Sản phẩm trà của HTX Phìn Hồ được các nghệ nhân pha chế, giới thiệu tại Hội chợ Cam và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh năm 2019.
Sản phẩm trà của HTX Phìn Hồ được các nghệ nhân pha chế, giới thiệu tại Hội chợ Cam và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang

 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2020. Trong số 20 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia năm 2020, Hà Giang có 2 sản phẩm: Trà xanh và Hồng trà của HTX chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Cần nói thêm, huyện Hoàng Su Phì có 25 đơn vị cấp xã, trong đó, có 2 xã  thuộc khu vực II (xã còn khó khăn) và 23 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn)

Theo Quyết định 781/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 3 nhóm tiêu chỉ gồm: 1- Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; 2- Khả năng tiếp thị; 3- Chất lượng sản phẩm. Các nhóm tiêu chí này phân hạng từ 1 sao đến 5 sao.

Trong đó, với nhóm tiêu chí chất lượng sản phẩm, tiêu chí cần đạt tối thiểu theo từng phân hạng sản phẩm OCOP như sau:

a). Hạng 2 sao: Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhóm 4 và 5, có bản mô tả về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

b). Hạng 3 sao: 1- Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm có công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy suất nguồn gốc theo quy định của pháp luật; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật.

c). Hạng 4 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 3 sao; 2- Tính độc đáo: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Chất lượng sản phẩm độc đáo, mang tính đặc trưng; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Chất lượng sản phẩm tinh xảo; 4- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam.

d). Hạng 5 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 4 sao; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích.

Dẫn chiếu tiêu chí chấm hạng sao theo Quyết định 781 để thấy rằng, để đạt được tiêu chí 5 sao, 2 sản phẩm Trà xanh và Hồng trà của HTX chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật mà còn thỏa mãn nhu cầu của các thị trường khó tính ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Theo kết quả chấm điểm, trong số 20 sản phẩm, sản phẩm của Hà Giang được chấm điểm cao thứ 2 từ 93 – 95 điểm. Kết quả trên phản ánh nỗ lực của Hà Giang trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Tháng 3 năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 500/QĐ-UBND phê duyệt đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu sẽ thực hiện tại 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Giai đoạn 2020 - 2030 mở rộng ra tất cả các sản phẩm truyền thống có tiềm năng sản xuất hàng hóa và các sản phẩm mới.

Một điển hình về đề án OCOP là xã Xuân Giang, huyện Quang Bình - xã thuộc khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - đã cấy trên 260 ha lúa; chọn những cây, con đặc sản của địa phương để thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao OCOP; xây dựng làng nghề chế biến sau thu hoạch để tạo chuỗi giá trị. Đối với cây lúa nước, xã chọn vùng trồng lúa hàng hóa đặc sản như: Nếp cẩm, Nếp cái hoa vàng, Tám thơm đưa vào sản xuất hàng hóa. Các vùng lúa đặc sản sẽ cấy tập trung thành vùng theo lối canh tác truyền thống. Cùng với trồng lúa là xúc tiến thành lập HTX, đầu tư công nghệ chế biến sâu lúa gạo đặc sản từ Nếp cẩm, Nếp cái hoa vàng đạt chuẩn OCOP.

Đối với huyện Đồng Văn, là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đều nằm trong danh sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có 2 xã khu vực II (xã còn khó khăn) và 17 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn) đã triển khai Đề án 4 về phát triển cây Lê trong giai đoạn 2016-2020 tại 8/19 xã, thị trấn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Đến nay, toàn huyện có 172,92 ha cây Lê ăn quả, tập trung tại các xã, thị trấn như: Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú, Má Lé, Lũng Táo, Phố Là. Việc xây dựng nhãn hiệu Lê Đồng Văn giúp tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, đây chính là sản phẩm du lịch đặc trưng huyện muốn xây dựng, gìn giữ và phát triển. Gắn với chương trình cải tạo vườn tạp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn định hướng cho người dân trồng cây ăn quả lâu năm, trong đó có cây Lê. Từng bước quy hoạch các vườn Lê ăn quả có chất lượng cao, thay thế cho các cây Lê phân bố rải rác được trồng tại mỗi gia đình.

Tương tự, ở huyện Mèo Vạc, có 18 đơn vị cấp xã thì  có 1 xã khu vực II (xã còn khó khăn) và 17 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn), là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào H’Mông, đã rà soát, đánh giá thực trạng, quy mô, khả năng phát triển của sản phẩm đăng ký theo kế hoạch. Nhiều sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP như Thịt lợn đen Lũng Pù; gạo Khẩu mang của HTX toàn thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; đậu răng ngựa của HTX dịch vụ du lịch Tà Làng, xã Pải Lủng; dịch vụ homestay Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; rượu Tam giác mạch của HTX Tả Lủng, xã Tả Lủng; sản phẩm tinh dầu xả Java của HTX Bảo Châu, xã Khâu…

Nhìn lại quá trình triển khai trong giai đoạn 2018-2020 cho thấy: Chương trình OCOP đã đạt những kết quả quan trọng. Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, sự vào cuộc hưởng ứng tích cực của người dân, tổ chức kinh tế, xã hội... các loại hình sản xuất tiên tiến ở nông thôn từng bước được hình thành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiệu quả hơn; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho dân cư miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2018-2020, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá phận hạng được 120 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh. Kết quả trên  xuất phát từ việc coi trọng công tác truyền thông đến các hộ nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh tập trung xây dựng các chuyên mục, bài, phóng sự về chương trình, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tuyên truyền Chương trình OCOP trên các website của các đơn vị, tại các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...

Đây cũng là kết quả của cách làm khoa học và thực tiễn với chu trình triển khai Chương trình OCOP qua 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”; việc đề xuất được thực hiên trên nguyên tắc theo nhu cầu và khả năng của chủ thể tham gia. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ 2-3 sản phẩm trở lên, có thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP. Đối với những sản phẩm nâng sao, tùy theo mức độ, đăng ký tham gia để có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp phù hợp với mức phân hạng; mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn từ 1-2 sản phẩm trở lên để nâng cấp sao.

Theo đánh giá, Chương trình OCOP đã tạo ra cơ hội để Hà Giang xúc tiến thương mại các sản phẩm của mình, thông qua đó, xúc tiến du lịch, tạo ra hình ảnh một Hà Giang hùng vĩ mà gần gũi thân thương. Đồng thời giúp nông dân liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất ra sản phẩm OCOP; góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.