Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thuận lợi và thách thức: Nghiên cứu trường hợp tỉnh An Giang

ĐƯỜNG HUYỀN TRANG (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

An Giang là tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất cả nước và cũng là tỉnh có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nền nông nghiệp phần nào bị bỏ quên. Từ những áp lực của hội nhập quốc tế, ngành Nông nghiệp đang thực hiện kế hoạch cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) cũng như phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm cũng như giúp thúc đẩy xây dựng cho các khu, vùng nông nghiệp. Bài viết phân tích những khó khăn và hạn chế của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ đó cho thấy thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở An Giang.

Từ khóa: Nông nghiệp cao, phát triển nông nghiệp cao, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cung cấp sinh kế cho gần 10 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% số dân, đóng góp khoảng 22% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu. Sự phát triển trong nông nghiệp thực sự là cơ sở tạo tiền đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có An Giang được biết đến là tỉnh chiếm sản lượng lương thực cao nhất cả nước và cũng là tỉnh có nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, đóng góp tích cực cho kinh tế của cả nước ở khía cạnh cung ứng hàng hóa nông sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh những thành tựu thì vẫn còn nhiều bất cập và nông nghiệp Việt Nam cũng như riêng tỉnh An Giang đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thách thức lớn nhất đó là, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn đã, đang và sẽ là nguy cơ cho hàng triệu hecta diện tích đất nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long biến mất và hàng triệu người nông dân mất tư liệu sản xuất, sinh kế của các hộ nông dân đang bị đe dọa. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đứng trước tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo quy hoạch, chất lượng chưa ổn định; các khâu thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và bảo quản chưa tốt. Dẫn đến tình trạng năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Song song đó, dân số tăng, nhu cầu về nông sản thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Dân số nước ta hiện nay trên 90 triệu người, dự kiến đến năm 2020 sẽ vào khoảng 100 triệu người. Do dân số tăng, hàng năm nước ta có thêm ít nhất 0,9 triệu lao động tăng thêm ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, trong khi quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Do dân số tăng nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nước ta sẽ tăng lên ít nhất 11% - 12% so với hiện nay nên đòi hỏi nông nghiệp không chỉ tăng về số lượng mà cả về chất lượng. Nếu cứ sản xuất manh mún, không đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi và không phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì nông nghiệp nước ta không tăng trưởng mà còn thụt lùi xa hơn nữa với khu vực và thế giới.

Thuật ngữ công nghệ cao (High Tech) hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới không chỉ trong ngành Nông nghiệp mà còn ở các ngành khoa học công nghệ khác. Hiện có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này nhưng nhìn chung, phần lớn cho rằng thuật ngữ công nghệ cao dùng để chỉ một công nghệ (technology) hay một kỹ thuật (technique) hiện đại, tiên tiến được áp dụng vào quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ. "Nông nghiệp thông minh" hay còn gọi là "Nông nghiệp công nghệ cao" là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự tích hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản để làm ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao. Việc ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ cho ngành Nông nghiệp trong điều kiện thời tiết khắt nghiệt như hiện nay là một điều tất yếu nhằm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sự đồng đều về chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản An Giang, tầm nhìn hướng đến nông sản Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới.

2. Tổng quan về vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang và những vấn đề cần quan tâm liên quan đến ứng dụng công nghệ cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.

An Giang là tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá sớm so với các tỉnh trong vùng. Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012, về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước trên cơ sở phát triển đồng thời và đồng bộ 4 yếu tố: Quy hoạch vùng sản phẩm, lựa chọn công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản xuất hàng hóa phải đáp ứng với nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường có truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

3. Một số thành tựu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại An Giang

Ngày 27/6/2012, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo báo cáo của Sở Khoa học, Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 05 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, An Giang đã có nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như:

- Lĩnh vực lúa gạo: Vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với phát triển cánh đồng lớn ứng dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” và các tiến bộ khoa học và công nghệ (san bằng mặt ruộng ứng dụng tia laser, máy cấy lúa, máy gom rơm, máy băm rơm,...) có tổng diện tích gieo trồng đạt gần 77.778 ha. Hiện nay, An Giang đang có khoảng 19 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác và 22 doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao.

- Lĩnh vực rau màu: Tổng diện tích nhà lưới gieo ươm cây rau giống đạt gần 03 ha với sản lượng khoảng 13,5 triệu cây giống/năm. Giá trị sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhóm rau màu trong năm 2016 tăng 419 tỷ đồng, giá trị gia tăng tăng 210 tỷ đồng so với năm 2012.

- Lĩnh vực thủy sản: Nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh nhân rộng và sản xuất giống thành công (tôm càng xanh toàn đực, cá chình nước ngọt, lươn đồng, cá chạch lấu, cá heo, cá tra giống cải thiện di truyền, cá hô,...) đã góp phần đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

- Lĩnh vực cây dược liệu: Tổng diện tích trồng cây dược liệu của tỉnh khoảng 87,5 ha, bình quân mỗi năm tăng 20% diện tích trồng cây thuốc xen dưới tán rừng, xen vào đất vườn.

Một số mô hình của các địa phương triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, như:

- Huyện An Phú hiện nay có mô hình vườn ươm cây giống rau công nghệ cao với hơn 38 năm theo nghề trồng rau màu, nhưng đặc biệt trong 2 năm qua, từ khi chính thức triển khai mô hình vườn ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước công nghệ nano đã cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Tỷ lệ cây giống lên mầm đạt đến 100%, mô hình này đã triển khai cho nông dân lân cận, tỷ lệ sống của cây giống đạt đến 90% so với kỹ thuật truyền thống là 50%. Nhiều nông dân đã đến tham quan và triển khai cách làm vườn ươm ở đây, đem lại hiệu quả cao (Theo Nguyễn Văn Thức, 2019).

- Tri Tôn là huyện miền núi, có thế mạnh về trồng cây dược liệu, huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu ở ấp Tà Dung, xã Lương Phi và phát triển cây dược liệu với diện tích 20ha/năm, chủ yếu là rau tần dày lá. Đối với sản xuất rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao, huyện đã trồng được gần 114,7 ha mè đen giống mới trong vụ Đông Xuân và Hè Thu năm nay, thay thế những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

- Phú Tân là vùng chuyên canh lúa nếp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khâu canh tác được bà con nông dân thực hiện bằng cách giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất, như san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sạ hàng, gặt đập liên hợp,... qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp làm ra. (Theo Phước Minh Hiệp, 2018).

4. Những khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện công nghệ cao tại An Giang

An Giang là một trong những tỉnh đi tiên phong trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) từ nền nông nghiệp với các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cũng như tiềm lực về cơ sở vật chất, hệ thống vận chuyển, bảo quản, đội ngũ doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất lúa - gạo, thủy sản, rất khác so với nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua thật sự rất khó khăn, chưa có nhiều mô hình mẫu, phù hợp từ các địa phương khác trong cả nước để có thể áp dụng và nhân rộng tại An Giang. Đồng thời, việc xác định trọng tâm, lộ trình thực hiện cụ thể, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh cũng như điều kiện thực tế và định hướng các nguồn lực để thực còn gặp lúng túng, hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều kỳ vọng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phát triển nông nghiệp ƯDCNC là một vấn đề rất mới so với hiểu biết, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân, vì vậy cần phải có thời gian để chuyển biến, đổi mới tập quán canh tác, tập quán sản xuất, kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp.

Thứ hai, nguồn nhân lực thực hiện phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp và nông dân nòng cốt. Nguồn nhân lực tham gia tổ chức thực hiện chưa đáp ứng tốt về năng lực kỹ thuật và quản lý. Từ đó, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách và việc lựa chọn xác định và tổ chức triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm phát triển còn chậm và tính hiệu quả chưa cao. Nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trong đó việc huy động, phân bổ và tổ chức triển khai nguồn lực tài chính (thuộc khối công và tư) thời gian qua là rất khó khăn, nhất là việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và nông dân tham gia. Ngoài ra, việc hỗ trợ về ưu đãi tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn về tài sản thế chấp, về bảo lãnh vay; lãi suất trung và dài hạn ở mức cao nên cũng rất khó khuyến khích đầu tư.

Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình phát triển nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, vì vậy nhu cầu về vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh là rất cao. Trên cơ sở đó, Ban Điều hành Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC đã xúc tiến đẩy mạnh và thí điểm chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp và nông dân tại các địa phương. Tuy nhiên, việc tiếp cận và khai thác có hiệu quả nguồn vốn này chưa được thực hiện tốt do phần lớn thiếu thủ tục bảo đảm vay vốn, nhất là thiếu dự án và tài sản bảo đảm.

Thứ ba, quy mô thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, manh mún, chiếm tỷ lệ chưa cao so với diện tích sản xuất. Cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đủ đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, chưa đáp ứng được cho quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái (chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả) theo hướng gắn liền với du lịch sinh thái, đồng thời, công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm rau, quả và giá cả còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến, tìm kiếm, phát triển thị trường, cũng như việc dự báo, định hướng về thị trường tiêu thụ hiện tại và tiềm năng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương còn bị động trong tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC chưa hấp dẫn, chưa ổn định, trong khi đó nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao. Vì vậy, việc kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất thật sự rất khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ tư, quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc thực thi pháp luật về thực hiện quy hoạch, về hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, về sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng. Do đó, chưa tạo được môi trường cạnh tranh thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh liên quan đến phát triển nông nghiệp ƯDCNC; chưa có cơ chế cụ thể để liên kết bền vững giữa người nông dân (thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã) và doanh nghiệp trên cơ sở vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ, sản xuất theo chuỗi giá trị để từ đó phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

5. Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại An Giang

Từ thực tế triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua, trong thời gian tới, An Giang cần có những giải pháp phù hợp hơn nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là:

Nguồn nhân lực thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là lực lượng doanh nghiệp và nông dân nòng cốt. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về nguồn lực tài chính, để bảo lãnh vốn cho doanh nghiệp, cho vay ưu đãi và hỗ trợ bù lãi suất. Đồng thời, cần có các chính sách cho vay đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận gói tín dụng cho vay phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch giúp nông dân yên tâm hơn trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm đối với các mô hình, quy trình công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm có liên quan, như: Chương trình Công nghệ sinh học, Phát triển và bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi tỉnh An Giang; Chương trình nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững; Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu và y học cổ truyền. Đồng thời, tổ chức khảo sát, cập nhật, đánh giá hằng năm về hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp. Tổ chức các hội thảo chuyên đề về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu thập ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân,... Điều tra, thu thập và đánh giá nguồn gen quý hiếm, đặc trưng, có giá trị kinh tế, y học trên địa bàn tỉnh An Giang. Để thực hiện được những yếu tố nêu trên cần có sự liên kết chặt chẽ từ phía nhà nước, nhà khoa học, nông dân và doanh nghiệp.

Cần chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm thị trường tiêu thụ để liên kết với hộ xây dựng vùng nguyên liệu; kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết - tiêu thụ. Tăng cường quảng bá nông sản ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm hiện có và phát hiện, định hướng các thị trường cho các sản phẩm mới, có triển vọng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ theo hướng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đa dạng, thử nghiệm các mô hình mới có tiềm năng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Vì những lí do trên, việc đòi hỏi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề cấp bách cần ưu tiên nhằm đẩy mạnh chất lượng nông sản An Giang và Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Vũ Hùng (2017). Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, truy cập tại http://113.161.212.101:81/CTPro/chi-tiet-tin/an-giang-day-manh-cac-giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-09nq-tu-tinh-uy-ve-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-631.html
  2. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang (2017). Báo cáo “Kết quả 05 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, An Giang.
  3. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang (2016). Báo cáo số 531/BC-SKHCN V/v Kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6 tháng đầu năm 2016, An Giang.
  4. Phước Minh Hiệp (2018). An Giang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Một hướng đi đúng và hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Tạp chí Cộng sản, truy cập tại https://tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/50812/an-giang-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao---mot-huong-di-dung-va-hieu-qua-cho-nganh-nong-nghiep.aspx

HIGH-TECH AGRICULTURAL DEVELOPMENT,

ADVANTAGES AND CHALLENGES:

A CASE IN AN GIANG PROVINCE

• DUONG HUYEN TRANG

An Giang University, Vietnam National University, Ho Chi Minh City 

ABSTRACT:

An Giang Province has the highest food production in Vietnam and also has a developed aquaculture industry. However, during the country’s industrialization and modernization process, the agriculture sector has not received enough attention. As the competition is increasing during the country’s international integration process, the agriculture sector is restructured towards towards modernity and sustainability with high added value. Technological advancements have been implemented in stages or entire agricultural production chains in Vietnam, increasing added values of agricultural products and promoting the development of high-tech agricultural production areas. This paper analyzes the advantages and the limitations of hi-tech agricultural development, presenting the current situation of Vietnam’s high-tech agricultural development.

Keywords: High-tech agriculture, high-tech agricultural development, An Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]