Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2020

Sau 3 năm triển khai thí điểm, từ ngày 1/1/2020 phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chính thức đi vào hoạt động.

Đó là thông báo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tại lễ tổng kết 3 năm triển khai thí điểm do Ban Chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành phố Hà Nội tổ chức chiều 26/12.

Ban chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cho biết sẽ sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong quý 1-2020.

Phoos ddi booj
Trải nghiệm phố đi bộ Hồ Gươm

Đặc biệt, ban chỉ đạo cũng hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía nam khu phố cổ kết nối phía bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, để kết hợp hai khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể bổ trợ chức năng.

Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao giải đặc biệt về quy hoạch đô thị quốc gia; nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và khách quốc tế ủng hộ, đồng thuận và đánh giá cao.

Phó di bo
Phố đi bộ Hồ Gươm thu hút đông đảo khách nước ngoài

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trở thành một thương hiệu, một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Mỗi dịp cuối tuần, phố đi bộ Hồ Gươm thu hút khoảng hơn 20.000 người mỗi ngày.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu quận Hoàn Kiếm tập trung chỉ đạo khắc phục ngay các tồn tại trong hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Pho di bo
Không gian phố đi bộ thu hút các gia đình trẻ vào dịp cuối tuần

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tiếp tục nghiên cứu ý tưởng thả chim bồ câu của một số nhà khoa học đề xuất. Quận cũng khẩn trưởng triển khai dự án đầu tư cải tạo nâng cấp chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu thực hiện các dự án thành phần phụ cận Hồ Gươm như: Khu vực nhà hàng Thủy Tạ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, kết nối đền Ngọc Sơn-đền Bà Kiệu, vườn hoa Lý Thái Tổ, tháp Hòa Phong, đền Vua Lê, các trục đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm...

Một mặt quận Hoàn Kiếm cũng thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức và hộ dân xung quanh hồ Hoàn Kiếm treo hoa trên ban công các công trình, ngôi nhà.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trong 3 năm qua, không gian đi bộ đã góp phần phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh của thủ đô Hà Nội, kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch thành phố.

Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh: năm 2016 là hơn 1,36 triệu người; năm 2017 là 1,95 triệu lượt người; năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt người; đến 9 tháng của năm 2019 đạt 1,24 triệu lượt người tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tăng mạnh, thu ngân sách năm 2019 tăng gần gấp đôi năm 2016, chỉ sau 3 năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 5.387 tỉ đồng; năm 2017 đạt 7.020 tỉ đồng; năm 2018 đạt 8.840 tỉ đồng; ước năm 2019 đạt 9.749 tỉ đồng.

Nguyên Vỵ