ Việt Nam tiếp cận với những nền kinh tế chuyên nghiệp trên thế giới cũng là một trong những lợi thế khi phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Như với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia dự báo sẽ giúp lương bình quân của người lao động tăng 3%, tạo mới 146.000 vị trí việc làm tại Việt Nam mỗi năm. Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và tìm đến những nền kinh tế phát triển có sự chuyên nghiệp, công nghệ cao đòi hỏi các DN Việt phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về đội ngũ nhân lực có trình độ.

Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng cao ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2020, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021, mặc dù doanh nghiệp ngày càng nhận ra yếu tố con người là trung tâm của sự phát triển. Tuy nhiên, việc chú trọng đến vấn đề nhân sự, thu hút nhân tài, phát triển con người song song với sự phát triển của tổ chức chỉ đang diễn ra ở các doanh nghiệp lớn. Đối với doanh nghiệp nhỏ, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Đa số doanh nghiệp Việt đang không coi trọng điều này, chưa thực sự coi con người là tài sản, đóng góp vào giá trị của doanh nghiệp, là yếu tố chủ lực cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

Yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bên cạnh yếu tố tài chính, công nghệ,… bởi lẽ đổi mới sáng tạo xuất phát từ tư duy con người, công nghệ không thể thay thế được bộ não của con người trong sự sáng tạo.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng năng lực của lực lượng lao động Việt Nam hiện chưa đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế số. Đặc biệt, với bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, do nguồn kinh phí có hạn, nên việc tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao hay đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên còn khó khăn.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số hiện nay

Trong đại dịch vừa qua, các hoạt động kinh doanh số đã phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển mình đáng kể để tham gia vào cuộc cách mạng số, tuy nhiên để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, cần giải quyết các “điểm nghẽn” mà nguồn nhân lực là một trong số đó. “Kinh tế số dù đã có sức bật lên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đẩy mạnh. Về phía Chính phủ, các chính sách đã đầy đủ về việc thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu đổi mới của nền kinh tế trong thời gian tới, tuy nhiên điều quan trọng là việc áp dụng chính sách vào đời sống một cách cụ thể và hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, cần có những chương trình thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội phát triển ý tưởng sáng tạo, nâng cao tay nghề. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ hợp lý và công bằng trên cơ sở khuyến khích các cách làm mới, tiên tiến, nâng cao tối đa sự sáng tạo cho nhân viên. Theo đó cần chú trọng đến một số yếu tố sau:

1. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển nhân lực của mình và đặt hàng cụ thể cho các cơ sở đào tạo. Trong sự gắn bó này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia đào tạo, trường đại học, và doanh nghiệp trong thiết kế và quản lý chương trình đào tạo. Doanh nghiệp có thể tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo với nhà trường, hay trực tiếp giảng dạy kỹ năng cho học viên.

2. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển của mình dựa trên chiến lược phát triển kinh doanh, tạo cơ sở để xác định đúng nhu cầu nhân lực, từ đó phát triển chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu chiến lược của công ty.

- Chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần đặt trong tổng thể chiến lược nguồn nhân lực của doanh nghiệp: Thu hút, hấp dẫn, động viên, đánh giá, đào tạo và phát triển, và phát triển sự nghiệp.

- Chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần chuyển chú trọng từ đào tạo, huấn luyện (training) sang việc chú trọng vào việc học tập (learning) thường xuyên liên tục của người lao động.

- Bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật, cần chú trọng phát triển các năng lực của người lao động hiện đại: Giải quyết vấn đề sáng tạo, truyền đạt, đàm phán, quản lý xung đột, làm việc đồng đội, học tập liên tục, thích ứng,...

- Đổi mới các hoạt động quản lý việc thực hiện nhiệm vụ qua đó khuyến khích áp dụng những điều học được vào công việc, tạo môi trường thuận lợi để áp dụng những điều đã học vào công việc.

3. Kỹ năng nhân lực phải trở thành năng lực của tất cả các cấp quản lý vì vậy cần nhanh chóng đào tạo cho các cấp quản lý những kỹ năng nhân lực: phỏng vấn, bố trí người lao động phù hợp với năng lực, đánh giá việc thực hiện, kèm cặp và phát triển người dưới quyền

4. Đào tạo giới quản lý các năng lực chiến lược để xây dựng Tầm nhìn, Sứ mạng, Văn hóa, và các chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

5. Đào tạo các nhà quản lý nhân lực với kiến thức và năng lực hiện đại, chú trọng vào quản lý tài năng (talent management) và nhân vốn (human capital management).

6. Đào tạo những người làm công tác quản lý đào tạo và phát triển nhân lực tại doanh nghiệp những năng lực về xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, quản lý đào tạo, đánh giá hiệu quả đào tạo,...

7. Đào tạo các chuyên gia huấn luyện (trainers) tại doanh nghiệp về các năng lực đào tạo – đặc biệt là những phương pháp hiện đại trong huấn luyện.

Như vậy, sự thành công hay thất bại, tận dụng tốt thời cơ, vận hội hay vượt qua nguy cơ, thách thức từ nền kinh tế số hiện nay phụ thuộc vào quyết định mà các doanh nghiệp sử dụng và khai thác nguồn lực con người, nhất là việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  2. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
  3. Phạm Việt Dũng (2020), Kinh tế số - Cơ hội bứt phá cho Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương.

 Developing human resources in enterprises in the context of Vietnam’s digital economy development

Master. Nguyen Thi Thu Hoai

Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The world has experienced the rapid growth of Industry 4.0 which has made breakthroughs in many fields, including the digital transformation trend in the manufactturing sector. Recognizing this trend and its importance, many countries have paid attention to promote their digital economic development. Vietnam is also facing the challenges brought by this development trend, especially the challenge of high-quality human resources in enterprises. This paper analyzes the current situation and proposes some solutions to improve the quality of human resources of Vietnamese enterprises in the country’s digital economy development.

Keywords: developing human resources, digital economy, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]